Kho báu của Peter Goldthwaite

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Truyện ngắn của Nathaniel Hawthorne (Mỹ)

“Peter, anh thật không chịu cân nhắc gì cả sao?” - ông John Brown nói, trong lúc cài cúc chiếc áo khoác quanh cái bụng phệ của mình, và đeo găng tay vào. “Lý do gì khiến anh từ chối để lại tôi căn nhà cũ nát, xộc xệch này cùng miếng đất chung quanh với cái giá đó?”.
“Giá đó không, mà gấp ba lần giá đó cũng không nốt”, Peter Goldthwaite, một người đàn ông ốm o, tiều tụy, tóc hoa râm lên tiếng đáp. “Thực tình thì, anh Brown, anh phải tìm một nơi nào khác thôi. Mùa hè tới tôi định sẽ cất một ngôi nhà mới tráng lệ trên nền của ngôi nhà cũ nát này”.

“Ồ, Peter!”, ông Brown kêu lên, khi mở cánh cửa nhà bếp, “thôi hãy tạm bằng lòng với việc xây dựng những tòa lâu đài lộng lẫy trên không của anh đi, và nhượng lại miếng đất này để tôi tái thiết kinh doanh. Sao, anh nghĩ lại đi!”.

“Ông Brown à, tôi sẽ không đổi ý đâu”, Peter Goldthwaite dứt khoát.

John Brown và Peter Goldthwaite đã từng được giới thương mại biết đến từ hai, ba mươi năm trước dưới cái tên “Goldthwaite và Brown”; một công ty sau đó đã nhanh chóng tan vỡ bởi tính cách của hai người khác hẳn nhau. John Brown, sau đó đã trở nên một trong những người giàu nhất; trong khi Peter Goldthwaite, mãi ôm ấp những kế hoạch vĩ đại lẽ ra có thể khiến tiền của khắp nước ồ ạt chảy vào túi mình, lại trở nên một kẻ nghèo khổ đáng thương. Sự khác biệt giữa hai con người này có thể tóm gọn như sau: ông Brown chẳng bao giờ trông chờ vào vận may, nên luôn luôn có nó; trong khi Peter thường coi vận may là điều tiên quyết trong lúc xây dựng những kế hoạch của mình, nên luôn luôn mất nó.

Vào thời điểm xảy ra câu chuyện thì Peter chỉ còn lại mỗi ngôi nhà cũ mà chúng ta thấy ông hiện diện. Nó tọa lạc trên con phố chính của thị trấn, và tuy cũng xác xơ tiều tụy như chính bản thân của chủ nhân, nhưng lại có thể mang đến cho ông một món tiền khá lớn. Tuy nhiên, ông ta có những lý do riêng để mãi không chịu chia tay với ngôi nhà của mình. Dường như số phận đã gắn chặt ông cùng với nơi chôn nhau cắt rốn cho nên dù đã nhiều lần đứng trên bờ vực phá sản, ngay cả trong hoàn cảnh khốn đốn bây giờ, ông vẫn không chịu đưa tay chào biệt nó. Ông muốn sống trong cảnh tối tăm này để chờ đợi một ngày kia vận may sẽ đến.

Đây là nhà bếp của ông, gian phòng duy nhất trong nhà thấp thoáng có ánh lửa, nơi ông Peter tội nghiệp vừa được người bạn giàu có một thời từng cộng tác với mình ghé thăm. Có lẽ ông đã trở nên một khuôn mặt sáng giá nhiều người biết đến nếu đã sử dụng khả năng tưởng tượng phong phú của mình trong lãnh vực thi ca, thay vì đưa nó vào việc kinh doanh. Nhưng dù gì đi nữa, ông ta vẫn không phải là một con người xấu, với cái tính trẻ thơ vô hại của mình. Bây giờ thì ông đang đứng cạnh lò sưởi, đưa mắt nhìn quanh gian bếp cũ kỹ, mắt sáng lên với giấc mơ đẹp chẳng bao giờ chịu rời xa ông quá lâu. Đưa bàn tay nắm chặt của mình lên, ông đấm mạnh vào tường.

