Nỗi niềm sông nước

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Rít một hơi thuốc rồi từ từ nhả khói, ông Tư Ngói trầm ngâm, mắt đau đáu nhìn ra bờ sông. Anh Hào rót đầy chung rượu bưng lên uống cạn. Ông già nhắc nhở:

- Uống vừa vừa thôi! Còn hai đứa nữa ráng mà lo cho nó. Nghỉ vài ngày ở nhà với vợ cho nguôi ngoai rồi hẳn đi! Mấy hôm nay ông trời mưa hoài, ra ngoài cửa sông cũng không ổn.

Anh Hào chống cằm, thở dài:

- Ở nhà cũng buồn, ra sông càng nhớ nó! Nghỉ học là nó theo ghe phụ con!

Anh Hào ứa nước mắt, lại rót rượu. Ông Tư giật cái chai để qua một bên:

- Tao nói thôi là thôi, đâu phải cứ buồn là uống rượu. Tao hiểu tâm trạng của mày. Hồi má với chị Năm mày mất, tao cũng đau xé ruột xé gan. Cái buồn đau đó, day dứt cả đời. Thời chiến tranh loạn lạc mà bả với con bé Năm không chết vì lằn tên mũi đạn, còn đằng này…

Ông lại bập bập điếu thuốc rồi nhả khói, như cố nén một cái gì đó rất khó nuốt trong cổ họng. Ông chau đôi mày bạc như hai con sâu rộm. Đôi mí mắt chảy sệ, che bớt đôi tròng mắt đục đã kém tinh tường, nhớ về quá khứ. Buổi chiều hôm đó, nắng ngả vàng trên mấy bụi tre, tiếng xe ngựa của thằng Tám quay về gõ đều trên con đường đất trước nhà. Ông nôn nóng vào ra đợi vợ và con gái. Bà Tư đi Mỹ Tho thăm bà con hẹn chiều về sớm. Thằng Hào bưng tô cơm nguội ngắt ra vô hỏi: "Tới giờ sao má không về?". Gà đã vào chuồng. Bà Bảy nhà bên cạnh thắp nhang, mùi trầm thoang thoảng. Thằng Chín Kỳ ghé nhà trả ông chiếc xe đạp báo tin trong hơi thở gấp gáp: "Phà Chợ Gạo bị đứt dây chìm có rất nhiều người chết!". Ông phát hoảng, lòng càng bồn chồn. Ngày xưa đâu có điện thoại như bây giờ mà điện lên chỗ bà dì để hỏi thăm. Kêu thằng Ngà giữ nhà với hai đứa em. Ông lật đật phóng lên chiếc xe đạp đòn gánh, chạy xuống cuối xóm kêu xe ngựa của thằng Tám. Nuốt vội tô cơm, Tám lật đật đóng xe, thúc ngựa. Tội nghiệp con ngựa chạy cả ngày mệt mỏi nhưng dường như biết việc cấp thiết, nó cố sức phi nhanh. Phải mất mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Ông điếng người vì thấy bến phà lúm xúm đông người. Tiếng người bàn tán, tiếng khóc nỉ non. Dưới nước vẫn còn trục vớt, kiếm tìm. Trên bờ còn mấy cái xác đắp chiếu. Ông lật từng manh chiếu, trong lòng hy vọng bà vẫn còn ở lại Mỹ Tho. Thằng Tám đánh xe ngựa chợt khều ông rồi ngập ngừng:

- Chú Tư người này sao giống…!

Thằng Tám không dám nói giống thím Tư bởi người chết tái nhợt, tóc tai rối bù, trông rất lạ. Ông hoa mắt và định thần, nhận ngay ra vợ mình bởi cái áo bà ba màu cỏ úa. Nhưng ông vẫn không tin. Miệng bà há ra. Mắt mở to, trắng đục, có lẽ bà đã mở mắt để tìm con mình trong dòng nước hay mở mắt để nhìn chồng con lần cuối. Ông lẩy bẩy nói muốn không ra tiếng:

- Dòm coi con Bé Năm nó ở đâu!

