Chỉ thu phí tác quyền đối với các loại hình kinh doanh thường xuyên...

Về việc sử dụng âm nhạc trong kinh doanh tại các quán cà phê, quán karaoke, nhà hàng, khách sạn… theo quy định tại Điều 18, Điều 19, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 23, Nghị định 100/2006/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng quyền tác giả phải thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Việc sử dụng âm nhạc gồm 2 hình thức: Biểu diễn ca nhạc trực tiếp và sử dụng nhạc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình.

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, hiện toàn tỉnh có 62 cơ sở đóng phí tác quyền, trong đó: Huyện Cai Lậy có 27 cơ sở karaoke, huyện Tân Phước có 7 cơ sở karaoke, TP. Mỹ Tho có 26 cơ sở (3 quán bar, 1 nhà hàng, 5 quán cà phê và 17 cơ sở karaoke).

* PV:Thời gian qua, công tác triển khai thu phí tác quyền được Sở VH-TT&DL triển khai thực hiện như thế nào?

* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Triển khai thực hiện Chỉ thị 36/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 269/BVHTTDL-TTr của Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc - Chi nhánh phía Nam (gọi tắt là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả) thực hiện việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền tác giả và hỗ trợ thu phí tác quyền. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tác quyền trên địa bàn tỉnh chưa tốt, do điều kiện kinh doanh của nhiều cơ sở kinh doanh còn khó khăn. Lãnh đạo Sở VH-TT&DL đã đề nghị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả triển khai theo từng bước, bước đầu chỉ thu phí tác quyền đối với các loại hình kinh doanh thường xuyên sử dụng âm nhạc như: Karaoke, nhà hàng, quán cà phê, còn các loại hình kinh doanh khác tạm thời chưa thu. Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo các Phòng VH-TT tuyên truyền, vận động, từng bước giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhận thức đúng, tự nguyện, tự giác thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

* PV: Mức phí tác quyền được quy định cụ thể ra sao và công tác tuyên truyền phổ biến về thực hiện quyền tác giả đối với các cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc được thực hiện như thế nào?

* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Theo Biểu mức nhuận bút của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả, mức thu phí tác quyền áp dụng theo từng loại hình kinh doanh, cụ thể: Cơ sở karaoke tính theo số phòng; quán cà phê, nhà hàng tính theo quy mô, sức chứa. Riêng tại Tiền Giang, mức phí tác quyền áp dụng thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố khác, chỉ bằng 60% biểu mức quy định. Mức phí cụ thể như sau:

Ở TP. Mỹ Tho, mức phí tác quyền áp dụng cho cơ sở karaoke tại phường là 1.200.000 đồng/phòng/năm, tại xã là 1.000.000 đồng/phòng/năm; nhà hàng và quán cà phê dưới 30 chỗ là 1.500.000 đồng/năm. Tại các huyện, mức phí tác quyền áp dụng cho cơ sở karaoke tại thị trấn là 800.000 đồng/phòng/năm, tại các xã là 700.000 đồng/phòng/năm.

Từ năm 2010 đến nay, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã phối hợp thường xuyên với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả cùng các Phòng VH-TT trong tỉnh tổ chức trên 10 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về quyền tác giả cho các cán bộ văn hóa - thông tin, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có sử dụng âm nhạc.

* PV: Tại sao các cơ sở kinh doanh karaoke khi mua đầu đĩa karaoke đã có bao gồm tiền bản quyền của nhiều bài hát mà vẫn phải tiếp tục đóng phí tác quyền?

* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Căn cứ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn về quyền tác giả, với mỗi loại hình kinh doanh khác nhau sẽ được cấp phép theo các loại quyền khác nhau, tương ứng với mỗi hình thức sử dụng âm nhạc. Đối với lĩnh vực sản xuất và phát hành đầu máy, đĩa file-midi karaoke chỉ được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả cấp phép sử dụng bài hát cho một loại quyền phát sinh đầu tiên, đó là “quyền sao chép” (quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ). Nếu đầu máy, đĩa karaoke đó được sử dụng tại gia đình thì không phát sinh thêm quyền gì, còn nếu được các cơ sở karaoke sử dụng để kinh doanh thì sẽ phát sinh một loại quyền thứ hai, đó là “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” (quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ). Do đó, các cơ sở khi mua đầu đĩa karaoke về để kinh doanh karaoke vẫn phải trả tác quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả là đúng theo quy định của pháp luật.

* PV:Về việc xử lý các cơ sở không chấp hành đóng phí tác quyền, việc tiền thu tác quyền và sử dụng như thế nào, thưa ông?

* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Sở VH-TT&DL thực hiện chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ “Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về sở hữu trí tuệ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ” (theo khoản 5, Điều 10, Luật Sở hữu trí tuệ) và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở không chấp hành đóng phí tác quyền theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.


Tiền thu phí tác quyền do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả quản lý và thực hiện phân phối, chi trả cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, theo quy định tại Điều 56, Luật Sở hữu trí tuệ. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả thực hiện phân phối, chi trả cho tác giả Việt Nam và nước ngoài theo định kỳ mỗi quý tại 2 trụ sở ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đối với các tác giả đã mất, Trung tâm chi trả cho người thừa kế của tác giả theo quy định.

* PV:Xin cảm ơn ông!)

Tác giả bài viết: PHAN THẮNG(thực hiện

Nguồn tin: Ấp Bắc