Tiền Giang: Hấp dẫn du lịch sinh thái miệt vườn

Khách quốc tế say mê hàng thủ công mỹ nghệ ở cù lao Thới Sơn

Khách quốc tế say mê hàng thủ công mỹ nghệ ở cù lao Thới Sơn

Nói đến du lịch sinh thái miệt vườn thì Tiền Giang được xem là nơi phát triển mạnh nhất và là địa phương có lượng khách quốc tế đến tham quan nhiều nhất ở ĐBSCL. Từ cù lao Thới Sơn đến các tuyến du lịch dọc sông Tiền, chợ nổi Cái Bè… đều là những nơi hấp dẫn du khách. Hiện tại, ngành du lịch Tiền Giang đang chuẩn bị ráo riết các tour tuyến để đón khách thập phương về dự Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Tiền Giang từ ngày 19 đến 24-4-2010.

Phát huy thế mạnh miệt vườn

Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và ĐBSCL. Đến Thới Sơn những ngày này, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là không khí tất bật của chính quyền địa phương, ngành du lịch và người dân chào đón sự kiện Festival trái cây. Dọc  theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu mát mẻ dễ chịu, nhiều dãy nhà thẳng tắp bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… những sản phẩm đặc thù của địa phương. Cạnh đó, những lò kẹo dừa hoạt động xuyên suốt. Phía trên là nhà dân được bố trí bàn, ghế, trái cây, trà nước… chạy dài ra tận các khu vườn nhãn phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi, tham quan. Theo Sở Văn hóa, thể thao & du lịch Tiền Giang: Thới Sơn là điểm du lịch ăn khách nhất hiện nay, trong đó đa phần là khách quốc tế, mỗi ngày có cả ngàn người về đây. Đặc biệt, từ nay đến lễ hội Festival, cù lao Thới Sơn sẽ chật nít người…

Theo hướng dẫn của Sở Văn hóa, thể thao & du lịch, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Bảy Du, người chơi tài tử nổi tiếng đất Tiền Giang. Mới sáng sớm ông Bảy Du đã mang đờn, trống, dàn nhạc… ra điểm du lịch để phục vụ khách tham quan. Bảy Du cho biết, trước đây gia đình sống nhờ làm vườn, rồi đi hớt tóc dạo, làm thợ mộc, thợ cưa... Quần quật hàng chục năm cái nghèo vẫn nghèo. Những năm 1990, khách du lịch đến Tiền Giang tăng dần, phần lớn là khách Đông Âu đến vào cuối tuần. Công ty Du lịch Tiền Giang bèn thử nghiệm đưa khách đi thuyền trên sông Tiền và nghe đờn ca tài tử. Bảy Du được mời theo phục vụ. Cứ ngỡ người nước ngoài không nói được tiếng Việt thì làm sao hiểu tài tử? Vậy mà khi nghe tiếng đờn của Bảy Du, nhiều vị khách quốc tế thưởng thức say mê. Thế rồi, khách đến ngày càng đông, công ty bàn với Bảy Du mở điểm du lịch sinh thái đầu tiên trên đất cù lao. Theo đó, công ty hỗ trợ chi phí làm đường nhựa, hệ thống tollet, bàn ghế… còn Bảy Du chuyển vườn nhãn rộng 5.000 m2 sang làm du lịch.

Tổng cộng 6 dãy nhà rộng được xây dựng đan xen cùng vườn nhãn thoáng mát, phía trước ông bố trí khu trưng bày và bán quà lưu niệm, phía sau là nơi nghỉ ngơi, uống trà- ăn trái cây và nghe đờn ca tài tử. Phương châm của ông là phục vụ ân cần niềm nở, đón khách từ lúc tàu cặp bến và tuyển khách xuống tận nơi. Khâu ăn uống cũng được chú trọng. Chị Tư Hoàng (con gái ông Bảy Du) cho biết: “Trái cây phải tươi, ngon và đảm bảo vệ sinh tuyệt đối. Ngoài ra còn đãi khách ăn một số bánh truyền thống Nam bộ như bánh tét, bánh xèo…”. Song song đó, ông Bảy Du còn lập đội đờn ca tài tử chuyên nghiệp phục vụ theo nhu cầu du khách. Các bài nam- bắc- oán, bài lý, vọng cổ… đều hát rành mạch. Nếu như ban đầu điểm du lịch chỉ đón 40- 50 khách quốc tế/ngày, nay thu hút từ 400- 600 khách/ngày; cuối tuần cả ngàn khách về nghỉ ngơi. Doanh thu từ du lịch cao gấp hàng chục lần so làm vườn trước đây.

Thành công từ điểm du lịch sinh thái của Bảy Du đã mở ra hướng đi mới. Ngành du lịch Tiền Giang chọn cù lao Thới Sơn là điểm du lịch trọng tâm của tỉnh để đầu tư phát triển. Hệ thống đường giao thông, điện, nước… mở rộng khang trang làm thay đổi diện mạo cù lao. Người dân từ chỗ bám ruộng- bám vườn, nay chuyển sang làm du lịch. Dọc chiều dài 11 km cù lao Thới Sơn nhộn nhịp hẳn lên với những dãy nhà bày bán quà lưu niệm, cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, làng nghề, khu nghỉ mát, khu vui chơi, khu câu cá, tát mương… Ông Tư Đàng, chủ khu du lịch ở Thới Sơn quả quyết: “Làm du lịch mang lại rất nhiều cái lợi, hàng ngày đón đông đảo khách thập phương, giao lưu với nhiều vị khách quốc tế, hiểu biết thêm nhiều vấn đề rất hay. Hồi trước, cả cù lao này chẳng ai biết gì về tiếng Anh, tiếng Pháp… từ khi làm du lịch, nhiều người đã biết chào hỏi khách bằng tiếng ngoại quốc. Hiện tại, nhiều gia đình còn đưa con em đi học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… để trao đổi và phục vụ khách dễ dàng hơn”.

Sau Thới Sơn, đến cù lao Ngũ Hiệp nơi có trái sầu riêng đặc sản cũng làm du lịch. Rồi xứ vườn vú sữa Lò Rèn cũng mở cửa đón khách tham quan. Vườn thanh long Chợ Gạo vào cuộc đưa khách về ăn thanh long, vui chơi, giải trí…

Đầu tư mở rộng, nâng chất

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao & du lịch Tiền Giang khẳng định, du lịch sinh thái miệt vườn đã trở thành thế mạnh đặc thù của Tiền Giang, từ mô hình này đã thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng 15%/năm, đồng thời là tỉnh có tỷ lệ khách quốc tế đến cao nhất ĐBSCL. Nếu như năm 2000, Tiền Giang đón hơn 323.000 lượt khách, đến năm 2009 lượng khách tăng lên trên 866.000 lượt, trong đó khách quốc tế chiếm gần 50%. Kế hoạch năm 2010 này sẽ đón hơn 945.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 460.000 lượt.

Để du lịch sinh thái miệt vườn tăng trưởng mạnh là nhờ Tiền Giang được thiên nhiên ưu đãi với 2 con sông lớn chảy qua là sông Vàm Cỏ ở phía Bắc và sông Tiền ở phía Nam. Dọc các bờ sông là những vườn cây ăn trái bạt ngàn với hơn 67.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn mỗi năm. Do đó, hầu như quanh năm, Tiền Giang đều có trái cây để phục vụ du khách. Ngoài ra, còn có 20 di tích cấp quốc gia, 84 di tích cấp tỉnh, bãi biển Tân Thành thơ mộng, khu bảo tồn Đồng Tháp Mười… kết hợp đan xen cùng vườn cây ăn trái để giới thiệu cho khách tham quan. Một thuận lợi khác là Bến tàu thủy du lịch ở thành phố Mỹ Tho nằm trong dự án của Chương trình phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong do Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ thực hiện, nhằm đón các tàu du lịch quốc tế trong tuyến từ TPHCM đi Campuchia và ngược lại. Ông Nguyễn Tấn Phong, cho rằng Tiền Giang đang đứng trước vận hội mới để đưa ngành du lịch tăng tốc. Sau khi cầu Rạch Miễu thông xe, đường cao tốc TPHCM- Trung Lương đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đang thi công, quốc lộ 50 được nâng cấp, kênh Chợ Gạo đang có kế hoạch nạo vét, mở rộng… hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy ở Tiền Giang đã và đang hoàn chỉnh. Đoạn đường từ TPHCM về Mỹ Tho được rút ngắn và đi lại dễ dàng. Từ đây, sự liên kết tour tuyến giữa Tiền Giang với TPHCM và các tỉnh để đưa khách du lịch đi lại rất nhanh.

Quan điểm của tỉnh là tiếp tục phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Đẩy mạnh nhân rộng mô hình, nhưng phải đầu tư nhiều hơn để tạo ra những nét riêng biệt không trùng lắp với các địa phương khác và không để du khách nhàm chán. Các chương trình du lịch tới đây sẽ gần gũi hơn nữa với thiên nhiên, vùng sông nước, vườn cây trái, kết hợp cùng làng nghề truyền thống và các di tích lịch sử- văn hóa. Ông Phan Văn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định: Trong xu thế cạnh tranh và hội nhập, du lịch Tiền Giang vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được mà đang nỗ lực nhiều hơn. Trước mắt, ngành du lịch đang chuẩn bị nhiều tour tuyến, những điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong và ngoài nước về tham dự Festival trái cây sắp diễn ra ở Tiền Giang. Thông qua Festival lần này sẽ giới thiệu rộng hơn những thế mạnh du lịch của Tiền Giang, đồng thời đẩy mạnh liên kết, kêu gọi đầu tư thúc đẩy du lịch tăng tốc trong thời gian tới.

Tiền Giang là một trong những nơi “phát pháo” đầu tiên mở ra loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn ở ĐBSCL. Đến nay mô hình này đã phát triển rộng khắp các tỉnh như: Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ… tạo ra nét đặc thù độc đáo về du lịch sông nước miệt vườn ở ĐBSCL.

Tác giả bài viết: Huỳnh Lợi

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn