Nơi chốn quay về

Không hiểu đã bao nhiêu lần và đã mất bao nhiêu thời gian, tôi và Định mở ra, xếp vào, cân đong đo đếm số hành lý mà tôi đem về cho chuyến đi sắp tới. Hình như có cái gì đó không ổn khi gọi là “chuyến đi”. Sau cùng, tôi thật sự bằng lòng với cụm từ “chuyến trở về”.

Định cẩn thận ghi tên người nhận trên từng món quà được gói giấy hoa xinh xắn. Lúc đầu, chúng tôi bàn bạc rồi thống nhất với nhau rằng chồng tôi và David, con trai lớn của tôi, sẽ dự tiệc cưới, khi nhận được thiệp báo tin của đứa cháu gái từ quê nhà. Thế nhưng, giờ cuối thì có sự sắp xếp lại: tôi cùng Andrew, đứa con trai nhỏ, trở về Việt Nam. Định nói rằng như vậy là hợp lý nhất, vì tôi vừa thăm gia đình chồng vừa thăm anh ruột của tôi.

Định căn dặn lần nữa, ở sân bay: “Tới Tân Sơn Nhất gọi điện cho anh liền” và “Con online cho ba mỗi ngày, nhé Andrew!”.

Anh nắm chặt tay tôi và con, làm lòng tôi chùng xuống, bồi hồi, dù chỉ xa nhau mười lăm ngày ngắn ngủi.

Biết được phải mất hơn hai mươi giờ trên máy bay, con trai tôi mang theo cái phone. Nghe nhạc, rồi ngủ. Và cứ thế. Còn tôi, tâm trạng tôi sao sao ấy: rộn ràng, ray rứt, sung sướng, khổ đau… Thoáng một cái mà đã hai mươi sáu năm rồi! Hơn chín ngàn ngày quay quắt không yên. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười nơi xứ người xa lạ? Có lúc ngồi vào bàn trang điểm, thấy mái tóc óng mượt, đen nhánh không còn, tôi hốt hoảng bôi vàng, bôi nâu. Những sợi tóc đã nhuộm màu sương khói.


Minh họa: Lê Hồng Thái

Tôi cố nhắm mắt, nhưng giấc ngủ vẫn không tìm đến. Quá khứ lại bập bềnh qua từng đám mây lơ lửng ngoài kia…

Không hiểu bởi lý do gì khi tôi vừa sáu tuổi, ba đã gửi tôi vào trường nội trú Fatima - Thủ Đức. Có lẽ, bước đầu, ba muốn hướng tôi đến chân lý cao đẹp của Thiên chúa? Tôi vừa học, vừa tu. Cuối tuần, ba đón về. Chỉ một mình ba với căn nhà đầy đủ tiện nghi ở đường Lữ Gia. Tôi vui chơi thỏa thuê với con búp bê tóc vàng, với những món ăn ba mua sẵn để đầy trong tủ lạnh. Được vài năm, ba làm ăn thất bại, tôi về Long Xuyên chung sống cùng bà ngoại, cậu, dì. Má theo ba ngược xuôi trên sông nước, trên xà lan chở cát đá, xi-măng. Nhiệm vụ của tôi là chăm sóc mấy đứa em còn nhỏ xíu và phụ tráng bánh, bỏ mối chợ Cồn. Chưa có kinh nghiệm, tôi thường để nước sôi bốc hơi rát bỏng mặt mày. Có bữa, nhà hết cơm, ngoại thảy cho chị em tôi mấy mẩu bánh vụn. Đêm ngủ, các em than kiến cắn bụng khóc rấm rứt, tôi thương quá nên không dám nói rằng chị cũng đói mốc, đói meo. Rồi tôi nghĩ ra cách mò cua, bắt ốc ngoài sông để cải thiện buổi ăn. Tình trạng bi đát kéo dài, các em tôi bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Một lần, ngoại quên khóa tủ, tôi phát hiện trong hộp nữ trang ở ngăn nhỏ trên cùng. Do dự giây phút, tôi quyết định lấy chiếc nhẫn vàng đem đổi bánh cho các em. Ngoại biết được. Và má dựng tôi dậy. Tôi khóc lóc, van xin, hứa sẽ không bao giờ tái phạm, nhưng má vẫn lấy dao cạo trọc đầu tôi kèm theo trận đòn dã man trong đêm mưa gió. Hôm sau, ngoại, má trao đổi với nhau rất lâu. Rồi má  bảo tôi rửa mặt mũi, tay chân đi theo má. Tôi riu ríu nghe theo. Má đưa tôi vào Ty Cảnh sát và vội vã bỏ đi. Mãi rất lâu, với sự giải thích của chú lính già, tôi mới hiểu rằng mình bị “ở tù”. Ở tù? Tôi không khóc, chỉ nghe nghẹn ở cổ họng. Ngày ngày, nhìn cuộc sống rộn rịp bên ngoài bằng ô cửa nhỏ, tôi chẳng mong có người đến thăm. Sờ lên đầu, tóc mọc tua tủa, tôi khẳng định hình ảnh người bà rất mực thương yêu cháu chỉ có trong cổ tích xa vời. Và chỉ mỗi cô Tư, cạnh nhà ngoại, mang cho tôi gói xôi cùng mấy cái bánh bò. Tôi ăn một nửa, phần còn lại để dành cho lũ chuột. Xem ra, chúng sung sướng hơn tôi, một con người!

Đúng một tháng, ba về nhà, hay chuyện, vội đến bảo lãnh tôi. Có nên về hay không? Tôi sợ quá những đòn roi của cậu út khi tôi làm điều gì không vừa ý cậu. Thế mà, đánh xong, cậu lấy muối ớt rắc lên những lằn roi rướm máu ấy. Cậu luôn mồm nhắc thành ngữ “Thương cho roi, cho vọt”. Còn cách nào thể hiện tình thương cậu dành cho tôi hơn thế chăng? Mãi sau này, tìm kiếm những vết sẹo trên thân thể mình, nhưng nó hoàn toàn biến mất, tôi thầm nghĩ chắc nhờ muối ớt ngày xưa?

Có nên quay về hay không? Ba bảo các em nhớ tôi lắm, tụi nó khóc mãi và không chịu đi học. Vậy là tôi bậm môi trở lại. Tôi thương nhớ các em và thương ba.

Thời gian quá cảnh ở Hồng Kông, tôi chợp mắt, lơ mơ. Sau đó, thật tỉnh táo để tiếp tục nhớ những ngày đã xa lơ, xa lắc.

Tôi lớn hơn một chút, đã lên lớp sáu, công việc cũng nhiều hơn gấp bội. Mợ Út sinh em bé, cậu Út phân công tôi giặt áo quần cho mợ. Có lần, tình cờ ba về thăm, thấy tôi mệt lả, buồn nôn bên mớ áo quần có mùi tanh tanh của máu. Cậu Út phân bua: “Cháu nó tự nguyện, không ai bắt buộc. Anh đừng hiểu lầm”. Ba gật gù, không nói. Nhưng liền hôm ấy ba đưa cả gia đình về Cần Thơ, tôi thoát được địa ngục trần gian.

Ba vì công việc làm ăn, ít thời gian gần gũi con cái. Tôi là “vú em” của bảy đứa em. Má sáng sớm ra đi, chiều tối trở về, chẳng cần biết lũ con học hành, ăn uống, đau ốm ra sao vì má nghĩ rằng tôi là đứa con gái giỏi giang, quán xuyến. Thỉnh thoảng, ba ở nhà nhưng chẳng vui vẻ gì: ba, má luôn cãi vã nhau. Nếu ba lớn tiếng, má đập nát vật dụng chung quanh (như bàn ghế, ly chén, xe cộ). Lúc đó các em tôi di tản sang cô Năm, một mình tôi thu dọn chiến trường tan tác. Mấy ngày tết, tôi xin má cho đi chơi một vòng với bạn bè, má không bằng lòng còn la trách, nào là lớn rồi mà còn ham chơi, nào là hư thân mất nết… Má không thương con của má? Vì sao? Bị ngoại ép buộc phải lấy ba? Bị lừa, bởi sau ngày cưới má mới biết ba đã có vợ, có một đứa con trai? Anh Long là đứa con trai bất hạnh đó. Tình cảnh của anh cũng bi đát cực kỳ. Sau khi chia tay với ba, mẹ anh bước thêm bước nữa. Mới sáu tuổi, anh Long ra chợ Kinh Cùng trọ nhà cô Sáu để đi học. Lên lớp đệ nhất, ba đưa anh Long tạm trú nhà chị Lệ Hà (Sài Gòn). Ở đó, anh cũng chịu trăm điều tủi nhục, bị mang tiếng “ăn bám”. Khi ba chưa kịp gửi tiền cơm, tiền nhà. Do đó, vừa thi xong tú tài, anh tình nguyện đi lính để giải quyết bế tắc cho bản thân và gia đình. Tôi thông cảm và xem anh Long như anh ruột của mình, dẫu sao anh và tôi đều cùng chung dòng máu.

Lâu lâu anh về chơi, ba rất vui khi thấy chúng tôi biết thương yêu nhau. Má thì rất khó chịu, bà chẳng muốn nhìn mặt đứa con riêng của ba. Và hình như má luôn lo sợ anh Long sẽ chiếm đoạt tất cả tài sản của bà. Má có ý đồ gì mà bảo rằng tôi và anh có mối quan hệ không trong sáng. Thế nào là không trong sáng? Má có còn là má của tôi chăng? Tôi chẳng phải là con của má, bảy đứa em của tôi cũng là con ghẻ? Còn ba, sao ba xa xôi quá! Mải miết làm ăn, mải miết lo kiếm tiền. Nếu có ở nhà, ba ôm ghì chiếc radio nhỏ, nghe tin tức gì đó, bí mật lắm. Thằng Lâm đòi ba ru ngủ, ba hát: “Ra đi, ra đi, bảo toàn sông núi. Ra đi, ra đi, thà chết chớ lui”. Âm điệu hào hùng, thôi thúc, tôi thích lắm. Ba hứa lúc nào thuận tiện sẽ dạy tôi bài này. Nhưng mãi mãi không bao giờ có được…

Những buồn đau, tủi nhục tôi chỉ có thể sẻ chia với cô bạn có tên thật sang trọng: Đài Các. Ngoài giờ học, Các phụ gia đình chở đá, gạch đến bán cho công ty của ba. Tôi trắng trẻo, có vẻ “yểu điệu tiểu thư”, Các thì mặn mà, hoạt bát, nhất là rất mạnh mẽ (hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Rỗi rảnh lúc nào là Các tranh thủ ghé nhà giúp tôi từ việc nặng đến việc nhẹ. Biết má đối xử thô bạo với tôi như vậy, Các thường ôm tôi an ủi. Có Các những tháng ngày u ám mùa đông đời tôi vẫn còn chút nắng xuân ấm áp tình người.

Chưa xong lớp mười hai, tôi xin ba nghỉ học. Tôi không đủ sức để vừa đến trường vừa quán xuyến gia đình, vừa chịu áp lực nặng nề từ phía mẹ của mình. Ba ngẩng người trước thái độ quyết liệt của tôi. Tôi xé toạc tập sách, đập nát tan bút mực. Kết thúc thời học sinh áo trắng, lòng tôi đau tê tái, cố gắng không khóc mà nước mắt vẫn cay nồng.

Ba đột ngột qua đời. Tôi hụt hẫng, chới với, cảm nhận rõ ràng là từ nay lũ con tám đứa của ba sẽ bơ vơ lạc lõng. Chỉ một tháng sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Có người đến nhà cho biết ba từng hoạt động cách mạng, bảo má làm giấy chứng nhận để công việc mua bán vật liệu xây dựng thuận tiện hơn. Má tôi chẳng quan tâm chuyện sống chết thế nào của ba, bà chỉ còn biết mỗi một người trên thế gian này là chú ba Yến, tài xế xe tải của ba trước đây. Tôi cũng đã bị má giáng cho trận đòn thập tử, nhất sinh vì dám phê phán thói đạo đức giả của chú ba, người má vô cùng yêu quý.

Rồi má mua căn nhà to rộng, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, sống đường hoàng với chú ba.

