Tiếng chuông chùa

Thằng Khả bỏ nhà đi đã 3 ngày rồi. Mới có 3 ngày mà nó đã biến thành một con người hoàn toàn khác. Từ một đứa con cưng, lúc nào cũng ăn mặc sạch sẽ, thẳng thớm, trở thành kẻ bụi đời; đầu tóc bù xù, áo quần bẩn thỉu. Những ánh mắt thân thiện mỉm cười nhìn nó mỗi khi mẹ đưa nó tới trường, bây giờ thay vào là những ánh mắt cảnh giác.

Từ ngày bỏ nhà đi, nó không còn tên nữa, không còn được đối xử như một con người bình thường. Khi muốn nó giúp khiêng vác cái gì, người ta chỉ cần vẫy tay, hoặc kêu “ê, nhóc!”; có khi kèm theo đó là những tiếng chửi thề tục tĩu. Ban ngày nó lang thang ở các bến xe, bến đò, dãy vựa… giúp người ta khiêng vác, để người ta cho tiền sống qua ngày. Tối, nó thu mình trên băng đá ở công viên, quấn chiếc chiếu cũ nhặt được ở bãi rác. Những đêm mưa thì chạy vào hiên nhà người ta, nằm co sát vào một góc vì muỗi và vì lạnh. Nhớ đến chiếc giường ấm áp ở nhà, nước mắt nó chảy dài.

Cha thằng Khả là một sĩ quan quân đội. Sau nhiều năm làm nghĩa vụ quốc tế, trở về ông lại nhận nhiệm vụ xây dựng một đơn vị mới. Đóng quân ở vùng xa, nên có khi hơn tháng ông mới về nhà. Mẹ nó vừa bán tạp hoá, vừa chăm sóc nhà cửa, con cái. Nhà chỉ có hai chị em, nên thằng Khả không thiếu thứ gì. Nó rất tự hào vì trong lớp nó được coi là người “chịu chơi” nhất, hào phóng nhất; mấy đứa quậy nhất lớp cũng kêu nó bằng đại ca. Nó rất thích được gọi như vậy và để chứng tỏ mình xứng đáng với địa vị đó, nó tập tành ăn chơi. Ban đầu chỉ là chơi đá cá, đá dế, banh bàn; rồi tiến tới chơi bi da và bây giờ thứ nó nghiện nhất là chơi game. Hàng ngày, mẹ nó đưa  nó đi học rất đúng giờ; còn cẩn thận nhìn theo cho đến khi nó vào lớp mới quay về. Nhưng mẹ nó đâu biết rằng ngay khi bà quay lưng thì thằng Khả cũng biến khỏi trường. Tan học, mẹ nó đến rước, nó đã ngoan ngoãn mang cặp đứng chờ như bao đứa trẻ khác. Cho đến cuối tuần rồi, trường cử người đến tận nhà mời phụ huynh đến gặp, thông báo tình hình học tập của thằng Khả, thì mẹ nó mới té ngửa. Thì ra bấy lâu nay thằng Khả đã nói dối là gia đình rất khó khăn: Cha là bộ đội, đóng quân ở xa; chị bị bệnh tim bẩm sinh, thường phải vào bệnh viện. Nhiều lần nó phải nghỉ học để giúp mẹ lo cơm nước cho chị nó. Có khi nó đang học thì có điện thoại gia đình gọi về vì chị nó trở bệnh. Nó thường phải cúp tiết để đem cơm tới bệnh viện cho mẹ và chị!…


Minh họa: Lê Hồng Thái

Mẹ thằng Khả choáng váng khi nghe những lời đó của cô chủ nhiệm. Tay chị run run cầm mấy lá đơn của “mẹ thằng Khả” gởi cho trường để xin cho nó nghỉ học. Trong khi hàng ngày chị vẫn đưa rước con đi học, thì “mẹ thằng Khả” nào đây đã xin cho nó nghỉ học hết lần này đến lần khác? Mẹ thằng Khả nào đã điện thoại gặp cô chủ nhiệm xin cho nó nghỉ tiết cuối để tới bệnh viện? Chị nó đang học ở trường đại học, chị nào bị bệnh tim bẩm sinh phải vào viện? Trời ơi, đứa con mà chị hết mực thương yêu, chăm sóc; đứa con ngoan ngoãn, hiền lành của chị là thế nầy đây? Người chị tê dại, tai chị lùng bùng, chị nghe mà không hiểu những câu sau cô chủ nhiệm nói gì, chỉ biết rằng thằng Khả có thể không được lên lớp.

Mẹ thằng Khả vào phòng gọi điện thoại cho cha nó. Khi mẹ nó vừa khóc, vừa kể tội nó với cha nó, thì ở ngoài này thằng Khả bỏ nhà đi.

