Valentine

VNTG- Thằng Hòa dừng xe bên một đám đông thanh niên đang chen chúc mua hoa, thấy lòng rộn lên. Từ hôm qua, nó nghe người ta bàn tán về ngày lễ thánh tình yêu, rằng ngày ấy bạn trai phải tặng hoa bạn gái, bạn gái phải nói câu gì đó vừa lòng bạn trai. Ngày đó là một trong những ngày đẹp nhất trong năm, đẹp như ngày Tết.


Sáng nay là ngày 14 tháng 2, buổi sáng của ngày lễ thánh tình yêu, ngày đẹp nhất ấy. Nó nhớ đến con nhỏ Phương Anh. Rồi nó lẩm bẩm: "Phương Anh đang nhắc đến Hòa phải không? Nếu không sao ruột gan Hòa nóng bừng vậy nè?".
Giờ đây nó đang lách qua được đám đông đến trước quầy bán hoa:
- Chị bán cho em bó hoa hồng va-len-tin ấy!
- Bó nào? - Chị bán hoa đang bực bội.
Thằng Hòa chỉ tay về một bó có bông hoa hồng nhung chúm chím:
- Bó bên phải tay chị đó! Bao nhiêu tiền vậy chị?
- Mười ngàn.
- Em thấy người ta mua tám ngàn mà?
- Hồi sáng sớm giá khác, bây giờ giá khác. Ở đâu cũng lên mười ngàn rồi.
Thằng Hòa thất vọng quá, trong túi nó chỉ có chín ngàn, làm sao có hoa tặng Phương Anh?
Nó móc túi đếm đi đếm lại mấy đồng tiền nhịn ăn sáng từ nhiều hôm trước. Vẫn chỉ có chín ngàn. Nó đành phải cầu khẩn:
- Em chỉ có chín ngàn, chị bán cho em nghe chị.
Chị bán hoa cười giễu:
- Tặng hoa bạn gái mà cũng tiếc tiền hả?
Nó thấy xấu hổ quá. Nó có trả giá cho tình yêu đâu. Sao nó không là người lớn? Người lớn đi làm, có tiền. Một ngàn nhằm nhò gì. Nó tủi thân rưng rưng nước mắt.
- Thôi đừng khóc, chị bán cho đây nè! - Chị bán hoa cười nói- Còn nhỏ cũng bày đặt yêu đương nữa!
Nó cám ơn trả tiền cầm bó hoa, biết lên giá thế này đã mua từ sáng sớm. Hình như chị bán hoa cũng nói đúng, nó còn nhỏ quá, người đi mua hoa ngày này ai cũng lớn hơn nó, ăn nói từng trải. Mà yêu là gì? Có ai nói cho nó biết đâu. Đúng ra nó với Phương Anh chỉ đang trong tình bạn. Phương Anh chỉ một lần cầm tay nó, cầm giữa một đám đông, không có ý nghĩa gì cả. Nhưng nó thấy quý Phương Anh, thương Phương Anh. Rồi thấy ghét cả Phương Anh nữa, Phương Anh hay mỉm cười với những thằng khác. Điều chắc chắn là nó thấy yêu yêu. Nếu không, sao lại nhớ đến cháy ruột cháy gan như vậy.
Cầm bó hoa, nó viết vội tên nó vào một góc ở phía tay cầm, đặt bó hoa trước giỏ xe đạp Trung Quốc đạp xe như bay, nghĩ đến phút đứng trước mặt Phương Anh lòng thấy hân hoan kỳ lạ. Chắc Phương Anh sẽ nắm tay nó, cái nắm tay tuyệt vời. Trong căn phòng xinh đẹp của Phương Anh chỉ có hai đứa. Tim nó sẽ đập rộn lên. Gương mặt Phương Anh rạng rỡ hơn bất cứ lúc nào. Tình yêu bắt đầu từ giờ phút thiêng liêng ấy.
Cánh cổng nhà Phương Anh đóng kín. Giàn hoa giấy đỏ bừng, phủ trên cổng lớn. Hòa chống xe ghé mắt nhìn vô. Một khoảng sân rộng có đến hơn chục chiếc xe gắn máy, toàn những xe đời mới, sang trọng khiến nó ngỡ ngàng. Tự nhiên nó nhìn lại xe nó, sao mà cũ kỹ, xấu xí, thua kém đến thế. Ai người ta còn mê chiếc xe đạp Trung Quốc đã chạy ba năm cũ mèm như vầy? Sao nó không biết phận mà xách mặt đến đây? Mà Phương Anh đã yêu nó đâu, sao nó đi tặng hoa? Trong nhà, tiếng nhạc, tiếng cụng ly, tiếng " Dzô!… dzô! " vọng ra làm nó tủi thân.
