Quê ngoại


Bơi tới vàm sông Mỹ Tây, bà tôi bảo tấp vô gốc gừa nghỉ tay một chút. Dòng sông vắng vẻ lạ thường. Cái im lặng rờn rợn của sự chết chóc thời chiến tranh sao ảm đạm, bí hiểm quá. Giữa không gian tĩnh mịch đó, bỗng đâu lảnh lót một tiếng chim trên cây xoài cụt ngọn. Tiếng con chích choè lửa nghe  ríu rít hồn nhiên làm cho cảnh vật bớt phần hoang vắng. Tiếng con chim líu lo trên cây xoài gie sát bờ sông, cây xoài khoe những chùm trái chín vàng như cố chắt chiu những gì quí giá còn lại của mình, thưởng công cho ai vẫn còn nắm níu mảnh đất đã bị đạn bom cày xới tan nát.
Minh họa: Thanh Tiên

Tôi đứng lên, với tay định hái chùm xoài nhưng bà tôi ngăn:

- Để dành cho mấy chú đi công tác, mình thèm thì về nhà, thiếu gì con.

- Con hái cho ông ngoại.

- Thôi! Đồ ăn thiếu gì đây. Mùa xoài sau, mình đem vô cho ông, ông có thèm khát gì mà sợ.

Tôi sợ mấy trái xoài bị chim ăn uổng nhưng nghe bà nói vậy đành thôi. Thật ra, nhà tôi ở vùng ven Cái Bè, vườn cây vẫn còn nguyên vẹn nhưng sao tôi tiếc mấy trái xoài lẻ loi. Tôi muốn hái tặng ông, người mà tôi rất thương yêu.

Nghỉ được một chút, bà giục:

- Đi nhanh cho ra khỏi con sông nầy, máy bay bỏ bom bất tử lắm.

Nghe tới bom đạn tôi sợ điếng người, vội cầm cây giầm khuấy mạnh xuống dòng nước ngược. Tôi với bà cố sức bơi không dám hở tay, tai lắng nghe tiếng máy bay u u ở phía xa.

Qua khỏi vàm Xẻo Muồng một đỗi, bà bảo:

- Gần tới rồi, con nghỉ tay để bà bơi cho.

Tôi không bơi nữa mà cúi khom người xuống để vẹt đám lục bình đã bịt kín lối đi. Vừa làm, tôi vừa nhìn cảnh vật chung quanh. Sao hoang tàn quá thế nầy? Những cây cầu bắc qua sông gãy gục, trơ vơ chỉ còn một nhịp ẩm mốc, cỏ dại um tùm không thấy lối đi. Lơ thơ vài ngôi nhà hai bên dòng kinh chỉ còn trơ những cây cột cháy đen nham nhở. Gần đó, mấy cội mai vàng bị bỏ hoang từ lâu cũng cố chắt mót mấy nụ hoa đầu.

Tiếng quạ kêu quang quác trên tàn cây gáo khiến tôi lo lắng quay nhìn bà, bà tôi biết ý, động viên:

- Con đừng sợ gì cả. Ông mầy ở như vầy mới sống được lâu đó. Thôi! Tới đây ngưng được rồi, chờ một chút ông không ra thì con bắt chước tiếng quốc kêu ông.

Tôi với bà ngồi giữa một vùng hoa súng. Dưới làn nước đục, hoa vẫn đỏ hồng. Có chiếc đã nở, có chiếc còn búp, đầu thon thon màu hồng phấn, vượt lên trên làn nước giữa đám lá xanh um. Mỗi lần gió thoảng, hoa rung rinh nghiêng nghiêng theo chiều gió.

Đợi một lúc lâu, không thấy động tĩnh, bà bảo:

- Con gọi ông đi! Chắc ông mầy không thấy. Cỏ dại cao quá, cỏ năm nay cao hơn năm rồi nhiều.

Quốc! Quốc! Quốc! Tôi chu miệng nhại tiếng con quốc rồi im lặng lắng nghe. Một lúc sau, từ trong đám ô rô cóc kèn có tiếng sột soạt rồi mũi xuồng hiện ra. Sau lái, một ông già cao cao gầy gầy mặc bộ đồ đen, đầu vấn khăn rằn. Đó là ông tôi.

Giọng bà tôi nghèn nghẹn:

 - Ông mầy tới kìa! Đừng kêu ầm ĩ nghe con.

Ông tôi chống xuồng nhanh thoăn thoắt. Dáng ông cao ráo vững chãi với cây sào, in đậm dưới ráng trời chiều. Nét mặt ông giãn ra theo nụ cười. Đôi mắt sáng tinh anh…

Tôi kêu nho nhỏ trong cổ:

- Ngoại! Ông ngoại!

Khi hai chiếc xuồng kề nhau, ông đưa tay cho tôi bước qua xuồng ông, ông ôm tôi vào lòng, mắt rươm rướm, giọng  khàn khàn:

- Bà cháu bây tới hồi nào mà ông chờ lâu ghê.

Bà tôi thút thít khóc, đầu cúi thấp trong nón. Nhìn bà rồi nhìn ông tôi cũng muốn khóc quá nhưng cố kềm, giọng nghẹt nơi sống mũi:

-  Ông ở như vầy buồn quá! Ông ở một mình hay ở với ai vậy ông?

Ông vỗ đầu tôi, gượng cười:

- Ông đi đánh giặc mà buồn vui gì con. Đáng lẽ ông dẫn hai bà cháu tới chỗ ông ở nhưng vì cần giữ bí mật cho cơ quan nên không đi được. Khi nào yên giặc ông về. Con ở nhà ráng học, phụ giúp mẹ với bà mầy nghe con.

- Thắm ơi! Con chuyền đồ đạc qua xuồng ông, ăn cơm với ông rồi về để tối.

Tôi phụ khiêng mấy bao gạo và mấy giỏ thức ăn ngày Tết. Xong xuôi đâu đó, bà trải chiếc chiếu mới lên sạp xuồng, hai bà cháu bày thức ăn nấu sẵn ở nhà. Nào thịt ba rọi kho tàu, củ kiệu, dưa giá, bì cuốn, xôi đậu và món gà hầm măng mà ông  rất thích.

Bà âu yếm nhìn ông:

 - Tôi nấu gà hầm măng mềm lắm. Ông ăn cơm rồi chở đồ đạc về cho anh em ăn Tết lấy thảo. Chừng nào yên ổn, bà cháu tôi tổ chức đàng hoàng hơn.

 Ông cười:

- Như vậy là quí rồi. Năm nay anh em có đủ đồ ăn Tết tôi mừng lắm. Năm tới tôi sẽ về ăn Tết với bà cháu bà. Ông về ăn Tết với con nghe Thắm?

- Dạ.

Tôi dạ rõ to rồi gắp miếng thịt gà bỏ vào chén cơm, bước ra sau lái, nhìn chén cơm mà rân rấn nước mắt. Tôi không muốn ông bà nhìn thấy tôi khóc. Tôi khóc thì được tích sự gì? Chỉ tổ làm cho bà mủi lòng thêm. Vả lại, tôi là cháu ông, phải cứng rắn, mạnh mẽ như ông, dù  tôi là con gái nhưng đâu phải con gái nào cũng mau nước mắt đâu.

Ông vừa ăn vừa hỏi thăm chuyện nhà, dặn dò bà giữ gìn sức khỏe rồi ông móc túi đưa cho bà vật gì đó tôi không nhìn rõ vì tôi không dám nhìn cái cảnh đầm ấm hiếm hoi của ông bà mà không biết rồi đây nó có còn được như vậy nữa hay không?

Đó là bữa cơm chiều 30 Tết năm 71, bữa cơm đoàn tụ gia đình bên bờ vàm Xẻo Muồng, trong đám lau sậy hoang vu. Tôi lơ đãng ngắm mấy cánh cò bay lả trên mặt nước, bỗng nghe giọng ông lo lắng:

- Pháo đề - pa đó. Tết nhứt tới nơi mà nó không nghỉ.

  Hú... hú... chéo… rầm rầm…

  Ông tôi kêu:

- Cặp sát xuồng vào gò trâm bầu đi bà!

- Còn sớm mà nó bắn sao ông?

- Tụi nầy không có qui luật gì rõ. Nhất là ba ngày Tết, nó canh không cho mình ăn.

