Quán khuya

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

(tay cắt tay bao nỡ
ruột cắt ruột sao đành...)


Tôi không biết cái quán nhỏ ven đường của dì Ba, người hàng xóm, dựng lên từ khi nào, chỉ biết lúc đến tuổi biết cầm tiền mua quà thì tôi đã thấy nó có sẵn rồi. Quán bán các món ăn chơi bình dân vặt vãnh mỗi thứ một ít: mía, cóc, ổi, khoai, trứng lộn, khô mực, khô đao… và dù bán ế hay đắt thì tới khoảng nửa đêm dì mới dọn về nhà.

Tôi nhớ hai đứa con dì - thằng Minh, Mẫn - lúc nào cũng lẽo đẽo bên mẹ. Quán gần trụ đèn, dì Ba tính hiền nên bọn trẻ chúng tôi mến, thường đêm hay tụ tập ở đó để chơi. Người lớn rảnh rỗi cũng ra đây để chuyện trò, ăn vặt. Hồi ấy, đường sá chưa mở rộng như bây giờ nên cái sinh hoạt nhỏ nhoi, thân tình này rất quen thuộc, gần như cần thiết và không thể thiếu trong bất kỳ cái xóm nhỏ lao động nào. Tiếng búa đập khô, tiếng dao chặt mía, tiếng cười đùa…, những âm thanh đều đều theo năm tháng. Hai đứa con dì Ba thường bó gối ngồi gù gật ngủ đợi mẹ dọn quán để cùng về. Chồng dì làm nghề bốc vác cho một chành gạo ở Chợ Lớn, chừng tuần lễ giang xe về thăm nhà một bữa, thường vào chập tối. Ông ghé quán để xoa đầu đứa này đứa kia, thân thiện. Tôi nhớ ông có vẻ mặt khắc khổ, buồn buồn, mái tóc hầu như lúc nào cũng trắng đục màu cám gạo. Một đêm đầu hè người ta đưa ông về, mặt mày xanh xao, hốc hác. Nghe người lớn nói ông bị ngã từ đòn dài xe tải xuống khi đang vác gạo, loại gạo bao trăm ký. Ông thổ huyết, sức khỏe suy kiệt nên dì Ba giữ luôn ở nhà chăm sóc. Bà con chòm xóm thương nên cũng thường xuyên qua lại giúp đỡ ít nhiều. Năm sau ông mất, đám tang nhà nghèo thật ảm đạm, thưa thớt. Tôi cùng đám bạn theo chiếc xe tang ra tới nhị tỳ, hổng biết sao trong cảnh ấy đứa nào cũng chảy nước mắt. Những đêm sau đó, hình như tiếng búa đập khô của dì Ba nghe rời rạc cầm chừng hơn. Chắc là do tôi hay suy tưởng vẩn vơ chăng?

Nhà dì trong hẻm ngay sau nhà tôi nên mọi sinh hoạt bên nhau thường nghe biết được. Thằng Minh học sau tôi hai lớp, nó vẫn qua tôi chơi và đôi khi buột miệng than phiền về sự không… công bằng của dì Ba đối với hai anh em. Má tôi có lần nói khéo cùng dì:

- Tụi nhỏ giờ mồ côi cha, dì nên thương đồng đều. Đừng để sau này lớn lên, đứa này lấn lướt, đứa kia tủi thân… tội nghiệp lắm!

Dì vuốt mái tóc chớm hoa râm, giọng thật thà:

- Biết vậy, nhưng tôi hổng biết lý do gì mình thương thằng Mẫn hơn. Hay lúc sinh nó khó khăn, bệnh hoạn rề rề, tôi ôm ấp riết mà ra?

Vậy đó, quán dì Ba như cái trạm gác chứng kiến đủ các cảnh chia ly, sum họp… thoáng qua rồi lắng đọng, lãng quên theo nhịp sống. Cơ cực là thế, nhưng dì giống cây tre cứng cỏi nghiêng ngả trước gió cho mầm măng nương tựa, tiện tặn nuôi hai con ăn học chẳng hề than vãn. Thời gian dần trôi, khi tôi đang theo năm cuối bậc trung học thì Minh xin nghỉ học để theo người chú họ lên Long Khánh vỡ đất hoang làm rẫy. Dì Ba rầy rà trách mắng cả đêm, sau cũng bằng lòng. Từ lúc ấy, tình thương người mẹ dồn hết cho Mẫn. Má tôi nói tính thằng này thâm trầm, chí cầu tiến nên dì Ba ngầm có kỳ vọng về nó. Học hết bậc trung học, Mẫn chuyển sang trường Kỹ thuật, ngành cơ khí. Minh thỉnh thoảng về, giúp mẹ chút tiền, ở nhà chơi đôi ngày lại đi, trông chững chạc cứng rắn hơn. Đến tuổi làm nghĩa vụ, Minh trúng tuyển và được phục vụ tại một đơn vị lao động quốc phòng. Ngày tiễn con, như thường tình bao bà mẹ khác, dì Ba rưng rưng nước mắt. Mang hành trang lên vai, Minh cầm tay em xúc động:

