Bông so đũa

Khi gió chướng rao rao trên các tàn cây so đũa thì những cái bông trắng, hình mặt trăng bé xíu bắt đầu rộ. Một loại hoa dại, không sặc sỡ kiêu sa, không sắc hương nhưng là loại hoa đặc trưng của miền sông nước Nam bộ, là loại rau rất tinh khiết, bổ dưỡng, ngon ngọt khi nấu nướng và nhắc mọi người mùa xuân mới sắp về.

Những ngày thơ bé còn học cấp một trường làng, bọn tôi thường kết bông so đũa thành những vòng hoa trắng muốt, đeo lên cổ “cô dâu” khi chơi trò đám cưới. Cô dâu với vòng đeo cổ trắng tinh, hai chiếc bông tòn ten như hai vầng trăng non trông thật ngộ nghĩnh. Có lần, tôi được “cử” làm cô dâu, thằng Lành vai chú rể. Thằng Lành nhỏ hơn tôi một tuổi, tôi không chịu “làm vợ”nó nhưng lũ bạn nói đây là giả bộ thôi chớ đâu phải cưới thiệt mà chịu với không chịu “Nhưng nó dơ dáy, tay chưn mốc cời mà làm rể cái nỗi gì?”, tôi cố chống chế. Mấy đứa bạn nhao nhao “Con nhỏ này nhiều chuyện ghê, chơi cho vui mà mày làm như thiệt vậy?”. Cô Mười Hai tôi nạt “Tại tao cao nhòng đứng không xứng với nó, nên mới cử mày, con nít con nôi mà cũng bày đặt kén chọn, lỡ lần này, lần sau không cho mày chơi nữa”. Thằng Lành thấy tôi chê, mặt nó bí xị, nó dùng dằng không chịu mang vòng hoa vào cổ, tụi nó xúm vô năn nỉ mãi mới được.

Tôi với thằng Lành bước tới “bàn thờ” làm lễ. Tôi đi phía sau nó chớ không bước song song như người lớn thường làm. Đám bạn la lối om sòm nhưng tôi mặc kệ. Lạy ông bà xong, đáng lẽ cùng nhau “nhập tiệc” thì tôi bỏ ra về vì mắc cỡ và cũng vì ghét thằng Lành.

Lành ở lại chơi với đám bạn. Nó vẫn vui cười hồn nhiên, không để ý gì tới chuyện giận dỗi của tôi. Còn tôi thì từ đó, hình như nhìn thằng Lành không còn như trước. Bụng dạ tôi thấy kỳ kỳ làm sao, không nói ra được.

Minh họa: Thanh Tiên

Tới lớp Đệ lục (lớp 6) thì tôi ra chợ huyện tiếp tục việc học hành. Đám bạn bỏ học vì gia đình  khó khăn, đơn chiếc, đa phần là con nhà nông, cha mẹ cho học ít chữ bỏ bụng rồi lo chuyện ruộng nương. Lành cũng nằm trong số đó. Cuối tuần tôi thường về nhà, gặp lúc tụi nó rảnh thì nhập vô đám bạn chơi đá banh hay thả diều rất vui. Lành bây giờ đã nhổ giò, sạch sẽ, cao ráo đẹp trai hơn xưa. Nó hay làm diều giúp tôi vì “tay nghề” làm diều của nó rất khéo. Chỉ cần vài cây tre, cây trúc, một số giấy “kiếng”  là nó có thể làm hai, ba con diều với hình dáng đơn giản mà dễ thương làm sao. Diều hình con chim én, con ong mật, hình cái ống sáo thổi vi vu trên trời cao. Nó dạy tôi cách thả diều và thu diều về, cách tránh mấy ngọn tre gần đó, cách sửa diều khi bị rách... Trong các trò chơi, tôi thích nhất là chơi thả diều nên những lúc nghỉ hè hay những ngày nghỉ Tết, tôi thường rủ đám bạn và Lành đi thả diều.

