Vết thương thứ mười ba

Vết thương thứ mười ba là tuyển tập những truyện ngắn hay và được tâm đắc nhất của chính tác giả Trang Thế Hy - người từng được gọi là Nguyễn Tuân của Nam Bộ. Thật thú vị đến ngỡ ngàng khi chạm vào đâu cũng thấy đặc sệt những phương ngữ Nam bộ với  một không khí vấn vít đến lạ lùng cái quá khứ trong hiện tại.

Vết thương thứ mười ba cũng dẫn dắt người đọc theo cái lối nhẩn nha, cà kê quen thuộc của tác giả rồi bỗng chốc người đọc nhận ra mình đã bị lừa phải đối diện với cái khốc liệt mà chẳng hề có được lời cảnh báo trước. Mỗi vết thương là chứng tích của niềm vinh quang và nỗi đau đớn. Nhưng nỗi đau sẽ òa vỡ khi vinh quang phải đánh đổi bằng sự nhục nhã âm thầm.

I - Qua màn mưa, rặng cây xanh phía bên kia cánh đồng hiện ra mớ mờ như vết mực nhạt trên một bức tranh thuỷ mặc chưa hoàn chỉnh vì bàn tay nghệ sĩ còn ngập ngừng do dự chưa muốn định sắc, định hình...

Tôi ngồi tại một quán cà phê nghèo, ế khách gần bến xe thị xã, chờ mưa tạnh để băng qua cánh đồng đi về hướng rặng cây đó. Ở đó có cái nền gạch của ngôi nhà nội tổ bị phá huỷ thời đánh Pháp. Bây giờ nó làm nền cho ngôi nhà gổ đơn sơ lợp ngói của chị Châu, một người dù bằng tuổi tôi nhưng vai lớn, con nhà bác. Nhớ hồi cuối năm 1975, khi tôi hỏi tại sao chị hà tiện, không lợp ngói mới để nhìn cái mầu đỏ au của nó cho vui mắt, chị nói: Những miếng ngói nâu phủ đầy rêu này, tao thương nó như những cọng cỏ, cọng tranh còn sót lại của một cái ổ chim mà những con chim xây nó đã đi đầu thai rồi, không biết mấy kiếp vẫn còn truyền lại hơi ấm cho con cháu.

Một đứa con trai cỡ hai mươi tuổi đội áo mưa sùm sụp ngồi trên chiếc xe đạp trụi không vè không thắng dùng đôi bàn chân chỏi xuống mặt đường để dừng xe lại, nhìn vào quán một lúc rồi reo lên:

- Cậu! Kế bên bến xe thiếu gì quán cà phê sao cậu không ngồi lại ngồi tuốt ngoài nầy làm con kiếm muốn chết.

Té ra là thằng Ngọc, con trai út của chị Châu. Nó cũng là đứa con duy nhất trong đàn con bốn đứa, ba trai một gái, còn sống sót sau chiến tranh. Nói chưa xong câu nói đầy mừng rỡ nó đã đẩy xe vào quán, lột áo mưa máng trên ghi đông.

- Sao mày biết bữa nay tao về mà đi đón?

- Dạ, má nói.

- Mày gọi tao bằng cậu không sợ quen miệng, lúc có ba mày, mày quên không gọi bằng chú ổng cự mày sao?

Thằng nhỏ cười rồi kêu cầm chừng một tách cà phê đen.

- Lúc này ổng lo cự chuyện khác, không cự chuyện đó nữa đâu.

Chỗ rắc rối về cách xưng hô này cần được giải thích. Anh Hữu, cha thằng Ngọc gọi mẹ tôi bằng dì ruột còn chị Châu, mẹ nó gọi cha tôi bằng chú ruột. Đối với cha mẹ tôi, cặp vợ chồng này là " cháu ông cháu bà ". Người nào cũng bà con ruột thịt với tôi, nhưng giữa họ với nhau, đó là hai người dưng. Bên nào cũng vai lớn, tôi không bị nghịch khẩu khi xưng hô. Nhưng đối với thằng Ngọc thì có chuyện. Nó gọi tôi bằng cậu hay bằng chú cũng ngang bằng, xét theo cự ly viễn cận về gia hệ, nhưng anh Hữu bắt nó phải gọi bằng chú cho gần gũi hơn, ruột thịt hơn.

- Chuyện khác là chuyện gì?

- Chuyện lính kiểng của con.

- Tình nguyện quân ở nước bạn mà là lính kiểng à?

- Thằng Ngọc mở bì thuốc của tôi, quấn một điếu, châm lửa bập một cách vụng về theo kiểu thằng con trai mới tập hút thuốc lá cho ra vẻ bộ đội.

- Dạ, cái này đáng lẽ con đã viết thư báo cho cậu nhưng má không cho. Hồi năm ngoái sau khi gặp cậu về quê ăn tết, con không trở lại Campuchia nữa.

- Tao xui mày trốn là nói đùa để ghẹo ba mày chơi, bộ mày trốn thật à?

- Dạ, con đâu dám. Má vận động với chú Lễ ở ban chỉ huy tỉnh đội giữ con ở lại làm cầu thủ bóng đá. Trong dịp tết, con lập được thành tích cho đội thị xã. Chú Lễ chủ trì các cuộc so tài trong tỉnh mê con lắm. Má thấy vậy mới bàn riêng với chú Lễ giữ con lại đưa vào đội tuyển của tỉnh, chú chịu liền. Mọi thủ tục chú Lễ lo hết, ba không biết, chừng ổng hay thì sự đã rồi, ổng quậy một trận quá cỡ.

- Hèn chi, hồi đầu năm má có viết thư cho cậu, không thấy nòi gì về chuyện của con. Thư rất ngắn và buồn. Thư của má luôn luôn là buồn. Nhưng thư này đặc biệt buồn. Cậu nghĩ má bịnh hoạn hay gập chuyện gì đó mà giấu cậu. Cậu định thu xếp về thăm nhưng bận quá rồi lần lựa mãi.

- Không có gì đâu cậu. Ông già ổng làm dữ với chú Lễ thôi. Chú Lễ phải đem con về nhà chú một tháng cho khuất mắt ba, đợi ba nguôi giận. Cách cư xử của ba cậu biết rồi. Ổng thương má lắm, biết má nhạy cảm dễ xúc động không bao giờ ổng nặng lời. Ổng rất sợ cái chứng gì đó mấy năm trước cậu có nói bằng tiếng Pháp con quên rồi.

- Accès de Mélancolie, lên cơn buồn.

- Dạ, ba rất sợ má lên cơn buồn. Nhưng cái dịu ngọt và sự chăm sóc lo lắng quá đáng của ba đối với má không tự nhiên. Má hiểu rằng ba giận má là chánh phạm trong vụ con bỏ chiến trường làm lính kiểng rồi trút sự giận dữ lên đầu kẻ tòng phạm là chú Lễ nên má càng buồn thêm. Tội nghiệp cái ông đại tá này quá chừng. Người dưng mà thương má như cậu vậy. Ổng hiền khô. Ba nạt ổng, ổng cười trừ. Má nói vui: " con coi đã ngược ngạo chưa? Một ông trung tá thương binh về hưu nạt nộ một ông đại tá tại ngũ y như tư lịnh nạt lính vậy. Ông đại tá này được gắn nhiều lon chắc là nhờ tài tổ chức đá banh thôi ". Chú Lễ lại cười. Chú ít nói lắm. Chỉ có chuyện đá banh mới cạy được miệng ổng..

- Thằng Ngọc nói là không có chuyện gì. Nhưng tôi thấy có chuyện. Không phải chuyện mới mà diễn biến mới của một chuyện cũ. Về chuyện cũ này - Chuyện xung đột quan điểm về chiến tranh giữa anh Hữu và chị Châu- những ý nghĩ riêng của người nào, người đó sẽ mang theo nguyên vẹn xuống mồ. Giữa hai người chỉ có đối đầu thôi chứ không có hoà dịu, không thể có chuyện gỡ bỏ tên lửa tầm ngắn tầm trung gì cả.

- Cách nói của thằng nhỏ tỏ ra muốn gợi vui. Nhưng nỗi buồn ập đến với tôi. Tôi nhớ đến cuộc tranh cãi gần đây nhứt giữa anh chị mà tôi chứng kiến hồi năm ngoái trong dịp tôi về thăm mang theo cho anh Hữu quyển Hồi Ký Về Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai của Wintons Churchill, cựu thủ tướng nước Anh mà tôi gặp tình cờ ở chợ trời sách cũ Sài Gòn. Chị Châu nói nhỏ nhẹ, giọng buồn gần như khóc: " Muốn biết chiến tranh là cái gì. người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa chính xác nhứt không phải là các vị nguyên thủ Quốc gia, các chính khách lẻo mép, và các vị thống chế tổng tư lệnh không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào. " " Theo em thì phải hỏi ai ". Anh Hữu gằn giọng, tay cầm ống vố gõ cồm cộp vào bìa cứng của quyển Hồi Ức ký tên Churchill. Giọng chị Châu vẫn nhỏ nhẹ có thêm chút sắc lạnh: " Hỏi vợ anh, cô anh, dì anh... nói chung là hỏi những người phụ nữ đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng..... hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi hết những nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp...? Anh Hữu cố nén giận làm cho anh lắp bắp như người cà lăm: " Cái bi thảm của cuộc chiến tranh giải phóng này có thể viết ra thành nhiều pho sách chớ không phải chỉ một vài câu lâm ly như em nói. Nhưng nếu không có nó thì cuộc đời của những người còn sống như chúng ta đây sẽ ra sao? " Giọng chị Châu vẫn lạnh ngắt: " Chúng ta sẽ sống trong cái nhục mất nước. Thảm hoạ lớn đó, em biết từ hồi nhỏ, lúc ba em bị bắt đi đày Bà Rá rồi chết luôn ngoài đó chớ không phải đợi tới khi nghe người khác dạy bảo. Bây giờ nếu cần phải làm thêm một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ nhưng cần thiết như vậy nữa và nếu như em còn sức đẻ, thì em sẽ đẻ con cho anh đem đi nướng nữa. Nhưng em vừa làm việc đó vừa đau buồn và không có chút tự nguyện nào. Đúng! Chiến tranh có khi là ân nhân của một dân tộc bất hạnh nào đó. Nhưng vị ân nhân khó thương đó đã đi qua rồi thì cứ để cho ổng đi qua luôn, mắc mớ gì níu áo ổng lại xin ý kiến? Lúc ổng làm ân nhân mình, ổng dạy bảo mình nhiều điều rất hay ho trong cảnh đầu rơi máu đổ. Nhưng trong hoà bình ổng không còn là một cố vấn tốt nữa đâu... Hỏi ông De Gaule, hỏi ông Joukov chưa đã thèm, bây giờ hỏi thêm ông Churchill nữa... ".....

Lần đó tôi trở về Sài gòn, đem theo một mỗi ân hận đã ám ảnh khá lâu, ân hận vì đã làm tài khôn đi tìm mua quyển Mémoires của Churchill, quyển sách đã châm ngòi cho cuộc cãi vã về chiến tranh bùng nổ làm mất vui cuộc họp gia đình. Bây giờ nỗi ân hận đó lại đến gặp tôi tại quán cà phê tỉnh lẻ này. Tôi phải xua nó đi bằng cách đổi đề tài, không để thằng Ngọc nói thêm về vụ lính kiểng của nó nữa. Tôi hỏi:

- Dạo này, thú tiên khiển chính của ba con là cái gì? Nuôi cá thia thia xiêm và trồng cây thuốc Nam thì tao biết rồi.

Thằng nhỏ lại cuốn thêm một điếu thuốc nữa

- Cây thuốc Nam thì ổng tiếp tục sưu tầm rất chuyên cần. Còn vụ cá thia thia Xiêm thì ổng dẹp rồi. Có người phát giác những con cá Xiêm của ổng bán ra, người ta không nuôi chơi làm kiểng như ông tưởng mà dùng nó để cờ bạc. Họ đá cá ăn tiền. Đá gà nòi ồn ào dễ bị công an bắt, đá cá gọn nhẹ hơn, quy tụ ít người hơn, dễ cảnh giác mà tiền độ cũng rất cao, nhiều độ ăn thua bạc triệu. Ba con đã nghiêm khắc tự phê bình có văn bản đành hoàng tại câu lạc bộ người về hư của thị xã, trụ sở tại gần nhà. Có cái câu lạc bộ cũng vui vẻ cho xóm ấp. Nhờ nó mà con biết được ý nghĩa cái bí danh Út Mười Hai của ba con hồi ổng còn trong rừng. Cậu thì rành quá rồi chứ gì?

- Biết. Đại khái trong ba mươi năm chiến tranh ổng bị thương 12 lần

- Nhưng lai lịch từng vết thẹo trên thân thể ổng, cậu cũng rành luôn chớ?

- Hơi đâu mà nhớ. Tao chỉ nhớ lần đầu và lần chót thôi. Lần đầu hình như hồi 1946 lúc Tây đánh chiếm tỉnh mình. Lúc đó thị xã bị bỏ ngỏ theo chiến thuật " tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống ". Các cơ quan tỉnh đóng ở thị trấn Mỹ Lồng, ba mày bị thương tại đó... Lần chót thì tao nhớ kỹ. Là vì tao đến thăm ổng tại quân y viện trong rừng già miền Đông. Tao vui miệng nói đùa ghẹo ổng chơi bị ổng cụ một trận. Lúc đó là năm 1974, sau hiệp định Paris, chiến tranh sắp kết thúc. Tao nói chữ út trong cái tên út mười hai của ba mày chứa đựng tư tưởng bể nghể dao động vì chiến tranh, không còn ham bị thương để đếm thẹo như huy chương nữa nên van vái với thần linh phò hộ sao cho lần bị thương này là lần sau cùng. Út có nghĩa là sau chót.

- Lần sau chót thì cậu nhớ đúng. Lần đầu thì không phải. Lần bị thương ở Mỹ Lồng lúc mất tỉnh là lần thứ hai. Lần thứ nhất là hồi cuối năm 1945, lúc Tây đánh chiếm Mỹ Tho, thừa thắng đánh nống qua tới cầu Ba Lai. Ba con chỉ huy một tiểu đội Cộng hoà vệ binh, bảo vệ cầu.

- Đúng. Nhưng ổng kể với ai mà mày nhớ kỹ vậy?

