Ông Hoàng Hạnh Phúc

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Truyện ngắn của Oscar Wilde (Anh)

Sừng sững trong thành phố là pho tượng của một vị hoàng tử thường được tôn xưng là Ông Hoàng Hạnh Phúc, dựng bên trên một cái trụ cao chót vót. Khắp mình chàng dát đầy những lá vàng ròng, đôi mắt là hai viên bích ngọc sáng ngời, còn chuôi kiếm được nạm bởi một viên hồng ngọc to và rực rỡ.

Pho tượng được thần dân trong thành hết sức ngưỡng mộ. Những bà mẹ khôn khéo khi qua đấy nếu đang phải đương đầu với sự mè nheo quá trớn của con trai mình thường dỗ cậu: “Sao con không thể giống như Ông Hoàng Hạnh Phúc kia nhỉ? Con thấy đó, có bao giờ hoàng tử ấy khóc lóc hay đòi hỏi ai thứ gì đâu?”. Còn một anh chàng thất chí thì sau khi đăm đăm ngắm nhìn pho tượng tuyệt vời ấy lại thường lẩm bẩm một mình: “À, mình mừng vì dù sao trên đời này vẫn còn ai đó luôn được nếm trải hạnh phúc như vậy”.

Một đêm kia, có con én nhỏ bay ngang thành phố. Bạn bè chú đã lên đường đi Ai Cập từ sáu tuần lễ trước, nhưng chú cứ lần chần ở lại mãi vì lòng đã trót tương tư nàng Sậy kiều diễm nhất vùng. Chú đã gặp nàng dạo đầu xuân khi đang bay đuổi theo một con bướm vàng lớn trên sông, và đã bị vòng eo thon thả của nàng hấp dẫn đến nỗi phải dừng đường bay để bắt chuyện cùng nàng.

“Em đi cùng ta nhé?”, đó là lời sau cùng chú thổ lộ với nàng; nhưng nàng Sậy đã lắc đầu từ chối vì quá nặng lòng gắn bó với quê hương.

“Em đã đùa giỡn với tình ta”, chú thét lên. “Thôi, đành chia tay nhau vậy. Ta lên đường tới các Kim Tự tháp đây”. Và chú bay đi.

Chú bay suốt ngày và khi tới thành phố này thì đêm đã xuống. “Ồ, đêm nay mình sẽ trú chân ở đâu đây nhỉ?”. Chú nhủ thầm: “Mong là thành phố này đã chuẩn bị sẵn cho mình một chỗ!”

Lúc đó chú bỗng ngó thấy pho tượng trên trụ cao.

“Mình sẽ trú lại ở đó”, chú kêu lên: “Chỗ tốt đấy, đầy không khí trong lành”. Thế là chú đáp xuống ngay giữa đôi chân của vị Hoàng Tử Hạnh Phúc.

“A, mình lại có cả một phòng ngủ bằng vàng kia đấy”, chú vừa nhìn quanh vừa đắc ý nhủ thầm, và sửa soạn đi ngủ; Nhưng ngay khi đang rúc đầu vào cánh thì một giọt nước to đùng bất chợt rơi xuống người chú.

“Chuyện này mới lạ đây!”. Chú kêu lên: “Trời không một vẩn mây, sao vẫn sáng ngời ngời, vậy mà lại đang mưa đấy. Khí hậu ở cái xứ Bắc Âu này mới thật quái làm sao!”

Vừa lúc đó, một giọt nước nữa lại rơi xuống.

“Pho tượng này thật vô dụng, vì chẳng thể che nổi mưa cho mình”. Chú lẩm bẩm: “Thôi, đành phải đi tìm một cái ống khói tử tế nào đấy mới được”, và chú quyết định bay đi.

Nhưng trước khi kịp giang rộng đôi cánh thì giọt nước thứ ba lại rớt xuống; và chú ngước nhìn lên. Ái chà! Chú ta nhìn thấy gì thế này?

Đôi mắt của vị Hoàng Tử Hạnh Phúc kia đẫm lệ, những giọt nước mắt đang nối nhau lăn dài trên đôi má bằng vàng của chàng. Dưới ánh trăng, khuôn mặt ấy đẹp đến nỗi lòng chú chợt thấy xốn xang thương cảm.

“Ngài là ai?” chú hỏi.

“Ta là Hoàng Tử Hạnh Phúc”.

“Vậy sao ngài lại khóc? Ngài làm tôi ướt sũng hết cả rồi”.

“Khi còn sống và còn mang trái tim người”, pho tượng đáp. “Ta không hề biết nước mắt là gì, vì ta sống trong lâu đài Vô Tư, nơi nỗi buồn không được phép bén mảng tới. Suốt ngày ta chơi đùa cùng bè bạn trong vườn, tối đến dẫn đầu cuộc khiêu vũ trong đại sảnh hoàng cung. Bao quanh khu vườn là những bức tường cao ngất, nhưng ta không hề quan tâm hỏi xem có gì nằm bên ngoài những bức tường ấy, vì mọi sự quanh ta đều rất đẹp đẽ. Quần thần trong triều gọi ta là Hoàng Tử Hạnh Phúc; và quả thật ta đã rất hạnh phúc, nếu như những lạc thú có thể được xem là hạnh phúc. Ta sống như thế và đã chết như thế. Nhưng khi ta chết rồi, họ dựng ta lên đây, cao đến nỗi ta có thể trông thấy tất cả những xấu xa, khốn cùng có trong thành phố mình; và cho dẫu trái tim ta được đúc bằng chì, ta vẫn không thể ngăn mình không rơi lệ”.

“Quái lạ thật! Không phải người ông ấy bằng vàng khối hay sao, thế sao lại có thể khóc được nhỉ?”. Chú én bụng bảo dạ; nhưng vì lễ phép, chú không tiện nêu ra bất cứ nhận xét riêng tư nào.

“Xa kia”, pho tượng tiếp tục bằng một giọng trầm êm như nhạc, “đằng xa kia, trong một con phố nhỏ, có một ngôi nhà nghèo nàn. Cánh cửa sổ đang để ngõ, và qua đó, ta có thể thấy được một phụ nữ đang ngồi bên bàn. Gương mặt bà nom tiều tụy, hốc hác quá; bàn tay thô và đỏ ửng, lỗ chỗ vết kim đâm vì bà vốn là một thợ thêu. Bà đang thêu những cánh hoa lạc tiên lên tấm áo choàng satin cho vị tiểu thư hầu cận khả ái nhất của Nữ Hoàng, để nàng mặc vào dịp vũ hội cung đình sắp tới. Ở góc phòng, đứa con trai nhỏ của bà đang nằm trên giường bệnh. Nó sốt và đòi ăn cam; nhưng mẹ nó chẳng có gì cho con ngoài chút nước sông, nên nó đang khóc. Én ơi, én bé bỏng ơi, em làm ơn mang đến cho người mẹ ấy viên hồng ngọc trên chuôi kiếm của ta nhé. Chân ta bị gắn chặt vào chiếc bệ này nên ta không thể nào nhúc nhích”.

“Bạn bè đang nóng lòng chờ tôi bên Ai Cập”, chú Én nói “Họ đang bay lượn trên sông Nile và trò chuyện cùng những bông sen đại đóa”.

“Én ơi, Én bé bỏng ơi”, Hoàng tử nói, “Em hãy vui lòng ở lại với ta một đêm đi, chỉ một đêm thôi, và làm sứ giả giúp ta. Cậu bé ấy đã khát lắm rồi, còn người mẹ thì đang rất buồn rầu, khổ sở”.

“Tôi không nghĩ mình có cảm tình gì với bọn trẻ con
ấy cả”.

Nhưng khuôn mặt của vị Hoàng Tử Hạnh Phúc trông buồn đến nỗi khiến chú én nhỏ phải mủi lòng. “Trời ở đây thật lạnh”, chú nói “nhưng thôi, tôi sẽ ở lại với ngài một đêm và làm sứ giả cho ngài”.

“Cảm ơn em, Én nhỏ ạ”, Hoàng tử thì thầm.

