Nỗi niềm nghệ sĩ "không chuyên"

Năm 2016, đã có 5 nghệ sĩ Tiền Giang được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Cũng trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh “bùng nổ” nhạc karaoke di động (giới bình dân gọi là nhạc kẹo kéo). Hai sự kiện này tạo thêm cung bậc nỗi niềm cho những thế hệ đã và đang hoạt động văn hóa - nghệ thuật của tỉnh nhà.
Tiết mục múa “Chung một chiến hào”, Biên đạo Thu Thủy, Bảo Huy và Phương Trâm biểu diễn, đoạt giải Nhất khu vực năm 2015.
Tiết mục múa “Chung một chiến hào”, Biên đạo Thu Thủy, Bảo Huy và Phương Trâm biểu diễn, đoạt giải Nhất khu vực năm 2015.

RUỘNG “CÀY” BỊ LẤN

Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phong trào ca hát rất mạnh, mỗi ấp có một đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” và họ tự dựng những trích đoạn cải lương, chương trình văn nghệ phục vụ bà con bằng những phương tiện thô sơ: Sân khấu là những bộ ván ghép lại, ánh sáng bằng đèn măng xông, âm thanh là cái loa sắt… Trong xóm có đám tiệc thì anh chị em biết đàn, ca tụ tập lại hát hò vui vẻ phục vụ, không nhận tiền thù lao. Đến sau nửa thập niên 90 của thế kỷ trước bắt đầu xuất hiện những ông bà chủ dàn âm thanh, những dàn nhạc sống phục vụ đám tiệc và sau đó đi kèm cả “ca sĩ” phục vụ. Về giá cả, tùy theo yêu cầu như: Thuê dàn âm thanh hoặc âm thanh có thêm dàn nhạc hay kèm thêm người ca; có nơi xuất hiện những “nghệ sĩ” biểu diễn xiếc, ảo thuật…

Anh Nguyễn Minh Hùng (huyện Chợ Gạo) chuyên sống bằng nghề đàn phục vụ đám tiệc và cả hội chợ, đã giúp anh nuôi con ăn học và xây được ngôi nhà. Gần đây, anh than thở: “Từ ngày có nhạc kẹo kéo, những tay đàn nhạc sống của tụi anh vất vả lắm, vì nhạc kẹo kéo rẻ hơn, kêu lúc nào cũng có; những điểm có wifi thì kết nối nhạc trên Internet, muốn nhạc gì cũng có. Lúc trước, ban đêm anh đàn cho hội chợ, ban ngày phục vụ đám tiệc, không có thời gian la cà với bạn bè, nhờ vậy mà nuôi 2 con học xong đại học”. Một bạn chuyên hát phục vụ đám tiệc (xin giấu tên) chia sẻ: “Khả năng em không đủ vượt trội để hát những tụ điểm lớn nên theo các ban nhạc hát đám tiệc, có khi em hát cả đám thôi nôi, đám giỗ, đám tang. Phải học nhiều bài để hát cho phù hợp và hát theo yêu cầu. Có lúc phải “gào” lên giữa đông đảo thực khách mà không mấy ai nghe, nhưng cũng có nơi người ta mê ca hát, đã yêu cầu hát bài họ thích và cho tiền… Nói chung, nghề này tạm sống qua ngày. Gần đây karaoke di động nổi lên, bà con chỉ cần alô thì khoảng 10 phút sau đã có một dàn loa công suất lớn và họ tự hát với nhau, tụi em muốn có thu nhập thường xuyên như trước đây không phải dễ”.

CƠ HỘI NÀO CHO NHỮNG NGHỆ SĨ CỦA MẢNH ĐẤT “KHÔNG CHUYÊN”?

Ở thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, mỗi cuộc hội diễn, liên hoan văn nghệ, ngoài giải thưởng cho chương trình, tiết mục, diễn viên…, còn có giải thưởng cho dàn nhạc hay nhất. Thế nhưng, với bước tiến của khoa học - công nghệ, các cuộc hội diễn thưa dần những dàn nhạc; đồng nghĩa với giải thưởng “cho linh hồn và xúc cảm” của diễn viên thăng hoa trong ca, diễn không còn nữa, bởi các đội văn nghệ dùng nhạc đĩa phối sẵn để tiết kiệm kinh phí, vì lẽ đó ban tổ chức cũng đành chấp nhận. Những tay đàn có tiếng ở TP. Mỹ Tho từng trăn trở: “Bây giờ dân chơi đàn không đất dụng võ, không phải riêng tỉnh mình mà cả những cuộc thi nghệ thuật quần chúng cấp khu vực, toàn quốc cũng xài nhạc đĩa, nhạc phối sẵn, chỉ trừ Liên hoan “Đờn ca tài tử” hay cuộc thi yêu cầu có thi hòa tấu nhạc cụ mới có nhạc công xuất hiện”. Hiện nay, ban tổ chức các cuộc thi khu vực, toàn quốc khuyến khích các tỉnh đưa dàn nhạc tham gia, thế nhưng vì tiết kiệm kinh phí nên mỗi cuộc thi thu hút khoảng 50 đơn vị tham gia thì chỉ có 4 - 5 đơn vị có dàn nhạc.

Được biết, Tiền Giang là một trong số ít tỉnh có nhiều tay chơi đàn khá tốt. Để tạo sân chơi và vực dậy phong trào, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mấy lần tổ chức Liên hoan Ban nhạc trẻ (có cả những ban nhạc tự do), tập hợp những tay chơi đàn (các loại), trống, kèn… để họ thỏa sức tang bồng: Đỗ Hải, Tùng Jazz, Minh Việt…, nhưng nó chỉ tạo được sự thăng hoa trong cuộc chơi ngắn ngủi, xong lại lắng xuống và có lần Đỗ Hải tập hợp anh em làm một đêm nhạc sống ở Công viên Lạc Hồng như để giải tỏa nỗi nhớ nghề và đem niềm vui đến cho công chúng. Nhạc sống trong các tụ điểm hát với nhau ở những quán cà phê bây giờ như “cung đàn lỗi nhịp”.

Với các đội tuyên truyền lưu động cấp huyện hay cấp tỉnh đều không còn nhạc công, mà người thế vai trò nhạc công là người ngồi bên laptop (ai cũng có thể làm việc này được) mở nhạc phối sẵn để diễn viên hát, kể cả nhạc nền cho hát vọng cổ. Riêng những anh chị em là diễn viên ca, kịch, người dàn dựng, trong đó có không ít người có bằng đạo diễn, biên đạo và tốt nghiệp ngành Âm nhạc… nhưng hoạt động ở lĩnh vực sân khấu không chuyên thì hiếm được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, vì tiêu chuẩn phải có 2 huy chương vàng (HCV) hoặc 1 HCV và 2 huy chương bạc (HCB) trên lĩnh vực chuyên nghiệp…

Nói về điều này, Biên đạo múa Thu Thủy cho biết: “Trước đây, tôi đã có đơn kiến nghị gửi Hội Nghệ sĩ Múa Trung ương về tiêu chuẩn phong tặng danh hiệu này, nhưng chưa thấy phản hồi. Ở các thành phố lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… hoạt động chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thể hiện rất rõ, nhưng với các tỉnh thì lằn ranh 2 lĩnh vực này không xa. Nếu nói không chuyên thấp hơn thì hãy cho quy đổi, ví dụ như 10 HCV không chuyên bằng 1 HCV chuyên nghiệp để những người hoạt động như chúng tôi có động lực phấn đấu….”.

Hiện tại, ngoài các Bằng khen Biên đạo xuất sắc, Biên đạo múa Thu Thủy đã có khoảng 50 HCV của các tiết mục múa do chị dàn dựng tham gia khu vực và toàn quốc, thế nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ, chia tay đồng nghiệp về hưu chỉ nhận được tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Với Hà Thanh (Đội Thông tin lưu động tỉnh), 27 tuổi đã có 3 HCV và 5 HCB trong 2 lĩnh vực ca nhạc và diễn kịch ở các mùa hội diễn, liên hoan khu vực, toàn quốc… Có lần cô nói vui: “Nếu công tác ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp (NTTH) tỉnh thì có lẽ tôi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú rồi!”. Rất nhiều gương mặt trưởng thành trong phong trào văn nghệ quần chúng đã đoạt nhiều huy chương như: Trương Can, Tấn Mẫn (ca sĩ); những nhạc công trong Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh như: Lâm Chí Lợi, Thanh Liêm, Văn Thạch… đã đóng góp rất nhiều cho hội diễn chuyên nghiệp, thế nhưng khi cá nhân hoặc tiết mục có họ đàn hoặc phối nhạc đoạt huy chương thì họ vẫn không được nhắc đến.

Riêng lực lượng múa không chuyên của tỉnh nhà, nhiều em đã qua trường lớp và múa rất đẹp như: Thùy Dương, Phương Trâm, Bảo Huy… góp phần đem rất nhiều tấm HCV cho tỉnh nhà nhưng cũng chỉ là sân khấu không chuyên.

Nên chăng, tạo cho biên đạo, diễn viên (ca, múa, kịch) không chuyên một cơ hội thử sức. Bằng chứng cho thấy, NSƯT Nhơn Hậu, chưa qua trường lớp đào tạo, được chọn diễn vai vợ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, lần đầu tiên tham gia sân khấu cải lương chuyên nghiệp (SKCLCN) đã đoạt HCB. Năm 2011, Tiền Giang đăng cai tổ chức Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc - một cuộc đọ sức của khá nhiều biên đạo chuyên nghiệp và không chuyên cả nước, Biên đạo Thu Thủy hoạt động trong lĩnh vực không chuyên, vậy mà đã có 2 tiết mục đoạt HCV, điều đó cho thấy chuyên nghiệp và không chuyên chỉ là sự phân chia lĩnh vực hoạt động, còn tài năng thật sự thì không phân biệt.

Chúng tôi thấu hiểu được nỗi niềm của nghệ sĩ "không chuyên" và mong rằng những tài năng của tỉnh nhà được quan tâm, để có cơ hội chinh phục đỉnh cao, vì thực tế cho thấy họ có nhiều triển vọng.

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: Ấp Bắc