Đờn ca tài tử Nam bộ: một thế kỷ nội địa hoá và phổ thông hoá

Ngày 27.9, cuốn Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (Phương Nam Book & NXB Văn Hoá - Văn Nghệ TP.HCM, 2013) của Nguyễn Lê Tuyên - Nguyễn Đức Hiệp sẽ được phát hành.
Lấy ngày sinh của nữ nghệ sĩ balê Cléo de Mérode (27.9.1875 – 17.10.1966) làm cột mốc phát hành sách về nghệ thuật bản địa Việt tất phải có duyên cớ đặc biệt. Bởi nhờ điệu múa của nữ minh tinh này tại hội chợ thế giới Paris năm 1900 mà đờn ca tài tử Nam bộ mở được đường ra quốc tế từ rất sớm.

Đờn ca tài tử là đứa con nội sinh của văn hoá Nam bộ nửa cuối thế kỷ 19, được cho là kết quả cuộc hôn phối giữa nhã nhạc - nhạc tài tử cung Huế với âm nhạc dân gian – dân ca Trung bộ, Nam bộ.

Nếu nhã nhạc – nhạc tài tử cung Huế chuộng tính hàn lâm, thính phòng, với chủ đề thanh lịch, trang nghiêm, bay bướm… thì đờn ca tài tử Nam bộ lại chuộng yếu tố bình dân, trần trụi, đại chúng, với chủ đề thiên về nỗi lòng, sự giãi bày và tình cảm đời thường. Chơi đờn ca tài tử có thể ba, bốn, năm nhạc công, mà ít hơn hay nhiều hơn cũng chả sao; nhạc công có thể cởi trần, ngồi bờ ruộng, gốc cây và say sưa tuý luý! Ban đầu chỉ có đờn, thường song tấu, tam tấu và cả hoà tấu nhóm, sau kết hợp thêm ca nên gọi là “đờn ca”. Còn “tài tử” là từ chỉ những người có tài riêng, mà thường là về biểu diễn cổ nhạc, về văn hoá văn nghệ.

Các định nghĩa trong vài từ điển gần cùng thời như Đại Nam quấc âm tự vị (in năm 1895 và 1896) của Huình Tịnh Paulus Của, Hán - Việt từ điển giản yếu (thập niên 1930) của Đào Duy Anh, Việt Nam tự điển của hội Khai trí Tiến đức… đều định nghĩa xoay quanh “người có tài”. Trước đó, Nguyễn Du cũng viết “dập dìu tài tử giai nhân”, Nguyễn Công Trứ thì “tài tử với giai nhân tế ngộ nan”…

Nửa cuối thế kỷ 19, Nam bộ vẫn đất rộng người thưa, giang hồ tứ xứ đến đây gác kiếm làm ăn, nên âm nhạc cũng phải thoải mái, dễ dàng, bài bản cứng nhắc quá e không hợp. Hơn nữa, trong hành trình về phương Nam, bên cạnh việc mở đất và chung sống, đây cũng là cuộc chung đụng về văn hoá, tâm linh và cả tự tình, triết lý. Có vài sử liệu cho rằng đờn ca tài tử do các nhạc sư gốc Trung kỳ sáng tạo nên hồi cuối thế kỷ 19, với mục đích chơi cho hợp bối cảnh sống mới. Họ gồm Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi, một quan về âm nhạc của triều Nguyễn), Lê Tài Khị (tức Nhạc Khị) và Trần Quang Quờn (tức thầy ký Quờn).

Theo GS.TS Trần Văn Khê, đờn ca tài tử Nam bộ đã được giới thiệu với UNESCO từ những năm đầu thập niên 1960. Chính UNESCO Collection đã phát hành đĩa nhạc theo thể loại đờn ca tài tử Nam bộ, gồm 11 bài, với tựa Viet Nam – Traditions of the South… Cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng đã chỉ ra cho thấy loại hình âm nhạc đại chúng này đã thu hút người Pháp từ đầu thế kỷ 20. Ngay tại hội chợ thế giới Paris năm 1900, lúc tài tử Nguyễn Tống Triều cùng ban nhạc tài tử được mời sang biểu diễn và hoà tấu cho Cléo de Mérode múa, nhà nhạc học Julien Tiersot đã ký âm Vũ khúc Đông Dương – được xem là bản ký âm đầu tiên của đờn ca tài tử trên năm dòng kẻ theo kỹ thuật thanh nhạc Tây phương. Chính sự kiện này đã thu hút vài nhà soạn nhạc lớn, ví dụ Claude Debussy (1862 – 1918), người có nhiều tác phẩm chịu ảnh hưởng bởi hát bội, đờn ca tài tử.

Nếu mọi việc suôn sẻ, đầu tháng 12 tới UNESCO sẽ công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại. Vậy là sau hơn một thế kỷ nội sinh và phát triển, chính việc phổ thông hoá nhạc bác học, hàn lâm mà đờn ca tài tử phổ biến rộng rãi trong đời sống bình dân của người Nam bộ.
 

Bạn đọc có quan tâm đến cuốn sách và đờn ca tài tử, vào lúc 10 giờ 30 ngày 27.9 đến Càphê Thứ Bảy (19B Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM) để giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên về cuốn Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Buổi giao lưu cũng sẽ phục hiện bản ký âm Vũ khúc Đông Dương qua sự trình tấu của sáu tài tử gồm Út Tỵ, NSƯT Hải Phượng, Trường Giang, Văn Môn, Huỳnh Tuấn và Duy Kim.

Nguồn tin: SGTT