- Từ giờ anh vào quân ngũ. Em ráng học, sau này có việc làm ổn định giúp má!

Tôi và có lẽ cả dì Ba hơi ngỡ ngàng khi Mẫn rụt nhanh tay và trả lời:

- Tôi biết, anh khỏi nói… Thôi, anh đi cho sớm!

Hai năm sau, Mẫn ra trường, nhận việc tại trung tâm dạy nghề huyện. Rồi Minh cũng xuất ngũ, lấy vợ. Vợ anh là cô gái nghèo bán sạp hàng rau cải ở chợ. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng dì Ba đỡ phần vất vả nhờ Mỹ, cô con dâu giỏi giang. Gánh hàng đêm đêm dọn ra, dọn về được chuyển từ đôi vai gầy gò sang đôi vai cứng cáp của Mỹ. Thái độ Mẫn đối với anh mình bỗng trở nên hời hợt, xa cách. Khi Mẫn gợi ý mẹ hỏi cưới Linh, cô gái con nhà khá giả ở thị xã thì dì Ba đắn đo và bộc lộ cùng má tôi:

- Bên đàng gái biết nhà tôi nghèo, nhưng vẫn bằng lòng chắc vì thấy tụi nó thương nhau, tôi cũng mừng. Chỉ e rằng hai anh em đều có vợ mà sống chung một mái nhà, tránh sao khỏi sự va chạm, xích mích…

Má tôi an ủi dì đừng quá băn khoăn, mai này trong nhà nên lấy tình ruột rà, đùm bọc mà đối xử nhau. Nhưng điều lo lắng của dì Ba thật đúng…

Sau đám cưới, Linh càng ngày càng gây khó chịu cho những người xung quanh bởi tính ích kỷ, nhỏ nhen đến quá quắt. Nói chuyện với mẹ chồng, cô thường nói trổng, cộc lốc, thiếu tôn trọng. Tôi nghĩ có lẽ vì bản thân cô được gia đình chiều chuộng, bảo bọc và ỷ lại chồng có việc làm, đồng lương ổn định. Chiều nọ, đang sửa lại hàng rào sau nhà, tôi vô tình nghe Linh bực tức lớn tiếng cùng chồng:

- Tôi dặn anh làm chủ quyền nhà cho xong, mai này mình có con rồi tranh chấp, thưa kiện phiền phức lắm. Với lại tôi muốn từ mai… “họ” dọn bếp riêng, ăn riêng, cứ chung đụng ràng buộc hoài hay sao?

Mẫn bối rối, càu nhàu giọng yếu xìu:

- Em nói nhỏ nhỏ, chuyện đó để từ từ tôi dàn xếp… Mà má có… chết ngay đâu, sao em vội vàng quá vậy?

- Tôi lo vợ chồng ông Minh kia… Má thì nhằm nhò gì?

Ngó ngoái qua thấy tôi, Mẫn như ngượng ngùng bỏ vào trong…

Biết em mình hay nghe và bênh vực vợ bất kể đúng sai, nên những lúc nghe Linh xúc phạm mẹ, Minh dằn lòng lựa lúc thích hợp nhắc khéo Mẫn. Lời anh chẳng có tác dụng uốn nắn, chỉ khiến Mẫn từ chỗ hổ thẹn sinh ác cảm. Một đêm, dì Ba cùng Mỹ dọn hàng về đã hơn mười một giờ khuya thì Mẫn do tác động của vợ đã cố tình gây chuyện. Việc gạo tiền, bếp núc, sinh hoạt… được kể lể, chì chiết thêm vào bằng giọng the thé, chanh chua của Linh. Dì Ba bó gối bên hè nhà, buồn rầu, mệt mỏi:

- Nhà mình hoàn cảnh nghèo thì anh em phải ráng chịu đựng, chia sẻ nhau… Hai con biểu má tính sao đây?

