Tối nay 19/4, khai mạc Festival Trái cây VN lần thứ nhất: Ghi danh thương hiệu toàn cầu

Thu hoạch khóm (dứa) ở Tiền Giang. Ảnh: Duy Anh

Thu hoạch khóm (dứa) ở Tiền Giang. Ảnh: Duy Anh

Từ khi đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, nhiều mặt hàng nông sản của VN như gạo, cá tôm, cà phê, hạt điều…đã vươn ra thế giới và đã có vị trí xứng đáng trong lòng người tiêu dùng trên khắp 5 châu. Riêng “nàng Út” trái cây như vẫn “khép chặt khuê phòng”. Bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, thấy mình “thua chị kém em”, trái cây VN đang chuẩn bị cuộc hành trình vươn ra biển lớn!

Tiềm năng chưa được đánh thức

VN là đất nước được thiên nhiên ưu đãi “cây lành trái ngọt”, cây trái phong phú suốt 4 mùa. Đặc biệt là khu vực ĐBSCL được bồi đắp bởi hệ thống sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, có nhiều khu vực chuyên canh cây ăn trái nổi tiềng với tên gọi “miệt vườn”. Tiền Giang là tỉnh đứng đầu đồng bằng với gần 70 ngàn hecta cây ăn trái, sản lượng hàng năm gần 1 triệu tấn, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn trái cả nước. Trong 5 năm qua, diện tích vườn cây ăn trái ở Tiền Giang tăng thêm khoảng 8.000ha, nhiều nhà vườn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, trái cây VN nói chung và Tiền Giang vẫn “nổi tiếng” chủ yếu ở trong nước, cùng 1 lượng không nhiều xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu trái cây VN còn rất nhiều khó khăn, hạn chế do: chưa tạo được thương hiệu; sản xuất còn manh mún, chưa có tính hàng hoá cao; công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, không bảo quản được lâu; chưa áp dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật để tăng tính cạnh tranh...Việc đầu tư ở cấp vĩ mô cùng những chính sách lớn chưa đủ “đô” để giúp trái cây VN có thể vươn ra biển lớn. Những nỗ lực tự thân của nhà vườn, những chính sách, sự quan tâm mang tính cục bộ của từng địa phương chỉ có thể giúp cho trái cây VN phát triển được bề rộng, không bền vững. Đã đến lúc cần phải phát triển chiều sâu, căn bản hơn, cần xâm nhập thị trường thế giới!

Từ vườn tạp tới vườn Gap

Cách đây khoảng 10 năm, giới nhà vườn ở Tiền Giang và các tỉnh lân cận nổi lên phong phá bỏ “vuờn tạp”, chuyển qua trồng chuyên canh cây ăn trái. Sự thay đổi đó tuy có tốt hơn, trái cây có tính hàng hoá cao hơn, nhưng cũng không đem đến hiệu quả lớn như nhiều người mong đợi. Tiếp theo là phong trào “vườn được chăm sóc tốt”, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhà vườn áp dụng, năng suất và chất lượng trái cây được cải thiện, trái cây VN đã tiến thêm 1 buớc, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trái cây ngoại bằng nhiều cách cũng đã xâm nhập vào nước ta, sự yếu thế của trái cây nội có điều kiện bộc lộ đầy đủ hơn, nhiều nơi xuất hiện tình trạng trái cây VN “thua trên sân nhà. Một lần nữa, nhà vườn ở “Vương quốc trái cây” lại đi đầu để “vượt lên chính mình”. Dự án “vay vốn phát triển cây ăn trái” của hàng nghìn nhà vườn, với số vốn hàng chục tỉ đồng, đã cho ra đời các “làng triệu phú” cây ăn trái ở Cái Bè. Nhiều nhà vườn đã liên kết xây bờ bao ngăn lũ, ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo tiêu chuẩn quốc tế mà trở nên giàu có, có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ những thành quả đó, trái cây Tiền Giang tiếp tục hướng đến 1 chương trình cơ bản, toàn diện hơn, theo cái cách mà những nhà vườn tiên tiến trên thế giới đang thực hiện, đó là  canh tác trái cây theo tiêu chuẩn Global GAP (sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu).

Đường lớn đã mở

Sau gần 2 năm thực hiện, sản xuất theo quy trình Global GAP đã được nhà vườn hưởng ứng nhiệt tình, tạo bước chuyển biến toàn diện từ quan hệ sản xuất, kỹ thuật canh tác, đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Kết quả thuyết phục đã đến với trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khi nó đã chính thức được công nhận Global GAP. Đã hình thành HTX Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim với diện tích chuyên canh trên 50ha theo tiêu chuẩn Global GAP, sản lượng gần 500 tấn/năm. Mặt hàng này đã xuất sang thị trường Anh, Canada, và được đón nhận với nhiều thiện cảm, gía bán rất tốt. Ban Chủ nhiệm HTX đang vận động mở rộng diện tích lên gấp đôi. 

Xoài cát Hòa Lộc cũng lãnh ấn tiên phong đi mở mang thị truờng với những lô hàng đầu tiên xuất sang thị trường Nhật. Tín hiệu phản hồi rất tốt, nhà vườn đang tiếp tục thực hiện hợp đồng cung ứng 100 tấn cho đối tác Nhật. Trái sơ ri Gò Công, cam sành, bưởi lông Cổ Cò (Cái Bè), sầu riêng (Cai Lậy), khóm (Tân Phước), thanh long (Chợ Gạo)… cũng đang tạo dựng thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Mô hình Global GAP bước đầu thành công và đang phát triển mạnh ở các vườn cây ăn trái Tiền Giang hoàn toàn có thể trở thành hướng đi chung cho phát triền vườn trái cây của ĐBSCL và cả nước. Đó là điều kiện để Tiền Giang  đảm nhận vai trò chủ nhà của Festival Trái cây VN lần đầu tiên, với mục tiêu: để trái cây VN không chỉ bày bán Cặp QL1A hay lênh đênh trên chợ nổi, mà có thể đi vào siêu thị, lên tàu, lên máy bay đi ra thị trường thế giới!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thành viên Ban tổ chức Festival, ông Phan Văn Hà:

Chúng tôi hy vọng Festival sẽ giúp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây VN, vừa phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Du khách từ vùng núi đồi, biển cả, hay nơi đô thị đến vùng ĐBSCL sẽ thú vị khi đi bằng những ghe xuồng, ngang dọc trên sông, rạch; bước vào những vườn cây xanh mát, có hoa kiểng, mương ao; thưởng thức những trái cây đặc sản tự tay hái... Tiền Giang và một số tỉnh lân cận có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đúng nghĩa “sông nước miệt vườn”. Tiền Giang hiện có những điểm du lịch lý tưởng, như du lịch trên sông Tiền, thăm các cồn được đặt tên theo nhóm tứ linh: cồn Long (Rồng), cồn Lân (Kỳ Lân - còn có tên gọi là cồn Thới Sơn), cồn Quy (Rùa), cồn Phụng (Phượng hoàng), nằm rải rác trên một khúc sông rộng, là mặt tiền của TP.Mỹ Tho.

Trong những năm gần đây, dòng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng bình quân 15%. Năm 2009 mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Tiền Giang cũng đã đón được hơn 866 ngàn lượt khách, tăng gần 9% so với năm 2008, trong đó có hơn 460 ngàn khách quốc tế.

Tác giả bài viết: Kỳ Quan