Mỹ Tho: Nổ máy tính để bàn, một người bị thương

Khoảng 20 giờ 30 tối 16.8, Bệnh viện đa khoa Tiền Giang tiếp nhận một ca bị đa chấn thương rất lạ. Lúc đầu, gia đình khai do bị nổ bình gas, sau đó nói là do nổ máy vi tính. Nạn nhân tên là Lê Đăng Quang, 22 tuổi (ngụ đường Lý thường Kiệt, P.5, TP.Mỹ Tho).
Bàn làm việc của nạn nhân, nơi xảy ra vụ nổ và 2 cái mỏ hàn điện còn để trên bàn

Hai bác sĩ Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Văn Dương đã tiến hành phẫu thuật trong thời gian hơn 2 giờ để tạo hình lại dương vật, mở bàng quang ra da, cắt lọc và khâu cầm máu bàn tay trái… đến gần 23 giờ mới xong.

Theo BS Tiến, khi nhập viện, nạn nhân trong tình trạng “một bàn tay bị dập nát và bàn tay còn lại thì mất hết mấy ngón. Hai mắt thì bị bỏng kết mạc, dự đoán có khả năng bị mù. Riêng bộ phận sinh dục thì bị nát bấy, 2 tinh hoàn bay mất, dương vật thì dập nát”...

Căn cứ vào vết thương để lại, BS Tiến nhận định có khả năng trong lúc nạn nhân đang ngồi trên ghế, mặt cúi xuống và để hai bàn tay giữa 2 chân thao tác vật gì đó thì xảy ra vụ nổ.

“Đây là vụ nổ rất lạ, khó xác định nguyên nhân. Khi tiến hành vệ sinh vết thương thì thấy chỗ vùng hạ vị nơi bộ phận sinh dục của nạn nhân có những vật li ti giống như là mảnh kim loại nhưng không xác định được. Riêng xương chậu giống như bị gãy, nhưng trong lúc cấp cứu chưa chụp hình được”, BS Tiến cho biết.

Ông Lê Xuân Lương (là cha của nạn nhân), kể: “Lúc đó, tôi vừa ra ngoài uống cà phê, cháu nó ở nhà một mình. Khi hay tin, tôi về nghe hàng xóm nói là tiếng nổ rất lớn, giống như là nổ lựu đạn. Hiện cháu đang học ở Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang và chuyên sửa máy vi tính. Còn cái máy đó của ai mà con đem về thì tôi không biết”.

Trong khi đó, thượng tá Lê Văn Kiệm, Phó trưởng Công an TP.Mỹ Tho cho rằng vụ nổ xuất phát từ CPU của máy vi tính. Còn nguyên nhân tại sao máy tính bị nổ thì chưa rõ và phải chờ giám định.

Xác suất cháy nổ máy tính rất thấp

Chiều 17-8, ông Lê Xuân Lương (cha của anh L.Đ.Q., nạn nhân trong vụ nổ máy tính tối 16-8, Tuổi Trẻ đã thông tin) cho biết do vết thương của anh Q. quá nặng nên gia đình đã chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để điều trị. Đến chiều tối cùng ngày, sức khỏe của anh Q. vẫn còn yếu.

Thượng tá Lê Văn Kiệm, phó Công an TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết nguyên nhân ban đầu của vụ nổ được xác định là do anh Q. sửa máy tính gây nên. Từ vụ nổ này, nhiều người sử dụng máy tính bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ cháy nổ của các loại máy tính.


Hiện trường vụ nổ máy tính để bàn ở Tiền Giang - Ảnh: Tr.Giang

Đánh giá về nguy cơ này, PGS.TS Lê Tiến Thường, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), phân tích: Đối với máy tính để bàn, bên trong phần thùng máy có một bộ nguồn để cấp điện cho hoạt động của máy. Bộ nguồn này gồm những tụ điện, vi mạch điều khiển hoạt động của nguồn. Xác suất xảy ra cháy nổ ở máy tính để bàn cao hơn máy tính xách tay (laptop) do cấu tạo cồng kềnh, khả năng tiêu hao điện năng lớn.

Khả năng cháy nổ nguồn điện máy tính có thể do một số nguyên nhân: bộ nguồn đã sử dụng quá lâu, hỏng hóc và không còn khả năng chuyển đổi nguồn điện. Nếu cháy nổ xảy ra khi người dùng đang sửa chữa máy tính để bàn thì nguyên nhân có thể do chập mạch điện khiến nguồn điện cung cấp cho bo mạch tăng vọt, những tụ điện nhỏ và những con vi xử lý gắn trên bo mạch có thể bị nóng lên đột ngột gây cháy nổ. Tuy nhiên, nổ máy tính gây sát thương là chuyện rất hạn hữu bởi nguồn điện cung cấp cho hoạt động bo mạch chỉ từ 5-12V mà thôi.

Q. là sinh viên công nghệ thông tin

Theo ông Lương, tối 16-8, Q. một mình ngồi sau bếp sửa chữa chiếc máy tính để bàn. Đây không phải là máy tính của gia đình mà do Q. đem ở bên ngoài về sửa. Trong lúc sửa, mẹ của Q. nghe tiếng nổ lớn phía sau nên chạy ra xem thì thấy Q. nằm bất động dưới đất, máu chảy lênh láng, vật dụng trong phòng bếp bể nát...

Cũng theo ông Lương, Q. là sinh viên công nghệ thông tin năm thứ tư, rất đam mê máy tính, thường xuyên đem máy tính của người khác về nhà mày mò sửa chữa.

Đối với máy tính xách tay, các nhà khoa học cho rằng nếu máy tính xách tay phát nổ chỉ có thể do nguyên nhân từ nguồn pin bởi pin là nơi tích điện khá lớn. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến cháy nổ pin như người sử dụng cắm sạc máy tính quá lâu gây nóng pin quá mức, tuy nhiên xác suất xảy ra cháy nổ rất thấp; sử dụng loại nguồn pin cũ được phục chế thì khả năng xảy ra cháy nổ cao hơn do cách phục chế thủ công, không đảm bảo chất lượng pin.

Một số nguyên nhân gây cháy nổ máy tính khác cũng được ông Trần Xuân Quý - trưởng bộ phận kỹ thuật ngành hàng máy tính xách tay, công nghệ thông tin Công ty Thế giới di động - bổ sung: “Cháy nổ nguồn máy tính để bàn có thể do người dùng sử dụng nguồn không đảm bảo chất lượng (những bộ nguồn giá rẻ không có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng); công suất nguồn thấp trong khi yêu cầu sử dụng của hệ thống máy tính cao do người dùng gắn thêm ổ cứng, card xử lý đồ họa, âm thanh... Hầu hết những trường hợp này đều do người dùng mua máy tính dạng tự lắp ráp các linh kiện rời”.

Theo ông Quý, trường hợp cháy nổ máy tính trong quá trình sử dụng có thể có một số nguyên nhân như quạt gió tản nhiệt của bộ nguồn bị ngưng hoạt động (do dị vật bị hút vào làm kẹt cánh quạt không quay được) khiến nguồn không được tản nhiệt, nóng lên quá mức gây cháy nổ. Do đó trong quá trình sử dụng, người dùng nên để phần thùng máy tính ở nơi thoáng mát, không nên phủ khăn lên trên thùng máy. Với người dùng ở các vùng nông thôn hoặc ở các nơi có nguồn điện không ổn định, nên dùng thêm bộ ổn áp điện để giữ điện luôn ổn định.

Về thống kê trên thế giới, số vụ cháy nổ máy tính xách tay xảy ra nhiều hơn máy tính để bàn, các chuyên gia trong nước cho rằng điều này không phản ánh đúng thực tế. Theo các chuyên gia, khi máy tính xách tay do các hãng sản xuất bị cháy nổ, người sử dụng thường nhanh chóng lên tiếng khiếu nại. Trong khi đó, nhiều vụ cháy nổ máy tính để bàn do người sử dụng có một số tác động, sửa chữa nên họ thường âm thầm chịu đựng. Hơn nữa, máy tính xách tay được nhiều người dân đô thị sử dụng nên khả năng ghi nhận vụ việc cũng cao hơn.

Nguồn tin: Thanh Niên và Tuổi Trẻ