Miễu Cây Vông, di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Miễu Cây Vông tọa lạc tại ấp 4 (Trung An, TP. Mỹ Tho). Miễu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa miễu Cây Vông.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa miễu Cây Vông.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, miễu là nơi hội họp, nơi nhận và đưa tin của các tổ chức cách mạng. Mới đây, miễu Cây Vông được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.

Theo nguồn tư liệu, miễu Cây Vông được lập vào năm 1679, do người dân từ miền Bắc vào khai hoang lập ấp thấy khu vực này có một gò cao hơn các khu vực khác nên đã lập 1 ngôi miễu nhỏ để thờ Thổ Thần.

Năm 1849, ông Nguyễn Văn Bổn cùng nhân dân trong làng xây dựng lại miễu gồm 1 ngôi võ ca, 1 ngôi chánh điện, 2 bên có 2 nhà tiếp khách nam - nữ và 1 nhà trù (nhà bếp). Chánh điện có 5 nghi thờ: Nghi giữa thờ Thổ Thần, bên hữu thờ Bà Chúa Xứ, bên tả thờ Ngũ Hành, 2 bên hông vách thờ Tiền Hiền và Hậu Hiền.

Theo các cán bộ lão thành cách mạng và tài liệu nghiên cứu lịch sử Đảng bộ xã Trung An, miễu Cây Vông ngoài việc thờ cúng các vị thần linh, còn là điểm hội họp của các tổ chức cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước cho đến nay, miễu Cây Vông duy trì lệ cúng hàng năm vào ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Thổ Thần, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Ông Trần Kim Vân, thành viên Ban phụng sự miễu Cây Vông cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động của miễu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc gắn với tôn tạo cảnh quan của miễu ngày càng khang trang, sạch đẹp để phục vụ tốt hơn đời sống tâm linh thờ cúng tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư; đồng thời là nơi góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…”.

Tác giả bài viết: Thanh Tùng

Nguồn tin: Ấp Bắc