Vào mùa trái rạ

Một học sinh tiểu học về thắc mắc với mẹ: Vì sao mẹ bảo thủy đậu lây dữ lắm, ai bệnh phải nghỉ học ở nhà 1 tuần đến 10 ngày, trong khi lớp con có bạn bị bệnh nhưng cô giáo nói chừng nào những mụn nước bể ra mới lây nên bạn ấy vẫn được đi học? Thông tin này khiến phụ huynh rất hoang mang vì nguy cơ lây nhiễm bệnh của con trẻ tại trường học. Đã vậy, khi liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng thì đơn vị này đã hết vắc xin ngừa thủy đậu.
Trường học là môi trường bệnh thủy đậu dễ lây lan nếu không phát hiện và cách ly ca nhiễm bệnh kịp thời.
Trường học là môi trường bệnh thủy đậu dễ lây lan nếu không phát hiện và cách ly ca nhiễm bệnh kịp thời.

CĂN BỆNH RẤT DỄ LÂY TRUYỀN

Theo BS CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh thủy đậu (dân gian hay gọi là bệnh trái rạ) do siêu vi Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên. Đây là bệnh rất dễ lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc gần. Nhìn chung, đây là bệnh lành tính, nhưng một số trường hợp biến chứng nặng có thể dẫn đến tàn phế và tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Bệnh thủy đậu đang có chiều hướng tăng mạnh trên địa bàn tỉnh và thời điểm tháng 1 đến tháng 3 là mùa bùng phát của các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

 
 

Dịch bệnh thủy đậu lan nhanh và phức tạp

Trước tình trạng dịch bệnh thủy đậu diễn biến phức tạp và số ca bệnh đang gia tăng nhanh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Các gia đình cần cho trẻ tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter, thường gặp vào mùa đông xuân. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ ban ngứa. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Thông thường, bệnh thủy đậu sẽ bùng phát sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 2 đến 3 tuần. Ban đầu, bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng nổi những mụn nước có đường kính từ l - 3 mm, chứa dịch trong ở vùng đầu, mặt, chi và thân. Các mụn nước này xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 giờ đến 24 giờ có thể nổi toàn thân. Người bị nhiễm bệnh có thể có từ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể. Trường hợp bệnh nặng, mụn nước sẽ to hơn. Nếu vệ sinh không tốt, mụn nước sẽ bị nhiễm trùng và sẽ có màu đục do chứa mủ.

Bên cạnh việc bị nổi mụn nước, bệnh nhân mắc thủy đậu thường có các triệu chứng đi kèm như sốt nhẹ, biếng ăn ở trẻ nhỏ và sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói ở người lớn hay trẻ lớn. Thông thường, sau từ 1 tuần đến 10 ngày bệnh sẽ tự khỏi, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng, nơi mụn nước có thể để lại sẹo.

Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước. Trường hợp nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này. Đặc biệt, sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông), khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra san thương của bệnh Zona, có người gọi là giời leo.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai hoặc sinh ra trẻ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu thai phụ mắc thủy đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh sẽ lây bệnh nặng cho con, với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA

Bệnh thủy đậu rất dễ truyền nhiễm và lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của người bị nhiễm. Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng hay mũi của người bị bệnh. Người mang mầm bệnh thủy đậu có thể lây bệnh cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi cơ thể xuất hiện mụn nước cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy. Do đó bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, nhất là ở môi trường có tiếp xúc gần như trường học.

BS CKII Lê Đăng Ngạn khuyến cáo phụ huynh không nên cho con đến lớp, đến chỗ đông người khi đang mắc bệnh thủy đậu nhằm tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. Tại gia đình, cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân nhằm tránh bị lây bệnh. Đối với trường học, giáo viên cần lưu ý tình trạng sức khỏe học sinh, phát hiện sớm và thực hiện cách ly ngay đối với học sinh mắc bệnh thủy đậu và các bệnh lây truyền khác.

Về chăm sóc và điều trị bệnh thủy đậu, quan trọng nhất là làm sạch da và vệ sinh thân thể bằng cách tắm rửa bằng các dung dịch sát trùng, thay quần áo nhiều lần trong ngày, cắt ngắn và vệ sinh móng tay, tránh cọ xát làm các bóng nước bị vỡ. Đặc biệt, không nên dùng kinh nghiệm dân gian cho người bệnh tắm bằng nước gốc rạ, nước lá cây…, vì dễ gây nhiễm trùng và bội nhiễm khiến bệnh trầm trọng thêm.

Về điều trị bệnh thủy đậu, thông thường chỉ là điều trị triệu chứng. Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân bị thủy đậu, đặc biệt ở những bệnh nhân có nổi nhiều bóng nước. Có thể dùng các thuốc kháng histamin như: Chlopheniramin, loratadine... Ngoài ra, có thể dùng các thuốc bôi tại chỗ như xanh methylen cũng có hiệu quả rõ rệt. Xanh methylen là loại thuốc sát khuẩn nhẹ, có dạng dung dịch dùng ngoài 1% hoặc dung dịch milian (gồm xanh methylen, tím gentian, ethanol, nước cất...). Bệnh nhân mắc thủy đậu hoàn toàn có thể điều trị và theo dõi tại nhà, chỉ nhập viện đối với trường hợp bệnh nặng.

Tuy là bệnh dễ lây lan nhưng thủy đậu hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả bởi vắc xin. Theo các chuyên gia y tế, vắc xin chống thủy đậu có hiệu quả bảo vệ bền vững và dài lâu. Vắc xin này được chỉ định tiêm 1 liều duy nhất đối với trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu; trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng mắc thủy đậu thì nên tiêm 2 lần, trong đó liều thứ hai cách liều thứ nhất từ 1 đến 2 tháng.

Nếu đã được chủng ngừa vắc xin thủy đậu thì 80 - 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối; khoảng 10 - 20% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu và thường là không bị biến chứng.

Hiện tại, mọi người có nhu cầu phòng bệnh thủy đậu có thể đến tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hoặc các trung tâm y tế huyện. Giá tiêm dịch vụ vắc xin thủy đậu hiện nay khoảng 650.000 đồng/liều. Tuy nhiên, do nhu cầu người dân tăng cao nên các đơn vị này đã hết vắc xin và đang chờ phê duyệt phương án mua vắc xin của cơ quan chức năng.

Tác giả bài viết: Thủy Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc