Về nhà

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Truyện ngắn của William Saroyan (Mỹ)


Thung lũng này, anh nghĩ, cái miền đất nằm giữa những ngọn núi này là của mình, nơi chốn mình vẫn ao ước quay về, và mọi vật dường như vẫn như xưa, không có gì thay đổi, xe rẩy nước vẫn phun nước thành vòng trên những bãi cỏ dài. Ôi quê nhà yêu dấu, mộc mạc, bình dị.
 
Đi dọc theo đường Alvin anh cảm thấy sung sướng khi lại được trở về quê hương. Mọi vật đều bình dị, dễ thương, mùi đất, mùi nấu nướng, khói, không gian mùa hạ trong thung lũng nồng nàn hương cây, hương nho đang lớn, hương đào chín và bụi trúc đào cũng ngào ngạt tỏa hương. Anh hít một hơi dài, cố kéo cái mùi quê hương vào sâu trong hai lá phổi, lòng cảm thấy sung sướng. Trời nóng. Đã bao năm rồi anh chưa thấy các giác quan của mình phản ứng trước đất liền một cách nhanh nhạy, rõ ràng như thế; bây giờ thì ngay cả việc hít thở cũng trở thành một lạc thú. Không khí trong lành khiến giây phút này bỗng chốc trở nên thiêng liêng khiến khi bước đi, anh chợt cảm thấy cái quý giá của sự sống, hạnh phúc khi được làm chủ một thực thể, có dáng hình, cử chỉ, trí khôn, và niềm ao ước thiết tha được hiện hữu trên mặt đất này.

Nước, anh nghĩ đến khi nghe tiếng nước bắn đi từ những vòi phun tưới trên cỏ, nghĩ đến việc được thưởng thức thứ nước của quê nhà, dòng nước mát đầy hương vị của miền thung lũng, cơn khát bình thường chợt dấy lên và anh ước sẽ được dòng nước thuần chất này làm cho dịu lại, no đầy. Anh trông thấy một ông lão đang cầm vòi tưới những cây phong lữ và cơn khát đưa anh bước đến gần.

- Chào bác - Anh nói khẽ - Cháu có thể uống chút nước được không ạ?

Ông lão chầm chậm quay lại, bóng đổ dài xuống ngôi nhà, nhìn vào mặt chàng trai, ngạc nhiên và cảm thấy thích thú. Cậu muốn uống thật à, thì đây, và ông đưa vòi nước cho chàng trai. Nước này ngọt lắm, ông lão nói, thứ nước xuất phát từ thung lũng San Joaquin, tôi cho là số một đấy. Thứ nước miền Frisco trên cao kia nếm chẳng có mùi vị gì, chỉ đầy mùi thầu dầu, kinh thật. Tôi không hiểu sao người ta vẫn có thể tiếp tục sống ở đó năm này qua tháng nọ.

Khi ông lão nói, anh lắng nghe tiếng nước phun từ vòi rơi xuống đất, bắn tung tóe và thấm mau vào lòng đất. Đúng vậy, anh nói với ông lão; nước quê hương chúng ta là thứ nước ngon nhất trên đời.

Anh nghiêng đầu phía trên vòi nước và bắt đầu uống. Vị ngọt phong phú của dòng nước khiến anh ngạc nhiên, vừa uống anh vừa nghĩ, Chúa ôi, thật là tuyệt. Anh cảm thấy nước bắn tung tóe vào người, làm dịu cơn khát và khiến anh tỉnh lại. Hết hơi, anh ngước đầu lên nói cùng ông lão, chúng ta thật hết sức may mắn được làm dân của thung lũng này.

Anh lại cúi đầu xuống dòng nước phun uống lấy uống để, cười thích thú một mình. Anh thấy như mình không thể nạp đủ năng lượng nước cần thiết vào cơ thể hay sao ấy; càng uống, anh càng thấy nước ngọt hơn và lại càng muốn uống mãi.

Ông lão ngạc nhiên. Cậu uống khoảng 2 lít rồi đấy, ông nói. Vừa nuốt ực nước vào người, anh vừa nghe ông lão nói chuyện và ngẩng đầu lên đáp, cháu đoán cũng cỡ đó. Nước ngon thật. Anh lấy khăn tay lau miệng, tay vẫn cầm vòi và còn muốn uống thêm nữa. Cả thung lũng dường như hiện hữu cả ở trong dòng nước qua cái vẻ chân thật, mộc mạc, đơn sơ và trung thực.

Khỏe rồi hả, ông lão hỏi. Chắc cậu khát dữ lắm. Dù gì tôi cũng muốn hỏi, bao lâu rồi cậu chưa uống nước?

Hai năm, anh nói. Ý cháu muốn nói là đã hai năm kể từ lần cuối cháu được uống thứ nước này. Cháu đang trên đường về nhà. Cháu sinh trưởng ở đây, trên đường G trong khu người Nga; chắc ông biết mà, bên kia đường tàu suốt Southern Pacific đấy; cháu ra đi đã hai năm và vừa trở về. Để cháu nói ông nghe, thật là sung sướng khi được trở lại quê nhà. Cháu yêu nơi này. Cháu sẽ kiếm một việc làm và sống ổn định lại.

Anh lại đưa đầu vào vòi nước và uống thêm vài ngụm nữa, rồi trao vòi cho ông lão.

Chắc cậu khát kinh khủng lắm, ông lão nói. Tôi chưa từng thấy ai lại nạp vào người ngần ấy nước trong một lần. Thật là đã mắt khi nhìn cậu uống như thế.

Anh tiếp tục bước xuôi theo đường Alvin, miệng ngân nga một mình, ông lão dõi mắt nhìn theo.

Thật là vui khi được trở về, chàng thanh niên nghĩ, nhưng lỗi lầm lớn nhất của mình là trở về theo cách như vầy.

Mọi việc anh từng làm trong đời đều sai trái, nhưng lần này anh thấy đó lại là một thứ sai trái đáng yêu. Anh từ San Francisco xuôi về nam không định ghé lại quê nhà; anh định xuôi nam đến Merced, ở lại đó một thời gian rồi quay về, nhưng khi đi ngang vùng này, anh không cầm lòng nổi nữa. Cũng thật là ngộ nghĩnh khi đứng trên xa lộ của người thành thị, đón xe xin quá giang.

Vượt qua hết khu này đến khu khác, và bây giờ chân anh đang bước trên những con đường dẫn về nhà, đã bảy giờ tối. Thật là vui, và cũng thật ngộ nghĩnh; như dòng nước uống lúc nãy, tuyệt vời.

Không còn xa khu trung tâm, và anh có thể thấy một hai tòa nhà cao vượt lên, một của công ty Điện và hơi đốt Pacific, và một, cao hơn, trước đây anh chưa từng thấy, anh nghĩ người ta đã xây dựng nên trong lúc mình ra đi; công việc làm ăn ở đây đang phát triển.

Anh rẽ vào đường Fulton và bắt đầu đi vào khu vực kinh doanh của miền này. Nơi đây rộng lớn hơn khu anh ở, xa hơn, nhỏ hơn nhưng ấm cúng, chân thật, một khu thị tứ yên tĩnh, một nơi dễ dàng dừng chân, ổn định cuộc sống, lập gia đình, tạo dựng một ngôi nhà, có con cái, kiếm một việc làm và những thứ còn lại. Đó là tất cả những gì anh muốn. Không khí miền thung lũng, nước, sự trung thực của nơi mình ở, vẻ trong sáng của đời sống nơi đây và con người thì mộc mạc, bình dị.

Trong thành phố mọi vật y như cũ: tên những cửa hàng, người qua lại trên đường phố, dòng xe cộ chật hẹp lưu thông, bọn con trai ngồi trên xe hơi tán tỉnh các cô gái; vẫn thế, chẳng có gì thay đổi. Anh gặp lại những khuôn mặt mình đã quen thuở còn niên thiếu, những người biết mặt nhưng không biết tên và rồi anh gặp Tony Rocca, một bạn cũ, đang bước trên đường về hướng anh, và anh biết rằng anh ta đã nhận ra mình. Anh dừng bước chờ Tom đến. Thật giống như một cuộc gặp gỡ trong mơ, lạ lùng, hầu như khó tin nổi. Anh nhớ những lúc hai đứa cùng trốn học đi tắm sông, đi hội chợ, lẻn vào rạp hát xem phim; và bây giờ lại gặp hắn ở đây, với dáng đi ung dung thoải mái, miệng cười nhăn nhở kiểu Ý. Thật là hay, và anh mừng vì anh đã lỡ lầm mà trở về đây.

Anh dừng bước, chờ Tom đến, mỉm cười với hắn, nhưng chẳng thể nói gì. Hai thằng bắt tay, rồi tình thương mến thương đấm nhau mấy cái, chửi thề inh ỏi. Thằng khốn, Tony nói; mày đi đâu mất biệt bấy lâu nay vậy? Rồi đấm vào bụng bạn mình một cái, miệng cười vang.

Tony, anh nói, cái thằng say đòn Tony. Tao tưởng mày chết rồi chứ. Sao, bây giờ làm gì? Anh đáp lễ bạn mình bằng một cú đấm vào ngực. Anh chửi Tony bằng tiếng Ý, dùng những từ trước đây hắn đã dạy mình và Tony chửi lại anh bằng tiếng Nga.

Tao phải về nhà thôi, cuối cùng anh nói. Gia đình không biết tao ở đây. Phải về trình diện họ mới được. Tao nhớ thằng em Paul của tao muốn chết.

Anh tiếp tục bước trên đường, mỉm cười khi nghĩ về Tony. Họ sẽ lại có nhiều dịp đi chơi với nhau, thậm chí đi bơi theo cái kiểu họ đã từng làm thuở còn con nít. Về nhà thật là tuyệt.

Đi ngang qua những cửa hàng, anh muốn mua tặng mẹ mình một món quà nhỏ. Món quà nhỏ thôi cũng đủ làm bà mẹ già hài lòng. Nhưng anh có ít tiền quá, mà những món trông lịch sự một chút thì giá đều đắt cả. Thôi, để sau này hãy tặng bà ấy vậy, anh nghĩ.

Anh rẽ hướng tây sang đường Tulare, băng qua đường ray Southern Pacific, đến đường G, rồi rẽ xuống hướng nam. Chỉ vài phút thôi anh sẽ gặp lại nhà mình, đứng trước cửa ngôi nhà nhỏ xưa cũ; vẫn như bao giờ, cha mẹ già, 3 người chị gái và một cậu em nhỏ. Tất cả đều sống bên trong, những cuộc đời bình dị.

Từ cách một dãy phố anh đã nhìn thấy nhà mình, và tim anh bắt đầu đập mạnh. Thình lình anh bỗng cảm thấy hồi hộp và lo sợ. Có chút gì đó từ lâu anh đã quên, đã không còn nghĩ đến về nơi chốn này, về quãng đời đã từng sống qua mà anh ghét cay ghét đắng, chút gì đó nom tồi tệ, không đẹp. Nhưng anh vẫn tiếp tục đi, càng đến gần nhà càng bước chậm hơn. Hàng rào trước nhà đã đổ xuống mà chưa có ai sửa chữa lại. Rồi ngôi nhà thình lình hiện ra trước mắt anh nom rất xấu xí, và anh tự hỏi tại sao ông già không chịu dọn đến một ngôi nhà khác tốt hơn nơi vùng lân cận. Nhìn lại ngôi nhà, cảm nhận được tất cả cái già nua xấu xí của nó, niềm căm ghét năm xưa bỗng trở lại trong anh, và anh lại muốn bỏ ra đi, đến nơi nào đó không còn nhìn thấy nó nữa. Anh bắt đầu cảm nhận, như đã từng cảm nhận khi còn là một cậu bé, cái mối ác cảm không rõ ràng về toàn cái thành phố này, sự lạc điệu, tồi tàn của nó, cái ngốc nghếch ngớ ngẩn của những người dân, sự trống rỗng trong đầu óc họ và xem ra chẳng bao giờ anh thực sự muốn trở về một nơi như thế. Nước ư? Vâng, rất ngọt ngào, rất tuyệt nhưng trên đời vẫn còn những thứ khác chứ.

Anh chầm chậm bước đến ngôi nhà, nhìn nó như thể mình là một người khách lạ, không có gì liên quan đến nó. Tuy vậy, anh vẫn biết đó là nhà mình, nơi chốn anh vẫn hằng nghĩ đến, vẫn dằn vặt anh dù anh đi bất cứ nơi đâu. Anh e có người nào trong đó bất ngờ bước ra và sẽ trông thấy anh, bởi anh hiểu là nếu bị phát hiện thì rất có thể mình sẽ bỏ chạy mất. Dù sao đi nữa, anh vẫn muốn gặp họ, tất cả những người trong nhà, được nhìn họ tận mắt, được nhìn toàn hình vóc của họ, thậm chí được ngửi mùi thân thể họ, cái mùi Nga nồng nặc của họ. Nhưng như vậy thì tham quá. Anh bắt đầu thấy chán ghét mọi vật trong cái thành phố này, và lững thững bước đến một góc phố. Anh đứng đó phía dưới một ngọn đèn đường, bối rối và bực bội, muốn gặp Paul cậu em trai của mình, nói chuyện với thằng bé, tìm hiểu xem nó đang nghĩ gì trong đầu, làm thế nào nó lại có thể chấp nhận ở đây, sống một cuộc đời như thế. Anh biết mình đã nghĩ gì lúc trạc tuổi thằng bé, và hy vọng có thể giúp cậu em nhỏ một vài lời khuyên, hãy trốn sự đơn điệu nhạt nhẽo và nét tồi tàn ở thành phố này bằng cách đọc sách.

Anh chợt nhớ rằng mình chưa ăn gì từ sau bữa điểm tâm, và từ nhiều tháng nay anh đã mong được ăn một bữa ăn do chính tay mẹ mình nấu, được ngồi lại nơi chiếc bàn cũ trong nhà bếp, ngắm bà, to lớn, mặt đỏ bừng, hết sức giận dữ vì anh và yêu thương anh, nhưng bây giờ anh đã hết thấy thèm ăn. Anh nghĩ có lẽ mình nên đứng đợi ở góc phố này. Có thể cậu em sẽ rời nhà đi dạo, anh sẽ gặp và nói chuyện với nó. Anh muốn được trò chuyện, tâm tình với Paul bằng thứ tiếng mẹ đẻ, tiếng Nga.

Sự tĩnh lặng của thung lũng bắt đầu đè nặng trên anh, mất dần đi vẻ quyến rũ của nó, để chỉ trở lại thành một nét đơn điệu nhạt nhẽo vốn có của miền thung lũng.

Tuy vậy, anh vẫn chưa thể rời bỏ ngôi nhà để ra đi. Từ góc phố anh có thể nhìn ngắm nó, và anh biết rằng thực lòng mình muốn bước vào trong, được đứng giữa những người trong gia đình, trở thành một phần của cuộc đời họ. Anh biết đó chính là điều mình đã ước ao hàng tháng qua, được đứng ngoài cửa mà gõ, ôm mẹ và các chị trong tay, đi ngang đi dọc khắp nhà, ngồi trên những chiếc ghế cũ, ngủ lại trên chiếc giường của mình, trò chuyện với người cha đã có tuổi, ăn uống trên chiếc bàn xưa.

