Bốn ''nhà'' cùng lo đầu ra cho nông sản

Nhu cầu tiêu thụ trái cây của 86 triệu dân Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng và chất lượng

Nhu cầu tiêu thụ trái cây của 86 triệu dân Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng và chất lượng

“Liên kết 4 nhà” gồm Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp lại được đặt ra trong Festival trái cây tại Tiền Giang. Tuy vậy, liên kết ra sao lại là một vấn đề.
Lâu nay, các festival tại Việt Nam thường mới chỉ dừng lại ở tính lễ hội là chính. Vậy nên, sự kỳ vọng tìm giải pháp đầu ra cho nông sản của ban tổ chức Festival Trái cây Việt Nam (từ 19 - 24/4 tới tại Tiền Giang) được nhiều doanh nghiệp phân phối, ngân hàng… đón nhận khá hồ hởi. Bởi suy cho cùng, nếu liên kết chặt chẽ, tất cả các bên đều có lợi.

Bốn nhà – bốn niêu

Vải thiều bán rẻ như cho, dưa hấu đổ bỏ tại cửa khẩu… đó là những vấn đề đang hiện hữu của trái cây Việt Nam. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, có thể thấy, cả bốn nhà đều… có lỗi.

Đối với nhà nông, đa số nông dân Việt Nam vẫn chưa gạt bỏ được tư tưởng ham lợi trước mắt và không tính toán được chiến lược lâu dài. Do nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật nên họ rất dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết. Phổ biến hơn là tình trạng nhiều hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá nông sản trên thị trường lên cao thì lại sẵn sàng bán cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác để hưởng giá cao hơn. Còn đối với doanh nghiệp, họ không chỉ thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của các “nhà” khác mà còn phải chịu rủi ro cao khi ứng vốn cho nông dân. Khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp kéo dài thời gian nợ ngân hàng làm tăng lãi suất vốn vay, giá thành sản phẩm chế biến tăng, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả hoạt động và tài chính. Do vậy, các doanh nghiệp khi ký hợp đồng còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp.

Với tư cách là một doanh nghiệp cung ứng vốn, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, nhà nông vốn rất khó trong việc vay vốn vì luôn có tâm lý mong được hỗ trợ. Còn doanh nghiệp lại không mặn mà vay vốn để thu mua vì sản phẩm rất… phập phù đầu ra. Còn “nhà khoa học” có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành nhờ công nghệ… nhưng lại lúng túng khi thực hiện liên kết với các “nhà” còn lại. Vẫn còn thiếu vắng các cơ quan hay tổ chức nghiên cứu mạnh dạn, chủ động đưa định hướng liên kết thành một ưu tiên trong việc triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu. Ngay cả những hợp đồng được ký kết thông qua hoạt động liên kết thì quyền lợi vật chất của các cơ quan khoa học hay các nhà khoa học cũng chưa được xác định rõ ràng.

Vậy còn nhạc trưởng - nhà nước thì sao? Cần phải thẳng thắn thừa nhận là nhà nước vẫn chưa tạo ra được một hành lang pháp lý phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các nhà, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông. 

Trong một số trường hợp, các bộ, ngành còn lúng túng, chưa có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Đối với những trường hợp thiệt hại do các nguyên nhân bất khả kháng, nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ thiệt hại cho các bên tham gia liên kết. Ngoài ra, một số lãnh đạo địa phương còn không biết hoặc không hiểu đầy đủ về chính sách liên kết “bốn nhà” nên chưa có sự hỗ trợ một cách hợp lý, ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhìn nhận. 

Một festival chưa đủ!

“Yêu cầu cơ bản để nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh là phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và chính vì vậy phải liên kết bốn nhà mới làm được”. Đó là ý kiến của bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế. Đồng tình với bà Lan, ông Đoàn Đình Hoàng - Giám đốc Công ty Masso Consulting, chuyên tư vấn xây dựng thương hiệu, cho rằng gốc rễ của vấn đề là từ khâu quy hoạch, nơi nào trồng cây gì cho phù hợp, ai đảm trách cung ứng giống tốt, liên kết và hỗ trợ nhau giữa nông dân và doanh nghiệp như thế nào. Ngoài ra, một vấn đề cũng đáng quan tâm là quá nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chăm chăm vào xuất khẩu mà quên rằng nhu cầu tiêu thụ nông sản của 86 triệu dân trong nước cũng tăng, cả về số lượng, chất lượng cũng như độ an toàn của nông sản. Ông Hoàng cho rằng, chỉ cần chiếm lĩnh được thị trường nông sản nội địa cũng đã quá tuyệt vời chứ chưa nói tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, trái cây Việt Nam chưa thực sự có những vùng chuyên canh có tính khác biệt. Ngay trong festival, điều trăn trở lớn nhất của các nhà tổ chức là làm sao để logo của festival phải thể hiện được cả 3 vùng chuyên canh cây trái của cả nước. Dù vải, thanh long, xoài đã “góp mặt” trên logo nhưng những khúc mắc trong việc lựa chọn đã chỉ ra rằng, chúng ta chưa thực sự coi trái cây là mặt hàng chiến lược. Trái cây là hàng hóa, nếu cùng lúc đưa hàng ra quá nhu cầu thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng mất giá. Thay vì bán ra nên tìm cách chế biến và bảo quản để tạo thế quân bình giữa cung - cầu, đồng thời điều chỉnh được giá bán. Ngược lại, khi sức mua giảm, phải có những biện pháp tiếp thị để kích cầu thị trường.

Tại thị trường trong nước, nhiều loại trái cây thường bị dội chợ thê thảm khi trúng mùa. Ví dụ, mỗi vụ vải thiều kéo dài khoảng 8 tuần với sản lượng trung bình 200.000 tấn. Không thể đòi hỏi người tiêu dùng phải ăn quá nhiều vải tươi mà phải suy nghĩ đến các sản phẩm chế biến khác từ vải... Ông Nguyễn Duy Thuận - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho rằng lập sàn giao dịch nông sản do địa phương hoặc hiệp hội quản lý cũng là giải pháp hay nhằm điều phối giá cả.

Những thông tin mới đây về giá trái vú sữa Lò Rèn trên thị trường là một ví dụ điển hình. Ở đầu vụ, nhờ có thương hiệu mà các nhà vườn ở vùng Vĩnh Kim, Tiền Giang bán được đến 30.000 đồng/trái nặng nửa ký lô - cao hơn gấp 3 - 4 lần so với với trước đây. Hiện một số trái cây, nông sản khác đã có thương hiệu cũng được thị trường chấp nhận mua với giá cao hơn như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng 9 Hóa, 6 Ri, bưởi Hoàng Gia, gạo thơm Jasmine, nàng thơm chợ Đào… Đây là những điển hình để áp dụng đối với các loại nông sản phẩm khác, từ đó tạo đà cho nông nghiệp phát triển mạnh.

Festival trái cây sẽ chỉ diễn ra trong 7 ngày, nhưng thời gian bao lâu để có được một thị trường ổn định cho trái cây Việt Nam chưa xác định được. Dù ai cũng biết rằng, đối với “đầu ra” của sản phẩm - nhất là loại sản phẩm “hương hoa” như trái cây, thì sự ổn định cần thiết hơn nhiều. Hơn nữa, chưa thể dễ dàng hình dung được tương lai của ngành cây ăn trái Việt Nam nếu người ta chỉ hô khẩu hiệu “liên kết bốn nhà” mà chẳng chịu liên kết thật.

Tác giả bài viết: Ngọc Nhi

Nguồn tin: DĐDN