Trên những cánh đồng đã thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, chỉ còn trơ gốc rạ. Nắng chiều nhàn nhạt, gió xuân mát lạnh trong lành, tôi không phải lo chuyện học hành, đám bạn thì được nghỉ ngơi ngày Tết nên tha hồ thả diều, không sợ bị cha mẹ la rầy. Những cánh diều bay bổng trên cao, diều chim én của cô Mười Hai lượn vòng vòng nhìn thiệt vui, diều ong mật cái bụng có vằn vàng vàng  ngộ nghĩnh, diều ống sáo của tôi mỗi lần lên cao nghe vi vu như ai thổi nhạc, diều hình ngôi sao của Lành thiệt dễ thương. Nhìn cái ống sáo của tôi kêu vu vu trên cao, tự nhiên tôi mơ ngày kia tôi sẽ thành nhà thơ, đọc thơ và thổi sáo như mấy nghệ sĩ ngâm thơ trên đài phát thanh cho mọi người nghe. Lâng lâng với ý nghĩ đó, tôi không chú ý điều khiển sợi dây để con diều mắc vào ngọn tre hồi nào không hay. Lành phải cởi áo (sợ tre quào rách) lòn lỏi trong bụi tre để gỡ diều ra. Một lúc thật lâu, nó mới trèo xuống được. Cái lưng bị gai tre quào nát, cả bọn xúm lại chùi mấy vệt máu trên lưng nó. Cô Mười Hai với con Hiền la  tôi “Mày sao lúc nào chơi cũng gây chuyện không vui cho người khác không hà? Đã thằng Lành dạy cách đừng cho quấn ngọn tre mà cũng để cho quấn. Khổ ghê nơi vậy đó”. Lành xua tay “Có gì đâu mà la bài hãi vậy mấy bà? Mai mốt tui đi bộ đội, đánh giặc còn khủng khiếp gấp mấy lần như vầy nữa. Đang chơi, cãi lộn nhau làm chi cho mất vui, con Hồng nó hiền khô mà mấy bà ăn hiếp hoài”. Nghe Lành nói, tôi nở ruột nở gan. Nó nhỏ hơn tôi mà kêu tôi con này con kia tôi cũng hết giận nó luôn. Lành bây giờ có vẻ chững chạc của một cậu thanh niên. Có lần, nó nhìn tôi giây lâu, rồi nói “Hồng giờ lớn rồi, nhìn lạ lắm. Ra thị thành phải hết sức khôn lanh, không để người ta ăn hiếp mình. Học cho giỏi sau này làm cô giáo dạy mấy em, dạy tui nữa...Tui thích đàn bà con gái làm nghề giáo lắm...”.

Năm 1970, cuộc chiến đánh Mỹ đã đến hồi khốc liệt. Quê tôi trở thành vùng trắng. Gia đình tôi chuyển về quê ngoại ở Cái Bè để tránh bom pháo. Gia đình mấy bạn ở làng một số cũng dời dạt ra chợ. Có bạn ở lại theo du kích địa phương, có bạn theo bộ đội. Lành xung vào bộ đội 261. Nó đánh giặc rất giỏi. Nghe mấy bạn nói nó đã lên chức gì đó cũng lớn lắm.Tôi đi học nhưng vẫn hỏi thăm tin tức của Lành. Không hiểu sao, mỗi khi nhớ về làng quê yêu dấu đó, tôi nhớ đám bạn, nhớ Lành thiết tha...

Vừa thi xong Tú tài 1 thì nghe tin Lành hi sinh. Cậu tham gia trận đánh càn của Sư đoàn 7 và lính Mỹ vào Ấp Bắc (Cai Lậy). Gia đình đem được xác về quê chôn cất. Tôi khóc mấy ngày như nghe tin người thân yêu nhất của mình mất. Ngày còn sống không gặp được nhau. Bây giờ bạn mất rồi, tôi phải về thăm mới yên lòng. Tranh thủ mấy ngày nghỉ học, tôi về quê viếng mộ, nhưng tới chợ Kinh Mười thì gặp cô Mười Hai cản lại. Cô nói bom pháo bắn dữ lắm, về nguy hiểm. Cô đưa cho tôi hai món quà của Lành gởi cho tôi. Một cái lược làm bằng vỏ máy bay,  cây đèn làm bằng chai Alcool, trong chai có miếng giấy nhỏ ghi mấy chữ “Nhớ làm cô giáo sau này dạy tui. Thương Hồng nhiều lắm”. Tôi nắm chặt hai kỷ vật, nước mắt rưng rưng. Cô Mười Hai nói với tôi giọng buồn thiu “Tội nghiệp thằng Lành nó thiệt thà. Cái lược làm bằng vỏ máy bay rớt ở Ấp Bắc đó, cái lược với cái đèn tự tay nó làm, khéo tay ghê hông. Tết này nếu im tiếng súng, mày về thăm mộ nó. Nó thương mày... mà không dám nói...”.

Nhớ Lành, Tết năm nào tôi cũng nấu nồi canh chua bông so đũa với tép bạc sông thiệt ngon để tưởng nhớ người bạn thân. Rồi lại nhớ vòng hoa so đũa của cô dâu năm nào mình không chịu mang, nhớ cánh diều thổi vi vu trên bầu trời quê hương năm xưa... Được sống thanh bình, làm sao quên được bạn... Lành ơi...

Tác giả bài viết: Kim Quyên

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 84