Trị bệnh bằng thuốc Nam và những bất cập

Nam dược là một ưu tiên trong nghiên cứu điều trị bệnh của ngành Y tế. Các bài thuốc dân gian, thuốc gia truyền được đưa ra nghiên cứu tính hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh công tác thừa kế, nghiên cứu dịch thuật y văn…

Đối với người dân, thuốc Nam đang được nhiều người chú ý sử dụng. Tuy thuốc Nam có hiệu quả trị bệnh tốt nhưng việc sử dụng thuốc Nam của không ít bà con hết sức tùy tiện, dẫn đến tác hại cho sức khỏe.

Khổ qua rừng được xem là bài thuốc quý trong giải độc gan và hạ đường huyết, tuy nhiên liều lượng và cách dùng phải được chỉ định của thầy thuốc.
Khổ qua rừng được xem là bài thuốc quý trong giải độc gan và hạ đường huyết, tuy nhiên liều lượng và cách dùng phải được chỉ định của thầy thuốc.

NAM DƯỢC KỲ DIỆU

Theo tổng hợp của Hội Đông y tỉnh, trong năm 2014 toàn tỉnh có hơn 4,3 triệu lượt người chữa bệnh bằng Đông y, trong đó có 3,2 triệu lượt người điều trị bằng thuốc và số còn lại điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: Vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…

Để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh bằng Đông y ngày càng tăng của người dân, Hội Đông y tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho hội viên; đẩy mạnh công tác thừa kế, nghiên cứu dịch thuật y văn; củng cố vườn thuốc mẫu…

Trong năm 2014 có 25 đề tài kế thừa có giá trị được công nhận như: Điều trị bệnh trúng phong, điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, điều trị bệnh phong thấp, điều trị đau nhức xương khớp bằng thuốc Nam, điều trị bệnh mất ngủ… Từ kết quả này cho thấy nhu cầu điều trị bệnh bằng Đông y của người dân ngày một tăng cao. Đặc biệt, người dân ngày càng ý thức được giá trị của những cây thuốc quanh nhà. Thuốc Nam bắt đầu được nhiều người bệnh tin dùng.

Về giá trị chữa bệnh của thuốc Nam được ngành Y tế công nhận là rất tốt, nhất là trong điều trị những bệnh mãn tính. Các chuyên gia về dược liệu học khẳng định “người Việt Nam đang sống trên đống thuốc”. Thật vậy, y học đã chứng minh nhiều bài thuốc dân gian truyền nhau rất có hiệu quả trong điều trị bệnh, chẳng hạn: Thuốc chữa rắn cắn, thuốc chữa đau khớp, thuốc giúp hoạt huyết dưỡng não, thuốc giải độc gan, thuốc bổ thận… Điều đặc biệt là nguyên liệu để bào chế ra những bài thuốc quý đó không xa lạ, mà chính là những rau, quả, cây thuốc quanh nhà.

Theo các chuyên gia về Đông dược, việc sử dụng các bài thuốc Nam để chữa các bệnh thông thường có rất nhiều ưu điểm so với Tây dược. Các cây thuốc Nam dễ trồng, dễ tìm kiếm và thường được phổ biến dưới dạng các loại rau, trái cây, gia vị. Đa số các bài thuốc chữa một số bệnh thường gặp đều rất an toàn, ít gây tác dụng phụ và tránh được hiện tượng lờn thuốc như thường gặp trong Tây y.

Mặt khác, việc phổ biến các cây thuốc Nam trong các vườn thuốc gia đình có ý nghĩa lớn trong việc sơ cứu những chứng bệnh nguy hiểm thường có chuyển biến nhanh như rắn cắn, sốt cao… Chữa bệnh bằng thuốc Nam có lợi do nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và ít tốn kém.