“Thời cơ đã đến!”, ông ta nói. “Với cái kho báu to tát như vậy thuộc quyền mình sở hữu, thật là điên rồ nếu cứ chịu làm một kẻ nghèo hèn mãi. Sáng mai tôi sẽ bắt đầu xử lý tầng thượng, và sẽ không chịu dừng tay nếu chưa phá sập xong ngôi nhà này!”.

Bên lò sưởi, như mụ phù thủy trong hang tối, một bà lão, nhỏ thó đang ngồi khâu. Bà Tabitha Porter nay vẫn chưa chồng, tuổi tác quá sáu mươi, đã ngồi cùng một chỗ này trong suốt năm mươi lăm năm kể từ khi ông nội của Peter đưa bà về từ trại tế bần. Bà không có người bạn nào ngoài Peter, cũng như Peter chẳng có người bạn nào cả ngoài bà. Miễn là Peter còn có chỗ gối đầu, bà Tabitha biết mình sẽ cư ngụ nơi đâu. Còn nếu không may ông ta trở nên một kẻ không nhà, thì chính tay bà sẽ dắt đưa ông chủ của mình về nơi mình đã sinh ra, trại tế bần. Nếu cần thiết, tình yêu trong bà đủ lớn để có thể nhượng lại cho ông mẩu bánh cuối cùng, và xua cho ông cơn giá rét bằng chính y phục mình mặc. Tabitha là một bà già kỳ quặc, nhưng dù sao cũng không đến nỗi quá kỳ quặc như Peter, và bà đã trở nên quen với những ý tưởng khác thường của ông. Khi nghe ông dọa phá sập ngôi nhà, bà chỉ tạm dừng công việc và lặng lẽ nhìn lên.

“Nhưng hãy nhớ chừa gian bếp này lại cho đến lúc cuối cùng nhé, ông Peter”, bà nói.

“Phải phá đổ tất cả càng sớm càng tốt”, Peter Goldthwaite khẳng định. “Tôi đã quá chán ngán cái cảnh phải sống trong ngôi nhà tối tăm xập xệ, lộng gió và đầy khói bụi này. Tôi nghĩ mình sẽ trẻ lại khi được bước chân vào một ngôi nhà mới đẹp đẽ tráng lệ, và nếu đẹp lòng Chúa, việc ấy sẽ trở thành hiện thực vào khoảng thời gian này mùa thu tới. Bà Tabby ạ, bà sẽ có một căn phòng đầy nắng ấm, được xây dựng và trang trí theo đúng sở thích của bà”.

“Tôi rất thích được sống trong một căn phòng giống như cái bếp này”, Tabitha tiếp lời. “Với tôi, ngôi nhà sẽ chẳng bao giờ thật sự trở nên ngôi nhà nếu các góc lò sưởi của nó chưa được phủ đen bụi khói; và điều này hẳn cũng chẳng phải chờ đợi lâu đâu. Ông định sẽ tiêu tốn khoảng bao nhiêu cho việc xây dựng nó, hỡi ông Peter?”.

“Bà có ý gì khi nói thế?”, Peter hỏi. “Chẳng phải cụ bác của tôi, cụ Peter Goldthwaite, người đã mất cách đây bảy mươi năm, và hiện tôi đang mang danh tính, đã để lại một gia tài to tát có thể xây dựng cả hai mươi ngôi nhà cùng một lúc hay sao?”.

“Tôi không dám có ý kiến gì trừ phi cụ ấy đã làm thế, ông Peter”, Tabitha nói trong lúc xỏ chỉ qua lỗ kim. Bà hiểu rất rõ là ông đang nói về cái kho báu tương truyền đã được chôn giấu đâu đó trong những bức tường hay dưới sàn của ngôi nhà này. Người ta bảo số của cải đó do một vị tiền bối cũng có tên là Peter Goldthwaite gây dựng được trước đây, người có cá tính giống hệt như ông Peter trong câu chuyện của chúng ta. Có nhiều truyền thuyết về căn nguyên của số tài sản này. Người thì bảo ông cụ Peter thời đó đã dùng pháp thuật để biến hóa ra vàng. Người lại nói cụ ấy đã dùng yêu thuật để moi tiền từ túi thiên hạ; còn có thuyết thứ ba nữa cho rằng ma quỷ đã đưa đường cho ông thâm nhập vào quốc khố. Nhưng chẳng hiểu vì sao suốt đời cụ ta lại chẳng thể sử dụng được số của cải ấy, và đã chết đi mà không để lại chút dấu tích gì về nơi nó đã được chôn giấu. Ông Peter đã coi những lời đồn đãi này là sự thật, nên dù đã trải qua biết bao trầm luân bất hạnh, ông vẫn luôn còn lại ý nghĩ này trong đầu: dù cho mọi sự có sụp đổ hết, ông vẫn có thể gây dựng lại cơ nghiệp của mình bằng cách phá sập căn nhà. Tuy vậy cũng khó mà hiểu vì sao ông ta lại để cho căn nhà tồn tại lâu đến vậy, vì ông ta lúc nào cũng cần tiền. Nhưng bây giờ thì thời khắc đã đến rồi.

“Phải rồi!”, Peter Goldthwaite lại kêu lên, “nhất định ngày mai tôi sẽ bắt đầu xử lý nó”.

Càng nghĩ sâu vào vấn đề, ông càng cảm thấy chắc chắn về sự thành công. Tinh thần ông trở nên trẻ trung, phấn khích đến nỗi, dù bây giờ tuổi tác đã vào thu, miệng ông lúc nào cũng nở nụ cười. Bị kích động bởi những ý nghĩ của mình, ông bắt đầu khiêu vũ khắp bếp. Và dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ bộc lộ hết cảm xúc, ông nắm cả hai tay bà lão đứng lên nhảy nhót với mình, còn miệng thì cười vang.

“Ngày mai, vào lúc bình minh”, ông ta lặp lại, trong lúc cầm đèn lên đi ngủ, “tôi sẽ xem thử coi kho báu kia có nằm trong những bức tường trên tầng thượng hay không”.

“Và vì chúng ta đã hết củi rồi, ông Peter”, bà Tabitha nối lời, “tôi sẽ có gỗ để đốt lò sưởi khi ông bắt đầu dỡ nhà”.

Những giấc mơ đẹp cứ ôm lấy Peter Goldthwaite đêm đó. Trong mơ, ông thấy mình tìm ra nơi cất giấu kho báu. Và ngôi nhà ông đang ở hiện tại đã hóa nên một tòa lâu đài lộng lẫy bằng vàng bạc.

Peter dậy sớm, cầm rìu và những dụng cụ khác mà ông đã để cạnh giường đêm qua lên thẳng tầng thượng nhà mình. Vẫn chưa sáng sủa gì lắm vì mặt trời chỉ mới vừa gửi những tia nắng đầu tiên qua khung cửa sổ tối tăm. Peter trông thấy những chồng sổ sách kế toán cũ kỹ, vàng vọt nằm đây đó. Ông tìm ra đủ thứ quần áo cũ, một thanh kiếm cổ, những cây gậy chống đủ kiểu nhưng đầu gậy không bịt vàng. Đây là một cái hộp lớn đựng giày; kia là những vỏ chai thuốc và một tấm gương soi mà bụi và bóng tối phủ lên đã khiến chúng nom còn cũ kỹ hơn bề ngoài thực của mình. Khi Peter, không biết có tấm gương ở đó, vô tình nhìn lướt qua đã thảng thốt tưởng như ông cụ Peter Goldthwaite ngày xưa vừa bất chợt hiện về, không biết để hỗ trợ hay ngăn trở ông trong việc tìm kho báu. Lúc đó một ý tưởng lạ chợt thoáng qua trong óc ông, rằng tiền thân của mình chính là cụ Peter Goldthwaite ngày xưa; và lẽ ra ông phải biết kho báu đó nằm ở đâu, nhưng không rõ vì lý do nào lại quên khuấy mất.

“Ông Peter ơi!”, bà Tabitha kêu lên khi đứng trên cầu thang, “ông đã dỡ đủ củi để tôi đun ấm trà chưa?”.

“Chưa, bà Tabitha à!”. Peter trả lời, “nhưng sẽ mau thôi, như bà sẽ thấy”.

Vừa nói ông vừa giơ rìu lên, hối hả bủa mạnh chung quanh khiến bụi cát bay tứ tung và những mảnh ván bong ra, rồi trong khoảnh khắc, bà lão đã có một ôm tay đầy củi.

“Mùa đông này chúng ta sẽ không phải tốn tiền mua củi”, bà Tabitha nói.

Công việc đã được khởi đầu như thế, ông Peter ầm ĩ phá dỡ tất cả những gì có trước mặt mình, suốt từ sáng đến tối. Tuy thế, ông vẫn cẩn thận chừa lại phần mặt tiền ngôi nhà, để hàng xóm không ai biết được điều gì đang diễn ra.

Chẳng có điều nào trong số những ý tưởng ngông cuồng của Peter lại khiến ông cảm thấy hạnh phúc như bây giờ, dù chúng trong từng thời điểm đã mang lại cho ông bao cảm giác an lòng, vui vẻ. Đó là do bản chất ông vốn luôn ngây thơ, sôi nổi. Mái tóc đã hoa râm có nghĩa gì chăng, không, bệnh tật cũng vậy; thực tình thì trông ông có vẻ già lão và hơi ốm yếu; nhưng con người thật trong ông lúc nào cũng vẫn là một thanh niên với nhiều cao vọng, chỉ vừa mới bước chân vào thế giới này. Ông mãi vẫn là một chàng trai độc thân với những giấc mơ ấm áp, êm dịu ôm ấp trong trí tưởng - nhưng không phải muôn đời chúng chỉ là những giấc mơ đâu nhé. Ông xác định rằng thời cơ đã đến. Và khi kho vàng ẩn giấu lộ ra ánh sáng, ông sẽ nhập cuộc ngay vào trò chơi ve vãn, và sẽ chiếm ngay lấy tình yêu của cô gái đẹp nhất thị trấn này. Ồ, trái tim nào lại có thể từ chối lời tỏ tình của ông kia chứ? Ông Peter Goldthwaite thật hạnh phúc làm sao!

Mỗi tối - vì Peter đã lâu không giao tiếp với những người bạn cũ - ông và bà Tabitha thường ngồi cạnh lò sưởi trong gian bếp trò chuyện cùng nhau. Nơi đây luôn chất đầy củi, thành quả lao động trong ngày của ông. Ánh đèn thắp sáng gian bếp soi rõ mọi vật, trong khi Peter mỉm cười rạng rỡ như một người đàn ông hạnh phúc, thì bà Tabitha dường như lại là hình ảnh của một tuổi già thanh thản.

Một đêm kia, dễ đã đến lần thứ một trăm rồi, ông lại nằng nặc yêu cầu bà Tabitha thuật lại cho nghe dăm sự tích về cụ bác của mình.

“Bà đã ngồi tại cái góc bếp này những năm mươi lăm năm, hẳn bà được biết rất nhiều chuyện về ông cụ tôi”, Peter nói. “Không phải bà đã từng nói, lần đầu tiên khi mới bước chân vào nhà này, bà đã trông thấy một bà lão đang ngồi tại chỗ bà đang ngồi bây giờ sao, bà lão vốn là quản gia cho ông cụ nổi tiếng của tôi ấy?”.

“Đúng thế, ông Peter à”, Tabitha đáp, “và bà cụ ấy đã gần một trăm tuổi rồi. Bà kể lại là vẫn thường ngồi trò chuyện với cụ Peter Goldthwaite như già với ông bây giờ vậy”.

“Ông cụ hẳn phải có nhiều điểm giống tôi lắm phải không”, Peter nói, “nếu không cụ ấy đâu có trở nên giàu có như vậy. Nhưng tôi nghĩ lẽ ra ông cụ đã có thể sống tốt hơn nhiều! Và ngôi nhà này đã bị dỡ sập từ lâu để sở hữu kho báu! Điều gì đã khiến cụ ấy giấu nó kỹ như vậy, hở bà Tabby?”.

“Vì cụ ấy không thể nào tiêu nó được”, bà Tabitha đáp. “Vì mỗi khi cụ ấy tiến đến gần để mở khóa cái rương, thì quỷ dữ lại hiện ra phía sau ngăn lại. Nó muốn ông cụ phải hiến cho nó căn nhà này và khoảnh đất chung quanh. Nhưng cụ Peter khăng khăng không chịu”.

“Cũng như tôi nhất định không bán nó lại cho ông bạn cũ John Brown vậy mà”, Peter nhận xét. “Nhưng tất cả đều là nhảm nhí, bà Tabby ạ! Tôi không tin chuyện này đâu”.

“Vâng, chuyện đó có thể không phải là sự thật”, bà Tabitha tiếp lời. “Vì cũng có người nói là cụ Peter đã ký giấy hiến ngôi nhà cho quỷ dữ. Đó là lý do vì sao những người sống trong nhà này luôn gặp bất hạnh. Và ngay lúc đó cụ Peter trao tờ giao kèo thì nắp rương bật mở, cụ mừng rỡ bốc lên một nắm tiền vàng. Nhưng than ôi! - nắm vàng trong tay kia thoáng chốc đã hóa thành tro bụi”.

“Hãy câm miệng lại đi, bà Tabby xuẩn ngốc!”. Peter giận dữ kêu lên. “Không phải thế đâu! Đó là những đồng tiền vàng thật. Tro bụi, phải thừa nhận rằng ai đó đã khéo tưởng tượng ghê!”.

Nhưng câu chuyện kể của bà lão đâu có làm cho Peter Goldthwaite nản chí. Suốt đêm hôm đó ông vẫn hoàn toàn chìm trong mộng đẹp. Ông tỉnh giấc lúc bình minh với một trái tim hoan hỉ, hiếm khi người ta có được kể từ lúc giã từ thời niên thiếu. Ngày qua ngày ông lao động cật lực không lãng phí phút giây nào, trừ những lúc phải ngừng lại để ăn uống những gì bà Tabitha góp nhặt được. Rồi ông lại hối hả quay về với công việc, phút chốc đã biến mất trong đám mây bụi đổ xuống từ những bức tường xập xệ. Thi thoảng ông chợt dừng tay, giơ chiếc rìu lên không, miệng lẩm bẩm - “Peter ơi, Peter hỡi, có phải từ trước đến nay chưa bao giờ mày phải vất vả như thế này, đúng không?” hay “Peter ơi, thật ra có cần thiết phải dỡ toàn bộ ngôi nhà xuống không? Hãy chịu khó suy nghĩ một chút đi, cố nhớ lại xem vàng đã được giấu ở đâu”. Từng ngày rồi từng tuần cứ thế nối nhau trôi qua, tuy vậy, vẫn chưa tìm ra được chút dấu vết nào.

Khoảng thời gian này, Peter đã giải quyết xong tầng thượng và lui xuống xử lý tầng thứ nhì, nơi ông phải bận trí với một trong những gian phòng phía trước. Gian phòng này trước đây từng là phòng ngủ chính. Đồ đạc đã biến sạch, chỉ còn lại những mảnh giấy dán tường rách nằm vương vãi, và những khoảng tường trơ trụi đầy những tranh vẽ của Peter thuở thiếu thời, khiến ông ngần ngại, không nỡ phá đi. Một bức vẽ cụ già tội nghiệp đang cúi xuống nhìn một cái lỗ khoét trên mặt đất. Nhưng sát sau lưng ông ta là dung mạo của một kẻ có đuôi và sừng trên đầu, miệng nở nụ cười quỷ quái.

“Biến đi, hỡi quỷ dữ!”, Peter kêu lên. “Cụ ta phải lấy được vàng của mình!”.

Giơ rìu lên, ông bổ một nhát thật mạnh vào đầu tên có sừng kia khiến tường lủng một lỗ to.

“Cầu chúa thương xót, ông Peter ơi, phải ông đang đánh nhau với quỷ dữ không?”, bà Tabitha lên tiếng trong lúc tìm thêm gỗ vụn nhét dưới đáy nồi.

Không buồn trả lời, Peter phá thêm một mảng tường khác, để lộ ra một cái hốc rỗng. Chẳng có gì đặc biệt ở trong ngoài một cây đèn cũ và một mẩu giấy bám đầy bụi. Trong lúc Peter bận nhìn mẩu giấy, thì bà Tabitha cầm lấy cây đèn và dùng áo lau chùi.

“Chùi nó cũng vô ích thôi, bà Tabitha ơi”, Peter kêu lên. “Đó không phải là cây đèn thần đâu, dù tôi xem nó như là một dấu hiệu may mắn. Hãy nhìn đây!”.

Bà Tabitha cầm mẩu giấy và đưa nó lên gần sát mũi. Chưa kịp đọc những gì đã viết ở trong thì bà đã bật ra cười, hai tay ôm bụng.

“Ông không thể lừa được già này đâu!”, bà kêu lên. “Đây là chữ viết của ông mà, ông Peter! Giống y chữ trong lá thư có lần ông đã gởi cho già”.

“Trông thì cũng giống đây”, Peter nói: “Nhưng Tabby, bà cũng biết là bức tường này đã được xây dựng trước khi bà bước chân vào nhà này, trước cả lúc tôi chào đời nữa. Không, đây chính là chữ của cụ Peter Goldthwaite; còn đây là những con số chỉ ra số lượng tài sản; và ở phía dưới cùng, không nghi ngờ gì, chính là lời chỉ dẫn về nơi chôn giấu. Nhưng lâu quá rồi, nên chữ viết mờ nhạt không thể đọc được nữa. Tiếc thật!”.

“Ồ, cây đèn này còn tốt như mới. Thôi, cũng gọi là có chút an ủi”, bà Tabitha nói.

Sau khi bà Tabitha xuống lầu, ông đứng bên một trong những cửa sổ bám bụi mặt trước nhà lặng nhìn mảnh giấy. Mặt trời len vào chỉ đổ được một vùng ánh sáng mập mờ, nên ông mở tung cửa ra cho ánh nắng tràn vào, và nhìn bâng quơ xuống con đường chính trong thị trấn.

Đó là một ngày đầu tháng giêng ấm áp. Tuyết phủ dầy trên những mái nhà, nhưng mau chóng tan đi dưới ánh mặt trời. Peter nhìn ra và thấy rất nhiều người đang lợi dụng thời tiết đẹp để ngao du, vui chơi, hoặc chạy lo công việc. Chưa bao giờ Peter lại thấy một ngày đẹp, và có nhiều người hoan hỉ hạnh phúc như thế này. Không thể tìm ra chút buồn bã, nặng nề gì nơi đây trừ ngôi nhà cổ của Peter Goldthwaite. Và khuôn mặt ốm o, gầy mòn của Peter lộ ra từ tầng hai, trông cũng ủ rũ như chính ngôi nhà.

“Ông bạn Peter! Khỏe chứ hả?”, một giọng nói chợt vọng lên trên đường. “Nhìn xuống dưới này nè, Peter!”.

Peter nhìn ra và thấy người bạn cùng hợp tác với mình ngày xưa, ông John Brown, đang băng ngang đường, trông có vẻ ung dung và giàu có. Giọng ông ta khiến người trong thị trấn hướng mắt về phía cửa sổ nhà Peter và trông thấy một con bù nhìn đầy bụi bặm vừa hiện ra ở đó.

“Này, Peter”, ông Brown kêu lên, “anh đang làm cái quái quỷ gì trên đó vậy, mà mỗi lần qua đây tôi cứ nghe tiếng vọng ầm ầm? Anh đang sửa nhà lại hả, tôi đoán thế - tạo cho nó một bộ mặt mới chăng?”.

“Quá muộn để làm điều đó rồi, ông Brown ạ”, Peter đáp. “Nếu làm mới lại, thì tôi sẽ khiến nó mới từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới”.

“Anh có cần tôi giúp việc đó không? - ông Brown hỏi.

“Chưa đâu!”, Peter đáp, rồi vội vàng đóng cửa sổ lại. Vì, kể từ khi bắt tay vào việc tìm kho báu, ông ta rất ghét người ta nhìn đến mình.

Khi thu mình vào trong, gian phòng chợt tối sầm lại dưới mắt Peter, và nom buồn quá nữa, so với cảnh tượng tươi sáng và những con người vui vẻ vừa nhìn thấy dưới đường. Thoáng nhìn xuống phố ấy khiến ông nhận ra cái phương cách giúp thiên hạ luôn thấy cuộc đời vui tươi và náo nhiệt. Có gì đâu, chung sống và hòa hợp cùng tha nhân, việc này khiến người ta khỏi tự biến mình trở nên một kẻ lạ lùng, kỳ quặc. Sự thật đã hiển lộ ra do một cái nhìn. Trong khoảnh khắc, ông chợt nghi ngờ chuyện cái rương vàng chôn giấu kia liệu có thật hay không, và liệu ông có nên tiếp tục phá dỡ ngôi nhà?

Nhưng những ý nghĩ này chỉ thoảng qua. Peter - kẻ Hủy Diệt - lại quay về với công việc số phận đã trao cho mình, và sẽ không dừng tay nếu nó chưa hoàn tất. Trong quá trình tìm kiếm ông bắt gặp một chiếc chìa khóa cũ, có khắc hai chữ P.G. Một khám phá khác nữa đó là một chai rượu lâu đời, cùng nhiều đồng tiền kim loại nằm kẹt trong những lỗ hổng trên sàn.

Peter làm việc rất chăm chỉ. Mùa đông năm ấy ông đã phá hủy gần hết những hạng mục công trình mà các bậc tiền bối trong gia tộc phải hoàn tất trong một trăm năm. Trừ gian bếp ra, mọi căn phòng trong nhà đều bị dỡ sạch. Ngôi nhà bây giờ chỉ còn cái vỏ ngoài.

Mọi thứ Peter dỡ xuống, bà Tabitha đều đem chụm sạch, vì bà khôn ngoan nhận ra rằng, không còn nhà nữa thì cần gì giữ lại củi để hong ấm nó. Như vậy có thể nói là toàn bộ ngôi nhà đã tan thành khói, bay lên trời tụ tập cùng những đám mây.

Vào đêm cuối cùng của mùa đông chuẩn bị sang xuân, mọi chỗ trong nhà đều đã được rà soát kỹ, chỉ trừ gian bếp. Cái đêm định mệnh này là một đêm đáng sợ. Một trận bão tuyết đã khởi sự cách đó vài giờ, và vẫn hoành hành khắp nơi bởi những cơn gió dữ, cuốn đi và giật sập mọi thứ trên đường đi khiến ngôi nhà lung lay, như muốn đánh dấu chấm hết cho những lao động vất vả của Peter. Tuy vậy, ông ta vẫn ung dung trước cảnh ấy, vẫn ngông cuồng và bồn chồn với những giấc mơ của mình.

“Lấy chai rượu, bà Tabitha!’, ông kêu lên. “Ô, chai rượu lâu đời và đắt tiền của ông cụ! Chúng ta hãy thưởng thức nó bây giờ!”.

Tabitha đứng dậy từ chỗ ngồi bên lò sưởi và đặt chai rượu trước mặt Peter, cạnh cây đèn tìm được trong hốc tường. Peter cầm chai rượu lên ngắm và nhìn xuyên qua thứ chất lỏng trong suốt ấy.

“Ông Peter”, bà Tabitha hỏi, “có nên uống rượu trước khi tìm thấy tiền không?”.

“Tiền nhất định sẽ tìm thấy mà!”, Peter hung hăng tuyên bố. “Cái rương ấy đang nằm trong tầm tay tôi. Tối nay tôi sẽ không ngủ đâu nếu chưa tra được chìa này vào ổ khóa. Nhưng, trước hết, chúng ta hãy uống cái đã!”.

Ông khui chai rượu, rồi rót đầy hai chiếc tách nhỏ bà Tabitha vừa mang tới. “Ô, thật trong trẻo và lóng lánh làm sao thứ rượu trong tách!”.

“Uống nào, bà Tabitha!”, Peter kêu lên. “Cầu Chúa chúc phúc cho người đã để lại chai rượu này cho chúng ta! Uống để tưởng nhớ cụ Peter Goldthwaite!”.

“Và cái duyên do tốt đẹp đã khiến chúng ta nhớ đến cụ”, bà Tabitha vừa nói vừa uống.

Tình cờ trong đêm bão tố ấy là ông John Brown lại cảm thấy bồn chồn, không yên tâm khi ngồi trong chiếc ghế bành tiện nghi, bên ánh lửa rực rỡ sưởi ấm căn phòng khách sang trọng của mình. Con người ông vốn tốt, biết ân cần, xót thương trước những bất hạnh của kẻ khác. Đêm ấy ông bỗng nghĩ nhiều về người bạn già Peter Goldthwaite, về những ý nghĩ kỳ quặc của ông ta, về cái vận rủi vẫn không ngừng đeo đuổi, về căn nhà xộc xệch, và về cái giọng khác thường khi trò chuyện chiều nay bên cửa sổ.

“Ông bạn tội nghiệp của tôi ơi!”, ông Brown nghĩ. “Đầu óc ông có vấn đề mất rồi! Nhưng vì tình bạn cũ, mình nên lưu ý xem ông ta có được yên ổn trong cái mùa đông đáng sợ này không!”.

Những cảm xúc này cứ bùng lên mãi đến nỗi, dù thời tiết thật bi quan, ông vẫn quyết định đến thăm Peter Goldthwaite ngay. Khoác bộ đồ ấm dày cộm vào người, ông ra đi trong bão tố. Thật khó khăn ông mới đến được nhà Peter, rồi không cần gõ cửa gì cả, ông bước vào và lần mò tiến đến gian bếp.

Sự hiện diện của ông chẳng khiến ai lưu ý. Peter và Tabitha đang đứng xoay lưng về phía cửa, cúi người trên một cái rương lớn. Hẳn họ đã lôi nó ra từ lỗ hổng nằm phía trái lò sưởi. Bà lão đang cầm đèn, trong lúc Peter tra chìa vào ổ khóa.

“Ô, bà Tabitha ơi!”, ông ta kêu lên, “không biết tôi có chịu nổi hay không! Vàng, vàng chói quá ắt sẽ hắt vào mắt ta khốc liệt như ánh mặt trời giữa trưa!”.

“Vậy thì hãy che mắt lại, ông Peter!”, bà Tabitha nói, với giọng hơi thiếu kiên nhẫn hơn lúc bình thường. “Nhưng, vì lòng thương xót, xin ông hãy mở khóa ngay cho!”.

Rồi, bằng sức mạnh của cả hai tay, Peter vặn mạnh chìa khóa. Ông Brown, lúc ấy đã tiến đến gần, chen bộ mặt hiếu kỳ của mình vào giữa họ trong lúc Peter giở nắp rương lên. Chẳng có ánh sáng bất ngờ nào lóe lên trong nhà bếp cả.

“Cái gì trong này vậy?”, bà Tabitha la lên, đưa đèn về phía cái rương đang mở toang. “Chỉ là một đống giấy tờ của ông cụ Peter Goldthwaite mà thôi”.

“Nhiều giấy tờ thật đấy!’, ông Brown lên tiếng.

Họ vẫn mong đợi là số tài sản trong rương sẽ đủ để mua lại cả thị trấn này và tu bổ mới tất cả đường sá theo ý thích; nhưng trong rương chỉ toàn là giấy bạc cũ đã hết lưu hành và những tờ giấy nợ của những người chắc đã qua đời từ lâu - tất cả đều vô giá trị.

“A, đây là cái kho báu do ông cụ Peter Goldthwaite để lại sao!”, John Brown nói. “Nhưng thôi đừng lo, anh Peter ạ! Tiền này vẫn còn có thể dùng để xây những tòa lâu đài tráng lệ ở trên trời kia mà”.

“Ngôi nhà sắp sập đến nơi rồi kìa!”, bà Tabitha kêu lên khi gió lay động càng lúc càng mạnh.

“Cứ để nó sập xuống đi!”, Peter khoanh tay lại nói, trong lúc ngồi lên rương.

“Không, không thể như thế được, ông bạn già Peter”, John Brown nói, “nhà tôi có phòng dành cho anh và bà Tabitha mà, có cả chỗ an toàn cho cái rương quý đó nữa. Ngày mai tôi sẽ mua giúp anh căn nhà này với cái giá hậu hĩnh nhất”.

“Còn tôi”, Peter Goldthwaite nói, với tinh thần phấn chấn trở lại, “tôi phải lập một kế hoạch sử dụng tiền sao cho đạt hiệu quả nhất”.

“À, về việc này”, ông John Brown thầm nói, “mình phải yêu cầu chính quyền định ra một người lo việc quản lý chỗ tiền mua nhà mới được; còn nếu ông bạn Peter cứ khăng khăng muốn kiếm lợi bằng cách cho vay, thì ông ta vẫn có thể làm thế; nhưng chỉ được sử dụng số của cải có tron
g rương của ông cụ Peter Goldthwaite mà thôi”.

Võ Trung Hiếu dịch
(Theo “Peter Goldthwaith’s Treasure” của Nathaniel Hawthorne)
(Theo Văn Nghệ Tiền Giang số 31)