- Từ ngày có cái câu lạc bộ đến nay, ổng kể đều đều mỗi lần họp, kể cho bất cứ ai muốn nghe, nhưng chủ yếu là mấy đứa thanh niên trong đội dân phòng của phường. Tụi nó ham ổng như ham nấm vậy, nghe hoài không biết nhàm. Về mỗi vết thương, từ vết thứ nhứt cho đến vết thứ 12, mỗi đứa nghe ít nhứt cũng hàng chục lần. Phải công nhận rằng ba con kể chuyện rất hấp dẫn. Cũng một trường hợp bi thương đó, ổng kể đi kể lại nhiều lần không lần nào giống lần nào, rất sinh động, luôn luôn có chi tiết mới.....

- Vậy chứ sao! Ba mày hồi trẻ từng là hoạt náo viên của câu lạc bộ trường quân chính khu mà.

- Ổng vui con cũng vui theo. Vì nhờ vậy ổng bớt cằn nhằn vụ lính kiểng của con. Nhưng má thì buồn. Má nói ba già rồi mà không biết sống phù hợp với tuổi già, ba ham nói, ba lố bịch, làm trò cười cho thiên hạ. Nghe má nói, con bắt đầu để ý, thấy quả thật có như vậy. Trong số người nghe nhất là giới trung niên, thỉnh thoảng có người xen vô hỏi, hoặc gợi cho ổng nói thêm với thái độ châm chọc, nhạo báng rất tinh vi. Trước đây chuyện đó đâu qua mắt ông được, bây giờ hình như ổng bắt đầu lẩm cẩm rồi. Một ông đề nghi6 ổng viết về những vết thương ấy. Nói chơi rồi bỏ qua, vậy mà ổng viết thật. Ổng có khiếu nói, đâu có quen viết nên viết rất vất vả, lúc viết lại cao hứng thêm vào mấy chục lần chết hụt nữa. Một bài hồi ký có cái nhan đề dài nhằng " Ba mươi năm chiến tranh, bốn mươi mấy lần chết hụt, mười hai vết thẹovà mấy suy nghĩ về vận mệnh " Chú Lễ là người đọc bản thảo đầu tiên. Vì ba có nhờ chú góp ý, chú rút ngắn cái nhan đề lại " Chiến tranh. Chết hụt, thương thẹo và định mệnh ". Ba hỏi tại sao, chú Lễ nói chú là đại tá tại chức, văn chú là văn ngắn gọn của báo cáo quân sự. Ba thấy có lý, nhưng mất con số 12 ổng đâu có chịu.

Cả hai cậu cháu cùng cười nhưng tôi biết thằng nhỏ không được vui. Chắc nó cũng biết tôi càng ít vui hơn nó.

Mưa ngớt hột một chập tưởng tạnh luôn nhưng một cơn mưa khác lại ào đến. Thằng Ngọc nhìn mưa nói:

- Mưa này là mưa nấm không trận nào lớn nhưng có khi dây dưa tới chiều kuôn. Cậu lấy áo của con dầm mưa về đi cho má mừng.

- Còn mày?

- Lo cho ông già. Thứ lính trẻ này đem ngâm nước đá còn được.

- Vậy thì hai cậu cháu mình cùng băng đồng.

- Con phải trở lại cơ quan chứ. Lính kiểng cũng là lính, lêu lổng đâu có được.

- Vậy mày đón tao làm gì? Không phải để rước về nhà à?

- Đó để cho cậu biết tình hình gia đình. Cậu lựa lời nói chuyện với ba, coi bộ ổng muốn sanh tật. Má thì đành chịu thôi. Bả không bịnh hoạn gì nhiều đâu nhưng bả sẽ buồn như vậy hoài cho tới chết. Bịnh buồn thì thầy biết đường nào mà trị... Về con, cậu giả bộ quên lửng coi như con đang ở Campuchia.

- Có mặt mày, không lẽ tao không hỏi han gì sao?

- Con phải trốn chứ. Những ngày nào cậu ở đây, con núp đằng nhà chú Lễ hoặc kiếm chuyện đi xuống một huyện đội nào đó. Con sẽ báo cho chú Lễ đến chơi. Kỳ này má cho cậu ăn bánh xèo. Có hai gò nấm mối nứt đất, mai nó nở tán dù làm nhưn bánh xèo ngon lắm.

Thằng nhỏ đi rồi, tôi ngồi nhìn mưa ôn lại một số ý đã nghiền ngẫm trước, để nói chuyện với chị Châu về cái mà thằng con trai hời hợt ham vui của chị đặt tên một cách quá đơn giản là cái bịnh buồn.

 

II - Bánh xèo của chị Châu đãi tôi và anh Lễ lần này thuộc cấp cao về chất lượng. Thay vì bột công nghiệp khô, đóng gói mất hết mùi vị ở các cửa hàng Sài Gòn, bột của chị Châu là bột mới xay còn thơm gạo Nàng Hương. Nòng cốt của nhưn là những con tép bạc đất chạy nó mập tròn, đỏ au. Kèm theo thịt ba rọi là những tai nấm mối chẻ đôi. Tuy là đạm thực vật nhưng nó ngon hơn bất cứ loại thịt động vật nào. Chất độn không phải là giá đậu xanh mà là cổ hũ dừa xắt nhuyễn như sợi bún, vừa ngọt vừa giòn.

Bữa ăn ngon như vậy nhưng kết thúc không vui ở màn cà phê. Người làm mất vui lần này không phải là vị chánh khách Ăng Lê đội nón phớt, ngậm xì gà mà là nhà văn Mỹ bự con, râu quai nón, bạn của bò mộng Tây Ban Nha, sư tử châu Phi và cá mập vùng biển Ca ribê.

Anh Lễ đem tặng chị Châu quyển Giã Từ Vũ Khí của Hemingway do nhà xuất bản Mũi Cà Mau mới phát hành. Chị Châu nhìn cái bìa, lắc đầu:

- Mới đọc cái nhan đề đã thấy dịch không đạt

- Theo chị phải dịch như thế nào... anh Lễ hỏi.

- Chú nói ý chú trước đi rồi tôi nói ý tôi.

Anh Lễ cười tủm tỉm, nói giọng từ tốn e dè, vừa nói vừa chỉ bằng bàn tay bưng tách cà phê:

- Sao lại bắt " nghiệp võ " xía vô " nghề văn ", hỏi thử ông hoạ sĩ coi. Ngôn ngữ câm của màu nét, hình khối và ngôn ngữ viết thành lời bề gì cũng có bà con với nhau. Không gần thì xa.

Tôi nói bừa cho xuôi:

-Vĩnh biệt chốn ba quân. Được chưa?

Chị Châu đặt quyển sách lên bàn.

- Có khá hơn chút đỉnh. Nhưng chốn ba quân nghe Hồ Biểu Chánh quá, hơi xưa. Vĩnh biệt thì không ổn. Vĩnh biệt thường được dùng trong tình yêu nghĩa là miệng nói vĩnh biệt mà lòng còn bịn rịn. Nói với chiến tranh phải dứt khoát hơn. Phải nói như tạt nước sôi vào mặt một số người bị xu thế hoà bình lôi cuốn đành phải giả bộ ghét chiến tranh cho hợp trào lưu nhưng trong bụng vẫn còn ham chiến tranh để đem mạng sống của người khác đổi lấy huy chương đeo đầy ngực chơi.

Anh Hữu nhìn vợ hơi cau mày. Anh biết chị Châu chưa châm chọc thẳng vào anh đâu vì chưa có cớ. Nhưng cái giọng buồn buồn nhỏ nhẹ thường lệ của chị bỗng sắc lạnh lại hơi đột ngột ở mấy tiếng sau cùng làm anh thận trọng. Không khí tự nhiên hơi nằng nặng. Anh Lễ cười tủm tỉm:

- Nghệ sĩ cỡ anh mà thi còn rớt. Kẻ võ biền dốt nát văn chương này xin rút lui. Chị dịch như thế nào, nói nghe chơi đi chị Châu.

- Ông đại tá dùng ba tiếng nói nghe chơi đúng chỗ quá. Lời và ý của tôi đúng là nói để nghe, không ai chịu in thành sách đâu vì không có văn chương. Theo tôi, phải dịch: "Nghỉ chơi với súng ống". Nói nghỉ chơi không nghiêm túc. Nó là ngôn ngữ của trẻ con ở lứa tuổi còn dành ăn, còn cà nanh tình thương của cha mẹ. Thời hạn nghỉ chơi của trẻ con rất phù du, giận đó rồi thương đó, đếm bằng giờ bằng phút, không phải bằng năm tháng. Nhưng cái quý là ở chất dứt khoát và quyết liệt của hai tiếng nghỉ chơi lúc nó được xướng lên. Những nhà văn ham văn chương thích những ngôn từ gợi cảm nhưng mơ hồ, đầy tráo trở kiểu như vĩnh biệt, giã từ nên nghe trẻ con nói mà học viết... Đáng lẽ tôi mượn lời của một ông già để nói đạt hơn nhưng tôi thích chữ nghĩa của trẻ thơ.

- Ông già nào vậy? - Tôi hỏi.

- Một ông già có trái tim vàng và bộ râu củ ấu tên là Gorky. Ổng nói "Làm chiến tranh bằng máu của người khác thì dễ thôi ". Đó không phải là những chữ. Đó là những thanh củi khô mà nặng, cạnh rất bén, phang vào mặt những thằng cha ham chiến tranh.

Tới đây, anh Hữu bắt đầu thấy mình bị đụng chạn trực tiếp. Anh tự kiềm chế bằng cách pha lửng:

- Thằng Tâm nghe chị dâu mày nói chuyện văn chương chưa. Vậy mà xúi bả viết văn, bả không thèm.

- Chị dâu chứ không phải chị tôi à? Vậy tôi cũng gọi anh là anh rể chớ không phải anh tôi để cho cả hai đều trở thành người dưng đối với tôi cho nó huề.

Cả ba người đàn ông cùng cười. Chị Châu cũng nhếch môi mỉm cười theo, làm nét mừng hiện lên gương mặt thoáng có chút lo âu của anh Hữu. Anh đứng dậy bước về phía giá sách rồi trở lại bàn trà, tay cầm một quyển sách cũ bìa mỏng lem luốc và nhăn nhúm. Chắc là sách của chị Châu mới mượn của ai, sách cưng của anh Hữu luôn luôn được đóng bìa cứng. Tôi liếc nhìn bìa sách thấy đó là quyển Les vertes collines d'Afrique (Những ngọn đồi xanh châu Phi ) của Hémingway. Anh Hữu ngồi lại chỗ cũ mở sách ra ở một đoạn có đánh dấu

- Tôi xin đọc cho quý vị nghe một đoạn rất ngắn, một suy nghĩ thoáng qua thôi của con người từng viết quyển tiểu thuyết " Giã từ vũ khí " hay là " nghỉ chơi với súng ống " gì đó theo cách dịch của bà xã tôi. Đại khái nhà văn đi săn ở châu Phi. Trong lúc nằm mai phục chờ những con hươu cao cổ đến để bắn, ông ta đọc quyển Sébastopol của Tolstoi rồi ông ta suy nghĩ. Đây nhé.... và tôi nghĩ đến Tolstoi, nghĩ đến cái lợi thế lớn mà chiến tranh cung cấp cho nhà văn. Chiến tranh là một trong những chủ đề lớn, và không chút nghi ngờ nào, đó là một chủ đề rất khó viết cho chân thực. Các nhà văn không từng biết chiến tranh rất ganh tỵ và tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của nó, nói nó là không bình thường, là bịnh hoạn. Thưc ra vốn sống do chiến tranh cung cấp là cái không có gì thay thế được mà họ bị hẫng nên họ nói túng, giản đơn như vậy thôi... Để tôi đọc lại nguyên văn.

Chị Châu nhìn chồng lắc đầu xua tay:

- Thôi khỏi! Làm gì có nguyên văn gốc bằng tiếng Anh ở đây. Cuốn sách của tôi cũng chỉ là một bản dịch ra Pháp Ngữ. Anh dịch như vậy cũng tạm được rồi. Nhưng anh dịch đúng mà anh hiểu sai. Chính anh đã nói từ đầu rằng, đây chỉ là một suy nghĩ thoáng qua thôi. Mà dù anh có nông cạn đến mức lấy một điều suy nghĩ thoáng qua của một con người làm nền tảng cho toàn bộ tư duy của con người đó, thì em cũng xin hỏi anh: "Đánh giá cao vốn sống trong chiến tranh có nhất thiết là bày tỏ thiện cảm với chiến tranh, là binh vực, là bào chữa cho chiến tranh không?... Cũng trong chương đó, ở một đoạn khác, Hémingway suy nghĩ về Dostoievsky... " Sự bất công tôi luyện nhà văn như tôi luyện một thanh gươm ". Hiểu theo cách của anh thì Hémingway muốn duy trì bất công để mài bén con người viết văn của ông như mài bén một thanh gươm chớ gì? Cứ theo cái hướng suy nghĩ đó, chắc ông Nguyễn Đình Chiểu ao ước cho cái thế gian nầy mãi mãi cứ lúc nhúc những thằng gian để ổng dùng cây bút không bao giờ tà của ông đâm từng thằng chơi cho phỉ chí.

Đang ngon trớn, chị Châu ngừng nói hơi đột ngột. Tôi nhìn chị và đọc được những dánh điệu uể oải mệt mỏi, trên gương mặt rười rượi buồn của chị một lời tự trách lặng thầm, tại sao mình lại nói ra làm chi những lời chân thực nhưng vô ích. Rồi cũng đột ngột, chị nói tiếp:

- Cũng may, đây chỉ là văn chương phù phiếm của tiểu thuyết chứ không phải định lý của kinh điển chính trị. Hiểu sai nó không hại gì mình cũng không hại gì ai. Những chính khách thiển cận... ( đây là tôi học đòi bàn chuyện năm châu chơi cho đỡ buồn, tôi không dám nói chuyện nước mình đâu, số phận của nước mình đã có những cái đầu thông minh hơn chúng ta, lo liệu giùm rồi ), những chánh khách thiển cận cuồng tín và lười biếng động não trên thế giới thường báo hại dân chúng của họ bằng cách lật kinh điển ra, chận khúc mà đọc, lựa chỗ nào hợp ý mình tách rời nó ra, góp nho rời thành nho chùm rồi đặt tên là định lý đem áp dụng gây nghèo đói và chết chóc...