Hú... hú… chéo... ầm...  ầm...Những tiếng pháo cấp tập làm rung rinh lòng đất. Đất đá văng lịch bịch, có miếng trúng vào bả vai tôi tê buốt. Tôi nhảy bươn lên bờ nhưng do hoảng hốt nên trợt chân té xuống nước, bà tôi cũng té theo. Bà nắm tôi kéo lên nhưng ông ra lệnh:

- Nằm sát đó! Để tôi kiểm tra công sự đã.

Ông chun vào một công sự cũ nằm gần gốc mù u rồi chạy trở ra kéo bà cháu tôi lên, giục:

- Bà cháu bây chun xuống đó đi!

- Còn ông?

- Kệ tôi. Con Thắm chịu lạnh một chút đi con.

Vừa lạnh, vừa sợ, hai hàm răng va vào nhau lộp cộp, tôi ngồi nép vào lòng bà. Bà tôi xoa đầu, động viên:

- Ráng chút nữa nó bắn qua truông rồi lên thay đồ. Con đừng sợ. Nó bắn hà rầm mà ông mầy có hề hấn gì. Mình mới vô một chút đã sợ rồi.

Nghe bà nói tôi đâm ngượng và thương ông quá đỗi. Tôi là cháu ông bà  mà nhát như thỏ đế, thật xấu hổ.

Bụp... xè... xè... ầm... ầm...

Nhiều đợt pháo nổ gần công sự. Bà tôi lo lắng nắm chặt tay tôi:

- Không biết ông mầy ở đâu? Con ngồi đây bà chạy ra ngoài…

- Để nó ngưng chút xíu rồi bà ra.

Xè… xè... ầm...ầm… Một trái pháo nổ sát công sự. Đất đè ập xuống hai bà cháu, ngọn mù u gãy răng rắc rớt trên nóc hầm. Hai tai tôi u u, ngực tức căng như muốn nghẹt thở. Tôi ú ớ gọi bà trong hoảng loạn. Bên cạnh, bà tôi thì thào điều gì không rõ. Bàn tay bà vẫn nắm chặt tay tôi, tôi chìm dần vào khoảng không đen đặc…

- Thắm à! Thắm! Tỉnh lại con!

Nghe tiếng gọi văng vẳng tôi cố mở mắt nhưng sao đôi mắt cay xè nặng chịch, đầu như có ai treo đá.

- Thắm à! Ráng dậy phụ kéo ông ngoại lên. Ngoại bị thương rồi con à!

Hai tiếng bị thương như có sức mạnh đẩy tôi ngồi dậy. Bà lau chiếc khăn ướt lên mặt tôi, hối hả giục:

- Mau ra phụ kéo ông mầy lên xuồng, ông bị thương rồi.

Tôi với bà bươn ra bờ kinh. Ông đang cố sức trèo lên xuồng, máu loang đỏ cả một vùng hoa súng. Tôi nhảy vội xuống mũi, chống giầm giữ yên xuồng. Bà tôi cố sức kéo ông lên. Trong bóng đêm lờ mờ, tôi thấy chân phải của ông gần như gãy lìa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy máu. Máu thịt của người ông thân yêu của tôi đã đổ, lòng tôi đau nghiến như có ai lấy dao cắt.

Ông tôi ngồi được lên xuồng. Ông lấy chiếc khăn rằn bịt trên đầu lặng lẽ cột vết thương. Không một tiếng rên, giọng ông hơi lạc đi:

- Hai bà cháu ráng bơi vô gần cứ, tôi kêu anh em ra rước…

Tôi vừa cố sức chống xuồng, vừa vẹt những cụm lục bình cản lối. Tiếng pháo vẫn ì ầm lúc xa lúc gần nhưng tôi không còn sợ gì nữa. Tôi chỉ sợ bơi không kịp với tử thần đang chờ chực bên ông. Mồ hôi vã ra như tắm, mắt cay xè  nhưng tôi vẫn gắng sức tìm kiếm cái khoảng trống lờ mờ nhỏ như sợi chỉ, tìm con đường khi nãy ông tôi đã đi ra. Khi thấy những căn nhà nhỏ nằm dưới rặng trâm bầu, ông tôi thều thào bảo:

- Tới rồi! Lâm ơi! Lâm... âm...

Giọng ông quá nhỏ, không vang được tới chỗ mấy căn nhà. Bà tôi nóng nảy gọi:

- Lâm ơi! Lâm!

 Tôi bắt tay làm loa, kêu toáng lên:

- Chú Lâm ơi! Chú Lâm! Ông cháu bị thương rồi!

 Ánh đèn pin từ căn lều quét ra, rọi lên từng khuôn mặt. Chốc sau, có giọng người hỏi:

 - Ai đó?

 - Tao bị thương rồi Lâm ơi!

 Nghe đúng giọng ông tôi, chiếc xuồng nhỏ bung ra, bơi nhanh tới. Một giọng phụ nữ lo lắng:

 - Ba hả ba?

 - Tao bị thương, bả với con Thắm đưa vô đây.

 - Kè ba qua xuồng đi anh Lâm. Hồi chiều giờ tụi con lo cho ba quá!

 Bà tôi mừng rỡ:

 - Để  tao đưa ổng vô. Thuốc men có đủ không mấy đứa?

- Dạ đủ. Thiếu thì qua Dân y tỉnh mượn. Mới tăng cường một bác sĩ phẫu, má đừng lo.

Xuồng cặp bến. Ông tôi được khiêng lên bờ bằng chiếc cáng, máu nhỏ giọt dài theo đường đi. Dưới ánh đèn leo lét, gương mặt ông tái xanh, đôi mắt sâu hóm mệt mỏi. Ông nhìn hai bà cháu dặn dò:

 - Giờ nầy qua pháo rồi, hai bà cháu lo bơi về cho sớm. Tôi không sao đâu. Mấy ca nầy ở đây nó trị được.

 Bà tôi mếu máo:

 - Ông đừng lo. Tôi chờ ông khỏe rồi về.

 Chú Lâm ân cần:

 - Má với cháu nghỉ ở đây. Khoảng 4 giờ sáng con đưa ra vàm về cũng còn sớm.

 - Ờ. Ông chưa khỏe,  tao về thắt tha thắt thẻo sao yên, bây lo cho ổng chu đáo, má  mang ơn.

 Chú Lâm đưa ông tôi vào phòng phẫu thuật. Bà và tôi ngồi chờ ở căn lều đầu dãy nhà. Ngột ngạt quá! Tôi bước ra ngoài trời đêm. Gió từ những cánh đồng xa thổi tới se se lạnh. Bộ đồ ướt lúc chiều vẫn chưa thay, cái lạnh lẫn vào da thịt tê buốt. Tiếng dao kéo khua từ phòng mổ khiến tôi rợn người. Không biết ông tôi còn sống hay đã chết mà không nghe tiếng nói nào, cũng chẳng có một tiếng rên la.

 Tôi mỏi mệt dựa lưng vào gốc trâm bầu. Đêm 30 trừ tịch không một tiếng gà gáy, không một tiếng chó sủa. Trên bầu trời đêm, từng chùm pháo sáng đỏ quạch lừ đừ trôi xuống, pháo của kẻ thù cũng mang màu đỏ của máu. Bỗng nhiên tôi căm ghét nó, nó mang sự chết chóc đến cho ông tôi, cho gia đình, làng xóm tôi.

 Tôi mơ màng thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn hình ảnh ông tôi, dáng vóc cao gầy thoăn thoắt với cây sào, in đậm dưới ráng trời chiều.

 ***

 Số ông tôi còn đỏ, sau trận ấy ông vẫn còn sống và tiếp tục điều hành cơ quan Quân y tỉnh. Đánh Pháp rồi đánh Mỹ, ông bị thương không biết bao nhiêu lần, vào sinh ra tử, tù tội bao phen nhưng ông tôi vẫn sống, vẫn bám chặt vùng đất quê ngoại như những gốc dừa nước, bình dị giản đơn mà dẻo dai, mạnh mẽ phi thường.

 Năm 1972, khi Hiệp định Paris đang gay go ở trời Tây thì chiến trường miền Nam sôi bùng lên, sùng sục khắp nơi. Ông tôi trở về kinh Mỹ Lợi, gần vàm Xẻo Muồng cất cho bà tôi căn nhà nhỏ để những người trong gia đình có điểm mà tụ tập về. Lúc ấy, bà tôi là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã, không còn công tác vùng ven nữa vì đã bị lộ. Cậu Năm tôi là Đại đội phó của Tiểu đoàn 261, cậu Út theo Đoàn Văn công Mỹ Tho.

 Không biết do động cơ nào tôi cũng về đó cất trường dạy học. Dạy lũ trẻ con quá tuổi mù chữ và dạy bổ túc cho người lớn. Dân Mỹ Lợi lác đác trở về dọn nền, cất chòi làm ruộng. Ai nấy nhận định tình hình “mỏng” lắm rồi, ngày độc lập gần kề nên họ không sợ càn quét nữa.

 Lớp học được dân Mỹ Lợi cất trong khu vườn chuối. Tất cả tre, lá do họ mang đến. Kế bên lớp, bà con đắp một cái trảng xê hình chữ T chắc chắn chiếm hết phân nửa lớp học. Phía trên nóc xóc cừ trâm bầu, bên ngoài trồng hoa mười giờ. Xa xa, nhìn giống như ngôi mộ đầy hoa.

 Tôi dạy học không có chương trình, thời khoá biểu gì rõ ràng. Mỗi buổi sáng, khi nắng đã vàng trên các ngọn cây, bầu trời trong veo, không có máy bay quần rú thì thầy trò bắt đầu lên lớp.

 Hai mươi gương mặt ngây thơ chân chất nhìn lên bảng, lắng nghe giọng đọc của tôi rồi ngọng nghịu đọc theo. Tôi sửa từng âm, từng từ cho đến khi nào vừa ý thì tập viết. Những bàn tay thô kệch đen đúa nắn nót từng con chữ. Tuy học muộn màng nhưng chúng thông minh nên tôi thích dạy. Cô giáo chẳng qua một ngày sư phạm, học trò thì không có phương tiện, nội qui gì cụ thể, vậy mà vui, vậy mà chúng nó biết viết, biết đọc rất nhanh.

Tôi dạy chúng chữ nghĩa, chúng dạy lại tôi chuyện đồng áng. Gặt lúa, câu cá, bắt chuột, soi ếch… đám  nào tôi cũng tham gia nhưng chỉ giữ vai trò phụ. Những lúc ấy tôi không còn là cô giáo nữa mà là một thành viên đầy bỡ ngỡ vụng về, chỉ biết nghe theo sự dẫn dắt của đám học trò, nhưng chúng không chú ý điều đó, miễn sao có sự góp mặt của tôi là chúng thích rồi.

 ***

Tối hôm ấy, ấp Mỹ Lợi rộn rịp hẳn lên vì bộ đội 261 về đóng quân chờ xuống đường. Lớp học của tôi nhường cho bộ đội. Nhà ngoại cũng chật ních người. Bộ đội đóng rải dài theo sông Mỹ Tây, không biết cơ man nào là bộ đội. 

Nhà tôi tối nay rộn rã vì có cậu tôi về. Sau bữa cơm gia đình vui vẻ, cả nhà không ai ngủ. Ông bà tôi thì thầm trò chuyện. Tôi với cậu ra cây cầu trâm bầu ngồi đàn hát. Cậu tôi hát rất hay, cậu là Chính trị viên Đại Đội kiêm thêm chức Trưởng ban Văn nghệ. Cậu khoe:

 - Má mầy mua cho cậu cây đàn nầy. Khi nào hoà bình rồi tao sẽ đi biểu diễn khắp đất nước mình, chắc vui lắm đó.

  Tôi trêu:

 - Sao cậu không cưới vợ đi. Chị Hiền nhắc cậu hoài đó!

 Đôi mắt sáng của cậu tôi bỗng nhìn xa xăm.

- Chiến tranh nầy cậu không muốn làm khổ cô ấy. Mầy có gặp thì nói giùm cậu cô lấy chồng đi, đừng chờ cậu lâu lắc lắm.         

- Ý! Đâu có được. Cậu muốn nói gì thì gặp chị ấy chớ chuyện “cơ mật” mà cậu nhờ người khác sao được.

Cậu tôi bật cười, cốc lên đầu tôi mắng mỏ:

- Mầy con nít mà cũng bày đặt, cơ với lại mật. Mai mầy ra vàm rước cô ấy vào đây. Rước được thì tao thưởng.

- Nhớ đó. Đừng quên người có công với… cách mạng à nghen.

- Khỏe. Cậu mầy uy tín đầy mình. Không lẽ được vợ lại quên bà mai sao.

 - Thắm ơi! Khuya rồi đi ngủ, còn thằng Quang lo nghỉ ngơi cho khỏe. Tối nay im tiếng pháo không biết ngày mai như thế nào đây?

 - Không sao đâu má. Có tụi con về nó không dám làm gì đâu.

 - Ngon lành quá hén. Nó sợ  cậu ghê lắm đó. Thôi đi ngủ! Nửa đêm rồi, mai tính tiếp chuyện “cơ mật”.

 Bà tôi nhắc nhở chuyện phải đối phó ngày mai khiến hai cậu cháu ngắt ngang câu chuyện đang vui. Chiến tranh là vậy! Giây phút vui vẻ, hồn nhiên thật hiếm hoi.

***

 Giấc ngủ đang say, tôi chợt giật mình vì tiếng gọi nhau í ới. Bà tôi kêu khẽ:

 - Thắm à! Dậy chuẩn bị đồ đạc, có tin sáng nay nó càn đó con!

Ông tôi nói:

- Con với bà mầy tản qua bên mẹ con thằng Thu. Ông phải về cứ điều đám thương binh, còn cậu mầy lo đơn vị của nó. Người nào việc nấy, phải nhanh chóng lên mới kịp nghe con.

Ông khập khiễng bước xuống bến, tát nước hai chiếc xuồng ba lá cho khô ráo rồi vội vã bơi đi. Sau khi cất xong giấy tờ, đồ đạc, tôi với bà bơi ra vàm về hướng bưng lớn, đến nhà của cơ sở, nơi ấy có hầm BM.

Cậu tôi ngồi trên bờ nói vói theo:

- Má đi cẩn thận. Bữa nay nó càn lớn đó nghe!

- Ờ! Lo thân con đi. Má với con Thắm qua bển là yên thân rồi.

- Chiều về nhớ ghé rước chị Hiền nghe Thắm!

- Yên chí! Nhiệm vụ bà mai sẽ hoàn thành!

- Ha… ha… Con nhỏ nầy mới vô có mấy tháng mà nó nói toàn từ chính trị không vậy ta. Để cậu đề bạt mầy làm chính trị viên được lắm đó! Tiếng cười hồn nhiên của cậu tôi vang trên dòng sông, lan tỏa trong buổi sớm mai còn tĩnh lặng, yên bình.

Không thể đếm được bao nhiêu bom pháo dội xuống bên kia bờ bưng. Tôi với bà và mẹ con dì Ba ngồi trong căn hầm,  ai nấy căng tai lắng nghe. Bỗng nhiên, tiếng súng lớn, súng nhỏ bắt đầu rộ lên. Tôi lo thót ruột cho cậu và ông tôi.

Thằng Thu (học trò tôi) nhận định:

- Đụng rồi! Chuyến nầy gặp 261  no đòn rồi! Hà... hà... đã thiệt.

Dì Ba quát:

- Mầy có chịu im miệng chưa? Rầu muốn chết mà cái miệng mầy om sòm hà.

Tôi lôi tuột nó vào trông hầm. Đạn bay vèo vèo mà nó hết sức ỷ y. Bên kia thửa ruộng, tiếng la hét, tiếng chửi thề nghe dậy đất. Thằng Thu ló đầu ra khỏi hầm rồi lật đật thụt vào thông báo:

- Bà ngoại ơi! Ông ngoại tới kìa.

Ông tôi hớt hải đi vào, quần áo ướt loi ngoi, sắc mặt khác thường. Linh tính như báo cho tôi điều gì chẳng lành. Ông nhìn chúng tôi lặng đi giây lâu rồi nghẹn ngào:

- Bà ơi! Thằng Quang…hy sinh...

Bà tôi như nghe không rõ, hỏi lại:

- Gì? Ông nói… thằng Quang…

Tôi đờ người. Hai lỗ tai lùng bùng. Câu nói của ông tuy nhỏ nhưng như có luồng điện, tôi lặp lại câu hỏi:

- Cậu… thiệt không ông?

Ông tôi lặng thinh. Hai giọt nước trào ra trong đôi mắt già nua mệt mỏi. Mới đó mà trông ông già đi quá nhiều. Rồi sực nhớ, ông hấp tấp nói:

- Chừng nào nó rút, bà với con Thắm lo về liền. Tui lo điều tụi nó qua cụm bên kia.

Nói xong, ông lao ra cửa. Ông tôi "long” xuống kinh theo những giề lục bình. Nhìn theo, tôi thấy mấy giề lục bình trôi về hướng kinh 28.

Chiều xuống dần. Nắng đã nhạt trên ruộng lúa. Xa xa, từ phía chân trời, ráng chiều đỏ thẫm. Đoàn trực thăng hồi sáng trở lại rước quân. Chúng trông như một bầy nòng nọc bơi trong máu, hung hăng gầm rú làm điên đảo một khoảng trời, chúng vội vã kết thúc trận càn. Còn tôi, tôi chưa bao giờ mong cho trời mau tối như lúc nầy.

Trời vừa chạng vạng, chúng tôi vội bơi xuồng về. Từ xa, tôi đã nhìn thấy cảnh đổ nát trên trận địa. Chuối, trâm bầu ngã la liệt. Căn nhà bị bứng bay đi tan nát, chỉ còn lại cái hố sâu, mùi khói thuốc bom bay khét lẹt. Tôi chạy ra lớp học, căn hầm bị sập phân nửa. Bàn, ghế, bảng đen gãy vụn, hoa mười giờ rơi rụng tả tơi, bầm giập dưới đất lẫn trong vỏ đạn và miểng bom.

Xác cậu tôi được đặt tại lớp học. Gương mặt cậu vẹn nguyên như đang ngủ. Trên ngực áo loang lổ vết máu bởi viên đạn của thằng Mỹ trên trực thăng bắn xuống khi cậu băng ngang vườn chuối, chỉ huy mũi xung kích  đánh bộ binh.

Buổi lễ truy điệu được nhanh chóng tiến hành, đơn giản trang nghiêm nhưng thật xúc động. Bà tôi áp gương mặt nhăn nheo lên mặt người chết, bà vuốt tóc cậu, cầm bàn tay xanh mướt của cậu, than khóc:

- Con ơi! Gần ngày hoà bình rồi, nỡ nào con đi… Chiếc nhẫn ba mầy đưa để lo vợ cho mầy còn đây, chưa kịp lo mà mầy bỏ má mầy đi…

Ông tôi lặng lẽ đến bên bà, vuốt mắt cậu tôi, hôn lên trán cậu, đỡ bà đứng lên, nói khẽ:

- Thôi bà! Con mình hoàn thành nhiệm vụ rồi để cho anh em lo đám cho xong, họ còn đi nữa.

Buổi lễ truy điệu kết thúc. Xác cậu tôi được đem chôn trong vườn chuối cạnh lớp học, trên bờ vàm Xẻo Muồng. Đồng đội cậu ai nấy mắt đỏ hoe, buồn bã tiễn biệt. Họ lại phải tiếp tục cuộc hành quân.

***

Sau ngày cậu mất, ông bà tôi gầy hẳn đi. Bà lặng lẽ như cái bóng. Ngày đêm với chiếc xuồng nhỏ, bà bơi đi công tác. Bất kể nắng hay mưa, đêm hay ngày bà lấy công việc để khỏa lấp nỗi đau của người mẹ mất con, nỗi đau mà chỉ có những người làm cha làm mẹ lâm vào hoàn cảnh đó mới hiểu thấu.

Chiến tranh! Thương tật, chết chóc là chuyện thường tình nhưng khi chuyện bình thường đó đổ  ập lên gia đình tôi sao nó kinh hoàng quá, nó đau đớn đến nỗi trong giấc mơ vẫn ám ảnh mãi nơi tôi một nỗi sợ hãi khôn nguôi.

Chiến tranh đã tạnh từ lâu! Quê tôi giờ đây phủ màu xanh của lúa, của vườn cây. Dọc hai bên bờ sông Mỹ Tây, nhà cửa khang trang trù phú hơn xưa nhiều. Bà tôi mất, ông tôi đã tám mươi tuổi. Những buổi chiều tàn, ông thường ngồi bên khu mộ gia đình  chăm chút những khóm tường vi màu hồng phấn, loại hoa mà ngày xưa bà tôi rất thích.

Chiến tranh dẫu đã xóa nhòa bởi cảnh sắc mới, nhưng nỗi đau vẫn chưa lành trong trái tim người

còn lại.

Tác giả bài viết: Kim Quyên

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 67