Những ngày gội nắng dầm sương, bữa no bữa đói khiến thằng Khả ngã bệnh. Người nó nóng bừng bừng, đầu như có con ve trong đó. Không còn sức để khiêng vác kiếm ăn, nhưng nó không đủ can đảm vào quán húp những chén canh thừa như mấy đứa bụi đời khác, đành gặm khúc bánh mì khô rồi chui vào hốc cây đa trong công viên nằm chịu. Nhiều lần nó muốn về nhà, nhưng nghĩ đến trận lôi đình của cha, nó đã bỏ qua ý định đó. Nó cũng đủ khôn để biết rằng nếu cứ như thế này thì nó sẽ chết mà không ai hay, nên nó nghĩ đến một ngôi chùa, hay một tu viện.

Thằng Khả đi thất thểu về phía ngoại ô, tiến sâu vào những con đường đá đỏ ngoằn ngoèo. Đến một lối nhỏ rẽ vào khu vườn rậm rạp, nó vui mừng khi thấy tấm bảng đề “Chùa Giác Minh”. Con đường rải sỏi trắng dẫn vào chùa không đầy trăm mét, nhưng với thằng Khả lúc này thật xa. Miệng nó khô đắng, người nó chông chênh, đất dưới chân nó cứ chập chờn.

Thằng Khả được sư Giác Thiện phát hiện nằm bất tỉnh trước cổng chùa. Nhìn thằng bé xơ xác, nhầu nhĩ, nhà sư biết nó kiệt sức vì đói khát, hơn là bị bệnh. Sau khi được đổ sữa nóng và lau mát, thằng Khả đã tỉnh lại. Lần đầu tiên sau mấy ngày bỏ nhà đi nó được thấy người khác mỉm cười với nó, nhìn nó bằng ánh mắt dịu dàng và nói với nó bằng giọng nói hiền lành, ấm áp. Nhận ra nhà sư và hai chú tiểu, thằng Khả yên tâm thiếp đi.

Thức đậy, nó thấy mình nằm trên chiếc giường nhỏ, có chiếu chăn, màn gối sạch sẽ ở hậu liêu. Nó được cho ăn cháo và uống thuốc; nhưng hỏi gì nó cũng lặng thinh. Nhà sư buồn bã thở dài: “Có lẽ con đã trải qua nhiều biến cố, một lời không thể nói hết được. Thôi con cứ nghỉ

ngơi đi!”.

Đêm đó, qua thông báo tìm người trên tivi, nhà sư đã thấy hình ảnh thằng bé nơi hậu liêu. Nó là Võ Duy Khả, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở An Bình. Ông còn biết tên cha, mẹ nó; biết địa chỉ và số điện thoại của nhà nó. Qua cái câu “Con ở đâu, về gấp. Mọi lỗi lầm cha mẹ tha thứ hết”; nhà sư lờ mờ đoán được nguyên nhân khiến thằng Khả bỏ nhà đi. Ông nhấc máy điện thoại, nhưng lại bỏ xuống. Ông không muốn thằng Khả trở về khi nó chưa nhận thức được vấn đề, chưa thật tâm hối lỗi. Nhà sư thở dài, ký ức một thời tuổi thơ nông nổi, những hình ảnh đau buồn mà ông chôn chặt mấy mươi năm, bỗng sống lại qua hình ảnh thằng bé nơi

hậu liêu.

Đêm đó, nhà sư đem đến cho thằng Khả một chén cháo đậu. Ông ngồi lặng yên, chờ thằng Khả vét muỗng cháo cuối cùng, mới nhẹ nhàng hỏi nó: “Con có muốn nghe ta kể chuyện không?”. Thằng Khả gật đầu. Nhà sư nhìn vào màn đêm mênh mông và đi vào câu chuyện bằng một giọng âm trầm.

40 năm trước, có một cậu học trò tên Vấn. Cha Vấn chết trong một tai nạn lao động, hai mẹ con sống với bà ngoại. Bà ngoại đã già, mẹ Vấn phải tần tảo mua gánh bán bưng để lo cho Vấn ăn học. Nhưng Vấn không lo học, mà theo đám bạn hư tập tành các món ăn chơi. Từ hút thuốc, đánh bài cào, chơi bi da; nó tiến tới chơi sập sám, đá gà, cá độ…Rồi nó mắc nợ, sanh trộm cắp. Ban đầu thằng Vấn chỉ lấy tiền của mẹ nó và bán những thứ mà mẹ nó mua cho nó; như đồng hồ, xe đạp. Rồi tiến tới một bước, nó lấy tiền của bạn học, bắt gà của hàng xóm đem đi bán… Chuyện phải đến thì sẽ đến, thằng Vấn bị bắt, bị nhà trường đuổi học. Tin đó làm mẹ nó ngã quỵ như tàu lá héo. Sau mấy ngày bỏ ăn bỏ ngủ, thấy thằng Vấn có vẻ ăn năn, hứa hẹn sẽ làm lại từ đầu, bà gượng đứng lên để tiếp tục cuộc sống. Bà đưa nó đến một lớp học nghề với hy vọng sau này nó có thể tự nuôi sống bản thân. Nhưng thằng Vấn chỉ học được vài ngày thì đâu lại hoàn đó. Tiền mẹ nó cho đóng học phí nó nướng hết vào cờ bạc. Rồi cái vòng lẩn quẩn “cờ bạc, mắc nợ, trộm cắp” lại lặp lại. Nó lấy đôi bông tai kỷ niệm của bà ngoại đem đi bán. Bà ngoại nó buồn rầu sanh bệnh, rồi qua đời. Nó cũng buồn, nhưng chỉ được mấy ngày thì coi như không có chuyện gì xảy ra. Đến cái ngày nó ăn cắp xe đạp, bị bắt, bị đưa đi cải tạo… nó biết sợ thì đã muộn.

Khi nó mới vào trại cải tạo mẹ nó có đến thăm vài lần, sau đó không thấy nữa. Nó nghĩ là mẹ nó đã chán ghét nó, không còn thương nó nữa; nhưng thằng Vấn không giận mẹ, nó quyết tâm cải tạo thật tốt, tìm một cái nghề để sau này nuôi mẹ nó.

Hai năm sau thằng Vấn trở về. Ngõ vào nhà nó cỏ dại bò lấp lối; căn nhà mái tole, vách ván của mẹ con nó đã sập một góc. Lối xóm cho biết, nó đi cải tạo vài tháng thì mẹ nó bị bệnh tâm thần; suốt ngày đi lang thang, lúc khóc, lúc cười như đứa trẻ. Được một tổ chức từ thiện tài trợ, người ta đã đưa mẹ nó vào Bệnh viện tâm thần. Bà đã sống trong đó gần hai năm rồi.

Thằng Vấn vào thăm, mẹ nó không nhận ra nó. Nó gọi mẹ, nhưng mẹ nó chỉ cười. Nếu như trước kia thì bà đã khóc. Bây giờ thằng Vấn khóc, bà cũng chỉ cười. Cái cười ngờ nghệch, điên dại của người không còn lý trí.

Nhờ lối xóm giúp đỡ, thằng Vấn sửa lại ngôi nhà và xin được một chân bốc vác ở bến cảng. Muốn rước mẹ nó về, trước tiên nó phải có điều kiện chăm sóc mẹ. Biết vậy, nên thằng Vấn làm việc rất cần mẫn và sống rất tằn tiện; nó chắt chiu dành dụm từng đồng. Khi nó sắp đủ tiền mua đồ nghề mở tiệm sửa xe, thì…nó không còn cơ hội để chuộc tội nữa. Mẹ nó đã… chết …!

Giọng nhà sư như bị hụt hơi, khó khăn lắm ông mới thốt được mấy câu cuối. Đầu ông cúi thấp, đôi vai run run. Ông cứ ngồi yên như thế thật lâu. Thằng Khả như đang sống trong tâm trạng của người trong cuộc, lòng nó run rẩy vì sợ hãi, vì hối hận bởi bao tội lỗi. Nó rất muốn hỏi nhà sư bây giờ thằng Vấn ra sao, nhưng nó không dám hỏi. Như đọc thấu tâm can nó, nhà sư hít một hơi thật sâu để xua đi cục đá đang chẹn trong lồng ngực, rồi cất giọng nhẹ như hơi thở: Thằng Vấn bán cái nền nhà, quyên hết tiền vào Bệnh viện Tâm thần; rồi ôm hũ tro cốt của mẹ nó tìm đến một ngôi chùa…Từ đó không ai còn thấy thằng Vấn nữa. Năm dài tháng rộng, người đời cũng đã quên chuyện thằng Vấn hư hỏng; nhưng thằng Vấn thì mãi mãi không quên được những tội lỗi của mình, cho dù nó có đọc bao nhiêu lần kinh sám hối.

Bỗng có tiếng chuông vang lên từ chánh điện. Tiếng chuông được sự tĩnh mịch của màn đêm nối dài, ngân nga, xuyên qua mọi ngõ ngách của cuộc đời. Tiếng chuông như gọi hồn, như thức tỉnh thằng Khả sau một cơn mê dài. Nó bỗng thấy nhớ nhà, nhớ mẹ  cồn cào và nó thấy sợ cái cảnh phải sống một mình trên đời. Nó hy vọng nó còn cơ hội để sửa đổi, để báo đáp người thân, chứ không cùng đường như thằng Vấn nào đó.

Một tiếng chuông nữa lại vang lên. Nhà sư nhắm mắt, chắp tay niệm nam mô, rồi chầm chậm đi vào chánh điện.

Tác giả bài viết: Ngọc Thủy

Nguồn tin: VNTG số 53