Tới đây chị Châu không làm chủ mình được nữa. Đôi mắt chị sáng lên những ánh sáng kỳ dị ấy không làm gương mặt chị thông minh thêm mà đờ đẫn ra như người lãng trí. Chị đặt tách trà xuống mặt bàn khá mạnh tay, đứng dậy đi nhanh vào buồng riêng không nhìn ai. Lần đầu tiên tôi thấy chị mất lịch sự như vậy. Không khí nặng nề trở lại và lần này vô phương cứu chữa. Anh Lễ nhìn đồng hồ, bịa rất vụng về một cuộc hẹn gặp với ai đó để rút lui. Những lời nói của chị Châu còn âm vang trong đầu tôi. Nhưng âm sắc biến đổi rất kỳ lạ. Người sùng đạo có thể nghe nó như một đoạn kinh gồm những chữ không cần có nghĩa và có sức thuyết phục nữa vì nó trở thành vô chủ thể không phải do ai nói mà vang vọng từ một cõi hư vô nào. Người thầy thuốc chuyên khoa tâm thần có thể nghe nó như lời nói nhảm của một con bịnh mà lý trí mới bắt đầu phân liệt nhẹ, vừa nói nhảm vừa biết rằng mình đang nói nhảm. Cái nhìn của tôi nghiêng về góc độ bịnh học ấy.

Anh Hữu bước lại cửa phòng thấy cửa khoá phía trong, trở lại bàn trà nhìn tôi lắc đầu buồn hiu:

- Mấy bữa có mày về thấy bả vui vui tao mừng quá. Đâu có ngờ... Ông già Hémingway báo hại thật.

Tôi hết sức tự chế nhưng vẫn phải làm anh phật ý:

- Tại ổng hay tại anh?

 

III - Từ ngoài đường, phải đi qua khu vườn rồi mới vào nhà chị Châu. Đi nhang qua ao cá tôi thấy chị đang nằm trên chiếc võng, một đầu mắc vào thân cây bình bát, đầu kia mắc vào một nhánh nhãn. Trên ngực chị là một quyển sách gập lại, chỗ đọc dở được đánh dấu bằng một miếng vải tím. Tưởng chị ngủ tôi đi luôn. Nhưng chị ngồi nhỏm dậy, biểu tôi vào nhà lấy ghế xếp ra nằm chơi.

- Ba thằng Ngọc đâu? Chị hỏi khi tôi phánh chiếc ghế xếp bên cạnh chị.

- Anh đi thăm vườn thuốc Nam của ảnh rồi ghé tỉnh đội kêu thằng Ngọc về ngoại bắt một con cá tai tượng lớn chưng tương với nấm sấy đãi em.

Chị Châu lắc đầu:

- Động tác giả đó gạt cậu chớ không gạt được tôi đâu.

- Gạt về vụ gì? Tôi giả bộ ngạc nhiên.

- Ổng muốn chứng tỏ ổng hết giận về chuyện lính kiểng của thằng Ngọc. Tôi cần ổng thay đổi cách suy nghĩ chớ đâu cần ổng đóng kịch... mà thôi, bỏ chuyện đó đi. Cậu gặp được những ai trong số những người quen thân? Lâu ngày gặp bạn cũ nhắc chuyện năm xưa chắc cũng vui.

Trong tôi đang có một loạt câu hỏi buồn mà tôi muốn ém lại. Tôi cần gợi vui cho chị Châu, mai tôi trở về Sài Gòn rồi. Nhưng cái buồn có thật nó mạnh hơn cái vui giả mà ý đồ nói dối bịa ra chưa kịp và những câu trả lời buồn cứ tuôn ra.

- Gặp một số mà coi như không có gặp ai hết. Nơi chôn nhau cắt rún gợi con người tìm lại tuổi thơ. Em muốn gặp lại những thằng học trò nhỏ ngày xưa trong tâm hồn những ông già hôm nay. Em chỉ còn gặp những ông già nguyên chất không còn chút mảnh vụn nào của tuổi thơ trong tâm hồn chưa cằn cỗi lắm, nhưng hoàn toàn sơ cứng. Trách ai bây giờ? Không lẽ đi trách những chiếc xe hơi bóng dợn cán lên ổ gà ngập nước tung sình vào những người ăn mặc rách rưới gánh rau đi bán bên lề đường? Trách người ngồi trên xe chăng? Có một cái trật tự được xếp đặt sẵn đã xếp chỗ ngồi phù hợp với lòng ham muốn của họ chớ đâu phải do họ muốn vậy mà được vậy. Trách một cái trật tự thì trừu tượng quá. Em nói sự sơ cứng của tâm hồn không quá đáng chút nào. Gặp ở quán cà phê hai người đàn ông sồn sồn. Người đọc báo nói với bạn rằng tỷ lệ lạm phát lên tới bảy trăm phần trăm một năm. Người kia hờ hững hỏi lại: tới bữa nay ông mới biết à? Một tai hoạ cỡ đó mà người báo không chút hoảng hốt, người nghe không chút giận hờn.

- Ghé nhà anh Hảo thắp cho ảnh cây nhang gặp đúng cái bữa cúng tuần thất 21 ngày. Vợ ảnh đang chuốt nan trúc thắt rế bán. Hỏi chị có mời khách ở lại nhậu chơi khống, chỉ nói đâu có cúng kiếng gì đâu mà mời. Hồi khuya tôi thức dậy pha cho ổng bình trà báo cho ổng biết bà vợ nghèo của ổng có nhớ cái ngày, vậy thôi. Rồi chị nói tiếp: "ông già chết thiêng lắm, vợ con không tốn một đồng bạc thuốc. Mà lại biết chọn lúc nữa chớ. Mới lãnh lương hồi sáng. Nếu không thì tôi lãnh được tháng lương hưu trí cuối cùng của đời ổng cũng trầy da tróc vẩy, "

Chị Châu nằm xuống võng lấy tay đè ngực ém một cơn ho.

- Nghe nói ổng đang ngồi chẻ trúc, tự nhiên ngã ngửa ra sau, cười ha hả rồi đi luôn. Chị thèm được chết như vậy quá chừng.

Nói xong chị Châu lại ngồi nhỏm dậy, bỏ cả hai chân qua phía bên kia võng, quay lưng lại với tôi, nhìn ra mặt ao. Tôi biết thế ngồi này báo hiệu chị sắp kể cho tôi nghe một chuyện gì đó rất riêng tư.

Im lặng chừng vài phút. Chị Châu khe khẽ gọi tôi:

- Tâm à!

Thông thường chị Châu gọi tôi bằng cậu, xưng tôi. Khi nào thật vui, chị cao hứng xưng tao, gọi tôi bằng mày, bằng thằng để nhớ thời thơ ấu. Tôi rất quý những cơn vui hết sức hiếm hoi đó của chị, nó làm chúng tôi trẻ lại. Khi nào chị xưng chị, gọi tôi bằng tên Tâm là có chuyện, và chỉ có chuyện buồn mà thôi.