Thế là Én dùng mỏ mổ lấy viên hồng ngọc lớn khỏi thanh kiếm của Hoàng tử, rồi bay qua những nóc nhà trong thành phố.

Chú bay qua ngọn tháp giáo đường, nơi có những thiên thần bằng cẩm thạch trắng đang bay lượn ở đó. Chú bay qua hoàng cung, nghe thấy tiếng nhạc khiêu vũ đang sôi động vang lên. Một thiếu nữ kiều diễm đang bước ra ban công cùng người yêu. “Ôi, đẹp làm sao là những vì sao lấp lánh ở trên cao” chàng trai thì thầm cùng cô gái “nhưng em biết không, có thứ còn tuyệt vời hơn nữa, mãnh lực của tình yêu đấy”.

“Anh ạ, em mong chiếc áo của mình sẽ xong kịp trước ngày vũ hội hoàng gia diễn ra”, nàng tiếp lời, “Em đã truyền thêu những đóa hoa lạc tiên lên tấm áo ấy, nhưng  mấy mụ thợ thêu dạo này sao mà lười biếng quá!”

Sau cùng chú cũng đến được ngôi nhà xập xệ đó và ghé nhìn vào trong. Cậu bé đang vật vã trên giường trong cơn sốt còn người mẹ thì đã thiếp đi vì quá mệt. Chú lập tức lượn vào, nhả viên hồng ngọc lớn trên bàn, cạnh cái đê khâu của bà mẹ. Rồi chú nhẹ nhàng bay quanh giường, dùng đôi cánh quạt lên vầng trán đẫm mồ hôi của cậu bé. “Ô, thật mát làm sao!”. Cậu bé lẩm bẩm “Chắc là mình đang đỡ dần” và cậu khoan khoái chìm vào giấc ngủ.

Sau đó Én bay trở về cùng vị Hoàng Tử Hạnh Phúc và kể lại cho chàng nghe mọi chuyện mình đã làm. “Thật kỳ lạ”, chú đưa ra nhận xét sau khi đã tường thuật xong, “không hiểu sao bây giờ tôi lại cảm thấy người mình rất ấm áp dù trời thì thật đang lạnh vô cùng”.

“Vì em vừa làm xong một việc thiện đó mà”, Hoàng tử giải thích. Còn chú Én nhỏ thì bắt đầu trầm ngâm rồi dần thiếp vào giấc ngủ. Việc suy nghĩ bao giờ cũng khiến chú cảm thấy buồn ngủ.

Rạng sáng hôm sau, chú bay ra sông tắm rửa...

Khi trăng lên, chú lại bay về với ông Hoàng Hạnh Phúc “Ngài có nhắn nhủ gì cho ai ở bên Ai Cập không? Tôi sắp khởi hành rồi đây”.

- “Này, Én nhỏ ơi” vị Hoàng tử nói “Em không thể ở lại với ta thêm một đêm nữa sao?”.

“Ô, bạn bè đang nóng lòng chờ tôi bên Ai Cập”, Én đáp “ngày mai họ sẽ cùng nhau bay lên Thác Hai đó”(*)

“Én ơi, Én nhỏ ơi”, Hoàng tử nói, “ở tít bên kia thành phố ta trông thấy một thanh niên đang cặm cụi trong căn gác xép sát mái của mình. Anh ta ngồi bên một chiếc bàn bừa bộn giấy má và trong chiếc lọ hoa đặt bên cạnh là một bó violet đã héo rũ. Mái tóc anh nâu nhạt, đôi môi đỏ màu thạch lựu và anh ta có đôi mắt to nom mơ mộng lắm. Anh đang cố sức để hoàn tất vở kịch cho ông Giám đốc Nhà hát, nhưng đôi tay đã tê cóng không còn cầm cây viết nổi nữa. Lò sưởi thì lạnh tanh không một ngọn lửa và cái đói khiến anh ta lả cả người”.

“Thôi được rồi, tôi sẽ nán lại thêm một đêm nữa”, Én nhỏ nói thế vì chú vốn có một trái tim nhân hậu. “Tôi sẽ mang đến cho anh ta một viên hồng ngọc khác, có phải ý ngài muốn thế?”.

“Than ôi, bây giờ thì ta không còn viên hồng ngọc nào nữa. Vật duy nhất còn lại chính là đôi mắt của ta; chúng là loại ngọc bích quý hiếm được mang từ Ấn Độ về đây cách nay 1.000 năm. Hãy mổ lấy một viên rồi mang đến cho anh ấy đi. Anh ấy sẽ bán cho ông chủ hiệu kim hoàn để lấy tiền mua củi và thực phẩm, sau đó sẽ có sức để viết cho xong vở kịch.”

“Hoàng tử yêu quý ơi”, Én nhỏ bối rối, “chắc tôi không làm như vậy được đâu”.

“Này, Én nhỏ ơi, hãy làm theo điều ta yêu cầu. Ta van em đấy!”

Thế là Én đành gỡ con mắt của vị Hoàng tử rồi bay đến căn gác của chàng thư sinh nọ. Muốn vào bên trong nhà chẳng có gì khó khăn vì ở trên mái có một cái lỗ hổng. Chú lao người qua cái lỗ đó để vào phòng. Chàng thanh niên đang ngồi ủ rũ hai tay ôm lấy đầu, nên không nghe thấy tiếng chim vỗ cánh; và khi định thần lại ngước nhìn lên thì đã trông thấy một viên ngọc tuyệt đẹp đang tỏa ánh sáng trên những bông hoa héo.

“Ồ, thế là tài năng của mình đã bắt đầu được đánh giá đúng mức rồi đây!” anh mừng rỡ kêu lên. “Viên ngọc này chắc do một vị mạnh thường quân nào đó đang mến mộ mình đưa đến. Giờ thì mình đã có thể yên tâm hoàn tất vở kịch được rồi. Và khuôn mặt anh lộ đầy vẻ hân hoan.

Hôm sau, Én lại bay xuống bến tàu và khi trăng lên lại quay về bên cạnh Ông Hoàng Hạnh Phúc.

“Đã đến lúc tôi phải chào từ biệt ngài rồi”, chú kêu lên.

“Ôi, Én nhỏ ơi, em không thể ở lại cùng ta thêm một đêm nữa sao?” Hoàng tử nói.

“Mùa đông đã đến rồi”, Én đáp, “chẳng mấy chốc tuyết sẽ phủ đầy nơi đây khiến trời buốt giá. Bên Ai Cập thì khác, mặt trời vẫn tỏa sáng ấm áp trên những thân cọ xanh tươi. Hoàng tử yêu quý ạ, tôi phải xa ngài đây nhưng sẽ không bao giờ quên ngài đâu, và mùa xuân tới khi trở về tôi sẽ mang đến tặng ngài hai viên ngọc đẹp khác thế chỗ cho mấy viên ngài đã cho đi. Viên hồng ngọc sẽ đỏ hơn cả đóa hồng nhung, còn viên bích ngọc nhất định sẽ biếc xanh không thua gì
biển cả”.

“Này, Én nhỏ ơi, nơi quảng trường dưới kia”, Hoàng Tử Hạnh Phúc nói, “có một cô bé bán diêm đang đứng. Bé đã lỡ tay đánh rơi diêm của mình xuống rãnh nước và diêm ướt hết cả rồi. Cha bé sẽ đánh đòn nếu bé không mang được ít tiền về nhà, và bé đang khóc nức nở kia kìa. Thật tội nghiệp, cô bé đi bán mà chân không giầy vớ, đầu lại để trần. Hãy lấy con mắt còn lại của ta đem cho cô bé ấy đi, để em tránh được cảnh đòn vọt của cha mình”.

“Tôi sẽ ở lại với ngài thêm một đêm nữa”, chú Én nói, “nhưng tôi không thể lấy đi con mắt còn lại của ngài được. Như vậy ngài sẽ mù hẳn mất thôi”.

“Én nhỏ, Én nhỏ ơi”, Hoàng tử nói, “hãy làm như ta nhờ em đi mà”.

Với sự quả quyết của vị Hoàng tử, chú Én đành gỡ nốt con mắt còn lại của chàng rồi bay vút đi. Chú sà xuống sát bên cô bé bán diêm và chuồi viên ngọc vào lòng bàn tay em. “Ô, mảnh thủy tinh mới đáng yêu làm sao!” cô bé reo lên và vừa chạy về nhà vừa cười vang hớn hở.

Chú Én trở lại cùng vị Hoàng tử “bây giờ ngài mù rồi”, chú nói, “nên tôi quyết định sẽ ở lại đây luôn với ngài”.

“Ồ, không được đâu, Én nhỏ ơi”, Hoàng tử đáng thương can ngăn, “em phải lên đường đi Ai Cập chứ”.

“Không, tôi sẽ ở lại với ngài mãi mãi”, Én nói, rồi đậu ngủ dưới chân Hoàng tử.

Suốt ngày hôm sau, chú đậu trên vai Hoàng tử và kể cho chàng nghe những gì mình từng chứng kiến nơi những miền đất lạ đã đi qua. Chú kể cho chàng nghe về những con cò đỏ đứng thành hàng dài trên bờ sông Nile mổ bắt cá vàng; về con Nhân Sư già cỗi như trái đất, hiện sống trong sa mạc và rất là thông thái, hiểu biết tất cả mọi điều; về những lái buôn dạo bước thong thả bên đoàn lạc đà của mình, cầm trong tay những hạt hổ phách óng ả.

“Én nhỏ thân yêu ơi”, Hoàng tử nói, “em đã kể cho ta nghe nhiều điều thật lạ lùng, nhưng nói thật với em, trên thế gian này không có điều lạ lùng nào có thể khiến ta sửng sốt hơn nỗi thống khổ của con người. Quả thật, không có bí ẩn nào lớn hơn nỗi khổ đâu. Hãy bay khắp thành phố của ta, hỡi Én yêu thương và cho ta hay em thấy gì ở đó nhé”.

Én tung cánh bay khắp thành phố rộng lớn đó, và thấy người giàu đang vui chơi thỏa thích trong những tòa dinh thự lộng lẫy trong khi bao kẻ hành khất chỉ biết ngồi lê la trước cổng nhà họ. Chú bay tới những ngõ hẻm tối tăm và bắt gặp những khuôn mặt trắng nhợt của đám trẻ đói khát đang đờ đẫn nhìn ra các dãy phố đen ngòm. Dưới gầm cầu, hai đứa trẻ tội nghiệp đang nằm ôm lấy nhau cố tìm chút hơi ấm. “Mình đói quá”, chúng rên rỉ; nhưng người gác cầu khi phát hiện ra chúng lại lạnh lùng quát lên: “Tụi bây không được nằm ở đây”; và chúng đành thất thểu ra đi trong mưa.

Én quay về thuật lại cho Hoàng tử những điều mắt thấy, tai nghe.

“Mình ta phủ đầy vàng rồng”, Hoàng tử nói, “em hãy bốc dần từng lá đem tặng cho những thần dân khốn khổ của ta đi, người sống bao giờ cũng nghĩ rằng vàng có thể mang lại hạnh phúc cho họ.”

Chú Én cứ gỡ dần đi hết lá vàng này đến lá vàng khác cho đến khi toàn thân Hoàng tử trở nên xám xịt. Nhưng cũng nhờ những lá vàng đó, hết cảnh đời này đến cảnh đời khác thoát khỏi cơn bĩ cực, biết bao khuôn mặt trẻ thơ đã hồng hào trở lại để chúng được thoải mái cười và cùng nhau chơi các trò vui ngoài đường phố. “Bây giờ tụi mình đã có bánh ăn rồi!”. Chúng hân hoan hò hét.

Rồi tuyết đến và sau tuyết là băng giá.

Chú Én nhỏ tội nghiệp ngày một cảm thấy lạnh hơn, nhưng chú cứ nhất định không chịu xa rời Hoàng tử, vì bây giờ chú đã quá yêu quý chàng ta mất rồi. Chú nhặt nhạnh những mẩu bánh vụn rơi vãi ở cửa hàng bánh mì khi chủ tiệm không để ý và cố đập cánh nhiều lần để giữ cho người ấm lên.

Nhưng cuối cùng cũng đến lúc chú biết mình sắp chết. Chú đã yếu lắm rồi, và bây giờ chỉ còn đủ sức bay lên vai Hoàng tử lần chót. “Vĩnh biệt Hoàng tử thân yêu!” chú thì thào, “ngài bằng lòng cho tôi hôn tay ngài chứ?”.

“Ta mừng vì rốt cuộc ngày em lên đường đi Ai Cập cũng đã đến, Én nhỏ ạ”, Hoàng tử nói, “dù sao thì em cũng đã ở đây quá lâu rồi; nhưng em phải hôn lên môi ta mới được, vì ta yêu em nhiều lắm.”...

“Không phải tôi sắp đi Ai Cập đâu, ngài ạ”, Én nói, “mà là đến Đền của Thần Chết đây. Cái chết chỉ là anh em của giấc ngủ thôi mà, phải thế không ngài?”

Và Én âu yếm hôn lên môi vị Hoàng Tử Hạnh Phúc rồi ngã xuống chết dưới chân chàng.

Ngay lúc đó, bỗng có một tiếng nứt kỳ lạ nghe vang lên từ trong thân tượng; dường như có một cái gì đấy vừa rạn vỡ. Sự thể là trái tim chì của Hoàng tử không biết vì sao lại vừa vỡ làm đôi; có lẽ tại trời băng giá ghê gớm quá!

Sáng hôm sau, ngài Thị trưởng cùng các ông trong Ủy ban Hội đồng thành phố có dịp dạo bước bên nhau quanh quảng trường. Khi đi ngang cây trụ dựng tượng Hoàng tử, trong lúc họ cùng ngước mắt lên chiêm ngưỡng thì ngài Thị trưởng bất chợt hét toáng lên: “Trời đất ơi! Sao Hoàng tử của chúng ta lại trở nên thảm hại như thế này!”

“Viên hồng ngọc đã rơi khỏi thanh kiếm, đôi mắt thì biến mất, còn vàng dát trên thân thể cũng rơi rụng đâu hết cả rồi”, ngài Thị trưởng tiếp, “trông Hoàng tử bây giờ có khác gì một tên ăn mày đâu!”

“Lại còn có một con chim nằm chết dưới chân ông ấy nữa chứ! Chúng ta thật sự cần phải ra ngay một cáo thị cấm chim chóc không được phép chết ở đây”, một người bức xúc lên tiếng.

Sau đó, qua nhiều bàn cãi, người ta thuận ý kéo pho tượng Hoàng Tử Hạnh phúc xuống. “Bởi vì Hoàng tử không còn đẹp đẽ nữa nên có giữ ở nguyên vị trí cũng chẳng mang lại được lợi ích gì”, vị giáo sư nghệ thuật nơi trường đại học phẩm bình.

Rồi người ta khuân pho tượng bỏ vào lò nấu chảy.

“Quái lạ thật!” viên giám sát lò đúc nói sau lúc quan sát, “Trái tim vỡ bằng chì này không hiểu sao lại không chịu tan chảy trong lò. Thôi, vứt quách nó đi cho xong”. Và họ quăng trái tim ra chỗ đống rác nơi có xác con chim chết nằm đấy.

Thượng đế một hôm ra lệnh cho một trong những Thiên sứ của mình: “Ngươi hãy đi tìm và mang đến cho ta hai thứ quý giá nhất có trong thành phố này”; và vị này đã trở lại dâng lên ngài quả tim chì cùng xác một con chim chết.

“Ngươi đã chọn rất đúng”, Thượng đế phán “Vì chú chim nhỏ này sẽ vĩnh viễn ca hát trong vườn Thiên đàng của ta; còn ở thành phố vàng, chàng Hoàng tử nhân hậu kia sẽ đời đời hiện diện để ngợi khen và tán tụng danh ta”.

Nguyễn Thị Thu dịch
(Theo “The Happy Prince”)
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 38 - Xuân 2010)

__________________
* The Second Cataract