Những câu chuyện của thời chiến tranh

Chiến tranh đã lùi xa, xa hơn nửa đời người rồi, nhưng trong lòng của những người đi qua cuộc chiến thì vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng gầm rú của bầy trực thăng, tiếng nổ đinh tai nhức óc của các loại đạn pháo; vẫn còn cái cảm giác tức nghẹn trong lồng ngực bởi sức ép của bom bừa, cái đau rát khi băng qua bãi ô rô, nghe bàn chân nhói đau khi giẫm lên gai nhọn... Những hồi ức, kỷ niệm về chiến tranh vẫn tươi nguyên trong tim óc, trong tâm khảm, trong mỗi giấc mơ của những người đã từng đi qua cái thời máu lửa đó. Kỷ niệm trong chiến tranh kể đến bao giờ mới hết, thời kỳ nào, ở đâu cũng có những câu chuyện xúc động. Tôi là người sinh sau đẻ muộn, trong chiến tranh tôi còn nhỏ, nhưng lớn lên trong vùng giải phóng, dẫu sao tôi cũng cảm nhận được cuộc sống, hơi thở của chiến tranh; thấu hiểu phần nào sự gian nan vất vả, sự hy sinh mất mát của người dân và cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Vì vậy, mỗi năm đến cái ngày 30/4 là tôi nhớ công ơn to lớn của các chú, các cô, các anh chị đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình hôm nay...
Chuyển thương binh qua mắt giặc

Ở Tiền Giang, nói đến Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Thị Hiếu Tâm thì có lẽ nhiều người biết, nhưng những mẩu chuyện về cô, những lần cô vượt qua làn ranh của sự sống và cái chết để cứu thương binh thì ít ai biết hết. Câu chuyện sau đây chỉ là một phần nhỏ trong cuộc đời chiến đấu của cô.

Khoảng tháng 10/1963, cô là du kích xã, là nữ cứu thương của xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo. Đêm đó bộ đội về công đồn Thạnh Nhựt, cô được phân công tiếp nhận thương binh ở Trạm Thu dung. Số thương binh nhẹ để lại y tế xã chăm sóc, số thương binh nặng phải chuyển về Trạm xá Tỉnh đội. Gần sáng, anh Sáu Trạch, Trưởng Ban Quân - Dân y huyện Chợ Gạo lệnh cô phải chuyển ngay 3 thương binh nặng về Bệnh xá Tỉnh đội Mỹ Tho, đóng ở xã Gia Thuận, Gò Công. Một mình cô nữ cứu thương 17 tuổi với 3 thương binh nặng, không đi đứng được, làm sao đây? Trời sắp sáng rồi, quân tiếp viện của địch sẽ đến ngay thôi. Cô như con kiến bị rang trên chảo, trong đầu cứ vang lên câu hỏi: “Làm sao đây? Làm sao đây?” và cô tự trả lời mình: “Phải dựa vào dân, phải nhờ bà con giúp đỡ. Nhưng ai có thể tin cậy được?”. Cô chợt nhớ ông Tám Chơn, người có chiếc ghe máy chuyên chở đồ vườn cho bà con đi chợ Mỹ Tho bán. Ông Tám Chơn với cô cũng có chút ân tình. Ông đông con, mỗi lần con ông bệnh là kêu cô đến săn sóc, nên ông rất quí cô.

Cô Lê Hiếu Tâm thời trẻ

Bàn bạc với ông Tám xong xuôi thì trời hửng sáng. Hai người đưa 3 anh thương binh xuống ghe. Ghe còn trong rạch thì tàu bằng xuống lủ khủ ngoài sông; lớp chạy, lớp thả trôi. Chúng từ Mỹ Tho xuống tiếp viện cho đồn Thạnh Nhựt. Nếu cho ghe ra sông gặp tàu bằng là chết chắc; mà trở lại càng chết hơn, vì trời đã sáng rồi. Cô run, ruột gan đánh lô tô, chân bước tới bước lui. Ông Tám Chơn hỏi dồn: “Làm sao đây cô Mười? Làm sao đây cô Mười?”. Trong đầu cô cứ văng vẳng hai tiếng “Làm sao? Làm sao?”. Làm sao để bảo vệ an toàn cho thương binh? Làm sao để thương binh không bị bắt? Nhìn đống dừa và chuối chất trên bờ, cô quyết định: “Phải đi thôi, có chết thì cùng chết!”. Rất may, ông Tám là một người kiên cường, bản lĩnh; nghe cô trình bày kế hoạch, ông gật đầu. Hai người dỡ ván, để thương binh dưới lườn ghe, sau đó lấy cây kè, đội lên chừa khoảng thở cho chắc chắn, rồi chất dừa và chuối lên trên. Nhìn bên ngoài chỉ thấy chiếc ghe chở đầy những buồng dừa xiêm xanh và những buồng chuối già, chuối xiêm. Ông Tám lúc đó hơn 50 tuổi, cô dặn ông đóng vai cha, còn cô là con gái, hai cha con chở đồ vườn đi Mỹ Tho bán. Ông Tám nổ máy cho ghe chạy ra sông, thay vì chạy về hướng Gò Công thì ông chạy về hướng Mỹ Tho. Ra sông mới thấy vô số tàu giặc, nhưng ông Tám rất bình tĩnh, ông cho ghe chạy chầm chậm và cứ thẳng tiến, không né tránh. Tụi lính trên tàu kêu lại, ông Tám cho ghe cặp sát tàu. Cô đứng trước mũi ghe, cố giữ bình tĩnh mỉm cười với tụi lính. Chúng hỏi: “Đi đâu?”; cô nói “Cha con tôi đi chợ Mỹ Tho bán dừa, bán chuối. Mấy anh uống nước dừa hôn, qua lấy ít buồng uống. Dừa xiêm ngọt lắm!”. Không đợi chúng trả lời, cô nhanh tay thảy qua tàu mấy buồng dừa. Chúng khoác tay cho đi. Hú hồn! Trời mới sáng, sương lạnh còn chưa tan hết mà mồ hôi ông Tám nhỏ giọt. Qua khỏi tàu, ông nói: “Hết chuyện sao mà cô kêu tụi nó qua ghe?”. Cô cười: “Mình làm vậy cho tụi nó không nghi”.

Khi ghe chạy khá xa, không còn thấy bóng tàu địch, cô mới kêu ông Tám cho ghe qua Bến Tre, rồi vòng xuống Gò Công. Tới vùng an toàn rồi, cô dỡ lớp nghi trang, đem 3 anh thương binh ra ngoài. Có một anh bị thương phổi, cô đỡ anh ngồi dựa vào be ghe. 5 giờ chiều hôm đó chiếc ghe đã tới trạm xá an toàn.

Cả kíp mổ... ngủ gục!

Năm 1969, sau mấy tháng đi mở lớp y tá ở huyện Chợ Gạo cô Lê Thị Hiếu Tâm trở về Trạm xá 2 của Thành đội Mỹ Tho, đóng ở Hóc Đùn, xã Đạo Thạnh. Lúc này, tụi địch quyết tâm biến Đạo Thạnh thành vành đai trắng nên tập trung đánh phá rất ác liệt. Ngày nào cũng đối đầu với giặc, thương binh nhiều, lực lượng của Bệnh xá đã ít còn hy sinh 1, bị thương 3. Có thương binh hy sinh do không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời. Thấy cô về, anh chị em ở trạm mừng rơi nước mắt. Cô cùng anh em củng cố lại đội ngũ, kiện toàn các khâu để có thể thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ. Ban ngày lo cất giấu thương binh, tổ chức đánh địch, đón đầu chọi lựu đạn, gài trái; ban đêm phẫu thuật, cấp cứu... Cứ như vậy, có đợt liên tục mấy đêm ngày không ngủ. Có lần cô leo lên cây mận đứng gác, buồn ngủ quá, mí mắt cứ sụp xuống, cô hái mận ăn cho tỉnh. Ai ngờ, tay cầm trái mận ăn mà ngủ hồi nào không biết. Lính vô, chúng luồn dưới mương. Có lẽ chúng định bắt sống cô nên không bắn. Khi chúng leo lên bờ thì một tên bị trợt chân gây tiếng động. Cô bừng tỉnh, nhìn xuống. Trời ơi lính, lính lố nhố dưới mương chỉ cách cô chừng 5 mét. Cô rút lựu đạn ở thắt lưng chọi liên tiếp 2 trái và phóng xuống ù chạy. Khi đi gác, cô thường mang theo 4-5 trái lựu đạn, rút sẵn chốt, cài vào sợi dây nịch Mỹ ở thắt lưng, ràn dây thun lại. Khi gặp địch chỉ cần rút ra chọi, khỏi mất thời gian rút chốt. Tụi lính bị thương không dám truy đuổi, chỉ bắn theo cô như vảy đạn.