Tôi và chị Châu chào đời trong cùng một năm tại ngôi nhà nội tổ, chỉ còn lại cái nền này. Lúc đó cả gia đình vợ chồng bác tôi và cha mẹ tôi chưa ai ra riêng vì bà nội mất sớm không thể để ông nội một mình hiu quạnh trong ngôi nhà quá lớn, hai gia đình ngăn ra ở vẫn còn rộng. Lúc chùng tôi được năm tuổi, bác tôi định ra riêng thì bác gái mất. Bác gái tôi là người Tiều lai ở Bạc Liêu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Bác mất đi, chị Châu coi như mất liên hệ với ngoại tộc.Ba năm sau, khi chúng tôi 12 tuổi, bác tôi bị Tây bắt đi đầy Bà Rá rồi mất tích luôn trong một cuộc vượt ngục. Ba má tôi vốn trước đã cưng chị Châu vì ham con gái, từ đó càng cưng chị Châu hơn do thương tuổi thơ bất hạng của chị. Ông nội thì khỏi phải nói, ông thương dù với rất nhiều mặc cảm. Ông xem diện mạo chị, giở sách tướng ra tham khảo, nói chị là tiên mắc đoạ nếu không chết yểu thì suốt đời sẽ khổ vì một nỗi đau bí ẩn lhông thể san sẻ cho ai được vì đó là cái di luỵ của tiền căn. Trong thâm tâm ông cầu mong cho chị chết yểu để sớm được thoát kiếp. Điều cầu mong thầm kín này, mãi đến lúc ông sắp chết cha tôi mới biết qua lời trối: " Con Châu có chết yểu dòng họ đừng bi lụy đau buồn nhiều, trái lại nên mừng vì như vậy là thần linh giảm nhẹ sự trừng phạt. Nó mà sống dai tức là cái nợ tiền căn quá lớn. "

Lối suy nghĩ siêu hình của ông nội ảnh hưởng mạnh đến cách nhìn nửa thực nửa mơ của tôi đối với cuộc đời của chị Châu. Năm hai đứa cùng ngồi lớp nhì, sự dốt toán của tôi báo hại tôi. Cách trừng phạt của cha tôi hơi lạc hậu, mang tính nhục mạ. Ông bắt tôi xoè tay ra cho chị Châu đánh bằng thước kẻ. Chị Châu biết tôi tối dạ chứ không lười biếng. Mới cầm cây thước chị đã ứa nước mắt. Nhưng vì sợ nghiêm lịnh của ông chú thế quyền cha, chị đành phải đánh thật mạnh không dám nương tay. Phần tôi thì đau ráng chịu, không lần nào dám giận. Lúc đó tôi thấy chị uy nghiêm gấp mấy cô giáo đằng trường vì cô giáo tuy lớn tuổi học giỏi nhưng là người phàm, còn chị Châu tuy chỉ lớn hơi tôi chưa đầy một tháng tuổi nhưng chị là Tiên mắc đoạ.

Lên đến lớp nhứt thì chị Châu bắt đầu trổ mã con gái. Một số thằng bạn bên trường Nam lăm le dòm ngó chị. Vài đứa mắt dậy ghẹo đòi làm anh rể tôi. Với bản tính rụt rè tôi không phản ứng gì nhưng nghĩ thầm trong bụng: "Cho tụi bây chết. Chị tao là tiên mắc đoạ đó. Đừng có lộn sộn mà mang hoạ."

Tôi còn nhớ tõ sự bối rối của tôi khi anh Hữu nhờ trao cho chị Châu bức thư tỏ tình của anh. Bối rối vì một mặt thấy anh si tình, tôi thương quá, mặt khác lại nhớ lời ông nội, cho rằng duyên nợ của tiên mắc đoạ đã được tiền định từ kiếp trước, mình nhúng tay vào ắt sẽ bị quở phạt. Mối tình bắt đầu đơn phương, đã kết thúc suông sẻ bằng một cuộc cầu hôn ít thấy. Ông ngoại anh Hữu cũng tức là ông nội tôi đại diện cho đàng trai đứng ra ngỏ lời với cha tôi, vứ là con rể của ông vừa là chú thế quyền cha của cô gái mồ côi là chị Châu. Được biết từ lúc thầm yêu chị Châu đền ngày đính hôn, trong khoảng thời gian hai năm, anh Hữu vốn rất bạo dạn trong quan hệ với con gái, chưa hề dám tỏ tình với chị lần nào dù bằng cử chỉ hay lời. Tỏ tình bằng thư cũng chỉ dám làm một lần thôi, tức bức thư bị tôi từ chối không dám trao. Trong tuổi già, thỉnh thoảng khi tôi nhắc chuyện cũ ghẹo anh Hữu chơi, anh cười hề hề: " Tao cũng không biết tại sao hồi đó tao vừa mê bả lại vừa sợ bả đến vậy"

- Người phàm mà gặp tiên thì vừa sợ vừa ham. Đó là lẽ đương nhiên. - Tôi chỉ dám nói đùa như vậy với anh Hữu một lần thôi. Từ khi có cách mạng, thế giới quan vô thần chiếm lĩnh tư duy anh Hữu ở mức tuyệt đối. Anh nhạo báng cái khái niệm Tiên mắc đoạ làm tôi khó chịu đến mức cảm thấy ông nội tôi cũng bị xúc phạm lây.

Tôi thì từ khi cái khái niệm tiên mắc đoạ đáng yêu không còn nữa, tôi có cách giải thích khác ít mơ mộng hơn. Trong nhan sắc chị Châu có một cái gì đó kỳ bí hoang đường vừa cuốn hút vừa xua đuổi. Người không yêu thì sợ, không phải sợ như mà sợ một cái gì bí ẩn có phảng phất chút thâm nghiêm của sự bất khả tri. Ai yêu thì cũng không dám buông tay cho sự si mê, phải chừa chút tỉnh táo để nghe lời răn đe của định mệnh. Cô gái này có thể là một trái hồng ngọt mà cũng có thể là một trái lựu đạn đây. Ai dám liều mạng tìm hạnh phúc thì nhào vô, kẻ yếu bóng vía thì đi chỗ khác chơi. "

- Từ nét nào của khuôn mặt phát ra cái ấn tượng kỳ quặc đó? Rất khó nói. Có thể là từ đôi môi. Không phải môi chì, cũng không đủ sắc độ hồng để được gọi là môi son.

Ngay ở cái thời kỳ chị Châu đẹp nhất, nhìn chị, ta có cái ấn tượng rằng trái tim chị bơm máu không đến được đôi môi. Không phải sức bơm của nó yếu mà nó cố ý làm như vậy để bảo vệ vẻ đẹp mong manh dễ tan biến của một sắc độ hồng cực nhạt không có một loại sáp bôi môi nào bắt chước được. Tôi nhớ một lần nọ vì chiều theo sự dốt nát của anh Hữu, chị Châu dùng sáp môi mầu đỏ tươi ( vermillon ) đi dự tiệc cưới. Gương mặt chị giảm đẹp đi trông thấy. Màu da trắng mét mất hẳn nét quyến rũ mà có vẻ như bịnh hoạn trong lúc màu đỏ tươi của đôi môi chói lên rất lạc điệu, vô hồn.

- Mong được bạn đọc dung rhứ cho sự dài dòng. Khi một hoạ sĩ vẽ chân dung không phải bằng màu nét mà bằng chữ nghĩa thì anh ta phải lúng túng và cần được trợ lực. Lần này là sự trợ lực của sách. Cái đẹp của chị Châu là cái đẹp vương giả bạc mệnh của Lâm Đại Ngọc trong Hồng Lâu Mộng cộng với cái đẹp quyến rũ hoang đướng nhiều ma lực của những " giai nhân gốc ma " trong truyện Liêu Trai.

Tại sao mượn sách Tàu mà không mượn sách Tây? Có lẽ vì chị Châu có máu Tiều lai.

Giờ đây, trong cái tĩnh mịch của một buổi xế trưa em ả vùng ngoại ô thị xã nhỏ, tại cuộc đất thổ cư của cơ ngơi nội tổ bị đập nát bởi bom đạn của ba mươi năm chiến tranh, tôi ngồi gợi lại nhiều bức chân dung xinh đẹp khác nhau của bà chị héo úa mà dấu vết nhan sắc chỉ có thể nhìn thấy được đối với những ai đã từng ngưỡng mộ nó và có trí nhớ tốt. Gợi nhớ trực tiếp nhất là cái ao sau nhà. Hồi thuở còn ham vọc nước, tắm mưa, hai chị em tôi từng hụp lặn dưới cái ao nầy để móc ngó sen và củ ấu. Bây giờ cái ao được bơm vét sâu thêm, rộng ra với cái chu vi méo mó, lồi lõm đầy cỏ dại, những hình ảnh mà nó gợi lại, cũng bị mờ đi và băm vụn ra.

- Tâm à! - Chị Châu lại khe khẽ gọi tôi. Chị vẫn nhìn mặt ao, lưng quay về phía tôi.

- Em nghe chị đây.

- Tâm cò nhớ thằng Nhiệm chứ

- Làm sao quên thằng đó được.

Đoạn trên có nói về mấy thằng bạn mất dậy ở trường tiểu học nam, từng muốn chị Châu và làm anh rể tôi. Đầu têu trong số đó là thằng Nhiệm. Nó lớn hơn tôi một tuổi lên lớp nhứt trước tôi một năm, thi đậu sơ học nhưng thi tuyển lên trung học rớt, phải học thêm một năm nữa ở một lớp gọi là complementaire ( hồi đó chưa có bổ túc ). Nó là con của một gia đình công giáo nòi, khá giả. Cha nó là bạn đánh tơ nít của ông đốc học. Nó si mê chị Châu thực sự chớ không phải lếu láo như mấy thằng phổi bò kia. Những năm chị Châu học ở trường áo tím Sài Gòn, nó học trường Pétrus Ký, tiếp tục theo đuổi chị dai dẳng. Lúc anh Hữu cưới chị Châu, có tin nói nó tự tử nhưng không chết. Sau tháng 8-1945, không ai gặp nó trong tỉnh. Giữa năm 1953, lúc cuộc kháng chiến đánh Pháp gần chấm dứt, bỗng nhiên người ta thấy nó là sĩ quan tình báo quân đội Pháp biệt phái vào lực lượng bổ túc UMDC (đơn vị cơ động bảo vệ các giáo xứ của tên đại tá Le Roy khét tiếng ác ôn), lúc đó, chị Châu là cán bộ của Ban Nguỵ Địch Vân tỉnh, hoạt động vùng tạm chiếm. Cuối năm 1953, chị bị địch nhìn mặt bắt giam tại Sài Gòn. Thằng Nhiệm, không rõ do sự tình cờ nào, gặp chị ở trại giam. Nó mừng quá, vận động lãnh được chị Châu về quản thúc tại thị trấn A.H. nơi nó ở. Trong một thời gian rất ngắn chị Châu xây dựng thằng Nhiệm thành nội tuyến. Nó bắt đầu lập công với kháng chiến, gởi ra ngoài nhiều đạn dược, tài liệu, thuốc men rồi đầu năm 1954, để lập thành tích lớn kết thúc giai đoạn mai phục, nó thảo một kế hoạch cho vệ quốc đoàn đánh úp một chỉ huy sở quan trong có lính của nó làm nội ứng. Cuộc đánh úp không thành công trọn vẹn. Thằng Nhiệm suýt chết vì bị một tên lính của nó làm phản, nhưng nó vẫn lập được công lớn, tự tay phá huỷ một kho đạn rồi vọt ra được nhờ sự yểm trợ của nhóm vệ quốc đoàn chủ công, mang theo nhiều tài liệu địch tình quý giá và rất nhiều súng nhỏ loại đặc biệt để võ trang cho sĩ quan tình báo. Sau trận đó chị Châu được tỉnh khen thưởng và công trạng của chị được nêu trong một bản báo công của ngành nguỵ địch vận toàn Nam Bộ.

- Hồi đó ở miền Đông, hai anh em Tâm nghe đồn về cái chết của thằng Nhiệm như thế nào?

- Đâu phải nghe đồn.... anh Hữu nghe báo cáo chính thức của hội nghị Nguỵ Địch Vận toàn miền. Lúc ấy bữa ăn nào có mắm ruốc coi như được bồi dưỡng, vậy mà sau hội nghị anh Hữu đến cơ quan tìm em, đem theo một bình ton rượu nếp và hơn một ký thịt bò rừng. Hai anh em nhậu một trận ra trò... Theo báo cáo thì tỉnh mình hồi đó chỉ có những vùng căn cứ lõm. Thi hành chánh sách đối với thằng Nhiệm, tỉnh phải đưa nó vào vùng giải phóng rộng lớn của miền Tây để cung cấp phương tiện cho nó sống thoải mái, an toàn hơn. Rủi cho nó, chiếc ghe đưa nó vượt sông Cổ Chiên bị tầu đầu bằng của Hải Quân Pháp bắn chìm.

- Rồi anh Hữu và Tâm cũng tin như vậy?

Câu hỏi hơi bất ngờ làm tôi lựng khựng. Mười mấy năm nay, từ lúc thấm đòn vì sự " báo hại " của các thứ " báo cáo ", thỉnh thoảng tôi có nhớ đến những bản báo cáo không trung thực của cái thời ăn mắm ruốc coi như được bồi dưỡng. Những báo cáo ấy chỉ gây hại nhỏ, và cái không trung thực lúc bấy giờ là do trình độ non kém chớ không hề có ý đồ lường gạt trong bối cảnh mà lòng yêu nước của mỗi người trong veo như pha lê. Trong một thời kỳ như vậy, báo cáo sai về cái chết của thằng Nhiệm để làm gì? Tôi chưa biết trả lời như thế nào cho đừng "quê " thì chị Châu tiếp:

- Đúng là thằng Nhiệm chết trên sông Cổ Chiên. Hai người cùng đi với nó bắn chết nó trên ghe, neo đá vào xác nó ném xuống sông. Ghe qua sông bị tàu giặc bắn là chuyện thường ngày. Dựng một hiện trường giả về chuyện đó chỉ cần tốn một chiếc ghe, mấy băng đạn súng lớn, và hai đội viên đóng vai người sống sót phải chịu khó nhảy xuống sông bơi vào bờ sau khi nhận chìm và bỏ luôn chiếc ghe.

- Sao lại xử ác với nó như vậy?

- Đó là điều kiện chị đặt ra với tổ chức... à mà không... không có tổ chức nào chấp thuận một cách xử lý phạm chính sách như vậy... Đó là điều kiện chị đặt ra với một người có trách nhiệm và quyền lực cao hơn Ban Lãnh Đạo Nguỵ Địch Vận tỉnh.