Tám xe ngựa lật tiếp mấy tấm chiếu, ngó nghiêng rất kỹ, chân anh cũng bắt đầu run. Dưới kênh người ta đưa tiếp hai cái xác mới vớt được lên bờ. Một già, một trẻ, ông Tư Ngói nhận ra bộ đồ bông Bé Năm mặc đi hồi hừng đông. Tóc nó dài che kín mặt. Ông bủn rủn cả người nhận ra gương mặt con mình khi vén chùm tóc che trước mặt lên.

Tiếng vó ngựa nhịp đều và như thúc vào lòng ông Tư tan nát. Ông ngồi như pho tượng. Cổ họng nghẹn đắng. Những kỷ niệm về vợ con như bộ phim không đầu đuôi lướt qua trong đầu ông. Hai cái xác được cuộn mền, đắp chiếu, lắc lư theo nhịp ngựa phi. Tám cũng im lặng. Anh hiểu. Trái tim ông đang vỡ ra từng mảnh. Vợ anh cũng mới chết chưa giáp năm vì đạn lạc. Anh hiểu tận cùng của nỗi nhớ thương, rồi nỗi nhọc nhằn của cảnh gà trống nuôi con. Thức khuya dậy sớm với con, Tám càng thấy thương và nhớ vợ nhiều hơn. Anh quay lại nhìn trộm ông Tư, định nói một câu an ủi nhưng vì quá ít lời anh chẳng biết chọn câu nào cho phải lẽ nên đành im lặng.

Ông Tư Ngói nhìn mông lung vào bóng đêm. Chân trời đầy sao. Ông muốn ngửa mặt kêu trời cho nỗi đau vơi đi. Mới hồi sáng này bà còn bảo ông ở nhà bắt cua đồng, bà về nấu cháo bồi vì thằng Đìa đòi ăn cháo. Vòng tay của Bé Năm ôm ông hãy còn ấm nơi cổ, tạm biệt ông rồi con bé nhảy chân sáo ra ngõ theo mẹ. Ba thằng con trai đòi theo, ông ngăn lại không cho. Trời ơi! Ông sẽ ra sao nếu bà dẫn các con theo hết! Ông không nói được lời nào từ khi làm thủ tục nhận xác vợ, con mang về. Phà ngày xưa còn thô sơ, người ta rất hời hợt với việc an toàn cho hành khách. Phải chi có áo phao như bây giờ thì tai họa không thảm khốc tới như vậy.

 Bà đem theo Bé Năm, để lại cho ông ba đứa con trai, lúc đó Hào chưa đầy ba tuổi, cứ khóc đòi má. Bỏ cho ba anh em nó tự lo cho nhau. Ông phải cong lưng ngoài đồng để tìm cái ăn cho chúng. Chiều nào thằng Hào cũng đeo lưng thằng Đìa, mũi dãi chèm nhem. Thằng Cống tay chân đầy bùn đất, mặt có ngao, có nghến đón ba ở ngõ. Đêm đêm, tiếng đàn ông ru con oằn oại những ngọn tre già. Người trong xóm ngang qua nhà cứ thấy mấy anh em chúng chơi trước ngõ là kẻ cho củ khoai, người trái bắp trao tay. Ba anh em thằng Hào lớn lên với tình thương của xóm làng và những giọt mồ hôi của ông. Thằng Đìa đi nghĩa vụ quân sự rồi hi sinh ở chiến trường K. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Theo thời gian nỗi đau mất mát dù có vơi đi nhưng không xóa nhòa được, nó đeo đẳng ông suốt từ đó đến giờ. Mãi tới lúc Cống có vợ, thằng Hào mê nghề đánh bắt cá mà theo quê vợ. Chúng thương ông quạnh quẽ nên khuyên ông chắp nối với cô Ba Truyền, một phụ nữ góa chồng ở xóm bên. Cả xóm ủng hộ. Ngần ấy thời gian vậy mà ông vẫn thấy ngại ngùng khi đứng trước di ảnh của vợ và con.

