Nhà vườn đón ngày Lễ hội trái cây

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và ông Nguyễn Văn Lời kiểm tra vườn vú sữa

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và ông Nguyễn Văn Lời kiểm tra vườn vú sữa

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ở Tiền Giang nóng bỏng không khí lễ hội chào mừng 35 năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Festival trái cây Việt Nam lần thứ I...., nhân dân trong, ngoài tỉnh đang hướng về Tp Mỹ Tho, trung tâm lễ hội trái cây Việt Nam náo nức chờ đón sự tham gia, khẳng định thương hiệu các chủng loại trái cây nhiều năm nay đã trở thành niềm tự hào cả nước: bưởi Năm Roi Bình Minh (Vĩnh Long), cam sành Tam Bình (Vĩnh Long), bưởi Da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang)... Trong đó, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một trong những ứng viên sáng giá nhất của Hội thi trái ngon an toàn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trong khuôn khổ Festival trái cây Việt Nam lần thứ I.

Được tặng cho mỹ danh "dòng sữa quê hương", vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) là loại trái cây đặc sắc của đất Nam bộ. Nó phát triển tốt nhất ở dãy đất ven sông Tiền phía Nam Quốc lộ 1 thuộc địa bàn hai huyện Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang) mà các xã Vĩnh Kim, Kim Sơn, Phú Phong (Châu Thành); Mỹ Long, Long Tiên (Cai Lậy) được coi là tâm điểm. Đến với Festival trái cây Việt Nam lần thứ I, có một "thiệt thòi" cho loại trái cây đặc sản có một không hai này là vú sữa đã vào cuối vụ thu hoạch. Hầu hết nhà vườn đang vào giai đoạn làm gốc, chăm sóc, tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành nhánh tạo tán để chờ mùa vú sữa sang năm. Có chăng chỉ còn lại dăm vườn vú sữa muộn với sản lượng không lớn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, để thỏa lòng mến mộ của người dân và khách du lịch bốn phương, Hợp tác xã đã chọn những vườn vú sữa muộn, chất lượng tốt, tiêu biểu để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức, trưng bày và bán sản phẩm theo nhu cầu, ước tính sản lượng cung ứng trong Festival trái cây Việt Nam lần I khoảng 1,5 tấn trái. Đây là nỗ lực lớn của Hợp tác xã và nhà vườn để không phụ lòng mong mỏi của khách mộ điệu. Cần nói thêm, Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là đơn vị đi đầu trong việc quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại và kiên trì lộ trình trồng thâm canh vú sữa theo tiêu chí Global GAP. Hiện diện tích được công nhận Global GAP cho cây vú sữa này đã lên đến trên 50 ha.

Trong những ngày gần đến Festival trái cây Việt Nam lần thứ I (chính thức khai mạc vào ngày 19/4/2010 tới), phóng viên TTXVN có dịp đến thăm những vườn vú sữa được chọn để phục vụ ngày hội trái cây quan trọng này. Đó là vườn của ông Nguyễn Văn Lời, cư ngụ tại ấp Long Thạnh, xã Bàn Long, huyện Châu Thành. Tại đây, ông Lời có 4 công đất chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang ở tuổi thứ 4 - tuổi đang sung mãn và cho năng suất khá cao, bình quân 10 - 12 tấn/ha. Ông cho biết, vú sữa Lò Rèn là một trong những cây trồng rất kén đất. Mật độ trồng cũng ở mức 15 cây/công đất (tức 150 cây/ha) là vừa. Vú sữa Lò Rèn cũng là cây trồng không thể xử lý ra hoa mùa nghịch được như: sầu riêng, xoài, cam quít...Nhà vườn hơn nhau ở chỗ chăm sóc, tỉa cành tạo tán, tỉa thưa trái...để trái tốt, trái to đều và bán được giá cao. Vụ vú sữa 2009 - 2010, vườn vú sữa của ông "đi" muộn, vào cuối vụ trong vườn còn chừng ba thiên trái (5.200 trái) đủ để đáp ứng nhu cầu phục vụ Festival trái cây Việt Nam lần thứ I theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là một trong những điểm tham quan hấp dẫn trong mùa lễ hội trái cây lớn này nếu du khách có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Mười chăm sóc vườn vú sữa chuẩn bị phục vụ Festival

Vườn vú sữa Lò Rèn của ông Nguyễn Văn Mười, cư ngụ tại ấp Phú Quới, xã Phú Phong cũng là một điểm du lịch miệt vườn mà Hợp tác xã và Ban tổ chức Festival trái cây Việt Nam lần thứ I chọn. Hôm tôi đến, ông Nguyễn Văn Mười đang tiếp một đoàn làm phim do Ban tổ chức đưa xuống. Đây là một trong những khu vườn kiểu mẫu thực hành canh tác theo qui trình Global GAP. Trong vườn cây trồng ngay hàng thẳng lối, có nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, có khu vệ sinh, có sổ sách ghi chép quá trình thâm canh, trái được bao để tránh sâu bọ và những tác nhân gây bệnh....

Nói về con đường đến với qui trình canh tác Global GAP trên vú sữa Lò Rèn, ông Mười cho biết, gia đình có cả thảy 8.500 m2 đất trồng chuyên canh (0,85 ha). Thửa vườn này trước đây ông đã từng trồng sapôchê, rồi nhãn tiêu huế...Thế nhưng sau nhiều lần thất bại, ông quyết định chuyển hẳn sang chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Hiện vú sữa trong vườn đã đạt 5 đến 6 năm tuổi, cây đang độ sung mãn và cho năng suất, sản lượng cao. Hiện nay, mặc dù đã vào cuối vụ nhưng giá vú sữa được thương lái thu mua rất cao, khoảng 30.000 đ/kg (3 trái). Khu vườn này, trong vụ vú sữa 2009 - 2010 ông thu hoạch bán trên 200 triệu đồng trong đó lãi ròng không dưới 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mười cho biết thêm, dịp Festival trái cây Việt Nam lần I diễn ra ông có cơ may là vú sữa đi muộn cho nên sản lượng cung ứng theo nhu cầu không dưới 100 kg. Thấy ông bận bịu săm soi từng trái chín trên cành, thống kê sản lượng, ghi chép sổ sách...mới thấy công phu của nhà vườn lão luyện trên lĩnh vực thâm canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim. Ông nói, mình phải đem những sản phẩm tốt, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, an toàn và truy xuất được nguồn gốc theo tiêu chí GAP...phục vụ cho Festival trái cây và du khách thưởng thức. Đây cũng là cơ hội có một không hai để khẳng định thương hiệu, xúc tiến thương mại cho trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, một vốn quí của trái cây Việt Nam mà tỉnh Tiền Giang đang sở hữu. Đó cũng là mong mỏi chung của nhà vườn, của Hợp tác xã, của các cấp các ngành tỉnh Tiền Giang cũng như Ban tổ chức Festival trái cây Việt Nam lần thứ I. Có một thông tin mới từ HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, từ đầu năm đến nay sản phẩm này đã rộng đường xuất khẩu sang nhiều nước: Hoa Kỳ, Anh, Canada, EU.... Mới đây, Công ty Rồng Đỏ (Tp Hồ Chí Minh) đã đặt hàng HTX 1,5 tấn vú sữa Lò Rèn để xuất khẩu sang Anh. Đó quả là niềm vui nhân đôi cho trái vú sữa Lò Rèn trước thềm Festival trái cây Việt Nam lần thứ I.

Tác giả bài viết: Minh Trí

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn