Nguyễn Văn Quí - Người kỹ sư tài năng miền đất mặn

Ở tỉnh Tiền Giang, nhắc đến anh Nguyễn Văn Quí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông mọi người đều tấm tắc khen ngợi người kỹ sư đã có nhiều cống hiến trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp địa phương nói chung.

Sinh năm 1963 tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công - miền đất nhiễm mặn , ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò có dáng nhỏ nhắn, đậm, nhưng rắn chắc Nguyễn Văn Quí đã nuôi mơ ước trở thành kỹ sư ngành thủy sản để phụng sự quê hương, giúp thay đổi diện mạo làng quê và cuộc sống người dân nghèo khó, lam lũ một nắng hai sương.

Nhờ nỗ lực bản thân, sự thông minh, sáng tạo, học giỏi, nguyện vọng đó của anh sớm trở thành sự thực. Năm 1987, anh Quí tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành nuôi trồng thủy sản ,về nhận công tác tại Sở Thủy sản tỉnh Tiền Giang. Đó là những năm tháng đầy khó khăn của quê hương . Công cuộc đổi mới mới được khởi động từ Đại hội VI đang bước những bước đầu tiên trên chặng đường gập ghềnh nhiều thử thách của cơ chế mới. Năm 1988 , anh được điều về Xí nghiệp liên doanh Nuôi trồng thủy sản Cồn Cống. Bốn năm sau, anh chuyển sang Ban Chỉ đạo khai thác kinh tế - xã hội Vùng biển. Năm 1994, anh lại được điều động sang Trung tâm Thực nghiệm giống thủy sản, năm 1997 về Trung tâm Giống nông nghiệp, năm 1999 sang Trung tâm Khuyến ngư, từ năm 2002 đến 2009 quay trở về Trung tâm Giống thủy sản và đầu năm 2010 đến nay là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông. Trên cương vị nào anh cũng đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo nông thôn . Thế nhưng nổi bật nhất vẫn là những đóng góp trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học giúp nghề nuôi trồng thủy sản vùng duyên hải Gò Công - quê hương anh, đi lên một cách vững chắc, giúp tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nông hộ từng một thời lam lũ gió sương.

Giai đoạn 2000 - 2009 là giai đoạn anh Quí có nhiều đóng góp khoa học thực tiễn hết sức quí : đã có 6 đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị lớn. Đầu tiên là đề tài sản xuất thử nghiệm tôm sú giống (năm 2000), đề tài nghiên cứu sản xuất giống tôm càng xanh theo qui trình nước xanh cải tiến (2000 - 2001), tiếp theo là đề tài sản xuất giống tôm càng xanh từ nguồn giống F1 (2001 - 2002), rồi đề tài sản xuất giống tép bạc đất (2004), đề tài nghiên cứu sản xuất giống cua biển (2005), đề tài sản xuất giống nghêu bằng phương pháp nhân tạo (2006). Có ba đề tài xuất sắc có nhiều ứng dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế lẫn xã hội lớn là: sản xuất giống tôm càng xanh theo qui trình nước xanh cải tiến, sản xuất nghêu giống bằng phương pháp nhân tạo và sản xuất thử nghiệm tôm sú giống.

Tiêu biểu nhất chính là đề tài nghiên cứu sản xuất nghêu giống bằng phương pháp nhân tạo. Ngày triển khai đề tài là một ngày đáng nhớ nhất đối với kỹ sư Nguyễn Văn Quí vốn năng động, ham hiểu biết và tích cực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa  quê hương . Anh Quí kể, vào cuối năm 2005, qui trình sản xuất nghêu giống được ứng dụng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đúc kết của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Hải Phòng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu do anh Quí lãnh đạo đã cải tiến, sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong khoa học thường gặp những việc như thế!. "Không thể cứ "nhắm mắt nhắm mũi" đi theo con đường đã vạch sẵn một cách cứng nhắc vừa dễ thất bại, vừa khó ứng dụng trong thực tiễn đời sống!" - Anh Nguyễn Văn Quí bộc bạch . Thực tế cho thấy, suy nghĩ và cách làm đúng đắn của nhóm nghiên cứu đã góp phần mở ra một hướng mới chủ động cho sự phát triển bền vững của nghề nuôi nghêu .

Cụ thể, anh Quí đã thực nghiệm bắt nghêu bố mẹ trong môi trường tự nhiên đã thuần thục về cho đẻ ngay mà không đợi phải thuần dưỡng, chăm sóc thêm vừa mất thời gian vừa không phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị vốn nhiều khó khăn về trang thiết bị, về nhân lực...Bên cạnh đó, anh mạnh dạn xử lý nước để ương dưỡng ấu trùng nghêu mới sinh sản đồng thời với cải tiến qui trình làm tảo cung cấp thức ăn cho nghêu giống- kể cả trong giai đoạn ấu trùng lẫn khi đã ương lên thành nghêu cám... Kết quả rất khả quan. Trong năm 2006, Trại giống của Trung tâm Khuyến Ngư tại Tân Thành (Gò Công Đông) đã ương 4 đợt nghêu giống sinh sản bằng phương pháp nhân tạo lần đầu tiên trong cả nước. Tỉ lệ thành công lần sau cao hơn lần trước, mang lại niềm vui lớn cho mọi người, cụ thể, đợt thứ nhất tỉ lệ sống đạt 5,7%, đợt thứ nhì đạt tỉ lệ sống 9,8%, đợt thứ ba đạt trên 22% và đợt thứ tư đạt tỉ lệ sống 33,2%, vậy là coi như kỹ sư Nguyễn Văn Quí và nhóm nghiên cứu đã làm chủ được qui trình cho nghêu sinh sản bằng phương pháp nhân tạo - một đề tài nghiên cứu thành công xuất sắc, hiệu quả ngoài mong đợi.

Thành công đó không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ trại giống và phòng thí nghiệm. Kỹ sư Nguyễn Văn Quí tiếp tục thực hiện tiếp giai đoạn II của đề tài - đó là chuyển giao kỹ thuật sinh sản nhân tạo nghêu cho địa phương và các tỉnh lân cận có nhu cầu. Chỉ riêng tại Tiền Giang đã có hàng chục trại giống thủy sản cho sinh sản, ươm nuôi và cung ứng nghêu giống tốt cho nhu cầu nuôi của người dân vùng duyên hải Gò Công nhờ ứng dụng hiệu quả đề tài nghiên cứu kể trên. Chỉ riêng trại giống Tân Thành mỗi năm đã đạt sản lượng nghêu giống trên 50 triệu con, giá trị trên 1,5  tỉ đồng. Ưu điểm của nghêu giống được sinh sản bằng phương pháp nhân tạo là dễ nuôi, đề kháng mạnh, lớn nhanh, đồng đều hơn và chất lượng nghêu thương phẩm tốt hơn, bán được giá cao hơn so với nguồn nghêu giống tự nhiên. Đây là một lợi thế rất lớn, góp phần tăng thêm sức mạnh cạnh tranh cho vùng nuôi nghêu duyên hải Gò Công. Từ đó, mở ra một tương lai mới cho nghề nuôi nghêu và vùng nghêu nguyên liệu Tiền Giang với trên 2.300 ha thu hút hàng vạn lao động phát triển một cách bền vững, vùng nuôi mỗi năm cung ứng đến vài chục ngàn tấn nghêu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Hy vọng rằng trong thời gian tới, người kỹ sư miền đất mặn sẽ tiếp tục toàn tâm toàn ý đóng góp tri thức cho sự nghiệp xây dựng quê hương ngày một thêm giàu, đẹp.

Tác giả bài viết: Minh Trí

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn