Lão nông

Ông Ba bỗng nhiên bỏ nhà vô chùa làm cả ấp Cây Me xôn xao. Vườn dừa đang thời cho trái sung nhất. Cơ ngơi nhà ông bao nhiêu nông có mà nằm mơ! Không dưng lại vô chùa? Chả ai hiểu nổi. Chắc có điều chi uẩn khúc mới khiến lão nông rời bỏ ruộng vườn?
Nhớ lại khi tôi mới 22 tuổi, ông Ba tìm đến phòng trọ tập thể, vì thế tôi mới biết. Ngày ấy, tôi vừa tốt nghiệp, từ miền ngoài vô. Giáo viên đứng với trò luốt mất tiu à.

- Thầy giáo nhỏ xíu xìu xiu dzậy nè? Mấy bà kháo nhau.

Trường mới, thầy cô mới, từ xa tới. Cuối tuần, bà con trong vùng hay đến thăm chúng tôi, giáo viên xa nhà ở trọ trong khu tập thể lụp xụp. Một ông bận bà ba đen, tóc búi tó, vô phòng tôi:

- Chào thầy! Xin phép, gặp thầy một chút, được không ạ?

- Dạ vâng, con chào ông! Có gì không ạ? Con mời ông ngồi tạm. Đợi chút, châm trà nói chuyện nha ông.

Theo sau ông già là cậu trai cao mảnh khảnh, đôi mắt to, khuôn mặt khôi ngô. Phòng chật, chẳng có ghế bàn gì ngoài cái giường cá nhân. Tôi ngủ đó, nằm soạn giáo án cũng

trên đó.

- Người ta nói thầy miền ngoài vô. Xa nhà chắc buồn lắm thầy nhỉ? Tui cũng là dân ngụ cư. Mới đầu vậy thôi, sau quen thân mến đất mến người. Thầy nhận thằng này làm đệ tử cho vui. Nó học nên người, nhà tui biết ơn thầy nhiều lắm!

- Dạ, con lạ nước lạ cái, tay nghề còn non nớt, chắc chưa giúp gì nhiều đâu ạ!

- Nghề dạy nghề thôi thầy. Chữ tâm mới quan trọng. Thầy nhận lời cho tui vui về nói với bà tui ở nhà...

Minh họa: Lê Hồng Thái

 

Trọng Đức sáng dạ, rất quý trọng thầy cô. Cậu học trò cưng lứa đầu tiên của tôi. Lâu lâu tôi lại vô nhà ông Ba chơi, ngủ một đêm. Nhà lợp và dựng vách lá dừa, sạch sẽ và mát mẻ. Một làng quê Miền Tây đặc trưng. Tiếng tàu dừa lao xao, tiếng đồng lúa rì rào. Ao cá, vịt, bồ câu quấn quýt chạy theo chân người. Nhà trồng rẫy dưa leo, mồng tơi, đậu bắp bán quanh năm. Chiều tối sương sương xị đế, ngủ tới sáng bảnh. Mấy bạn bảo:

- Chú mày hợp khí hậu Miền Tây, da dẻ hồng hào. Lấy cô gái miệt vườn cho bén rễ xanh cây luôn đi!

- Ý, ai mà chịu thứ cù lần này? - Tôi gãy đầu, mặt đỏ tía. Tật xấu khó sửa.

Ba năm trời, tâm huyết nghề nghiệp và kiến thức, tôi dồn hết cho trò cưng. Nhưng thiếu kinh nghiệm và kém tài nên chỉ giúp Đức đủ điểm vô Cao đẳng Sư phạm. Tốt nghiệp ra trường chưa có chỗ dạy. Tỉnh lập đội khoan nước ngầm, cần người. Thế là Đức tham gia luôn. Không theo nghiệp thầy cũng hơi buồn, nhưng cơm áo cần hơn. Khoan giếng không danh tiếng nhưng nhu cầu lúc đó rất cao. Tiền công khoan, rồi tiền chủ nhà thưởng thêm. Chỉ hai năm thôi, Đức đã sắm xe máy, xây nhà tường cho ba má. Nhà mới làm chưa kịp tô thì Đức đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Mới học lấy bằng lái xong lại bị tai nạn ngay... Rằm giêng năm ấy, cả đội hoàn thành cái giếng ở gần cầu Bà Lâm, Cái Bè. Chủ nhà đãi nhậu linh đình. Mấy anh em đề nghị đổi món nem Lai Vung cho bớt ngán. Đức là đội trưởng, thương chiều anh em đi mua trong đêm. Mượn cái xe 67 của chủ nhà, lạ đường, đèn như đom đóm thế là cắm đầu vào đít xe tải đậu không đèn bên đường. Nga, vợ mới cưới của Đức, khóc nhói ruột gan.

Tiếng khóc của Nga ám ảnh tôi đến giờ. Sợ lắm tiếng khóc của đàn bà. Trọng Đức đã mãi mãi dừng lại tuổi đôi mươi... Té ra, hạnh phúc của con người ta là được chờ mong cái gì ở phía trước, một khát vọng chưa tỏ hình hài. Cái chết đột ngột như mặt trời bỗng dưng lịm tắt. Thúy Nga đã nói cho tôi biết: hạnh phúc là chờ mong chứ không phải cái đã viên mãn. Hết chờ hết đợi lúc tuổi già, nắng quái chiều hôm...

Ông Ba, tên là Thắng - Ba Thắng. Nhưng trong ấp Cây Me gọi ông là ông Ba đạo đức. Bởi ông theo đạo Hiếu Nghĩa, để đầu tóc, nói chuyện lịch sự đâu đó, uy tín đạo đức nổi tiếng trong vùng. Quê ông ở An Giang bảy núi, có chùa Phi Lai, xã Ba Chúc. Ông phiêu dạt về ấp Cây Me, làm rể, sống mần ruộng rẫy ở quê vợ. Được nhà bên vợ bao bọc, quý trọng con rể nên cho nhiều ruộng vườn. Ba Thắng gan dạ trải đời, giỏi võ, bắn súng ngắn hai tay, tham gia diệt ác trừ gian trong kháng chiến chống Mỹ. Sau mùa xuân 1975, ông không khai nhận công trạng mà về mần ruộng. Nhậu đà đà, ông thoải mái:

- Quan tướng rồi cũng về đất. Thắng giặc Mỹ là nhờ cả nước cùng đánh, chứ tui đóng góp được nhiêu đâu mà nhận công lao. Về ruộng vườn sướng mê cái bụng. Vùng này mưa thuận gió hòa, quanh năm cây trái xanh tươi. Ở quê tôi hễ sau Tết ta, nắng nóng vàng mắt. Tre trúc còn héo rũ. Chỉ có thốt nốt là vẫn xanh thẳm suốt nhờ bộ rễ cắm sâu vô đất. Có dịp rủ thầy lên đó chơi xem cây thốt nốt, loại cây xanh thẳm, trụ vững chắc như võ sĩ su-mô...

Ông yêu thương vợ con gia đình. Ông yêu thương mảnh đất bao năm trường thấm đẫm mồ hôi và cả máu xương liệt sĩ. Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương... Đất cũng thương ông, che chở người nông dân chỉ có hai bàn tay chăm chỉ sớm hôm. Hình như, ông rời Ba Chúc có nỗi niềm chi khó nói? Ông chưa kể. Tôi cũng không dám hỏi. Giã từ gốc quê như cây nhổ rễ. Không có biến cố lớn, chắc chẳng ai ly hương...

Mười đứa con như chùm quả đu đủ đè nặng lên vai vợ chồng ông. Cày sâu cuốc bẫm, làm ngày nào xào ngày nấy. Bảy đứa con gái, ba đứa con trai. Đám con gái học cao nhất tới lớp 9 đều nghỉ, lấy chồng mần ruộng. Thằng trai lớn thứ ba ít nói nhưng chín chắn. Nó học không giỏi, không nổi tiếng vậy mà đậu Đại học, lấy vợ quê Củ Chi, lập nghiệp ở quận Thủ Đức. Tới thứ tám là Trọng Đức. Và, út chót được nhà ông cưng như trứng mỏng. Thực ra, Trọng Đức sáng láng, thông minh là niềm hy vọng của gia đình. Nhưng tai nạn thảm khốc đã làm tiêu tan hy vọng. Giờ chỉ còn mong chờ thằng út, là Võ Trọng Tín. Sinh ra khi nhà ông khá giả, ăn uống đầy đủ, sữa cao cấp nên thân thể cao lớn, vóc dáng đẹp nhất nhà. Nhưng tài chưa biết mà đã có cái tật ham chơi, bài bạc, đá gà, chưng diện. Lười học, sách không thèm ngó. Sau cái chết của Trọng Đức, bà Ba suy sụp, mang đủ thứ bệnh trong mình, tối ngày thăm viếng nhà thương bệnh viện...

- Bả làm vợ tui khi mới 17 tuổi. Có nhiêu tài sản phải bán lo cho bà. Còn nước còn tát. Khi bác sĩ chê đành chịu! Ông kể với tôi thế. Hơn năm năm, thức lo lên xuống xanh mặt. Vậy mà đành chịu số trời...

 Bà căn dặn ông:

- Ông lo cho thằng út tròn vẹn nha! Thằng Tám mất, thằng Ba Còi ở xa, giờ chỉ chờ đợi vô nó. Sao tui áy náy... Nước mắt bà cứ trào ra. Người ta bảo là nước mắt sống. Có phải trào ra cho nhẹ nợ nhân gian để thanh thản về cõi âm chăng?

Ông vuốt mắt cho vợ. Ai cũng phải chết. Chết trước được mồ mả. Bà đi có ông lo chu tất. Từ đó chịu cảnh gà trống nuôi con. Tháng ngày trĩu nặng, lê thê...

Hồi làng xã nghèo, đường sình đất trơn trượt. Mùa mưa, sáng ông cõng Tín ra trường ngoài lộ tỉnh. Trời khô ráo thì xách xe đạp ra rước con về. Nếu mưa sình thì ông lại lội bộ ra cõng con về. Cưng như trứng mỏng. Bao nhiêu tình thương, ông dồn hết cho con. Dáng cò hạc xương xẩu hơn trước.

- Không chịu ăn uống sao có sức lo cho con, ông Ba? Tôi xào thịt bò ép mãi mà ông gắp cho có vậy thôi. Không ăn uống thì tàn tạ rất nhanh.

Má cóp, cẳng chân như ống nứa. Bàn tay chai đen vì làm lụng một đời. Cái khung nhà do Đức mần dang dở, ông tô dán gạch men, làm nhà bếp, nhà vệ sinh y như ở thành phố luôn. Trong nhà ngoài ngõ khang trang, tươm tất đâu đó. Bao chờ mong vô Trọng Tín. Ông cứ bỏ trứng vô một giỏ. Cha cần cù, con phá của. Nuôi nhiều hy vọng sẽ nhiều thất vọng. Cha mong mà con không muốn thì giũ mành mành như chơi.

Học tới lớp 9, thằng út thành ngựa chứng. Ngày nào ông cũng theo nó tới trường. Nó đòi xe máy thì mua xe máy. Đòi đồng hồ thì mua đồng hồ. Thích điện thoại ông mua liền! Như bắt cóc bỏ dĩa, ông về nhà thì nó bỏ lớp học chơi game. Tiền đóng học thêm đem nuôi tiệm quán. Năn nỉ thầy cô, năn nỉ con mãi cuối cùng mới có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Tín bảo:

- Học lắm cũng thất nghiệp. Làm công nhân khỏi học mệt người!

Thôi, đất không nghe trời thì trời nghe đất. Làm chưa được hai năm, chưa có đồng nào gởi ba, Tín mang về một đứa đàn bà tóc sơn đỏ, mỏ sơn xanh, mí mắt sơn tím. Cái bụng thè lè kia, có phải con của nó hay không? Có trời mới biết? Nhà gái bắt đền. Đám cưới tổ chức lễ nghi đâu đó. Sau đám cưới, ông dặn Trọng Tín:

- Giờ vợ con rồi, ráng mần ăn đi! Ba thấy trong người không còn khỏe nữa. Phần các chị, mỗi người một công đất, ba má cho tiền thay cho đất. 15 công còn nguyên vẹn. Ba cho anh Ba 6 công. Phần của con là 9 công, luôn nhà cửa. Giàu út ăn nghèo út chịu. Vợ chồng lo cúng quảy tổ tiên...

Tín dạ vâng ngọt ngào làm ông mát ruột. Ừ con trai đàn ông, thằng nào mà không phá phách một thời? Phá trước ngoan sau còn hơn ngoan trước phá sau! Nó tu chí nghe lời là phúc mấy đời. Dè  đâu, chứng nào tật đó. Cà cuống chết, đít còn cay. Vợ đánh bài. Chồng cờ bạc, cá độ, đá gà bị công an kêu lên cảnh cáo.Vẫn không chừa, phải đi cải tạo lao động. Mới về nhà vài tháng thôi, Tín ăn nhậu trong đám cưới, gây gổ, lỡ tay đánh chết người. Ấp Cây Me xì xào bàn tán:

- Đạo đức hiếu nghĩa chi mà thằng con du côn thế! Tổn thương danh dự làm ông thao thức.

 Bên kia họ chịu bãi nại. Ông bán bốn công đất để lo cho Tín ra tù. Vợ bỏ đi mất tăm, để lại hai đứa cho ông nuôi. Tín tiếp tục làm công nhân.  Ông đi hỏi vợ mới cho con, hy vọng kiềm chế nó.

- Vợ con gì cho mệt! Độc thân cho khỏe. Tín không chịu. Bởi gái gú giờ đầy đường, có tiền mua tất. Ăn bánh trả tiền.

 Tín đòi ông sang tên đất đai nhà cửa. Hắn bảo:

- Ba già rồi. Sang tên liền đi!

- Chừng nào sang tên cũng được chớ nôn nóng chi hả con?

- Không được! Tuổi già phập phồng, sao biết được?

Ông hiểu đây mệnh lệnh của “trứng mỏng” nhà ông. Trai út kế thừa đương nhiên thôi? Nhường nhịn cho êm ấm trong nhà...

- Con thích thì ba chiều. Đây là tất cả mồ hôi của dòng họ nhà ta, con gìn giữ cho kỹ! Nếu mệnh hệ gì, ba chết mất con ơi!

Tín dễ dàng có trong tay khối tài sản lớn. Mắt hắn sáng như chớp: một công lúc này giá năm trăm triệu, năm công hơn ba tỷ. Đời người sống một lần, hưởng thụ cái cho đã! Bấy lâu thấy tụi kia chơi thèm không biết lấy đâu ra? Nhưng của cải đều do tay ổng làm ra. Hắn âm thầm toan tính. Đầu tiên phải lấy lòng ổng cái đã. Hơn một năm, Tín như con thỏ đế dạ vâng, tu chí mần ăn. Rồi cái kim trong túi lộ ra. Hắn coi ông như người ở trọ. Hễ có tiệc tùng, giỗ chạp là kéo bạn bè nhậu dầm dề. Chịu không thấu, ông nhắc nhở:

- Con chơi đâu ngoài quán xá cũng được. Ngày lễ nhà ta phải đâu đó chớ con!

Hơi men lừ nhừ, lè nhè, mắt vằn tia máu, da gà chọi, giọng lạnh lùng:

- Nhà của tui! Ông không chịu thì đi nơi khác. Chủ quyền giờ của ai?

Nghe lạnh xương sống! Bàng hoàng, ù đặc hai lỗ tai. Ông sống như cái bóng. Hùm thiêng thất thế sa cơ. Cơm canh mỗi ngày ông vẫn nấu cho “trứng mỏng” xơi. Hắn làm về có khi ăn còn chê này nọ. Có khi xỉn, kiệt sức trai gái, bài bạc thâu đêm, không kịp lột giày nhảy lên giường ngủ li bì...

Chưa dừng lại. Tín hết tiền xài. Hắn tuyên bố rợn xương sống:

- Tui bán nhà đất trả nợ cho người ta. Ông đồng ý kí nhanh nhanh đi! Vay nợ lãi suất 20-30 phần trăm. Vay không thế chấp tài sản. Không thế chấp tài sản thì phải thế chấp tính mạng, vậy đó!

Ông đứng như trời trồng. Cảm giác tê dại. Không còn đau. Trời sa, đất sập dưới chân... Mần ăn để đức cho con, ai dè, tới nước này?

Mấy đêm không ngủ, mắt thao láo. Ông ra mộ bà, đốt nhang tạ lỗi:

- Tui không làm được như bà căn dặn, xin tạ lỗi với tổ tiên, với bà!

Bảy đứa con gái yên bề gia thất. Thằng Ba ở Thủ Đức. Nó về quê mần gì? Cái sợi dây duy nhất của ông lúc này là tình đất. Lão nông trước sau chỉ một tình yêu này thôi. Nhớ lại thời trai ngang dọc hiên ngang. Giờ này, dao sắc không gọt được chuôi. Đất nhà thành đất khách. Chủ nhà ra đứa ở. Nước mắt ứa nhòe nhoẹt, ông Ba lửng thửng bước như xác vô hồn.

Tôi vô tìm, không còn ông ở đó. Ruộng vườn xanh xưa này chỉ màu tím tái nhói đau quặn lòng. Lão Hạc của làng Đại Hoàng ăn bả chó chết để dành mấy sào vườn cho con trai phiêu dạt miền Đông. Còn ông tê dại khi con trai bán sạch đất đai hương hỏa. Lão Hạc tuy chết đau vật vã vẫn nuôi hy vọng. Còn ông đang ngon lành, bỗng dưng vạ gió ta bay. Phật dạy rằng không có gì là không có căn nguyên. Cưng chiều con cái tai họa khôn lường?

 Kẻ nào được hưởng cái không do bàn tay mình làm ra thường vô cảm, vô trách nhiệm, dân gian truyền nhau: nhà của ba má là nhà của con, tiền của ba má, con tiêu xài vô tư; nhưng nhà của con thì ba má không thể ở, tiền bạc của con, ba má không được tiêu xài... Bao nhiêu gia đình giàu sang, con cháu đùm đề, cuối đời bỏ rơi cha mẹ. Người quen sợ dạ, người lạ sợ áo quần. Cái tâm - lòng dạ sinh tính nết. Và, tâm tạo nên tướng người. Tâm hư tính xấu và tướng cũng hư luôn.

Không rõ ông tu chùa nào? Thôi cũng đành nương nhờ cửa Phật cho hết kiếp người. Viên tịch nhẹ nhàng trong tiếng chuông chùa... Vài tháng sau, tôi cũng quên chuyện ông luôn. Nhưng bất ngờ xảy ra, tình duyên tôi với ông chưa hết.

Đứa con trai thứ ba sinh ra trong điều kiện lam lũ, ăn uống kham khổ nên thân hình còi cọc. Nhà gọi nó là thằng Ba Còi hay Ba Đẹt. Nó lặng lẽ tiến thân, học hành. Ở thành phố bon chen nhưng có học vị, có nghề nghiệp thu nhập cao thì đời sống vẫn hơn thôn quê. Vợ chồng Ba Còi sinh được hai đứa con. Chúng chăm ngoan học giỏi, đang du học nước ngoài. Tuổi năm mươi tri thiên mệnh, Ba Còi quan niệm: trước ly hương, giờ phải hồi hương! Cáo chết quay đầu về núi. Quay về khi khỏe mạnh để tri ân. Về thôi! Tiếng gọi thôi thúc lòng hạt thóc lép năm nào. Hai vợ chồng anh đi tìm, thuyết phục ba trở về. Vóc dáng đèo đẹt do thiếu ăn. Anh ít nói, vẻ ngoài lạnh lùng nên ba má nghĩ: “Thằng này khó tính, yếu ớt, không trông mong gì được”. Ông bà tập trung vô thằng tám và thằng út. Nghịch lý là vậy: cây mình chăm bẵm mà không có trái, cây bỏ quên bỗng quả ngọt trái sai. Vợ chồng anh năn nỉ ba:

- Phần đất ba má chia cho con, nay con để cho ba đứng tên. Ba vẫn làm nông như ao ước. Nhà cửa khỏi lo, chừng vài tháng là tươm tất. Trẻ cậy cha già cậy con. Giờ con lo cho ba. Má mất lâu rồi. Đây là cơ hội vợ chồng tụi con báo hiếu, đó ba. Ba về nhà đi cho con có quê hương đất tổ!

Ông nhìn Ba Còi, hồi này phát tướng rồi. Phát tướng đẹp trai, chỉ hơi thiếu chiều cao. Nó trẻ hơn tuổi thực. Thì ra, cái tâm cái lòng dạ trong sáng hào hiệp làm cho cái tướng phong độ, sáng láng. Thằng Tín giờ già như ma đói bởi cái tâm hư hỏng. Tâm sinh tính, tính hiển hiện ra ở bộ tướng, dáng vóc, thân hình con người. Giọt nước mắt và giọng nói khào khào xúc động của nó thắp lại niềm tin, hy vọng trong lòng ông. Cha con cùng ra khỏi chùa Phi Lai. Sau này, tôi lên chùa thăm khu tưởng niệm vụ thảm sát của bọn Pôn Pốt ở Ba Chúc, nghe thầy trụ trì kể lại:

- Bữa đó, thấy ổng đến mặt thất thần, biết có chuyện động trời rồi! Tui pha trà, rinh cơm chay cho ổng. Trước giờ, tuy ở xa, ông Ba vẫn ủng hộ hết lòng cho chùa Phi Lai. Nơi đây là nhà của ổng chứ xa lạ gì. Bản tính cần cù tỉ mỉ, chu đáo quét dọn, trồng cây, phát cỏ, ông làm liền tay. Hổm rồi, đứa con đến rước về, ai cũng thương, quyến luyến. Nhưng mái ấm gia đình vẫn hơn chốn thâm u. Tui góp lời, ổng mới chịu đi đó!

Chùa Phi Lai, năm 1978, bà con vô đó tránh bọn Pôn Pốt. Nhưng bà con đã sai lầm! Pôn Pốt xả súng trong chùa máu chảy lênh láng. Năm 2004, tôi đến, máu còn đen thẩm tường chùa. Trong số hơn 3000 xương sọ sau trận thảm sát ấy, có nhiều thân thích của ông.

Vợ chồng thằng Ba Còi giao nhà cho con, về chăm sóc cha già. Ngay lúc tỉnh đang xây dựng nông thôn mới. Phong trào ấp Cây Me lên tưng bừng chưa từng thấy. Bà con hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa ấp. Ba Còi có dịp bày tỏ tình quê hương bản quán. Anh dùng tiền tích cóp được thiết kế vườn theo kiểu Israel, có hệ thống phun sương, tưới tự động. Chỉ cần lập trình, đến giờ kích hoạt qua điện thoại từ xa là nước phun trắng như xóa. Tôi xem sướng con mắt. Ông Ba chẳng ngờ mình được sống trong khu vườn thần tiên như vầy.

