Ru chó

Chín giờ sáng vẫn không thấy bóng con Mina. Thằng con tôi chạy tìm khắp nơi, mệt bở hơi tai, vẫn không thấy. Bốn con chó con chưa mở mắt, lông màu da bò phớt đen bụ bẫm bằng cườm chân, khát sữa cứ rên ư ử, bò lùi nhủi ra khỏi ổ tìm hơi mẹ.

Mina là con chó mẹ lông màu trắng đục, hồi nhỏ nó chơi rất thân với thằng con của tôi. Hai đứa đùa giỡn suốt ngày. Trưa nào cũng ôm nhau nằm ngủ dưới gạch. Mina rất khôn, ai ghẹo chọc con tôi, nó bênh vực liền, trợn mắt sủa vang. Nó lại biết làm toán. Thằng con tôi giơ mấy ngón tay. Nó sủa liền mấy tiếng. Cả nhà đều quý con chó, xem nó như một thành viên thân thiết trong gia đình. Vừa rồi nó đẻ bốn, nuôi con tận tụy, trông ốm thấy rõ. Vậy mà bây giờ nó đi đâu mất, thằng con tôi tìm mãi không được, cứ khóc mếu máo.

Mười hai giờ trưa vẫn không thấy bóng con Mina đâu, đàn chó khát sữa, cứ rên ư ử, như khóc tức tưởi. Đích thân tôi đi kiếm, tôi đổ ngược về xóm dưới, nghe tin nhiều người đêm qua cũng bị mất chó. Thôi rồi, như vậy con Mina cũng bị bọn trộm dùng điện chích bắt mất. Bà con ai cũng rủa: “Quân trời đánh”. Biết tình cảnh đàn chó con của tôi còn đang bú mất mẹ, ai cũng chắt lưỡi xót xa.

Dạo này thị trường đang bị cơn bão giá hoành hành, đời sống rất khó khăn, eo hẹp, sáng sớm cha con, chồng vợ chỉ dám ăn cơm nguội với nước tương, tôi cũng đành bấm bụng mua hộp sữa Ông Thọ về mớm cho lũ chó con, lạ mùi chúng nó không chịu uống, cứ nhè ra. Tôi phải cạy miệng từng con, lấy muỗng cà phê đổ vào. Thằng Hòa thấy vậy, đứng cười vỗ tay: Cha làm mẹ chó.

Thiếu hơi mẹ, chúng cứ rên ư ử, bò lủi nhủi không yên, thằng Hòa vuốt ve từng con dỗ dành: Ngủ đi, ngủ đi cún ơi. Chúng cứ run run bò mỗi con một ngả trông thật đau lòng.

Mười hai giờ đêm lũ chó vẫn kêu rên làm tôi không tài nào ngủ được. Chúng bò mỗi con một ngả mong tìm hơi mẹ. Bực mình, tôi thức dậy, lấy thúng, rổ, bắt tất cả bỏ vào đậy kín lại.

 
Đến hai giờ bọn chúng vẫn kêu la không ngớt. Vợ tôi trở mình ho húng hắng. Tôi biết cô ta cũng ngủ không yên. Tôi liền nảy ra một sáng kiến, lấy chiếc áo cũ đùm lũ chó lại đem lên võng đưa. Có hơi người ấm áp, chúng rút vào bụng tôi, liếm tay tôi chem chép. Tôi vuốt ve từng con vỗ về: Ngủ đi, ngủ đi. Chúng bớt kêu la, chỉ còn gừ gừ nho nhỏ. Chó con bỗng tè trên bụng tôi, tôi cứ để yên, chút nước tiểu chó con cũng không có gì đáng ngại. Lát sau chúng cũng chịu yên, nằm thiêm thiếp.

Tôi đưa nhè nhẹ. Tiếng đồng hồ gõ cạnh cạnh đều đều. Tôi mơ màng tới biết bao hoài niệm vọng về. Hồi đó vợ tôi đi dạy học. Hầu như một tay tôi lo tất, từ chuyện ăn uống, tắm giặt, đến ru con ngủ. Sáng sớm ăn xong, chơi vài tiếng đồng hồ, bú thêm bình sữa, tôi đem thằng Hòa lên võng ru. Tôi ru rất nhiều bài, đến bài mùi mẫn nhất là bài: chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây, thấy cô tang tình gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng… là thằng nhỏ híp mắt. Dường như những làn điệu dân ca ấm áp, mượt mà đã thắt chặt thêm tình phụ tử giữa hai cha con. Dù đã học đến lớp ba, thằng Hòa lúc nào cũng đeo tôi sát sút, nó mến cha hơn mến mẹ, phải chăng cũng nhờ những lời hát ru?

Bọn chó thỉnh thoảng lại cựa quậy kêu ăng ẳng tức tưởi, tôi vuốt ve từng con và thầm ru: Chiều chiều ra đứng tây lầu tây…

Tôi phải ru suốt một tuần lễ, bọn chó con mới mở mắt, biết ăn, chạy giỡn nô đùa vui vẻ. Người tôi lúc nào cũng sặc mùi chó. Thôi thì thương con phải thương cả chó con, con của con chó của nó.

Tác giả bài viết: Dương Minh Tâm

Nguồn tin: VNTG số 33