Đảng bộ huyện Cái Bè gắn phát triển kinh tế với xây dựng Đảng

Cụm công nghiệp An Thạnh.

Cụm công nghiệp An Thạnh.

Qua quá trình phấn đấu nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè đã tạo được những dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế. Những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đều đạt và vượt mục tiêu so với Nghị quyết Đại hội đề ra, tạo thêm những tiền đề, là cơ sở quan trọng bổ sung thêm nguồn lực mới cho bước phát triển kế tiếp của huyện trong tương lai...

* Những thành quả quan trọng

Vào những ngày đầu tháng 8, mặc dù bận rộn chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhưng Bí thư Huyện ủy Cái Bè Huỳnh Văn Phương vẫn dành cho chúng tôi buổi trao đổi về những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện. Ông Phương cho biết: Kinh tế của huyện trong 5 năm qua tiếp tục tăng trưởng, tăng bình quân 11,89%/năm, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2000-2005 (đạt 9,18%). Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (các ngành thương mại dịch vụ). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2010 ước đạt 4.615 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng, gấp 2 lần so với năm 2005. Tỷ trọng khu vực I-II-III lần lượt là 44,15% - 25,67% - 30,18%. Ông Phương khẳng định: Thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2005-2010 đã khẳng định hướng đi đúng đắn của huyện. Với truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao và sự cố gắng vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè đã từng bước khắc phục khó khăn, thách thức, hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra.

Kim chỉ nam của chủ trương phát triển kinh tế ở huyện Cái Bè là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện. Huyện đã quy hoạch, xây dựng được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và chuyển đổi cơ cấu theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6,01%/năm (Nghị quyết đề ra là 4 - 5%).

Trên địa bàn huyện đã phân chia các tiểu vùng kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương theo định hướng chung về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Đó là, phát triển vườn cây ăn trái ở Nam quốc lộ và đồng lúa thơm, chất lượng cao ở phía Bắc quốc lộ. Tổng diện tích vườn chuyên canh trái cây đặc sản 16.497 ha, trong đó có 79% là vườn chuyên canh như cam sành, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò...với sản lượng hàng năm đều tăng, riêng năm 2010 ước đạt 238 ngàn tấn (chỉ tiêu năm 2010: 250 ngàn tấn). Thạc sĩ Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện cho biết, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế vườn được nâng lên. Diện tích vườn cho thu nhập từ 80 triệu đồng/ha trở lên đạt 7.678 ha, chiếm 46,5% tổng diện tích vườn và gấp 2 lần so năm 2005. Diện tích trồng lúa của huyện hiện là 17.837 ha với 12.219 ha vùng lúa chất lượng cao ở các xã dọc theo tuyến lộ 869 và phía Đông kinh 28 với sản lượng lúa hàng năm đạt từ 285-300 ngàn tấn (chỉ tiêu năm 2010: diện tích 17 ngàn ha, sản lượng 254 ngàn tấn). Bên cạnh đó, mô hình lúa - cá, lúa - tôm và xen canh màu trên chân ruộng được phát triển, góp phần tăng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác, nâng diện tích cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm là 4.930 ha (chiếm 28% tổng diện tích ruộng và gấp 8 lần năm 2005).

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ có bước chuyển biến mới cả về lượng và chất. Cơ cấu ngà

* Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thế Ngọc:

Trong thời gian tới, UBND huyện Cái Bè cần tập trung vào việc sản xuất, khai thác tốt tiềm năng các loại trái cây đặc sản của vùng, đặc biệt hướng đến khâu đóng gói, xây dựng thương hiệu bao bì và đưa trái cây vào tiêu thụ ở hệ thống các siêu thị trên toàn quốc và ở nước ngoài. Đối với lĩnh vực dịch vụ, thương mại, cần quy hoạch, tổ chức lại hệ thống cơ sở dịch vụ như trạm dừng chân, trạm xăng dầu... xung quanh hai tuyến quốc lộ và đường cao tốc trên địa bàn thông qua hình thức xã hội hóa, kêu gọi đầu tư. Về lĩnh vực công nghiệp, huyện Cái Bè cần hướng tới quy hoạch và phát triển các cụm, khu công nghiệp tập trung vào ngành sản xuất, chế biến trái cây, thức ăn thủy sản, phân bón, đồng thời kết hợp với việc bảo vệ môi trường...

nh và sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đa dạng hơn. Tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 14,6%/năm, giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt 287,5 tỷ đồng (bằng 1,7 lần năm 2005). Ông Ngô Văn Sáu, Chủ tịch UBND huyện, đã nhấn mạnh: "Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng gắn với ứng  dụng có hiệu quả tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã tạo ra lượng vật chất lớn là nền tảng để huyện phát triển nhanh khu vực II và III". Các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế, có sức cạnh tranh như xay xát, lau bóng gạo, cơ khí phục vụ nông nghiệp tiếp tục phát triển. Nhiều cơ sở mới được thành lập, cải tiến máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ. Cụm công nghiệp An Thạnh, Mỹ Thuận giai đoạn 1 hoàn thành và hoạt động có hiệu quả, hiện địa phương đang kêu gọi đầu tư mở rộng cụm An Thạnh giai đoạn 2 thêm 33,7 ha và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà máy thú nhồi bông ở xã An Cư. Huyện đang nỗ lực sắp xếp lại "vựa gạo" khu vực Bà Đắc và vận dụng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của tỉnh để kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống được đầu tư và phát triển khá. UBND tỉnh đã công nhận làng nghề bánh phồng (Đông Hòa Hiệp - thị trấn Cái Bè), bánh tráng (Hậu Thành), tạo cơ hội cho các làng nghề phát triển mạnh trong tương lai. Toàn huyện có 1.712 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (tăng 38,2% so năm 2005), trong đó có trên 170 doanh nghiệp, một số doanh nghiệp tạo được thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và trong nước. Hoạt động thương mại - dịch vụ có nhiều khởi sắc, từng bước trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương như Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện đã xác định. Tốc độ tăng trưởng cao, tăng bình quân 18,36%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hoá - dịch vụ tăng bình quân 24,9%/năm.

* Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng

Bí thư Huyện ủy Huỳnh Văn Phương cho biết: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo các chính sách an sinh xã hội. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh được quan tâm lãnh đạo, trong đó, chú trọng củng cố các cơ sở yếu kém đi đôi với nâng chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nề nếp tự phê bình và phê bình. Huyện ủy đã tập trung củng cố các ban tham mưu, sắp xếp lại các tổ chức trực thuộc, kiện toàn các cơ quan chuyên môn của chính quyền; củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện tới cơ sở có chuyển biến tốt hơn. Đến nay, toàn huyện có trên 113.600 đoàn viên, hội viên, trong đó có 45.733 hội viên nông dân, 35.988 hội viên phụ nữ, 12.193 đoàn viên thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên có 9.336 hội viên, Hội Cựu chiến binh có 3.921 hội viên, Liên đoàn Lao động có 5.889 công đoàn viên. Hàng năm có từ 83 - 95% tổ chức Mặt trận và các đoàn thể cơ sở đạt vững mạnh (Nghị quyết đề ra là 80%),

Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ cũng luôn được các cấp quan tâm. Quy hoạch cấp ủy huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ, có chuyên môn, lý luận chính trị tăng. Nhiệm kỳ qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cử gần 7.900 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trong đó đào tạo chuyên môn cao đẳng, đại học 83 đồng chí, cao cấp và cử nhân chính trị 20 đồng chí để chuẩn hóa và tạo nguồn cán bộ. Với chủ trương tăng cường cho cơ sở, đồng thời bồi dưỡng, rèn luyện thực tế cho cán bộ trong diện quy hoạch, đã luân chuyển 6 cán bộ huyện về làm bí thư, phó bí thư xã, thị trấn. Đội ngũ cán bộ từng bước được chuẩn hóa, giữ gìn được phẩm chất đạo đức, trưởng thành và tiến bộ nhiều mặt. Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã ở xã Hậu Mỹ Phú. Theo kết quả đánh giá ban đầu, mô hình này bước đầu hoạt động có hiệu quả. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được thực hiện nghiêm túc, chú trọng chất lượng. Theo kết quả đánh giá phân loại hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 85,5 -  94,3% (Nghị quyết 85 - 90%); đảng viên đủ tư cách và hoàn thành nhiệm vụ từ 98 - 99,03% (Nghị quyết 95-98%). Công tác phát triển Đảng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trong nhiệm kỳ đã kết nạp 690 đảng viên mới, vượt 25,4% Nghị quyết. Đảng bộ hiện có 3.810 đảng viên (nữ chiếm 16,5%), sinh hoạt ở 75 tổ chức cơ sở Đảng.

Được biết, theo phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015 của Tỉnh ủy; với yêu cầu phát triển huyện Cái Bè 5 năm tới và đến năm 2020 theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Đảng bộ huyện Cái Bè tập trung vào các khâu đột phá: Thực hiện đầy đủ và vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kết hợp với khai thác, phát huy các nguồn lực, nhất là tiềm năng về đất đai, lao động, lợi thế của địa phương để đưa huyện nhà phát triển lên tầm cao hơn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực II, III, tốc độ tăng GDP bình quân từ 12 - 13%/năm; phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 28,38 triệu đồng, gấp 1,7 lần năm 2010. Tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân theo Nghị quyết Trung ương 7, khóa X. Phát huy lợi thế để phát triển các ngành dịch vụ tương xứng với vai trò là mũi đột phá kinh tế của huyện. Phấn đấu giá trị tăng thêm ngành dịch vụ bình quân đạt 15 - 16%/năm. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao; đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Phấn đấu nhiệm kỳ 2010-2015 là nhiệm kỳ phát triển nhanh và bền vững...

* KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NHIỆM KỲ 2005-2010:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tăng bình quân 11,89%/năm (NQ 12-13%).

+ Khu vực I (nông nghiệp,thủy sản) tăng 6,01%/năm (NQ 4-5%).

+ Khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 14,42%/năm (NQ 15-16%).

+ Khu vực III (các ngành dịch vụ) tăng 18,36%/năm (NQ 20-21%).

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 gấp 2 lần so với năm 2005, đạt 16 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm 6.127 tỷ đồng (NQ 6.000 tỷ đồng), bằng 33,4% tổng GDP 5 năm.

- Thu ngân sách 5 năm 1.484 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách địa phương 443,03 tỷ đồng (NQ 396 tỷ đồng), bằng 2,26% GDP 5 năm.

- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 99,8%, trong đó 88,18% hộ được gắn điện kế chính; hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%; thuê bao điện thoại đạt 10 máy/100 dân; internet đạt 1 thuê bao/100 dân.

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 8,75% (NQ dưới 10%).

- Xây dựng và sửa chữa 539 nhà tình nghĩa (NQ 175 căn)

- Trường chuẩn quốc gia 11 đạt 15,06% (NQ 30%).

- Giải quyết việc làm 5 năm 34.025 lao động (NQ 18.000 lao động).

- Hàng năm có từ 83% đến 95% tổ chức đoàn thể ở cơ sở đạt vững mạnh (NQ trên 80%).

- Hàng năm có từ 85,5% đến 94,3% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ (NQ 85-90%) và từ 98% đến 99,03% đảng viên đủ tư cách (NQ 95-98%).

- Kết nạp 690 đảng viên mới (NQ 500-550 đảng viên).

Tác giả bài viết: Hữu Chí

Nguồn tin: tiengiang.gov.vn