KHÔNG NÊN DÙNG THUỐC TÙY TIỆN

Thuốc Nam có giá trị chữa bệnh rất cao, nhất là đối với những bệnh mãn tính. Việc trồng và sử dụng thuốc Nam được ngành Y tế khuyến khích. Tuy nhiên, đã là thuốc thì việc sử dụng phải hợp lý về liều lượng và đúng bệnh. Một thực trạng rất đáng ngại hiện nay là việc sử dụng thuốc Nam của không ít bà con khá tùy tiện.

Nhiều người bệnh đã tự ý “kê toa, bốc thuốc” cho mình theo lời đồn thổi, truyền miệng. Cụ thể là bà Lê Thị H. ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Bà H. được bác sĩ chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 2 và chỉ định dùng thuốc hàng ngày. Uống thuốc được hơn 2 năm cảm thấy ngán ngẫm vì mỗi ngày phải uống thuốc và mỗi tháng phải đến bệnh viện để xét nghiệm nên bà H. tự ý chuyển qua sử dụng thuốc Nam theo truyền miệng.

Bà H. nói: “Nhiều người nói uống thuốc Tây nhiều không tốt, uống thuốc Nam trị được bệnh tiểu đường tận gốc và ăn uống khỏi phải kiên khem nên tôi cũng tin theo. Mỗi người chỉ một bài, nào là uống nước dây khổ qua, nào là ăn bồ ngót sống, rồi lấy rễ cây dứa gai nấu nước uống…, bài thuốc nào tôi cũng thử qua.

Thấy sức khỏe bình thường, chỉ có đau nhức khớp xương nên tôi nghĩ đó là bệnh tuổi già, còn bệnh tiểu đường thì đã khỏi rồi. Nhưng khi tôi đứt chân, vết thương cả tháng không lành được mà còn lở loét, đau nhức quá phải tới bệnh viện. Bác sĩ cho biết vết thương của tôi bị hoại tử do bệnh tiểu đường nặng và phải tháo bỏ ngón chân. Lúc đó tôi mới tá hỏa là bệnh của tôi đã nặng hơn”.

Còn trường hợp của ông Ngô Văn Nh. ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy thì đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng chân tay sưng phù và khó thở. Ông được bác sĩ cấp cứu và chẩn đoán bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo. Quá bất ngờ, ông được bác sĩ giải thích là suy thận diễn biến từ từ và không có triệu chứng cụ thể, khi có triệu chứng thì bệnh đã nặng.

Ông Nh. chia sẻ: “Khoảng 1 năm nay tôi hay bị đau lưng. Nghe nhiều người bày lấy rễ cây nhàu ngâm rượu uống sẽ êm mình, tôi ngâm và mỗi ngày uống 2 ly (vào bữa cơm sáng, chiều), cảm thấy lưng hết đau. Vậy mà không ngờ bác sĩ nói tôi đã bị suy thận mãn nhưng không được phát hiện sớm. Đã vậy còn uống rượu hàng ngày làm cho thận đào thải khó khăn và bệnh suy thận diễn biến nhanh hơn. Bây giờ thì khổ rồi!”.

Bác sĩ Phan Văn Hồng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho rằng: Việt Nam có rất nhiều vị thuốc quý hiếm và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Tuy nhiên, khi quyết định sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, người bệnh cần phải được khám và chỉ định điều trị của người có chuyên môn, tuyệt đối không nên dùng thuốc theo lời truyền miệng, đồn thổi vì sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ, cùng một triệu chứng bệnh nhưng sẽ có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, hoặc cùng một bệnh nhưng mức độ bệnh và cơ địa mỗi người cũng khác.

Một bài thuốc, vị thuốc có thể chữa lành bệnh cho bệnh nhân này nhưng lại phản tác dụng đối với bệnh nhân khác. Do đó, thầy thuốc sẽ khám, tìm ra nguyên nhân bệnh và xác định tình trạng sức khỏe của người bệnh để có chỉ định điều trị tốt nhất.

Tác giả bài viết: Thủy Hà

Nguồn tin: Ấp Bắc