Đờn ca tài tử mãi là cung đàn không lỗi nhịp

Nói đến đờn ca tài tử (ĐCTT), người trong nghề biết ngay đó là loại hình âm nhạc vừa bình dân, vừa mang tính bác học, biểu diễn tâm tấu, có sự cộng hưởng tri âm. ĐCTT đúng nghĩa là người có tài và không dùng tài nghệ để mưu sinh; đúng bạn thì chơi thâu đêm suốt sáng, không thì “bạc nén” cũng chối từ…

Tiếng đờn, lời ca này theo chân của những người “Nam tiến mở cõi” và vùng sông nước hữu tình, vườn cây, ruộng lúa bạt ngàn đã nâng bậc cung đàn thành dòng nhạc độc đáo của Nam bộ, được UNESCO công nhận là “Di sản của nhân loại”.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện cán bộ và nhân dân Tiền Giang nhận Bằng công nhận Đờn ca tài tử là “Di sản nhân loại” của UNESCO.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện cán bộ và nhân dân Tiền Giang nhận Bằng công nhận Đờn ca tài tử là “Di sản nhân loại” của UNESCO.

Những trang sử của các bậc tiền bối ĐCTT để lại, sự đóng góp của người Tiền Giang cho dòng âm nhạc dân tộc này không nhỏ, chúng ta có TS. Phan Hiển Đạo và lớp kế thừa của ông là Lê Văn Huệ, Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc), Nguyễn Tri Khương, Nguyễn Tống Triều, Lê Thị Điều… cùng với sự cống hiến khá lớn của nhiều thế hệ trong gia đình GS-TS Trần Văn Khê, đặc biệt là sáng tạo ra dây Tố Lan của cây đờn kìm. CLB ĐCTT của Tiền Giang (do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh quản lý) nhiều năm liền đoạt Huy chương Vàng tại các cuộc thi ĐCTT khu vực và toàn quốc.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH-TT&DL cho biết: “Những năm gần đây Sở rất quan tâm đến phong trào ĐCTT, đã thực hiện một số chế độ “nuôi dưỡng” như tặng trang thiết bị cho những đơn vị ấp, xã đạt danh hiệu văn hóa; tổ chức các cuộc liên hoan, mở nhiều lớp ĐCTT, các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử, thu âm thu hình chương trình ĐCTT trên sóng phát thanh và truyền hình…”.

Hiện nay, không gian ĐCTT đã chuyển biến dưới nhiều hình thức để tồn tại và phát triển cho phù hợp với giai đoạn hiện tại của xã hội như giao lưu ĐCTT ở các tụ điểm giải khát, các điểm du lịch, sinh hoạt định kỳ tại các nhà văn hóa; còn có một hình thức sinh hoạt ngẩu hứng là từng nhóm nhỏ với cây đờn guitar phím lõm, cây đờn kìm và dàn âm thanh gia đình, anh chị em họp lại với một nồi cháo vịt (gà) hoặc món gì đó để nhâm nhi với rượu mà đờn ca đến khuya và họ luân chuyển từ nhà này sang nhà khác nửa tháng hoặc một tháng tập hợp lại ca hát một lần.

Anh Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Chợ Gạo cho biết: “Huyện đã thành lập và đang phát triển CLB các nhà văn hóa, hiện nay CLB này có 4 đơn vị: Lương Hòa Lạc, Thanh Bình, Bình Phục Nhứt và thị trấn Chợ Gạo, mỗi xã có 10 tài tử đờn, tài tử ca tham gia, nội dung ngoài phần giao lưu ĐCTT còn đan xen phần biểu diễn ảo thuật (CLB Ảo thuật tỉnh), biểu diễn hiphop, thể dục dưỡng sinh...

CLB đang chuẩn bị kết nạp thêm 2 xã Phú Kiết và Đăng Hưng Phước. Trên địa bàn huyện hiện còn có rất nhiều nhóm hoạt động định kỳ theo sự quản lý của ấp hoặc tự tập hợp sinh hoạt đờn ca sau khi thu hoạch vụ mùa hoặc nhà có đám tiệc hay ngẩu hứng…”.

Theo thống kê của ngành Văn hóa, toàn tỉnh có 121 CLB, nhóm ĐCTT với gần 1.500 người sinh hoạt thường xuyên, trong đó có 39 CLB được cấp giấy phép hoạt động và có trên 30 CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ. Rất nhiều CLB, tụ điểm hoạt động hiệu quả, thu hút những người yêu đờn ca gần - xa đến giao lưu như: CLB ĐCTT xã Lương Hòa Lạc, tụ điểm Trúc Lâm Viên của anh Năm Kim Hoàng (huyện Chợ Gạo), quán cà phê Thu Hiền (TP. Mỹ Tho)...

Hiện nay, ngoài lực lượng nghệ nhân gạo cội của tỉnh như danh cầm Đức Huệ, ngón đờn vàng Thanh Nhàn, Mạnh Cường, Hồng Tươi, Tấn Hưng, Thanh Vân…; các giọng ca tài tử nổi trội như Nguyệt Châu, Ngọc Đặng, Lê Sang, Thanh Bình, Thanh Cảnh, Tấn Hưng, Trọng Nhân… còn có khá nhiều bạn trẻ với niềm đam mê dòng nhạc dân tộc này.

Anh Phan Không Trung (Mười Phong, tụ điểm cà phê Thu Hiền) chia sẻ: “Mỗi tuần anh có 2 buổi sinh hoạt giao lưu đờn ca, bạn bè và học trò đến tham gia khá đông. Hiện anh có hơn 20 học trò học ca và đờn, được anh dốc hết khả năng của mình để dạy cho các em với mong muốn có lớp kế thừa giỏi giang…”.

Nghệ nhân Thế Châu từng đứng các lớp dạy ĐCTT tâm sự: “Có rất nhiều anh chị em yêu thích ĐCTT nhưng năng khiếu và hiểu biết còn hạn chế, cho nên dù bận việc gia đình họ vẫn tranh thủ đến các lớp do Sở VH-TT&DL mở; nhiều lớp có cả vợ chồng, mẹ con cùng học. ĐCTT là loại âm nhạc vừa tinh tế, vừa phóng khoáng, dễ dàng nhưng để đạt đến đỉnh cao thì phải có sự khổ luyện…”.

Hiện nay, phong trào ĐCTT ở tỉnh ta phát triển khá mạnh mẽ, các điểm sinh hoạt giao lưu đôi khi người đăng ký ca chưa hết thì đã quá khuya, danh sách ấy gác lại cho buổi sinh hoạt sau. Các nhóm sinh hoạt tại gia đình hầu như chưa thống kê hết, thể hiện sức sống của ĐCTT là một cung đàn hòa quyện cùng nhịp thở người Nam bộ nói chung, Tiền Giang nói riêng mãi là cung đàn không bao giờ lỗi nhịp.

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: Ấp Bắc