Không bấm chuông, lặng lẽ không để ai biết mình đã đến đây, nó nhảy lên xe phóng một mạch về nhà.
Người mở cổng là ông nội. Ông năm nay vừa tròn bảy mươi. Sau một cơn bịnh, ông đã yếu đi, không nhanh nhẹn như trước, nhưng giọng nói vẫn sang sảng, trẻ trung:
- Con đi đâu về trưa quá vầy nè?
Thằng Hòa lúng túng. Nhưng chỉ giây phút nó trở lại thông minh láu lĩnh, cười tươi nói:
- Ông nội ơi, ông nội không biết hôm nay là ngày gì sao? Hôm nay là lễ thánh tình yêu Va-len-tin đó ông nội ơi! Bạn gái con tặng con bông hoa hồng này. Ông nội thấy bông hồng đẹp không?
Ông nội cười nói:
- Ôi cháu ông lớn quá rồi, năm trước đã biết gì tới ngày này đâu?
- Con tặng ông nội bông hồng này, con yêu ông nội nhứt.
- Ôi con ngoan quá, ông nội thấy sung sướng lắm con biết không?
- Con tặng ông nội rồi ông nội tặng lại người yêu của ông nội nghen?
Ông nội xoa đầu thằng Hòa, cười cười:
- Ôi cháu tôi thông minh, hiểu biết quá chừng. Con biết không, hồi tuổi con ông nội còn tắm truồng ngoài sông, cỡi trâu lưng đen nhẻm, có biết nói tình yêu tặng hoa gì đâu.
- Bây giờ khác rồi ông nội ơi. Ông nội ra ngoài đường coi, người ta đi xe hơi đời mới, đàn bà đàn ông nhuộm tóc, áo quần mô-đen, ông lớn ông nhỏ ai cũng có bồ bịch hết.
- Kệ người ta. Người ta giàu sống theo lối giàu, mình nghèo sống theo lối nghèo.
Thằng Hòa nhớ tới mấy chiếc xe trong sân nhà Phương Anh, thở dài, mắt rưng rưng. Mình nghèo, bày đặt đi yêu con nhà giàu sang làm chi? Không ai ngu như mình. Phương Anh có yêu mình đâu, nó yêu mấy chiếc xe đời mới, yêu mấy thằng nhuộm tóc, suốt ngày bia bọt. Mình không nghĩ tới người ta nữa, coi như không ai quen biết ai, như vậy là là nhẹ nhõm thôi. Nhưng cái đầu mình ngu lắm, cứ nghĩ tới Phương Anh hoài. Ngu thì khổ là vậy.
Ông nội đặt bó hoa lên bàn, tay run run. Thằng cháu biểu ông tặng lại người ông yêu. Như nó hiểu lòng ông vậy. Lòng ông chợt xốn xang kỳ lạ. Ông nhớ tới Lan, người con gái bốn mươi năm trước ông đã yêu, một tình yêu lặng thầm đau đớn. Hồi đó ông đã có vợ rồi, có đứa con trai kháu khỉnh, là cha của thằng Hòa. Ông đã lấy một người vợ ông không quen, không yêu. Ông sống với vợ nhiều năm trong sự bực dọc triền miên. Vốn là con nhà có học, ông cắn răng chịu đựng những lời thô lỗ của bà, coi như số trời sắp đặt ông phải gánh chịu vậy. Rồi quê ông được giải phóng, ông thoát ly tham gia cách mạng. Hôm ra đi, ông chỉ nói với vợ một câu: "Bà ráng nuôi thằng nhỏ. Tui đi theo giải phóng, đất nước thống nhứt mới về".
Rồi ông đi biền biệt. Bà ở nhà chăm lo vườn tược nuôi con. Ông có chút chữ, nói năng chỗ đông người lôi cuốn, lại có chút khả năng sáng tác ca cổ, chút tài hoa ấy thu hút tâm trí tình cảm một cô gái tên Lan, diễn viên trẻ của đoàn văn công. Mỗi lần ông tới đơn vị Lan, nói chuyện thời sự, Lan tìm gặp ông, hai người kéo nhau ra chỗ vắng thì thầm chuyện vãn, cô gái không ngớt khen ông giỏi việc này việc nọ. Chẳng bao lâu trong đoàn bắt đầu xì xầm về mối quan hệ của vị tuyên huấn với cô diễn viên trẻ của đoàn. Lan bèn quyết định phải nói rõ lời yêu ông, không úp mở gì nữa, chẳng đi đến đâu. Sau một buổi biểu diễn Lan dắt ông đến bên một con suối, tựa đầu vào ngực ông nói:
- Em yêu anh. Anh có biết cho tình yêu của em không? Em sẽ yêu anh suốt đời anh biết không?
Trước đó ông đã mường tượng ra nhiều điều nhưng không ngờ được nghe những lời mặn nồng tha thiết đến như thế này.
Từ đêm đó ông sống trong sự ngây ngất của tình yêu, bắt đầu có những tật mới, suốt ngày lẩm bẩm một mình, nói những điều vẩn vơ mà ngay cả ông cũng không hiểu. Ông gọi tên Lan mỗi ngày cả mấy trăm lần, cả những lúc ăn lúc ngủ. Ông khua tay múa chân như thể đang thủ vai một nhân vật nào đó trên sân khấu. Ông sáng tác những bài vọng cổ luôn thấp thoáng có hình ảnh cô diễn viên Lan. Ông không thể hiểu mình, có vợ rồi ông mới tìm thấy tình yêu. Ông tiếc khi ông chưa vợ sao không gặp được Lan. Tuổi trẻ của ông vô nghĩa và tệ hại quá. Lúc này là lúc ông cần phải sống hết mình với tình yêu, mọi đam mê của tình cảm. Ông không ngờ trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt như thế này ông lại có được một mối tình đẹp như mơ như thế này.

 
Người ta nói "ăn vụng thì ngon". Ông sống trong thắc thỏm lo âu. Vắng Lan ông thấy trống trải không chịu được. Rồi một dịp may đến với ông, ông được đi theo đoàn suốt một tuần lễ để phục vụ bộ đội trước khi vào chiến dịch. Một đêm hai người kéo nhau ra một bãi cỏ có những bụi lau che kín. Dưới trăng mờ, họ quấn quýt yêu đương nhau. Lần đầu tiên cô diễn viên hiến thân cho người đàn ông cô yêu. Nhưng rồi trên đường về một tiếng hô sắc lạnh vang lên:
- Ai đó?
Lan hoảng hốt choàng tay quàng lấy cổ ông, còn ông thì như một cái máy, lao thẳng vào bụi lau gần đó. Nhưng không thể thoát được. Một khẩu súng chĩa thẳng vào mặt ông và ông chỉ biết tuân lệnh. Hóa ra, để bảo vệ đoàn văn công trong đêm biểu diễn, đơn vị được phục vụ đã canh gác rất cẩn mật. Hai người được đưa về đoàn, làm bản tự kiểm điểm, ông được trả về đơn vị cũ. Lan bị kỷ luật trong lúc mang bầu, bị nhục nhã cũng không thể tiếp tục công tác, âm thầm về Sài Gòn tìm một người quen làm ăn sinh sống như người dân bình thường.
Ngày miền Nam giải phóng, ông với chiếc ba lô trên lưng trở về quê nhà, làm việc ở Ban Tuyên huấn huyện. Như vậy là ông được an ủi rồi. Chỉ còn việc tìm Lan. Hồi ấy Lan rời đoàn văn công trong lặng thầm đau khổ, không nói với ông được một lời, ông không biết Lan có bầu. Ông cố tìm những người trong đoàn văn công thời kháng chiến hỏi tin Lan, nhưng không tìm được đâu cả.
Một hôm, trên đường đi công tác, xe ông phải dừng lại, phía trước có một vụ đụng xe. Một người đàn bà đi xe gắn máy quẹt phải một chiếc xe du lịch tự té giữa đường, đầu gối bị dập, mặt bị xây xát, một ngón tay bị gãy. Chiếc xe hơi bỏ chạy về Sài Gòn. Ông bước xuống nhìn người bị nạn, cảm thấy như đã quen người này ở đâu đó lâu lắm rồi. Không chần chừ ông bảo anh tài xế đưa người đàn bà lên xe chạy về bệnh viện huyện. Khi làm thủ tục nhập viện, ông mới biết người đàn bà đó là Lan.
Sau đợt công tác, hàng ngày ông bí mật tới thăm người yêu cũ. Do các vết thương khá nặng, bà Lan xuống sức xuống sắc rất nhanh. Ông vuốt lại mái tóc ngày xưa ông đã từng ve vuốt.
- Em đang sống với ai, Lan?
Bà nhìn ông, đuôi mắt đã có những vết chân chim, nhưng cái nhìn vẫn còn ngây thơ như lần đầu ông mới gặp.
- Anh đừng hỏi, em buồn lắm.
- Là sao? Chuyện gì đã đến với em?
Bà thở dài:
- Em đã thôi chồng rồi.
- Em lấy chồng hồi nào?
Bà chảy nước mắt khóc:
- Chuyện dài lắm, em không kể hết được đâu.
Bà cắn môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Ông thấy thương bà biết chừng nào. Ông nhìn bà kỹ hơn. Sự mơn mởn, xuân xanh thủa nào vẫn còn đâu đó ở bà, hoặc do ông tưởng tượng ra. Dù sao ông cũng thấy vô cùng nuối tiếc. Bà không cho ông biết về những ngày đã qua uẩn khúc của bà, tuy ông rất muốn truy tìm, biết tận tường những bí ẩn ấy. Ông lần dò hỏi thăm tìm đến ngôi nhà của bà. Thì ra, bà cũng ở cùng thành phố với ông. Đó là một ngôi biệt thự thì đúng hơn, không như nhà ông nhỏ bé, ở trong một con hẻm nhỏ. Ông đã có nhà ở quê, thời đi kháng chiến vợ ông buôn bán, dành dụm mua được một căn nhà ở thành phố với giá rất rẻ. Ngày đi làm việc, thỉnh thoảng ông lên thăm ngôi nhà này của bà Lan. Từ khi bà Lan nằm bệnh viện, ông lấy cớ phải giải quyết một số giấy tờ liên quan đến hoạt động của nhiều người trong thời kỳ kháng chiến, để thoát khỏi sự kiểm soát của vợ. Một hôm ông đánh liều bước vào ngôi biệt thự của bà Lan, nhưng chỉ nhận được sự đón tiếp hời hợt. Dẫu vậy, ông vẫn nhận ra tình yêu của bà đối với ông, một tình yêu thấm đẫm nỗi đau, sự cảm thông và chịu đựng.
Từ đó vài tuần một lần ông đến nhà bà. Đứa cháu gái của bà nhìn ông với đôi mắt không mấy thiện cảm. Ông đành phải lánh mặt nó bằng cách hẹn bà cùng chạy thể dục vào các sáng thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, những ngày đó ông về ở tại nhà trong thành phố. Năm sau, ông bà tiến thêm một bước nữa. Họ hẹn nhau tại các nhà hàng. Rồi sau đó, theo tiếng gọi của tình yêu, bà một mình đến nhà ông để nối thêm những phút giây hạnh phúc bên nhau mà ba chục năm trước họ đã từng có.
Chẳng bao lâu ông về hưu. Bà Lan cũng già thêm. Ông không còn sung mãn như trước. Bà vợ ông giành ngôi nhà tại thành phố cho con trai. Thằng Hòa được ở lại với ông. Năm sau vợ ông qua đời vì căn bệnh ung thư gan. Hai ông cháu sống với nhau, mọi quý giá ông đều dành cho thằng cháu nội.
*
*             *
Đặt bó hoa lên bàn trong đầu ông chợt hiện lên hình ảnh bà Lan, dù đã tuổi bảy mươi, ông vẫn thấy trái tim mình xao xuyến. Không ít lần ông ước được sống chung với bà dưới một mái nhà ấm cúng. Nghĩ vẩn vơ một hồi ông gọi thằng Hòa:
- Con coi nhà ông đem bó hoa này tặng cho ông bạn già của ông. Cháu phải hiểu, trong chiến tranh tình yêu lớn nhất là tình yêu đồng đội.
Thằng Hòa hiểu tình cảm hệ trọng của ông nội, ngoan ngoãn đáp:
- Dạ!
Ông đặt bó hoa vào giỏ trước của chiếc xe Honda đời 84, dắt xe ra cổng, giật mình nghĩ bụng, có ai thấy ông trong cảnh này chắc buồn cười lắm, rồi sẽ đồn ầm lên, không hay ho gì. Ông quay trở vào nhà lấy chiếc túi bàng cho bó hoa vào trong, treo bên hông xe, trở ra chạy đi.
Ông rụt rè bấm chuông trước cổng ngôi biệt thự. Từ trong nhà, bà Lan thủng thỉnh bước ra. Chợt thấy ông, bà mỉm cười trách:
- Cả thế kỷ rồi anh mới bước chân tới đây.