 Thằng Hào theo quê vợ, ra tuốt ngoài khơi lưới cá. Ông rất lo sợ nhưng vì chén cơm manh áo ông phải cam lòng. Bao lần năn nỉ nó về làm mấy công ruộng, nó không chịu. Vừa rồi cúng giỗ ông già vợ, ăn nhậu say sưa, Hào sai thằng Hải lấy đò đưa mấy mợ về bên cồn. Thằng Hải to xác nhưng mới mười lăm tuổi, nó được giao nắm trong tay sinh mạng của sáu người. Các bà không nghi ngờ gì về tay lái của Hải, bởi anh Hào tập cho nó cầm lái lúc mới lên mười. Đò ra giữa sông, bất ngờ gió lớn rồi chuyển qua giông trong tích tắc. Nó không quen xử lý tình huống gay go như vậy, không nương theo luồng sóng mà cứ nhè mé sông chạy thẳng vào. Những phụ nữ trên đò nhốn nháo khiến đò càng tròng trành. Đò lật. Mợ Ba bị trôi mất xác, thằng Hải bị chân vịt tàu đập mà thiệt mạng. Số còn lại được cứu sống nhưng tới nay vẫn chưa "hoàn hồn". Người ta nói tại bên nội thằng Hải có "nôi" chết trôi nên bắt nó theo, ông Tư Ngói không tin. Ông mắng cho vợ chồng Hào một chập vì chủ quan. Đành rằng nó quen sông nước từ nhỏ nhưng người lớn không thể liều như vậy. Nếu gặp cảnh sát đường sông thì sẽ bị phạt ngay vì thằng Hải chưa đủ tuổi cầm lái, mà phải chi trên đò có vài bộ áo phao… Giận mà mắng nhưng thấy Hào thất thần ra vào nhìn bàn thờ tang của thằng con, rồi buồn rót rượu uống khơi khơi, ông Tư xót lòng. Ông hiểu ngoài nỗi đau đớn mất con, Hào còn ray rứt hơn ông rất nhiều bởi cái lỗi quá chén, sai con chạy đò. Vì chuyện thằng Hải bị tai nạn chết dưới sông mà vợ Hào đổ bệnh nằm liệt không ăn uống. Hai đứa em ra ngẩn, vào ngơ vì mất anh Hai.

Thằng Hải hằng mơ ước được làm thủy thủ tàu viễn dương, nó thèm thuồng nhìn theo những con tàu cưỡi sóng ngoài khơi. Nó bảo ráng học để thi vào ngành hàng hải.  Anh Hào đau đớn khi nhớ đến lời tâm sự của thằng bé. Cơn bão lòng trong anh biết đến bao giờ sẽ tan! Bài học cho Hào quá đắt. Nhưng dù thế nào anh cũng phải cùng bạn ghe ra cửa sông Cầu đóng đáy, nghề anh đã chọn khi về làm rể xứ này bởi anh chê cái nghề làm ruộng truyền thống của ông già. Mười sáu tuổi, Hào theo người lớn xuống biển theo tàu ra khơi câu mực, mặc cho ông già mấy lần xuống kiếm bắt về. Ông sợ sông nước, bởi sông nước đã bắt mất vợ con ông. Hào không sợ, anh mê những mẻ lưới đầy cá từ trong sách vở. Rồi tới ngày được thực sự trông thấy những mẻ lưới lấp lánh ánh bạc. Cực nhưng vui. Anh mơ sẽ có ngày thành ông chủ của những con tàu biển. Cho nên anh đã bén rễ nơi này. Biển hiền hòa nhưng cũng có những cơn cuồng phong ác nghiệt, ông già vợ ra khơi gặp bão biển, người và của chìm giữa đại dương. Lần đó vợ anh trở dạ, nếu không thì… Ông Tư Ngói phải bán công ruộng để Hào đóng ghe, sắm đáy, Hào hứa với cha sẽ không đi biển, nhưng thỉnh thoảng cũng ra khơi đánh bắt gần bờ. Đầu óc suy nghĩ lơ mơ, Hào lại chụp lấy chai rượu, ông Tư Ngói thở dài:

- Nhà vẫn còn mấy công ruộng, mày đem vợ con về trển với ba!

 Nhìn mái đầu trắng xóa của cha, Hào se lòng nhưng anh vẫn mê những mẻ lưới, những guồng đáy lấp lánh ánh bạc của tôm, của cá, mỗi mùa mỗi loại cá. Anh khẽ lắc đầu. Dù biết rằng cái lắc đầu của anh sẽ làm ông già phật ý.

(Trại sáng tác truyện ngắn Tiền Giang)

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