Bác Tôn với Tiền Giang
- Thứ hai - 25/09/2017 16:17
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cuối tháng 10 - 1945, quân Pháp tấn công Mỹ Tho và Gò Công. Nhân dân Tiền Giang đã anh dũng cầm súng chiến đấu chống lại địch. Vậy là, cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Tiền Giang đã bùng nổ.
Sau khi chiếm được thị xã Mỹ Tho, quân Pháp bắt đầu đánh bung ra vùng nông thôn. Tại mặt trận Vĩnh Kim, quân dân ta chiến đấu trong điều kiện hết sức khó khăn; vũ khí chủ yếu là giáo mác, tầm vông vạt nhọn, súng đạn rất ít. Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Thị Thập được Xứ ủy Nam bộ cử về tỉnh Mỹ Tho công tác. Trước tình hình đó, đồng chí đã lên xã Đốc Binh Kiều xin Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam bộ cho vũ khí để quân dân Tiền Giang đánh Pháp. Với tư cách là Trưởng ban Quân nhu Nam bộ, Bác Tôn đã ưu tiên cung cấp súng đạn cho Mỹ Tho. Về sự việc này, đồng chí Nguyễn Thị Thập kể:
“Anh em ta rất hăng hái, nhưng phần lớn chỉ có tầm vông và giáo mác quần áo thì rách bươm.
- Để tôi lên Đốc Binh Kiều xin súng đạn cho! Thế nào cũng có! Tôi nói vậy để an ủi và động viên anh Dân Tôn Tử đang chỉ huy mặt trận Vĩnh Kim, chứ thực bụng cũng không hy vọng lắm.
Trong tỉnh Mỹ Tho, từng nơi, từng vùng, ta và địch còn cầm cự nhau. Đốc Binh Kiều coi như căn cứ của ta. Xứ ủy và Ủy ban Nam bộ đều đóng tại đó. Tôi lên báo cáo với các anh về tình hình mặt trận Vĩnh Kim, các anh bảo tôi đến gặp Anh Hai Thắng, ảnh sẽ giải quyết cho. Bấy giờ, Bác Tôn được cử vào Ủy ban kháng chiến Nam bộ, phụ trách Trưởng ban Quân nhu. Tôi đến chỗ ở của Bác tại Thiên Hộ (Cái Bè) vào khoảng một giờ trưa. Bác đứng trên nhà sàn, thấy xuồng tôi cập bến, Bác hỏi:
- Cô Mười đi đâu đó?
- Tôi lên đây thăm Anh Hai đây! Tôi đáp vậy, bụng có hơi mừng.
- Cô khỏe không? Anh em thế nào?
- Dạ khỏe. Còn anh em thì vẫn bình thường.
- Cơm nước gì chưa?
Bác hỏi xong, không đợi tôi trả lời quay vào trong bảo anh em nấu cơm. Tự tay Bác pha trà mời tôi và hai anh chèo xuồng uống nước. Tôi báo cáo với Bác về tình hình quận
Châu Thành, việc anh Dân Tôn Tử giữ mặt trận Vĩnh Kim, phải từ bến đò Long Hưng rút về Bình Trưng vì súng đạn không có, v.v…
- Cô đi lên bằng gì? Bác hỏi.
- Dạ đi xuồng thôi!
- Tôi biết rồi. Không có đem theo chiếc ghe nào trọng trọng sao? Xuồng chở sao hết!
Tôi mừng quá. Cơm nước xong, Bác cho mượn chiếc canô Bạch Đằng chở vài chục khẩu súng “mút”, lựu đạn và đạn khá nhiều, bảo tôi đưa canô về mặt trận Vĩnh Kim.
Chiều tôi từ giã Bác, canô về tới Bình Trưng độ mười giờ đêm. Anh Dân Tôn Tử và du kích, dân quân mừng quá, reo hò ầm ĩ. Mọi người đốt đuốc, lo khiêng vác súng đạn
lên bến.
2. Bác Tôn gái - một phụ nữ suốt đời vì sự nghiệp cách mạng của chồng:
Năm 1955, Bác Tôn gái, tên thật là Đoàn Thị Giàu - quê ở Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang, đi trên một chiếc tàu Ba Lan tập kết ra Bắc. Khi đến bến đón tiếp ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), theo sự bố trí của nhà thơ Bảo Định Giang (quê ở Mỹ Thiện, Cái Bè, Tiền Giang), Bác Tôn gái sẽ trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Liên Xô. Là người được vinh dự chứng kiến trực tiếp sự việc trên, nhà thơ Bảo Định Giang kể lại:
“Bác Tôn gái lên bến, tôi hướng dẫn đồng chí phóng viên này đến thăm Bác Tôn gái. Với dáng dấp một phụ nữ trông như một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, vẻ mặt rất chất phác, trung hậu, suốt một tiếng đồng hồ trong cuộc gặp gỡ này, Bác Tôn gái đã trả lời những câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Liên Xô, nhất là câu hỏi và câu trả lời sau đây: “Bà từ khi lấy chồng, thời gian sống chung được bao nhiêu năm, tháng?”. Bác Tôn gái đáp: “Tôi không nhớ kỹ là bao nhiêu năm, tháng; nhưng không mấy khi ông nhà tôi sống lâu bên cạnh tôi. Ông hay đi hoạt động, mỗi lần ông bị bắt, tôi đến khám giam thăm ông mới gặp mặt được ông. Tôi mừng được gặp ông, nhưng rất buồn vì ông bị “tù tội”.
Trước khi tạm biệt nơi ở của Bác Tôn gái, phóng viên Thông tấn xã và tôi ra về, anh nói với tôi: “Nước Việt Nam của các anh có những người phụ nữ như bà Tôn Đức Thắng luôn luôn đặt sự nghiệp của chồng lên trên hết và có tấm lòng sắt son, chung thủy với chồng, không làm vướng bận chồng trên con đường hoạt động cách mạng. Và cũng trên mảnh đất anh hùng này đã sản sinh ra những con người kiên cường, bất khuất, chống đế quốc đến cùng, không sợ đầu rơi, máu chảy như đồng chí Tôn Đức Thắng thì việc giành được độc lập, tự do cho xứ sở mình là điều chắc chắn, không nghi ngờ gì nữa”.
3. Bác Tôn với văn nghệ sĩ Tiền Giang và Nam bộ:
Trong thời gian ở miền Bắc, nhà thơ Bảo Định Giang và nhà văn Đoàn Giỏi (quê ở Tân Hiệp, Châu Thành, Tiền Giang) cũng như văn nghệ sĩ Nam bộ được Bác Tôn xem như những người thân trong gia đình, ấm áp nghĩa tình đồng chí, đồng hương. Nhà thơ Bảo Định Giang kể:
“Do yêu cầu hoàn thành sớm tác phẩm, nên nhà văn Đoàn Giỏi lui tới nhà Bác Tôn nhiều lần hơn tôi. Nhà văn Đoàn Giỏi đến hàng tuần vào ngày chủ nhật; còn tôi mỗi tháng, có khi hai, ba tháng đến một lần. Chúng tôi đến nhà vị Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch nước như về nhà cha mẹ mình. Có những lần Bác Tôn bận tiếp khách thì chúng tôi nói chuyện với Bác Tôn gái trong không khí đầm ấm và rất tự nhiên.
…Qua các lần tiếp xúc, bài học đầu tiên mà chúng tôi nhận được ở Bác Tôn là đức tính rất mực khiêm tốn. Tinh thần dũng cảm vô song đi đôi với đức tính khiêm tốn khiến mọi lời nói của Bác Tôn đã trở thành những lời nói có giá trị lớn. Bình dị, thân mật, rất dễ gần gũi và đôi khi hay nói đùa với em, cháu cũng là một đức tính của Bác Tôn.
Khi đoàn nhà văn thuộc Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, tôi có đưa các anh Phan Tứ, Trần Đình Vân đến thăm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khi ấy, Bác Tôn là Chủ tịch nước. Ngoài việc hỏi thăm tình hình hoạt động của giới văn nghệ, sức khỏe của anh chị em trên chiến trường đầy gian khổ, v.v… trước khi tiễn anh em ra về, Bác Tôn hỏi: “Các cháu ra ngoài này có lãnh phiếu gạo chưa?” Bác Tôn nói như thế, chứ Bác thừa biết ở K.5 của Ban Thống nhất, các đồng chí ở đấy lo rất chu đáo khi cán bộ miền Nam ra Hà Nội thăm viếng hoặc dưỡng bệnh. Điều đó nói lên sự quan tâm sâu sắc của Bác Tôn đối với văn nghệ sĩ miền Nam”.