- Nhưng tại sao chị phải ác như vậy?

- Tại vì điều kiện thằng Nhiệm đặt cho chị cũng rất ác. Nó đòi cái gì, nó đùa cợt với tử thần để đổi lấy cái gì ở chị. Tâm phải biết chớ. Ban đầu chị nghĩ: cho nó cái đó rồi, chị phải chết. Nhưng sau cùng chị quyết định: Nó đạt được cái đó rồi nó phải chết.

- Tôi nghe chị Châu thở ra. Chị đổi thế ngồi, bỏ cả hai chân sang phía bên này võng, để đối mặt với tôi. Giọng chị thanh thản kỳ lạ.

-Bây giờ nhìn chị đi. Trong lúc ảo tưởng lớn đã tan vỡ hết, chị rất đau đớn phải làm sụp đổ trong tâm hồn đứa em tới già còn mơ mộng như Tâm một ảo tưởng nhỏ nhưng đẹp về người chị mà ông nội gọi là Tiên mắc đoạ. Có khi em định để dành cái ảo tưởng đó đem theo xuống mồ cũng nên, bởi vậy, cần giận chị thì giận đi trong đôi phút... Cái khó nói đã được nói ra rồi. Còn một lần khó nói nữa chưa biết người nói sẽ là ai trong hai chị em mình, chị hay là Tâm... Anh Hữu phải biết chuyện này.

Tôi nhăn mặt:

- Để làm gì? Tội nghiệp ảnh lắm! Tự cho rằng mình là người thành đạt trong cuộc đời này, ảnh đang vui như một đứa trẻ thơ, chị không thấy như vậy sao?

Mới thanh thản đó giọng chị Châu chuyển qua rười rượi buồn:

- Chính vì thương anh Hữu mà trong ba mươi mấy năm nay, chị không đành bắt anh chia xẻ với chị nỗi đau thấm kín đã làm u ám gần trọn đời mình. Chị tưởng như vậy là cao cả. Đúng ra đó là nguỵ lý của người vợ thất tiết không có gan tự thú. Chị quyết định sẽ nói cho anh Hữu biết trước giờ chết. Nhưng nếu chị chết đột ngột như anh Hảo thì sao?... Đừng! Chị báo cho Tâm biết một quyết định chớ không hỏi ý kiến Tâm đâu. Đừng bảo chị trả treo, kèn cựa với lương tri. Ở tuổi chúng ta, lương tri ít khi có những chỉ dẫn sai lầm. Sau khi chị chết. Tâm sẽ được biết là Tâm có được phép im lặng luôn hay không. Anh Hữu thuộc loại người không gói kín được một nỗi đau lớn. Cầu mong cho Tâm khỏi phải làm một sứ giả ác nghiệt của định mệnh... nghĩ mà thương anh Hữu quá chừng! Nhưng nỗi đau cuối đời của anh sẽ không vô ích. Nó sẽ thuyết phục được ảnh rằng cái quyền định nghĩa chiến tranh phải thuộc về phụ nữ.... Kìa hai cha con đã về tới kìa. Có cả cái miệng chài của ai để bắt cá tai tượng.... Thằng Ngọc bữa nay vui, nó tưởng ba nó hết giận rồi. Tâm vô nhà trước đi. Chị nằm đây thêm một lát nữa.

 

III - Chị Châu mất lúc tôi đang trôi bình bồng ở vịnh Thái Lan trên một chiếc ghe đi biển chạy lòn lòn giữa các đảo nhỏ của Quần đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Cùng đi với tôi là một số sinh viên đại học mỹ thuật đi thực tập và người thầy hướng dẫn các em vốn là hoạ sĩ bạn thân của tôi từ thời đánh Pháp. Ở Sài Gón người ta không biết tôi đang ở đâu để chuyển bức điện tín của thằng Ngọc báo tin mẹ nó chết.

Tôi về đến nhà anh Hữu lúc trời sụp tối. Một ông láng giềng gặp ở cổng vào nhà cho biết anh đang ở đằng câu lạc bộ người về hưu, có thằng Ngọc theo sát để phò tá. " Tội nghiệp ổng đờ đẫn như người mất trí " Ông láng giềng nói. Tôi đến câu lạc bộ thấy tối om không đèn đóm. Trên đường trở lại tôi thấy anh Hữu ngồi trong một quán cóc, đầu gục trên đôi cánh tay khoanh lại trên mắt chiếc bàn nhỏ. Trước mặt anh là một cái ly ống đựng nước trắng không biết là rượu hay nước lã. Bao quanh anh, rải rác trong quán, là năm sáu cậu thanh niên, chắc là đội viên của đội dân phòng phường. Thằng Ngọc ngồi sát bên anh, chừng vài phút lại nói giọng buồn hiu:

- Ba à! Thôi mình về đi ba, tối rồi.

Anh Hữu cứ ngồi bất động. Tôi đứng phía sau cửa ra vào chỗ không có ánh sáng: không ai nhìn thấy tôi. Một thanh niên bước đến gần anh Hữu:

- Bác út mười hai ơi! Bữa nay câu lạc bộ không có mở cửa. Bác về nghỉ sớm đi.

Anh Hữu ngẩng đầu lên trợn mắt:

- Đứa nào đó? À, thằng Nghị hả? Tao đã nói là mười ba sao mày quên hoài vậy. Bây giờ tao là ông Út Mười Ba, nhớ chưa?

- Dạ nhớ. Thôi bác về đi bác Út Mười Ba, tối thứ bẩy bác đến kể vết thương thứ 13 của bác cho tụi này nghe chơi.

Anh Hữu lè nhè một câu gì đó rồi lại gục đầu xuống đôi cánh tay khoanh lại trên bàn.

Một thanh niên khác bước lại lôi anh chàng tên Nghị về chỗ ngồi, vừa lôi vừa cự nự:

- Lỗ tai mày là lỗ tai bằng cây hả mậy? Đã bảo đừng có gợi!

Anh Hữu lại lè nhè, không ngẩng đầu lên:

- Đừng! Đừng rầy thằng Nghị. Nó không có lỗi. Gợi cái gì? Một ông già dày dạn như tao, một ông già sắp xuống mồ lại quá biết rằng đời là cõi tạm sao lại có thể bi luỵ vì nỗi đau tử biệt?.... Viên đạn làm tao bị thương lần thứ mười ba này đã được bắn ra cách đây ba mươi lăm năm, bây giờ mới chạm mục tiêu. Vết thương không làm chảy máu, không để thẹo nhưng tao sẽ đau hoài cho tới chết.

- Ổng bắt đầu nói sàm rồi đó! Tội ghê! - Một chị đàn bà không biết đến đứng sau lưng tôi lúc nào, nói nho nhỏ.

Sức nặng của nỗi đau làm tê điếng tâm hồn tôi mấy hôm nay, trong khoảnh khắc có nhẹ đôi chút. Tôi khỏi phải làm tên sứ giả ác nghiệt giáng lưỡi tầm sét của định mệnh xuống đầu anh Hữu.

Vậy là chị Châu đã chết không đột ngột, có thì giờ trăn trối.

Tác giả bài viết: Trang Thế Hy