Và bây giờ có những điều anh đã quên lúc bỏ ra đi, những điều có thật nhưng khó chịu và buồn thảm quá trong kiếp sống tại chốn này đã nhanh chóng trở lại, làm thay đổi mọi thứ, thay đổi cả diện mạo cũng như ý nghĩa của ngôi nhà, của thành phố, của cả miền thung lũng, khiến tất cả bỗng trở nên xấu đi và không thật, khiến anh lại muốn bỏ ra đi và không bao giờ quay về nữa. Chẳng bao giờ anh trở lại. Chẳng bao giờ anh có thể bước vào ngôi nhà đó để tiếp tục sống cuộc sống cũ ngày trước thuở chưa bước chân đi.

Đột nhiên anh bỗng thấy chân mình bước trên con ngõ nhỏ, leo qua hàng rào, băng qua mảnh sân nhà. Mẹ anh trồng cà chua, hồ tiêu và mùi cây đang lớn hăng nồng tỏa lan khiến anh thấy lòng vô cùng phiền muộn. Có ánh sáng trong nhà bếp và anh lặng lẽ di chuyển về phía ấy, mong có thể nhìn thấy ai đó trong nhà mà không bị phát hiện. Anh bước đến sát nhà, bên khung cửa sổ nhà bếp và thấy người chị nhỏ tuổi nhất của mình Martha đang

rửa bát đĩa. Anh thấy cái bàn cũ, cái lò sưởi cũ và Martha ngồi quay lưng về phía anh. Và tất cả những thứ đó nom buồn bã thống thiết quá khiến lệ chợt ứa ra trong mắt anh, khiến anh bỗng thấy thèm một điếu thuốc. Anh lặng lẽ đánh diêm vào đế giày và hít một hơi khói, nhìn người chị nhỏ của mình trong ngôi nhà cổ, một phần của sự đơn điệu chốn này. Mọi thứ xem ra lặng lẽ, xa cách và buồn quá; nhưng anh vẫn mong mẹ mình sẽ bước vào nhà bếp; anh muốn được nhìn bà một lần nữa. Anh muốn biết việc ra đi của mình có khiến bà thay đổi nhiều không. Bà ấy bây giờ nom ra sao? Có còn những cái nhìn cáu kỉnh như ngày xưa không? Anh tự giận mình vì đã không là một đứa con ngoan, không cố làm cho mẹ được vui vẻ, hạnh phúc nhưng anh cũng biết đó là điều không thể.

Anh thấy cậu em Paul của mình bước vào nhà bếp tìm nước uống và trong một thoáng anh muốn gọi to tên nó, tất cả những gì tốt đẹp còn trong anh, tất cả yêu thương, đều hướng cả lên khuôn mặt và hình vóc thằng bé; nhưng anh cố tự kiềm chế, hít sâu vào một hơi, ngậm chặt môi mình lại. Trong nhà bếp, thằng bé nom có vẻ lạc lõng, ngơ ngác, như một kẻ bị cầm tù. Nhìn cậu em, anh không cầm lòng được, bắt đầu thổn thức. Chúa ơi!

Anh không còn muốn gặp mẹ mình nữa. Có thể anh sẽ nổi giận và làm điều gì đó ngu xuẩn chăng. Anh lặng lẽ bước trên sân, cố leo qua hàng rào, rồi nhảy xuống con ngõ nhỏ. Anh bắt đầu khởi bước, nỗi buồn dâng ngập lòng. Khi đi đã khá xa không còn sợ bị ai nghe thấy, anh bắt đầu khóc rấm rứt; anh yêu họ tha thiết nhưng ghét cái nét buồn chán đơn điệu của đời sống họ. Anh thấy mình vội vã chạy xa khỏi ngôi nhà, khỏi những người thân, khóc cay đắng trong bóng tối của một đêm trời quang đãng, khóc bởi vì anh chẳng thể làm gì, dẫu chỉ là một điều chết tiệt nào đấy.

Võ Trung Hiếu
(Theo Going Home của William Saroyan)
Nguồn: Văn nghệ Tiền Giang số 29