Phỏng vấn tiến sĩ Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban chỉ đạo Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất: Khẳng định thương hiệu trái cây VN

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thế Ngọc thăm bà con nông dân xã Quơn Long,huyện Chợ Gạo. Ảnh: Vân Trường

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thế Ngọc thăm bà con nông dân xã Quơn Long,huyện Chợ Gạo. Ảnh: Vân Trường

Tối nay, 19.4, Festival Trái Cây Việt Nam lần thứ nhất sẽ được khai mạc tại Tiền Giang, nơi được mệnh danh "Vương quốc trái cây". Trung tâm thành phố Mỹ Tho hiện đang rộn rịp và tất bật với những công trình mới trong giai đoạn chạy đua nước rút. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc - Trưởng Ban chỉ đạo Festival - dù rất bề bộn công việc, nhưng đã dành thời gian để trao đổi với chúng tôi.

* Ông nhận xét như thế nào về vị trí và cái tầm của tỉnh Tiền Giang trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa cây trái phong phú chủng loại, cũng là vựa lúa gạo lớn của cả nước?

- Tiền Giang là địa bàn giao lưu hàng hóa với các trục giao thông thủy bộ thuận lợi: Quốc lộ 1A, QL30, QL50, QL60, đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương...; cùng với 32 km bờ biển và hệ thống sông Tiền, Vàm Cỏ Tây, Soài Rạp, kênh Chợ Gạo... và trong tương lai có tuyến xe lửa Sài Gòn - Cần Thơ, nối liền Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Tây Nam bộ.

Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, có một nền nông nghiệp hoạt động đa dạng, đặc biệt là sản phẩm trái cây, hình thành một trong những trung tâm mua bán nông sản và bước đầu phát triển công nghiệp chế biến trái cây và công nghiệp chế biến thủy hải sản. Tiền Giang cũng còn là thành viên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh đã quy hoạch và đang phát triển các cụm công nghiệp (Tân Hương, Long Giang, Mỹ Tho), đang mời gọi và thu hút các nhà đầu tư, đồng thời sẽ hình thành hệ thống thương mại- dịch vụ cấp vùng, xây dựng siêu thị đến các huyện, thị và điều chỉnh lại hệ thống chợ nhỏ... Tiền Giang cũng đã được Chính phủ phê duyệt qui hoạch xây dựng Cảng nước sâu.

Về truyền thống văn hóa - lịch sử, Tiền Giang là vùng đất được khai phá đầu tiên thời cha ông xưa đi mở cõi, là khu đô thị hơn 330 năm tuổi, có trường trung học Nguyễn Đình Chiểu lâu đời nhất Nam bộ; có nhiều di tích nên ngoài tiềm năng du lịch sinh thái, Tiền Giang còn có tiềm năng phát triển du lịch di tích văn hóa, lịch sử.

Do những yếu tố thuận lợi đó, sự phát triển của Tiền Giang cũng sẽ trở thành một nhân tố góp phần phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

* Tại sao Tiền Giang được mệnh danh là "Vương quốc trái cây", nơi đây có gì đặc sắc so với vựa trái cây ĐBSCL, thưa ông?

- Tiền Giang là tỉnh phát triển diện tích trồng cây ăn trái nhanh nhất: Năm 1990, tỉnh có 24.500 ha thì đến nay đã có 67.000 ha, chiếm khoảng 10 % diện tích cây ăn trái cả nước, hàng năm cho sản lượng 1 triệu tấn trái cây các loại, giá trị sản xuất cây ăn quả năm 2009 trên 5.400 tỷ đồng; trở thành địa phương có diện tích cây ăn trái và sản lượng lớn nhất cả nước. Tiền Giang hiện có hơn 20 chủng loại trái cây, trong đó tỉnh đã xác định 7 loại có lợi thế: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi Lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công.

Tỉnh chủ trương lập đề án các chương trình hỗ trợ để phát triển 7 loại cây chủ lực. Hiện có 2 đề án thanh long và vú sữa đang được triển khai. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng thương hiệu hàng hóa tập thể cho các loại trái cây chủ lực, đăng ký và được cấp chứng nhận GlobalGAP cho Vú sữa Vĩnh Kim, Thanh Long Chợ Gạo. Đặc biệt năm 2009, sản phẩm Xoài cát Hòa Lộc được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Người làm vườn Tiền Giang, ngoài tay nghề cao còn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi kinh nghiệm và bước đầu áp dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới. Nhiều nhà vườn hiện nay đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng GAP. Tháng 04/2008, có 6,92 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim - Châu Thành được đón nhận Chứng nhận GlobalGAP và tháng 8/2009 có 22 nông hộ trồng khóm (30ha) được công nhận VietGAP. Các dự án mở rộng áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trên cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cây nhãn tiêu Quế, cây chôm chôm và cây thanh long sẽ được triển khai vào cuối năm 2010...

* Từ một thực tế là trái cây "mác ngoại" vẫn đang chiếm lĩnh một thị phần khá lớn trong các chợ lớn và các siêu thị trong nước, là Trưởng Ban chỉ đạo Festival, ông kỳ vọng về điều gì ở Lễ hội trái cây Việt Nam?

- Khẳng định thương hiệu Trái cây Việt Nam trên thị trường!

Ban tổ chức chúng tôi hy vọng: Qua Festival này, những người trực tiếp sản xuất sẽ gặp gỡ và kết nối được với các nhà phân phối lớn; trái cây Việt Nam sẽ khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường nội địa và nước ngoài.

Fesstival sẽ là nhịp cầu xúc tiến thương mại, cung cấp các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam bền vững và hiện đại... Qua 3 cuộc hội thảo khoa học: "Trái cây Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế Quốc tế", "Vườn cây ăn trái - gắn với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn", "Liên kết 4 nhà- giải pháp cơ bản nâng cao giá trị trái cây Việt Nam", chúng tôi tin "4 nhà" (nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) sẽ hiểu nhau hơn, sẽ cùng nhau tìm giải pháp khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh, tìm hướng đi mới cho trái cây Việt Nam.

Theo số liệu thống kê năm 2009, tổng diện tích cây ăn trái cả nước là 775.000ha, trong đó diện tích các tỉnh phía Nam chiếm hơn 60%, phía Bắc chiếm gần 40% (với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: Vải thiều Thanh Hà, Nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Đoan Hùng, Cam Bố Hạ...). Hiện nay, trái cây Việt nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới. Nhưng thực tế cần phải được xem xét là, trên thị trường quốc tế, trái cây Việt Nam chưa có thương hiệu hoặc có thương hiệu mà chưa mang tính đặc trưng, chưa nổi tiếng.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hoá, muốn cạnh tranh tốt trên thị trường nội địa và quốc tế, trái cây Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng, để tạo dựng được thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng. Về lâu dài, hoạt động sản xuất và kinh doanh trái cây của Việt Nam cần phải thực hiện song song vừa tìm kiếm thị trường, vừa phải nâng cao chất lượng.

Ngoài mục đích quảng bá thương hiệu Trái cây Việt Nam chất lượng cao; tôn vinh hình ảnh người nông dân Việt Nam cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những "Nhà vườn sáng tạo", những nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệpppp miệt mài làm ra những giống cây tốt, trái ngon  - "Vì sự phát triển trái cây Việt Nam chất lượng và an toàn thực phẩm"; Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất còn là thông điệp gởi đến bạn bè thế giới hình ảnh một đất nước Việt Nam thanh bình, cây lành - trái ngọt; giới thiệu điểm du lịch sinh thái miệt vườn rất đặc trưng và hấp dẫn của cùng Đồng bằng sông Cửu Long...

* Chương trình Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất được chuẩn bị thật phong phú và hấp dẫn, với nhiều hoạt động và lễ hội, hội thảo... Có thể thấy rằng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đang dốc tâm dốc sức cho Festival Trái cây Việt Nam. Ở góc độ địa phương đăng cai, ông mong muốn Tiền Giang thu hoạch được những gì?

- Chúng tôi mong muốn Tiền Giang khẳng định thương hiệu của mình trong hình ảnh chung của Đồng bằng sông Cửu Long và của cả đất nước Việt Nam.

Festival Trái cây Việt Nam 2010 là sự kiện kinh tế - xã hội - văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia, hoà vào niềm hân hoan chung cả dân tộc hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Festival cũng là lễ hội tiêu biểu của nhân dân Tiền Giang, qua đây lãnh đạo tỉnh mong muốn tạo xung lực để mọi người dân tích cực, đồng cảm với chính quyền, cùng đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng quê hương Tiền Giang giàu - đẹp - văn minh.

* Với cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh, ông tự hào về điều gì và còn điều gì trăn trở trong quá trình xây dựng và phát triển của Tiền Giang, thưa ông?

- Tiền Giang có nhiều điều đáng tự hào: Mỹ Tho là đô thị lâu đời nhất miền Nam - 330 tuổi, Trường "Collège de My Tho" (nay là  trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu ) là cái nôi đào tạo nhiều bậc trí thức tài giỏi cho đất nước. Tiền Giang được mệnh danh là "Vương quốc trái cây"; đất và người nơi đây rất thân thiện, hiếu khách. Đó cũng chính là những thương hiệu mang tính truyền thống của Tiền Giang. Càng tự hào về truyền thống thì chúng ta càng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy hiệu quả, tiếp tục xây dựng và phát triển sao cho xứng đáng với công lao các bậc tiền nhân và tạo được nền tảng phát triển bền vững cho thế hệ sau.

Hiện nay, Tiền Giang đã định hướng các chương trình phát triển kinh tế, xã hội nhưng các điều kiện để tạo động lực phát triển cần phải được tăng tốc: Ví dụ các cơ sở đào tạo nghề cho công nhân; các trung tâm giáo dục cần được nâng cao chất lượng; các dịch vụ hậu cần để phát triển như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn đầu tư... cần được phát triển nhanh theo hướng xã hội hóa. Nhân dân Tiền Giang nói chung rất cần cù, sáng tạo, nhiệt tình, nhưng chưa thật sự nhạy bén, năng động trước xu thế hội nhập, điều này cần phải thay đổi một cách tích cực hơn...

Cảm ơn ông đã dành thời gian để chia sẻ với bạn đọc VNN. Chúc Festival trái cây thành công như mong muốn.

Tác giả bài viết: Quỳnh Lệ

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn