Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Lắng nghe "Âm thanh những giấc mơ"

Quá trình sáng tạo của nhà thơ chính là sự khám phá những hình ảnh, âm thanh của sự vật, con người trong tiềm thức và khắc họa, thể hiện thông qua thế giới ngôn từ của bài thơ. Nhà thơ Trần Hữu Dũng (quê huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã lắng nghe âm thanh bí ẩn của sự vật, con người ở các vùng đất, các vùng văn hóa khác nhau của đất nước và tái hiện qua 64 bài thơ trong tập thơ Âm thanh những giấc mơ (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2016).
Nhà thơ Trần Hữu Dũng: Lắng nghe "Âm thanh những giấc mơ"

Chia sẻ cùng người yêu thơ về thông điệp gửi gắm trong tập thơ Âm thanh những giấc mơ, nhà thơ Trần Hữu Dũng cho biết: “Đây là những bài thơ ghi lại cảm xúc, ý tưởng về các chuyến đi thực tế cùng các bạn văn nghệ mê mải khắp các miền đất nước, từ đầm Thị Tường Cà Mau, Côn Đảo, Đà Lạt mù sương, qua núi Đá Bia Tuy Hòa, lang thang vùng Tây Bắc… Có lúc nào đó, trong những giấc mơ hoang tưởng, chợt vang lên những âm thanh mê hoặc ngân dài, vây bủa, phủ chụp xuống cuộc mưu sinh hàng ngày”.

Trần Hữu Dũng thuộc lớp nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 và là một trong những nhà thơ quyết liệt trong việc dấn thân tìm tòi, đổi mới thơ ca. Hơn 35 năm đeo đuổi công việc sáng tác thơ, nhà thơ Trần Hữu Dũng đã xuất bản 9 tập thơ. Thơ của Trần Hữu Dũng chủ yếu là thơ tự do, thơ văn xuôi, câu thơ co duỗi linh hoạt, cấu trúc của bài thơ thay đổi tùy theo diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình. Trần Hữu Dũng hướng cảm hứng thơ ca về nhiều hình tượng khác nhau, nhưng vẻ đẹp của hình tượng sự vật, con người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn xuất hiện sâu đậm trong thơ anh. Hầu hết những bài thơ của Trần Hữu Dũng viết về vẻ đẹp con người và vùng Đồng bằng sông Cửu Long thể hiện tâm thế của một người trong cuộc, giữa tâm hồn nhà thơ và sự vật, con người có sự gắn bó máu thịt, sâu nặng. Trong bài thơ “Giăng mắc giấc mơ đồng thiếp Mỹ Tho”, Trần Hữu Dũng viết:

”Gây mê muội cho tôi bầy đom đóm quê nhà
Cháy mãi những giấc mơ đồng thiếp
Những giấc mơ liên hồi thương nhớ
Tôi đứng bơ vơ ngã ba sông Tiền
Chẳng biết làm sao phát sáng vết thương lòng…”.

Thơ của Trần Hữu Dũng thể hiện sự suy tưởng của nhà thơ về thân phận con người với những góc khuất tiềm ẩn, đặt trong mối quan hệ với thế giới tự nhiên và xã hội. Trong bài thơ: “Gương mặt người phương Nam”, Trần Hữu Dũng viết:

“Ngày rạng ngời
Trên gương mặt nhăn nheo ông nội già nua
Tôi đọc điều ghi chú
Của đường cày thời gian hằn sâu

Ẩn thăm thẳm nơi gương mặt má
Tôi đọc văn bản mùa cá đẻ trứng”.
Thơ của Trần Hữu Dũng nghiêng về ý hơn là cảm xúc và hình tượng. Tuy vậy, thơ của anh vẫn tạo được sức gợi nhờ những ý tưởng hòa quyện vào hình ảnh, giúp người đọc liên tưởng đến vẻ đẹp của tình yêu và sự sống:
“Mắc lưới tình yêu anh nằm phơi thây trên biển
Ơ kìa, đầm Thị Tường lặng lẽ có biết bao con mắt đèn thao thức nhớ suốt đêm thâu!”.
“Chín dòng sông - chín con rồng miền Tây phủ phục
Chờ ngày địa chấn theo con sóng thần bay tuốt lên trời…”
(Mùa lũ miền Tây)

“Buổi chiều Đồng bằng sông Cửu Long dựng thẳng đứng
Lấp lánh bao khuôn mặt người thân thiện
Trên tấm gương ký ức tuổi thơ”
(Ký ức)

Chất thật và chất ảo đan cài, hòa quyện tạo nên thủ pháp ẩn dụ và phong cách thơ tự sự pha lẫn trữ tình của Trần Hữu Dũng. Nhiều bài thơ của Trần Hữu Dũng giống như bức tranh lập thể. Anh không bộc lộ cảm xúc trực tiếp, nhưng qua những chi tiết, hình ảnh tạo dựng trong bài thơ, người đọc vẫn cảm nhận được diễn biến tâm trạng của nhà thơ. Thơ Trần Hữu Dũng không sa vào kiểu thơ duy lý khô khan, nặng về triết lý mà nhẹ về hình tượng thơ. Ở nhiều bài thơ, cái tôi trữ tình của nhà thơ không biểu hiện trực tiếp, mà bộc lộ qua cái nhìn, ấn tượng và tan chảy vào hình ảnh của sự vật, con người và thiên nhiên.

Thưởng thức và khám phá thơ của Trần Hữu Dũng, người đọc cảm nhận được niềm đam mê, bản lĩnh sáng tạo và cái tình sâu nặng của nhà thơ đối với vẻ đẹp của sự vật, con người vùng Đồng bằng sông
Cửu Long.

Tác giả bài viết: VÕ TẤN CƯỜNG

Nguồn tin: Ấp Bắc