- Ba thấy sao ba? Quê hương ruộng vườn Miền Tây phải thế này mới xứng chứ? Ba Còi bưng cà phê và bữa sáng cho ông. Hai cha con hạp nhau.

- Con mần lạ quá hà! Cả đời ba xách nước tưới rẫy chai tay. Chứ đâu có chuyện bấm nút cái rồi ngồi uống trà rung đùi thế này đâu?

- Ở ngoài Lâm Đồng, Đắk-Lắk họ đã làm thế này lâu rồi đó ba à! Miền Tây mình thuận lợi nên chưa áp dụng thôi. Vùng Tây Ninh, Củ Chi khô cằn, nếu không dùng công nghệ nông nghiệp cao cấp thì sao sản xuất nổi? Con hướng dẫn ít lâu để ba làm quen. Sau này phải chạy tới chạy lui lên Củ Chi, Thủ Đức nữa! Nhưng nơi đây là chốn dừng chân của tụi con. Chẳng nơi nào hơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ba khổ nhiều rồi, giờ tận hưởng xứng đáng mà.

Ông ngẫm nghĩ: Còn thằng Ba Còi này là hồng phúc mười đời. Tưới cây thì máy tự động. Còn gà vịt, mấy con thỏ, con dê thì tự bàn tay ông vuốt ve vỗ về mỗi ngày mới được, ông tin vô tình cảm. Gia cầm gia súc ham ăn chóng lớn ngoài thức ăn còn nhờ tình cảm với chủ nữa. Nhớ hồi trước, tôi có con dê cái đen, cổ khoang trắng. Mẹ nó chết, tôi đút từng muỗng sữa cho nó. Nó theo lẽo đẽo như đứa con cưng. Mình ăn gì thì nó ăn nấy. Nó biết nghe lời như trẻ ngoan vậy. Tôi đã nhường cho ông Ba nuôi. Chỉ có ông mới thương yêu loài vật, mới chiều chuộng con dê được như ý tôi...

Trọng Tín mới hơn bốn mươi mà thân tàn ma dại. Bài bạc, bán sạch tài sản. Không học hành tới đâu nhưng hắn từng vỗ ngực cho mình là khôn hơn ba. Hắn bảo:

- Đất này trồng cây gì cũng không bằng cây trụ bê-tông. Xẻ ra từng lô bán nền nhà là thu hoạch nhanh và cao nhất!

Hắn nói và làm y boong. Ôm đất mà thiếu tiền xài, ai chịu? Tín quên rằng cây trụ bê-tông là cây vô sinh. Còn cây lúa, cây dừa, cây thanh long là cây hữu sinh, hết vụ này tới vụ kia, lai rai có tiền hoài. Nó nuôi sống ông bà tổ tiên mấy ngàn năm rồi và mãi về sau. Lão nông tri điền đâu ngu dốt như hắn tưởng? Mấy ổng cần cù, tích cóp đất ruộng nuôi con học biết nhân nghĩa đạo lý. Giữ lấy đất đai ông bà và lo học cái chữ. Nhất thì hay chữ, nhì thì giữ đất. Bán sạch đất đai khác chi chặt tay chân, cắt hết da thịt của mình? Con bỏ cha mẹ như không. Nhưng cha mẹ chẳng bao giờ bỏ rơi con cái? Hôm nay là ngày giỗ Trọng Đức. Bữa cơm tưởng nhớ đơn sơ. Thúy Nga lấy chồng khác, ít khi về dự. Tình thương và nỗi đau lứa đôi mãnh liệt nhưng mau tàn. Tình máu mủ đằm sâu âm ỉ mà bền lâu. Sau ngày giỗ, ông bàn với vợ chồng Ba Còi:

- Ba muốn hỏi ý con việc này. Thằng út giờ nghêu ngao vô gia cư, đủ thứ bệnh trong người. Ba con mình mần cho nó một cái phòng, hỗ trợ em lúc này. Nhìn bộ dạng nó, chẳng sống bao lâu nữa. Có khi lá xanh rụng trước lá vàng. Trẻ cậy cha nay già thì con cậy tiếp. Ba buồn lắm. Nhưng cầm lòng không đặng. Tiền bạc, quyền của con. Ý hai con ra sao?

- Ba là chủ nhà, ba quyết là tụi con theo liền hà! Giọt máu nhà mình sao bỏ được ba? Em trai của con, con không lo thì ai lo chớ? Con nghĩ thấy cũng tội út đó ba. Nó ham chơi, bán đất có tội thật. Nhưng thời giờ, thanh niên không như các cụ xưa đâu. Mần nông vất vả, thâu nhập quá thấp lấy gì xài? Tụi con noi gương cái chăm chỉ chịu khó của ba. Nhưng phải thay đổi cách làm, đầu tư trí tuệ chất xám, đưa công nghệ cao vô như ba con mình đang làm nè. Sáu ngàn thước vuông này thu nhập cao hơn mấy lần mười lăm công của nhà mình hồi trước. Vài tháng nữa sẽ thấy kết quả đó ba à.

Đôi mắt đục mờ của ông Ba bỗng sáng lên kì lạ. Tôi nhìn ra ngoài vườn cây lá bỗng xanh khác thường. Những bụi dừa trĩu quả như bầy ong, lá mềm rũ xuống, rung rinh. Ở An Giang có cây thốt nốt. Ở Miền Tây có cây dừa. Dừa như phụ nữ xõa tóc hong nắng. Trong ấp Cây Me, có đến năm cụ bà sống hơn trăm tuổi. Các cụ ăn rau vườn, chẳng dùng thực phẩm chức năng gì cả. Ông Ba năm nay gần chín mươi. Lam lũ mà được vầy do trời thương. Còn sống là còn bất ngờ. Số phận chứa đựng bí mật, chẳng đoán được. Tôi thấy mình chưa tròn vẹn với ông:

- Con kết nghĩa ông đã lâu mà cũng chưa giúp gì cho ông. Từ nay sẽ lui tới thăm ông nhiều hơn nha. Tối rồi, con xin phép về nha!

Tôi cầm hai tay ông gầy guộc, xương xẩu lục cục, đầy vết chai một đời quần quật sớm khuya. Da người cao niên mỏng như giấy bóng và đầy tàn nhang. Ba Còi dìu ba lên giường nghỉ ngơi. Tôi bước hơi loạng choạng bởi men rượu nếp đang thấm dần. Tôi nghe hình như, có tiếng con dê cái đen khoang cổ gọi be be dịu dàng và chạy lẽo đẽo phía sau, bầu bạn với tôi lúc này?

Lão nông có thể khép lại ở chùa Phi Lai, Ba Chúc, để khỏi phải kết có hậu như cổ tích, bình lặng buồn ngủ như dòng sông không sóng vỗ. Nhưng câu chuyện đã diễn ra như thế. Biết làm sao được?
 Mấy ngàn năm, ông bà cha mẹ của chúng ta là nông dân. Làm chức vị tướng tá chi chi, cuối cùng cũng về với ruộng đồng cây cỏ. Nhìn thấy anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy mê ruộng, tươi cười hồn nhiên như trẻ thơ, chắc chắn mảnh đất cha ông đều huyền bí vô cùng. Người ta từng trải, biết đủ thứ, nhưng chưa chắc đã tri điền, biết ruộng đồng, thấu hiểu tiếng nói, tâm sự của đất đang ngày ngày im lặng dưới chân mình.

Miền Tây Nam bộ, 06.8.2019

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Xuân

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 97