Đợt này cũng vậy, ngày chống càn, đêm phẫu thuật cấp cứu, cứ như thế suốt 6, 7 ngày đêm không ngủ. Người ta nói không ngủ lâu ngày mí mắt cứng lại, không nhắm được; nhưng cô không thấy vậy, chỉ thấy mí mắt nặng như treo đá, cố gắng lắm mới nhướng lên nổi. Đêm đó, kíp mổ do cô mổ chính và 3 y tá: Năm Lù rọi đèn, Hương chuyền dụng cụ, Rỡ ủ ấm. Khi đối diện với thương binh, thấy họ đau đớn là mình tỉnh liền; nhưng khi nguy hiểm qua rồi thì cơn buồn ngủ lại ập đến. Vừa xong cas thứ nhất - gãy chân, cô mổ luôn cas thứ hai - bị thủng ruột non và thủng mạc treo ruột. Cô còn nhớ, anh thương binh ấy tên Khoa. Sau gần 2 tiếng đồng hồ phẫu thuật, cô đã giải quyết xong phần bên trong và lắp ruột vô, hai tay đặt lên giữ vết thương, chờ y tá chuyền kim may, vậy mà... ngủ. Cơn buồn ngủ đến từ trong ruột, ngủ hồi nào không biết. Khi anh thương binh gọi “Chị Mười!” cô giật mình mở mắt. Trời ơi, 3 người y tá giống như bị phù phép, họ như những pho tượng bất động, tay còn nguyên những động tác dở dang: Hương tay cầm kim, tay cầm chỉ đưa lên; Rỡ hai tay cầm hai cây ben vắt gạt; anh Năm Lù đang bơm đo huyết áp... tất cả đều ngủ. Cô đánh thức mọi người và cuống quýt hỏi anh thương binh: “Chị ngủ lâu chưa?”. Anh thương binh nói: “Chị mới nhắm mắt là em kêu đó!”. Lần đó đáng ra cả kíp mổ phải bị kỷ luật, nhưng anh Tám Thành - Trạm trưởng nói: “Làm sao kiểm điểm tụi nó cho được, tụi nó cực lắm!”.

Cũng may, hồi đó phẫu thuật không có gây mê, chỉ gây tê tại chỗ nên anh thương binh mới đánh thức cô và nhờ vậy mà anh không bị sao, ra viện về đơn vị chiến đấu bình thường, nếu không cô khó tha thứ cho mình. 

ANH HY SINH VÌ MỘT CÁI TẾT YÊN LÀNH

Câu chuyện sau đây được Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 kể cho tôi nghe.

Tết Ất Tỵ 1965 Tỉnh đội Mỹ Tho chủ trương không chủ động đánh trong những ngày tết, để bà con có một cái tết yên lành. Quán triệt tinh thần này, đêm 29 tết, Tiểu đoàn 514A hành quân về vùng ven, nơi giáp ranh của hai xã Hữu Đạo (Châu Thành) và Nhị Quí (Cai Lậy) để làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và bảo vệ nhân dân vui tết.

Nơi tiểu đoàn đóng quân cách đồn giặc chưa tới 2 cây số. Sau khi xây dựng trận địa xong, anh Mai Thanh Sơn (Đại đội trưởng Đại đội 2) và anh Trang (quản lý của đại đội) mặc thường phục ra xóm nhà dân, cách chỗ đóng quân chừng 400 mét dò la tình hình. Đường làng dập dìu nam thanh, nữ tú; chỗ này đốt pháo, nhảy dây; chỗ kia búng thun, chọi đáo... Từng nhóm trẻ tụ tập bên đường và trong các sân nhà vui vẻ nô đùa.

Hai anh đi ngang một quán nước, chị chủ quán đon đả mời vào. Hai anh bước vào quán, ngồi xuống chiếc bàn cạnh cửa ra vào. Ít phút sau thì có 3 thanh niên cũng mặc thường phục bước vô, ngồi xuống cái bàn kế bên. Nghe giọng họ kêu bia và quan sát cử chỉ, điệu bộ của họ, anh Sơn nghĩ “Chắc chắn là lính!”.

Cô Lê Hiếu Tâm cùng con trai ĐạI úy Nguyễn Sĩ Đông

Ba người thanh niên đó cũng len lén quan sát hai anh. Bên đây nghi, bên kia cũng nghi. Ngoài sân trẻ em vẫn vô tư nô đùa, tiếng pháo tết vẫn nổ râm ran khắp làng trên xóm dưới. Anh Sơn đưa tay sờ vào thắt lưng, nơi có khẩu Col đuôi cồm cộm. Anh nghĩ, nếu nổ súng thì xóm làng sẽ bị vạ lây; mấy đứa nhỏ đang chơi trước sân khó bảo toàn tính mạng. Anh còn phân vân chưa có hành động gì, thì 3 thanh niên bàn bên bất ngờ vụt chạy. Anh Sơn nhanh tay chộp được tên ngồi gần. Anh móc súng ra, hắn run như thằn lằn đứt đuôi. Hắn khai, hắn là lính Dân vệ trong đồn, xin anh tha chết.

Hai tên lính kia chạy về đồn; bên đây anh Trang cũng chạy về chỗ đại đội đóng quân. Chỉ ít phút sau, bọn lính kéo lên mười mấy tên. Trên này, anh Trang cũng dẫn xuống 2 tiểu đội. Nhớ chủ trương “không nổ súng, không chủ động đánh trong những ngày tết”, anh Sơn không cho chiến sĩ mình nổ súng. Anh chỉa súng vào tên Dân vệ, nói gằn từng tiếng: “Quân giải phóng đóng ở đây! Nếu tụi bây sục sạo, quấy nhiễu nhân dân; nếu tụi bây dám lên đây thì sẽ bị tiêu diệt. Bây giờ tao thả mày, để mày về nói cho đồng bọn mày biết điều đó!”.

Anh Sơn vừa thả tên Dân vệ, thì bên kia bọn lính nổ súng. Thanh niên, trẻ em trong xóm nghe tiếng súng nổ mà cứ tưởng là tiếng pháo, nên cứ vô tư đi lại, nô đùa. Nếu trận chiến xảy ra thì tang thương sẽ phủ xuống xóm này, còn đâu là ngày tết? Nghĩ vậy, anh Sơn vẫn kiên quyết không cho chiến sĩ mình nổ súng. Anh Trang trúng đạn hy sinh, lực lượng ta vẫn im lặng. Khi tên Dân vệ chạy về gặp đồng bọn, thì bọn lính không bắn nữa, rút về đồn.

Năm đó, bà con vùng ven xã Hữu Đạo và Nhị Quí có được cái Tết yên ổn, trẻ em được vui vẻ nô đùa bên những gốc mai vàng rực rỡ sắc xuân, đâu ai biết rằng điều đó được đánh đổi bằng sinh mạng của một anh chiến sĩ giải phóng.

Tác giả bài viết: Ngọc Thủy

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 97