Những cái nhất của năm 2012 (Bài 2)

Chưa khi nào khủng hoảng kinh tế có tác động sâu sắc như thế đến làng văn hóa nghệ thuật Việt, theo cả hai chiều: vút bay và rơi thẳng. Hàng loạt những kỷ lục được lập nên và đang chờ được phá trong năm 2013.
Thời trang tung bay
 

Các cửa hàng kinh doanh thời trang thì điêu đứng, những khẩu hiệu “xả hàng”, “giảm giá cực sốc” được dùng với tần số kỷ lục cho các cửa hàng thời trang trong năm nay, cú sụp đổ cuối năm của một đại gia hàng hiệu… Nhưng trên các sàn trình diễn, thời trang vẫn tung bay.

Hàng loạt các fashion show lớn nhỏ tấp nập tổ chức, mà đỉnh điểm là The Muse - Nàng thơ của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường. Tổng kết một chặng đường 5 năm của nhà thiết kế ăn khách hàng đầu, đầu tư 5 tỷ đồng, sàn catwalk dài 50 mét, gần 70 người mẫu, hơn 800 khách mời, những bộ sưu tập hấp dẫn, The Muse được xem là show thời trang nắm giữ nhiều kỷ lục nhất không chỉ của năm 2012. Đó là chưa kể các người mẫu phải choàng lên người những bộ trang phục nặng nhất, đội trên đầu những vòng hoa nặng nhất (tới 3kg, bằng sắt).

Không chỉ tung bay trên sàn catwalk, thời trang còn phủ màu quyền lực lên toàn bộ giới V-biz. Thông tin xuất hiện nhiều nhất trên các trang báo giải trí năm qua đều gắn với thời trang cùng với trình độ cập nhật những xu hướng thời trang thế giới của các nghệ sĩ Việt. Đi dự một sự kiện thời trang ở nước ngoài, một siêu mẫu phải đi sắm ngay chiếc túi trị giá gần 700 triệu đồng, trở thành sự kiện. Để xuất hiện trong vai trò giám khảo một game show, một nữ ca sĩ chi ngay 100 triệu cho bộ đầm mới, cũng thành sự kiện...

Giải thưởng trong các cuộc thi liên quan tới thời trang cũng rất “khủng”. Người chiến thắng của Vietnam Next Top Modelngoài việc nhận được ngay 200 triệu đồng tiền mặt còn nhận được hợp đồng làm việc trị giá một tỷ đồng!

Và thời trang (áo dài) được chọn làm đại diện cho văn hóa Việt Nam tại Mỹ. Cụ thể, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ (New York) đã chọn áo dài cùng với tranh Đông Hồ để trưng bày cho chủ đề Văn hóa châu Á, bên cạnh một số đại diện từ các nước khác trong khu vực, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Nhà thiết kế có áo dài được chọn trình diễn tại đây là Lê Thanh Phương.

Nhưng không bay cao được như ca nhạc, bởi tại phần thiệt hại hơi nhiều, tỷ lệ thuận với độ hở và độ mỏng của trang phục. Nhẹ thì, như Á hậu - Siêu mẫu Võ Hoàng Yến vừa phải chịu án phạt 3,5 triệu đồng vì hở ngực trong một show trình diễn. Trước đó, bộ trang phục ren trong suốt của nhà thiết kế Hoàng Hải mà người mẫu thíchscandal Hồng Quế sử dụng trên thảm đỏ LHP Quốc tế Hà Nội 2012 cũng nhận được vô số đá của dư luận. Nặng hơn, như Hồng Hà, Mỹ Xuân bị bắt quả tang trong đường dây bán dâm chuyên nghiệp…


Siêu mẫu Thanh Hằng trong đêm thời trang The Muse - Nàng thơ



Nếu anh không đốt lửa

Sân khấu kịch phía Nam, người luôn “đốt lửa” thị trường, năm qua hoặc “củi ít” hoặc mang tâm lý “để dành củi” nên giữ một trạng thái tương đối ổn định, không xanh (lên) cũng không đỏ (xuống). Cuối năm, Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) dựng lại Lời thề thứ 9của cố tác giả Lưu Quang Vũ với hy vọng đánh thức lại không khí sân khấu hừng hực ngọn lửa thời sự xã hội một thời. Trước đó, tái diễn Nàng Sita của Nhà hát Chèo Hà Nội, vở diễn ăn khách nhất trong lịch sử của chèo hiện đại, cũng mang tâm thế đó. Nhưng một vài đốm lửa nhỏ không đủ sức thắp sáng sân khấu thủ đô suốt 12 tháng.

“Tác phẩm” lớn nhất và gây chú ý nhất của sân khấu trong năm 2012 không diễn ra trên sân khấu, mà liên quan tới số phận của “anh cả đỏ”, Nhà hát Kịch Việt Nam. Dự án sáp nhập hai nhà hát, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, sau nhiều màn, nhiều cảnh đấu khẩu ồn ào và gay cấn kéo dài từ năm ngoái, đến tháng 5/2012 thì hạ màn với quyết định thu hồi dự án kèm theo thu hồi quyết định bổ nhiệm cán bộ cho mô hình nhà hát mới của Bộ VH,TT&DL. “Ông vua” của dự án nói trên - người theo “kịch bản” ban đầu sẽ là giám đốc của hai nhà hát, tức Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam (nếu được thành lập), đạo diễn Lê Hùng “hết vai”. Nhưng không như nhiều cái kết đẹp, có hậu của hầu hết các vở diễn, vai diễn của vị đạo diễn lừng danh này rời sân khấu trong một dư âm buồn. Phải tới màn cuối cao trào của vở diễn, tất cả mọi người mới đồng thanh lên tiếng một sự thật là ông vua ấy ngồi trên ngai vàng nhưng chưa bao giờ làm vua thực sự. Dù sao cuối cùng lửa cũng được đốt lên.

Diều không gió

Trắng tay tại các LHP quốc tế khi dòng phim nghệ thuật hoàn toàn vắng bóng trong năm nay. Thời kinh tế khủng hoảng, khoản tiền gần 40 tỷ bốc hơi khỏi két của Cục Điện ảnh xem như đã… bốc hết sạch hơi khi vụ án đã được tạm đình chỉ do không tìm thấy bị can chính trong vụ án. Bầu sữa ngân sách tiếp tục bị vắt 6 tỷ đồng bằng mọi cách, từ kịch bản Cát nóng của Phạm Thùy Nhân chuyển thành kịch bản Cát nóng của Lê Hoàng, lập kỷ lục bộ phim được làm nhanh nhất và âm thầm nhất từ trước tới nay của phim Việt. Bởi vậy ngay cả những tên tuổi từng được gắn với dòng phim này như Lưu Huỳnh, Ngô Quang Hải cũng quay sang các dự án làm phim “gần hơn với khán giả”, nói cách khác là nhắm tới doanh thu phòng vé.

Nếu tin vào số liệu công bố của nhà sản xuất, thì năm 2012 kỷ lục doanh thu phòng vé thuộc về Scandal - Bí mật thảm đỏ của đạo diễn Victor Vũ, ước tính đạt khoảng 30 tỷ đồng. Nhưng nếu cũng có lòng tin như thế thì sẽ không thể là sự thật vụ tố một đại gia phim Việt giật nợ 5 tỷ đồng. Phim Tết của đại gia này luôn dẫn đầu doanh thu phòng vé với hàng chục tỷ đồng.

Vượt qua nỗi buồn bất tận liên quan tới kim tiền, nỗ lực tổ chức một LHP Quốc tế Hà Nội chuyên nghiệp, thu hút nhiều cái tên chất lượng của điện ảnh khu vực và quốc tế tham dự là điểm sáng nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm qua. Nhưng chất lượng phim tham gia của nước chủ nhà quá thấp, trong đó hai phim lại chê nhiều nhất đều của hai đạo diễn tên tuổi, Phi Tiến Sơn (Đam mê) và Lê Hoàng (Cát nóng), cộng với sự cố ấm ĩ nhất trên thảm đỏ liên quan tới chiếc váy ren xuyên thấu của một vị khách không mời mà đến, đã kéo cánh diều của LHP bay là là mặt đất.

Danh sách phim thảm họa vẫn chưa hết khi năm 2012 dòng phim hài nhảm, phim đồng tính nhảm bùng phát với những Hello Cô Ba, Giấc mộng giàu sang, Nàng men chàng bóng, và sẽ còn tiếp tục kéo dài tới mùa phim Tết năm nay với những tựa phim sớm được liệt vào hàng “thảm họa tựa phim Việt” như: Iêu em, anh dzám hok?, Nhà có năm nàng tiên, Bay vào cõi mộng.

An ủi của một năm tiền mất, (phim) tật mang bất ngờ đến từ một dòng phim “underground”, phim ngắn của Tiệc phim trực tuyến YxineFF với những bộ phim ngắn nhất (tiết kiệm thời gian người xem phim, nếu chẳng may phim dở), tiêu ít tiền nhất (toàn tiền túi của chính các nhà làm phim), phát hành phim rộng rãi nhất (trên mạng, cho người xem toàn cầu), và cũng có nhiều tác phẩm có chất nghệ thuật nhất.

Chuông khó vang

Chưa khi nào những cuộc đầu tư quảng bá cho văn chương lớn như thế. Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Liên hoan Thơ Thái Bình Dương, nước chủ nhà thể hiện rõ tiềm năng của một cường quốc thơ ca. Đây cũng là liên hoan thơ khu vực lần đầu tiên được tổ chức trên thế giới, với sự tham gia của đại diện từ 28 quốc gia. Lần đầu tiên (có lẽ là trên cả thế giới) thơ được trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn cùng với văn xuôi, nhạc, họa, kịch, trong Bay cùng ViliTiểu thuyết mới Sông của cây bút được chờ đợi Nguyễn Ngọc Tư ra mắt xuyên Việt.

Nhưng hiện tượng trên thị trường sách trong năm lại thuộc về cuốn ghi chép ký sự trên đường của Huyền “Chíp”, một cô gái nổi tiếng với hành trình đi qua 25 quốc gia chỉ với 700USD trong túi. Và hiện tượng tốn tranh luận nhất trong năm thuộc về “các vấn đề dịch thuật”. Do lỗi dịch sai quá nhiều, cuốn sách Bản đồ và vùng đất đã được NXB Văn học và Công ty Nhã Nam thu hồi sau một thời gian phát hành để hiệu đính. Song hội chứng nghi ngờ chất lượng dịch thuật đã kịp lây lan rất nhanh khiến ngay cả bản dịch xuất sắc giành giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2012, Lolita, cũng bị đem ra săm soi mổ xẻ tận chân tóc.


Nguồn tin: thethaovanhoa.vn