Mẫn nóng nảy nói thẳng ra điều vợ mình nhồi nhét bấy lâu nay:

- Tôi là con út, ở nhà này là đúng lý! Ai đó phải bươn chải chứ sống chung đụng, bám víu hoài biết chừng nào khá lên được. Sẵn đây tôi muốn má dẹp phứt chuyện bán quán khuya này cho xong. Có đói đâu mà má lo!

Nghe không vừa ý, Minh hỏi lại em:

- Mày suy nghĩ thiệt bụng điều vừa nói chưa?

Dì Ba lắc đầu thở dài:

- Cái quán nhỏ mấy chục năm nay, nhờ nó mà nuôi được anh em bây khôn lớn. Nghỉ bán má buồn lắm, dù gì cũng có đồng ra đồng vô. Đừng nặng nhẹ, chia rẽ với anh con, Mẫn ơi!

Cuộc tranh cãi giữa hai anh em rất căng thẳng. Sáng hôm sau vì tự ái nên vợ chồng Minh cùng đứa con nhỏ rời nhà lên Long Khánh tá túc trên đất người chú họ, mang theo dòng nước mắt đau xót của bà mẹ. Tụi nhỏ trong xóm cỡ tuổi tôi ngày xưa cũng ít tụ tập ở quán. Chúng nó thích ăn những quà bánh ở các tiệm lớn và có thú vui mới mẻ hơn. Quán khuya bán thất thường được chừng ba tháng thì nghỉ hẳn. Vợ Mẫn sang một gian hàng tạp hóa ngoài chợ, bận bịu mua bán suốt ngày. Năm giờ sáng, dì Ba ra đứng trông hàng phụ tới trưa về nhà lo việc cơm nước. Tuổi già chậm chạp, bà mẹ chồng thường bị cô con dâu gay gắt từng lời đến mức khinh miệt. Chuyện ầm ĩ hàng ngày, hết nghe Mẫn quát tháo:

- Trưa quá rồi sao má không lo đem cơm cho con Linh ăn… Nó đói bụng, quạu quọ chửi… ráng nghe đó!

Lại tới Linh tàn nhẫn cạnh khóe:

- Người già ít ai ngủ nhiều, tui thấy bà ăn no ngủ kỹ quá! Trời ngó xuống mà coi, tui thừa hưởng vàng bạc gì nhà này mà phải hầu hạ, nuôi báo cô riết!

Một năm hai lần, vợ chồng Minh về thăm mẹ chưa đầy buổi rồi đi ngay cùng nỗi buồn cốt nhục xung khắc. Từ chợ về nhà ngang quán cũ ven đường đã rệu rã gần sập, dì Ba có thói quen dừng lại ngồi nghỉ chân một lúc. Đôi mắt dì buồn rầu, xa xăm như hồi tưởng những đêm khuya ngồi bán có hai con thơ cận kề, ấm cúng. Ngày xưa tuy nghèo nàn, bận rộn, thiếu hụt mà êm ấm. Hình ảnh đó cùng hoàn cảnh hiện tại của dì khiến tôi thật xúc động…

Bận việc đi xa gần tháng, lúc trở về tôi mới biết tin dì Ba đã mất trước đó một tuần. Nghe kể lại lúc dì bệnh không ai ngó ngàng tới, chỉ nhờ bà con hàng xóm tốt bụng săn sóc hàng ngày. Bệnh dì trở nặng, Mẫn đưa vào bệnh viện khu vực và được bác sĩ đề nghị chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị. Nhưng vợ Mẫn nại lý do bận mua bán để trì huỡn, nhẫn tâm hơn là không cho chồng nhắn tin Minh biết. Qua ba ngày sau thì dì Ba mất, lặng lẽ giữa khuya. Minh đưa vợ con về chịu tang mẹ, khi việc hiếu đạo xong thì đi liền. Anh chỉ mang theo chiếc đòn gánh cong oằn bị vứt bỏ bên hè nhà, đó chính là gánh nặng thời gian, cơm áo của người mẹ suốt đời tần tảo, hy sinh vì con. Và tôi nghĩ thêm rằng, trong ký ức của Mẫn chắc cũng có lúc lắng đọng để nghe âm vang tiếng búa đập khô, tiếng dao chặt mía, tiếng cười đùa… của quán khuya ngày ấy?

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim