Trái cây Tiền Giang, mở đường ra biển lớn...

Trái cây Tiền Giang, mở đường ra biển lớn...
ĐBSCL là “vựa trái cây” của Việt Nam và Tiền Giang là tỉnh đứng đầu, với trên 69.000 ha cây ăn trái, trong đó có trên 93% đã là vườn chuyên canh. Thực tiễn phát triển kinh tế vườn ở Tiền Giang có thể rút tỉa được nhiều điều, để mở đường cho trái cây Việt Nam vươn ra biển lớn...

* Hội nhập để phát triển…

Trong khi giới quan sát lo ngại bởi trái cây ngoại xuất hiện ngày càng nhiều, càng phổ biến tại thị trường ĐBSCL và cả nước. Thì trong vòng 5 năm gần đây, diện tích vườn trồng cây ăn trái ở Tiền Giang tăng thêm trên 8.000ha, sản lượng hàng năm đã đạt gần 1 triệu tấn, giá trị sản lượng gần 2.500 tỉ đồng và nhiều nhà vườn đã giàu lên với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Những con số ấy đã khẳng định: trái cây Tiền Giang, trái cây ĐBSCL vẫn đang và ngày càng khẳng định vị thế của mình. Giới truyền thông đã ghi nhận sự khởi sắc của kinh tế vườn ở Tiền Giang, với phong trào canh tác trái cây theo tiêu chuẩn GAP, với “dự án vay vốn phát triển cây ăn trái” của hàng nghìn nhà vườn, với số vốn mà ADB bơm vào nghề vườn hàng chục tỉ đồng, rồi cả “làng triệu phú” ở Cồn Quy (Cái Bè), với những nhà vườn tiêu điển như ông Sáu Hiếm, Ba Tiếp, Sáu Cồn, Hai bé, Hai Đạt, Tư Long… cùng phong trào liên kết xây bờ bao ngăn lũ, ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo tiêu chuẩn quốc tế mà trở nên giàu có, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngay tại Tân Phú Đông - huyện đảo khắc nghiệt của Tiền Giang, cũng đã có người trở thành triệu phú, chỉ từ nữa ha vườn trồng mảng cầu xiêm...

* Mở đường ra thị trường thế giới…

Điểm mấu chốt trong phong trào phát triển kinh tế vườn ở Tiền Giang là chủ trương tổ chức lại kinh tế vườn mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh khởi xướng vài năm gần đây. Chương trình hỗ trợ và phát triển toàn diện bốn loại cây ăn trái đặc sản có kết hợp với du lịch sinh thái, gồm: Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Sơ ri Gò Công, Xoài cát hòa Lộc vùng Hòa Hưng và Khóm vùng Tân Phước đã được triển khai thực hiện. Sau gần 2 năm, các biện pháp hỗ trợ phát triển trái cây đặc sản, mô hình quy trình sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GAP) đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của nhà vườn, tạo bước chuyển biến toàn diện từ quan hệ sản xuất, đến kỹ thuật canh tác, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Kết quả thuyết phục nhất phải kể đến cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) đã chính thức được công nhận Global GAP. Tại huyện này đã hình thành hợp tác xã (HTX) Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, với diện tích chuyên canh vú sữa Lò Rèn trên 50ha theo tiêu chuẩn Global GAP, sản lượng 400 tấn/năm. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, HTX đã xuất gần 10 tấn trái thương phẩm sang thị trường Anh, Canada. Hiện Ban Chủ nhiệm vẫn đang ráo riết thu mua từ các hộ xã viên với giá 45.000đ/1kg, cung theo đơn đặt hàng của Cty TNHH thương mại – dịch vụ Rồng Đỏ để Cty này xuất sang thị trường Anh. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn, tuyên bố: Vú sữa Lò Rèn trồng theo tiêu chuẩn GAP hiện không đủ cung theo đơn đặt hàng nên Ban Chủ nhiệm đang vận động xã viên trồng thêm 50ha nữa.

Cùng với Vú sữ Lò Rèn, sơ ri, dưa hấu (Gò Công), cam sành, bưởi lông Cổ Cò (Cái Bè), sầu riêng (Cai Lậy), khóm (Tân Phước), Thanh Long (Chợ Gạo)… cũng đã và đang tạo dựng danh tiếng không chỉ trên thị trường trong nước. Đặc biệt, trái xoài cát Hòa Lộc - một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang, sản phẩm trái cây đầu tiên trong vùng ĐBSCL được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tìm được “chỗ đứng” trên thị trường quốc tế. Mới đây, đã có thêm 4 tấn trái thương phẩm của HTX Xoài cát Hòa Lộc ở xã Hòa Hưng (Cái Bè) được đóng gói lên đường sang Nhật Bản. Theo Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Thực, trong 3 tháng đầu năm nay HTX này đã xuất 60 tấn trái xoài cát Hòa Lộc sang thị trường Nhật và đang tiếp tục tiến trình thực hiện hợp đồng cung ứng 100 tấn cho đối tác. HTX này hiện có 100 hộ xã viên trồng 50ha xoài cát Hòa Lộc, sản lượng năm nay có thể đạt tới trên 400 tấn trái thương phẩm, với giá bình quân 24.000đ/1kg mà HTX đang thu mua, sau vụ này nhiều hộ đã có thể giàu lên từ mảnh vườn của mình.

* Sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao…

Những trái xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, sơ ri Gò Công, bưởi, cam Cái Bè, sầu riêng Cai Lậy… sẽ là những trái cây đại diện đặc trưng trong lễ hội trái cây Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Tiền Giang. Và điều mà Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc đúc kết từ quá trình tổ chức lại kinh tế vườn: “Đối với mô hình GAP, sau khi học hỏi nông dân cần có diện tích đất lớn để tổ chức thực hiện, nên nhiều nông dân cần liên kết lại thành một nhóm, những nhóm nông dân sẵn có là các HTX sản xuất nông nghiệp, câu lạc bộ khuyến nông… Đây có thể là những đơn vị nòng cốt đi đầu trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP” – Hoàn toàn có thể trở thành hướng đi chung cho phong trào phát triền vườn trái cây của ĐBSCL và cả nước.

Thực tế, sự liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, phát triển theo hướng chuyên canh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, chất lượng cao ở Tiền Giang không chỉ là yêu cầu cơ bản tạo bước đột phá trong tiến trình tìm đường cho trái cây ra thị trường thế giới, mà cũng chính là nhu cầu để hình thành quy trình canh tác nguyên liệu - sản xuất công nghiệp chế biến hàng hoá lớn đang hé mở tại Tiền Giang. Tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sơ ri 20 ha, với nhu cầu sản lượng lên tới 1.000 tấn trái thương phẩm/năm để đưa vào chế biến xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ vốn, giống và bao tiêu sản phẩm đang được triển khai thực hiện. Báo chí địa phương nhận định đây là bước đi cụ thể trong nỗ lực phát huy lợi thế cây sơ ri – nột trong 7 loại cây đặc sản của Tiền Giang.

Những tín hiệu chuyển mình về kinh tế vườn ở Tiền Giang có ý nghĩa dẫn đường cho trái cây Việt Nam trong thời hội nhập. Đó là cơ sở để Tiền Giang tự tin đảm nhận sứ mệnh chủ nhà của Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất, với kỳ vọng: hoá giải tình trạng “thua trên sân nhà”, vạch ra những bước đi cụ thể, đế trái cây Việt Nam không chỉ bày bán bên lề quốc lộ hay lênh đênh với những ghe chèo trên chợ nổi, mà có thể trở thành cái nền sinh thái hấp dẫn du khách thập phương, có thể đi vào nhà máy, siêu thị, có thể lên tàu, lên máy bay vươn ra thị trường thế giới!

“Nếu được hướng dẫn tổ chức thực hiện sản xuất theo GAP, loại hình tổ hợp tác sản xuất hứa hẹn là nhóm nông dân tiên phong trong việc tự nguyện kết nối sản xuất trái cây GAP, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm trái cây có chất lượng cao và độ an toàn được đảm bảo, mang đến cơ hội cho trái cây Tiền Giang xâm nhập vào thị trường các nước láng giềng, châu Á, châu Âu, hay châu Mỹ”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trần Thế Ngọc)

Tác giả bài viết: Phương Minh

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn