Tiền Giang: Chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất hiệu quả cao

Nhờ chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, phân bố lịch thời vụ hợp lý, kiện toàn mạng lưới thủy lợi phục vụ bơm tưới gắn với chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, tỉnh Tiền Giang đã hạn chế được ảnh hưởng thiên tai, tổ chức sản xuất hiệu quả cao. Đến ngày 5/4, toàn tỉnh đã thu hoạch gần 80.000 ha lúa đông xuân 2009 - 2010, năng suất bình quân 68 tạ/ha, tăng hơn vụ đông xuân năm trước 0,3 tạ/ha và sản lượng trên 540.000 tấn lúa, đạt gần 43% chỉ tiêu cả năm. Cá biệt, khu vực nội đồng Dự án ngọt hóa Gò Công có nơi nông dân đạt năng suất cao kỷ lục từ 70 - 80 tạ/ ha.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá thành sản xuất là 2.235 đ/kg lúa và bán với giá bình quân 4.800 đ/kg, nông dân lãi được gần 17 triệu đồng/ha. Từ đó, đã cho thấy hiệu quả kinh tế của nông dân trồng lúa đạt khá trong tình hình thời tiết thủy văn bất lợi, giá vật tư nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng cao, nông sản hàng hóa vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Đáng chú ý, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn phòng chống hạn mặn ở phía Đông và lũ lụt đe dọa các huyện đầu nguồn phía Tây cũng như rầy nâu cùng các dịch bệnh khác gây hại cây trồng, tỉnh Tiền Giang đã đề ra giải pháp quan trọng là xây dựng lịch thời vụ xuống giống đồng loạt né rầy gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá phù hợp cho từng địa bàn, từng vùng và tiểu vùng sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tích cực huy động nhân lực tổ chức làm thủy lợi nội đồng, bơm tát để sạ vùng hoặc sạ dề đồng loạt trên diện rộng, đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong các khâu canh tác cùng những tiến bộ kỹ thuật khác để thâm canh đạt hiệu quả cao.

Ngoài các biện pháp canh tác tiên tiến: IPM, ba giảm ba tăng, bón phân theo bảng so màu lá lúa, FPR,... trong vụ đông xuân 2009 - 2010, tỉnh Tiền Giang còn triển khai thực nghiệm mô hình "Cộng đồng sử dụng Công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa" tại hai huyện trọng điểm nông nghiệp là Cai Lậy và Cái Bè cho triển vọng tốt. Đây là nhân tố mới trên đồng ruộng Tiền Giang khi nhân rộng mô hình này ,nhằm góp phần thiết thực đưa nền nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng nông sản hàng hóa chất lượng cao và an toàn.

Tác giả bài viết: Văn Kỳ Thanh

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn