Lê Văn Thảo, đã khép lại một đời người, đời văn…

Kính viếng nhà văn Lê Văn Thảo

Khi mọi người còn trong giấc ngủ say thì ông lặng lẽ ra đi. Không ai có thể chọn cho mình giờ đến và đi trong cuộc đời, nhưng phút giây xa rời cõi tạm của nhà văn Lê Văn Thảo cũng giống như cách sống, cách viết của ông, một nhà văn Nam bộ hiền lành chất phác, trong đời thường cũng như trên trang viết, không lụy phiền ai, không phô trương ồn ào, nhưng chân thành, bền bỉ, đầy tận tụy.
Nhà văn Lê Văn Thảo và một số tác phẩm của ông

Những ai đã từng tiếp xúc với nhà văn Lê Văn Thảo sẽ không tìm thấy ở ông sự niềm nở, dồn dập ban đầu, vẻ ngoài hơi “lạnh”, kiệm lời trong giao tiếp đãi bôi khiến ông ít nhiều bị cho là khó tính và khó gần. Nhưng tiếp xúc với nhà văn dài lâu sẽ nhận ra ở ông sự chân tình, đặc biệt với lớp người cầm bút trẻ, như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bộc bạch: Ông không đố kỵ với ai và cũng không muốn ai phải lụy phiền… Ông dang tay ra với hậu sinh và hậu sinh cảm nhận được sự độ lượng của một tiền bối có tấm lòng ấm áp.

Tôi biết nhà văn Lê Văn Thảo từ Lớp sáng tác Văn học trẻ Tiền Giang cuối năm 1978. Sau buổi trình bày về kinh nghiệm sáng tác văn xuôi của nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, là buổi trò chuyện của Lê Văn Thảo. Khác với phong cách chỉn chu của nhà văn Anh Đức khi giới thiệu những vấn đề lý luận thiết thực trong sáng tác, vẻ hào sảng, sôi động, đẫm chất đời của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo bình dị, thủ thỉ những câu chuyện kể, dẫn dắt người nghe từng bước tiếp cận sáng tác của ông. Tôi còn nhớ ông đã kể về những truyện ngắn đầu tay của mình được viết từ chính những tình tiết mà ông đã bắt gặp trong cuộc sống. Một lần nằm ngoài chuồng trâu nghe được câu chuyện cảm động của chị chủ nhà, hay trên đường công tác gặp cô gái trẻ trên tay khư khư ôm cái làn gà, hỏi ra mới biết cô xách con gà đi thăm chồng là bộ đội đang đóng quân ở…, khi tới nơi thì đơn vị đã chuyển đi nơi khác. Cô lại xách con gà đi từ làng này tới làng kia, con gà đẻ trứng, ấp, rồi nở ra một bầy gà con mà cô vẫn chưa gặp được chồng… Những tình tiết độc đáo ấy đã được nhà văn “thâu tóm”, biến hóa thành những truyện ngắn đặc sắc trong tác phẩm đầu tay “Đêm Tháp Mười” xuất bản năm 1972. Từ những câu chuyện mà ông cho là “kể nghe chơi”, nhà văn Lê Văn Thảo đã gửi gắm tới những người trẻ ngấp nghé nghiệp viết lách, rằng: văn chương không là cái gì xa vời, nó ở quanh quất ngay trong cuộc sống thường ngày…

Tiếp xúc với nhà văn Lê Văn Thảo, đọc tác phẩm của ông, những tác phẩm viết sau chiến tranh, khi mà sự phân định giữa chính nghĩa và phi nghĩa đã lẩn khuất nhưng trong cuộc giằng co thiện - ác, đúng - sai đời thường, càng cảm nhận được quan niệm văn chương mà ông đã tâm niệm bằng cả cuộc đời gắn với chữ nghĩa: “Ông khước từ những rao giảng khô cứng, những xu hướng thị hiếu, những cách tân thời thượng mà nhiệt thành "nhúng" chữ nghĩa của mình vào những mảnh đời thấp bé và bơ vơ. Cái thảng thốt tình cờ, cái mất mát vô cớ, cái hẩm hiu khó tránh... là điều Lê Văn Thảo ưu tư cho số phận con người.” (Lê Thiếu Nhơn).

Lựa chọn và gắn bó cả đời với nghiệp viết lách, sau 1975, sống ở Sài Gòn, nhưng Lê Văn Thảo rong ruổi khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ông thường đi về miền Tây, mảnh đất ông đã sinh ra và lớn lên với nhiều hồi ức gắn bó. Trong những ngày dài điều trị căn bệnh hiểm nghèo, nhà văn Lê Văn Thảo nói ông nhớ nhất là những chuyến đi về mấy tỉnh miền Tây, đó là những kỷ niệm khó quên với ông. Ông nhắc lại lần đi thực tế ở Tiền Giang, trại viết truyện ngắn, và những người viết trẻ, chuyến đi biển Vàm Láng, vườn trái cây Cái Bè, khu sinh thái Đồng Tháp Mười ở Tân Phước… Tôi nhớ một lần, khi mới nghỉ hưu, ông gọi cho tôi: Nè, bây giờ anh rảnh rang rồi, mấy đứa có tổ chức đi đâu cho anh hay, anh đi cùng.

Sinh thời, nhà văn Lê Văn Thảo dành nhiều ưu ái cho những người viết trẻ (mới khởi nghiệp viết), nhất là những cây viết miền Tây Nam bộ. Ông nhiệt tình tham gia các trại viết ở tỉnh, cùng đi thực tế, và đọc kỹ càng tác phẩm của anh chị em ở trại, nhận xét thẳng thắn, chân tình. Ông nhớ từng người trong trại viết mà ông đã đọc. Có lần ghé thăm ông, tôi nói: L. (một cây bút trẻ ở TG) muốn tới thăm anh mà cổ ngại không biết anh có nhớ cổ không. Ông nhanh nhẩu: Sao lại không nhớ, N.L ở  Chợ Gạo…

Một lần ghé thăm ông tại nhà riêng, trong thời gian dưỡng bệnh, nhà văn Lê Văn Thảo kể với tôi ông có viết một bản thảo về Đồng Tháp Mười, nơi ông đã sống một thời trai trẻ, khi từ bỏ giảng đường đại học vô “cứ”. Ông nói ông muốn tái hiện lại hình ảnh Đồng Tháp Mười nguyên sơ từ cảnh vật con người, “để người sau còn biết về một Đồng Tháp Mười ra sao, chứ cái khu sinh thái mà mấy đứa dẫn anh đi hồi đó đã biến dạng đi nhiều”. Ông tiếc nuối: Bản thảo còn ở dạng nháp, anh có tật từ bản viết đầu tới lúc hoàn chỉnh phải sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng giờ anh không còn sức khỏe để sửa. Tôi nói rất muốn đọc Đồng Tháp Mười, ông cười: Anh viết “tùm lum”, còn chưa chỉnh lỗi chính tả, mà đọc gì. Nhưng  hôm sau, tôi nhận tin nhắn của ông: Cho anh xin địa chỉ mail, và gửi Đồng Tháp Mười cho tôi.

Mười chín chương Đồng Tháp Mười, câu chuyện kể về một vùng đất và những số phận con người còn dở dang, nhưng nhà văn đã ra đi, khép lại những tháng ngày bệnh tật, đau đớn, khép lại một đời văn với nhiều thử thách và lắm thành tựu mà không phải người viết nào cũng có được. Trước đó vài hôm tôi còn nghe giọng ông qua điện thoại và hẹn với ông một lần ghé thăm…

Rồi đây, mỗi dịp  lên Sài Gòn, tôi sẽ không còn đi lại con đường quen thuộc, ghé căn phòng trong khu vườn yên tĩnh, nghe thủ thỉ những câu chuyện nghề, chuyện đời đầy chiêm nghiệm, cùng lời nhắn nhủ nhói lòng khi ra về: Rảnh ghé chơi, anh giờ tính từng ngày…

Mai mốt, ngang qua cầu Bình Lợi, tôi BUỒN!

Tác giả bài viết: Thu Trang

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 76