Ông thấy thương bà nhiều hơn. Vẫn cái duyên xưa. Gần quá mà sao như còn rất xa. Ông muốn làm một cử chỉ nào đó để bà đọc được sự nhớ nhung của ông, nhưng ông không làm được. Bà mời ông vào nhà. Ông tỏ ra bối rối, vụng về khi rút bó hoa từ trong giỏ bàng làm bà hết sức ngạc nhiên.
- Em biết hôm nay là ngày gì không?
Bà bụm miệng cười:
- Em thấy anh đổi mới nhiều quá. Em không ngờ… Hôm nay là ngày vui của tụi nhỏ.
Ông giải thích:
- Ngày va-len-tin, em biết không?
- Em biết. Sáng nay bạn bè cháu ngoại em tới đây, ăn nhậu một chặp kéo đi nhà hàng rồi.
- Ngày này đâu phải chỉ dành riêng cho tụi nhỏ?
- Đúng vậy, nhưng… mình già rồi.
Ông thở dài:
- Anh vẫn thấy như bốn mươi năm trước đây, không hề già chút nào. Em vẫn là cô diễn viên Lan xinh đẹp, cô gái mà suốt đời anh không thể quên.
Bà cười:
- Anh đúng là một nghệ sĩ, em mừng là trái tim anh không già.
Tay ông run run đưa bó hoa cho bà. Bà đỡ lấy, đôi tay cũng run run. Bốn mươi năm một mối tình, lần đầu tiên bà nhận được bó hoa từ tay người yêu. Bà cẩn trọng đặt nó vào một bình pha-lê. Ông đứng dậy, chậm rãi và yếu ớt, hai tay quàng lấy cổ bà, nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên môi bà. Bà cúi đầu xấu hổ. Rồi bất thần, bà ngẩng mặt lên, hai giọt nước mắt lăn ra từ hai khóe. Bà nói nhỏ:
- Sao đời em khổ vậy anh? Hồi đó yêu anh, em bị kỷ luật. Trốn về Sài Gòn, gặp phải một người đàn ông giàu có nhưng đã có vợ. Em phải về đây, xây nhà, chia tay chồng. Em không dám nói cho anh biết, con gái em, con Phương Hoa, là con của chúng mình. Nó có một cháu gái, năm nay mười sáu tuổi rồi, đang ở với em.
Ông giật mình. Đôi mắt rơm rớm nước:
- Sao trước đây em không cho anh hay?
- Em sợ tin này làm xáo trộn gia đình anh.
- Bây giờ, thỉnh thoảng cho anh gặp con gái.
Bà gật đầu:
- Con gái mình cũng khổ lắm. Nó làm trong công ty du lịch Sài Gòn, bị chồng bỏ, vài tuần về đây một lần.
Bà bước tới lấy tấm ảnh trên bàn cạnh cửa sổ đem đến đưa cho ông. Ông cầm lấy:.
- Con Phương Hoa phải không?
Bà gật đầu:
- Phải, anh thấy nó giống anh không? Cũng cái tai ấy, anh thấy không?
Ông chăm chú nhìn tấm ảnh tìm những nét thân quen, máu thịt của ông, mối tình bốn mươi năm của ông, nhìn mãi cho đến lúc chia tay ra về.
Tối hôm ấy, bé Phương Anh trở về với gương mặt rạng rỡ, khoe với bà ngoại về sự hào phóng của các bạn trai. Chợt thấy một bó hoa trong bình pha-lê, nó hỏi:
- Ngoại ơi, hoa ai tặng mà đẹp vậy ngoại?
Bà Lan hoảng hốt, nhận ra sự bất cẩn của mình. Giá như bà đem hoa vào phòng riêng, chắc chắn bà chẳng phải đối phó với đứa cháu gái. Bà đành gượng cười, nói dối:
- Hoa bạn trai của cháu đấy.
Phương Anh mừng rỡ cầm bó hoa ngắm nghía, ngạc nhiên đến mắt trố ra. Ở một góc nhỏ phía dưới bó hoa, có mấy chữ viết nhỏ: " Hòa tặng Phương Anh ".
Bà Lan hỏi:
- Có chuyện gì vậy, Phương Anh?
Nó nhìn bà, nói như khoe:
- Ngoại ơi, cái ông thường đến nhà mình là ông nội của bạn con đó ngoại.
Bà Lan nhắm mắt lại, lắc đầu, như tự nói với mình:
- Cái ngày va-len-tin ai đặt ra mà lạ quá, con ơi!
 

Tác giả bài viết: Lê Ái Siêm

Nguồn tin: Tuyển tập Truyện ngắn TG (1975- 2005)