Rồi má đưa về một anh chàng tên Phụng (cũng may, không phải là Phượng), giới thiệu là con của người bạn thân đã từng cưu mang má thuở xa xưa, giờ má phải xem như con của mình? Phụng được má tin cậy, giao trông coi sổ sách, giấy tờ. Phụng xả thân vì má. Thật lòng mà nói, tôi cảm ơn anh ta rất nhiều, nhưng không thể nào ưa nổi ánh mắt gian gian, dối dối của con người đó. Và tôi cũng chẳng hiểu vì sao má buộc tôi phải đám cưới với Phụng. Hăm dọa, thuyết phục, má tìm đủ cách để tôi gật đầu. Thì thôi, lấy chồng cho xong vậy, cho vừa lòng má vậy. Mười chín tuổi, tôi có chồng. Không thiệp hồng, không xe hoa, pháo nổ. Đám cưới thật giản đơn. Buổi tối, trước lễ xuất giá, tôi cầu mong có một người nào đó đến rủ tôi bỏ nhà trốn đi. Nhưng không ai cả, chỉ có Đài Các tình cờ ghé thăm, mới biết tôi chuẩn bị… vu quy. Các ở lại, làm mấy ổ rau câu thật đẹp để ngày mai đãi khách. Lạy xuất giá, tôi không khóc lóc như bao cô gái khác, mà dửng dưng kỳ lạ. Dửng dưng nhìn ngoại, cậu, dì, anh họ đến chúc mừng. Dửng dưng với những gương mặt thân quen đến thế đó đã từng gieo cho tôi bao tủi hờn, nhục nhã thế kia.

Má đắm chìm trong cuộc tình mới, mặc bao lời dị nghị, gièm pha, mặc vợ con chú ba khóc than, nguyền rủa. Tôi mệt mỏi, chán nản và ngao ngán khi phải sống trong hoàn cảnh trớ trêu. Và để chạy trốn thực tế bi đát, tôi quyết định mạo hiểm: vượt biên. Chuyến đi được tổ chức bí mật, má hoàn toàn không hay biết. Số tiền dành dụm bấy lâu chỉ đủ cho năm người: tôi, Phụng và ba đứa em nhỏ nhất. Tôi dặn dò Thủy: “Tránh xa chú ba, không cho ông ta gần gũi. Ông ta là con quỷ râu xanh. Chừng nào tới bên đó, chị sẽ bảo lãnh má và các em…”.

Ba ngày đêm lênh đênh trên biển. Cuối cùng, thuyền cũng được đến đảo Galand. Sáng hôm sau, ra kiếm tìm vài vật dụng cần thiết mới hay con thuyền đã rệu rã, tan tành. Những mảnh ván thân tàu bập bềnh trên sóng nước. Nhặt được một cuộn chỉ gân, tôi để dành kết lại đôi dép sứt quai của mình. Những ngày tạm cư cũng cực kỳ gian khổ, nhưng nhớ tới “Robinxon trên hoang đảo”, tôi đã phấn khởi đợi chờ.

Vào nước Mỹ, quyển sách cuộc đời bắt buộc phải sang trang. Vốn liếng ngoại ngữ ít ỏi thời trung học chẳng giúp được gì cho tôi cả. Thế là phải đi học tiếng Anh. Phụng may mắn tìm được một chân trong nhà hàng người Tàu. Cuối tuần, Phụng đưa bạn bè về nhậu nhẹt, xỉn say. Thấy tôi không vui, Phụng buông những câu xanh rờn: “Đ.M, tiền của tao, tao xài. Đồ ăn bám mà còn bày đặt…”. Tôi cố gắng nhịn nhục, nuốt nước mắt vào trong lòng, nhưng vận chưa đau và lợm giọng khi nhiều lần bắt gặp anh ta định giở trò khốn nạn với em gái tôi chưa tròn mười ba tuổi. Chia tay. Tôi gạt nước mắt để Phụng “bắt” đứa con trai còn nhỏ dại, bởi vì tôi không thỏa mãn những điều kiện anh ta đưa ra. Đành vậy! Sẽ có ngày tôi “chuộc” lại con mình. Tôi đưa các em về miền Nam, chạy trốn thật xa người chồng chỉ biết sống theo bản năng, nô lệ những dục vọng thấp hèn.

* * *

Máy bay vào địa phận Việt Nam, chợt dưng nước mắt tôi tuôn tràn. Andrew nhìn sang, hốt hoảng: “Mẹ sao vậy? Có bệnh gì không? Con lấy thuốc cho mẹ nhé!”. Giải thích thế nào để con tôi hiểu được tâm trạng của mẹ nó, đành nói: “Tại mẹ quá mừng…”. Andrew gật đầu, làm như đã nắm rõ vấn đề. Cách đây 10 năm, Định cùng tôi hối hả mua vé “chợ đen” khi hay tin mẹ anh bị tai biến mạch máu não. Chúng tôi đứa nào cũng khóc lúc máy bay về tới Việt Nam.

Nắng ở sân bay Tân Sơn Nhất chói chang. Nước mắt tôi rưng rưng khi thấy những người thân nhón chân đón đợi: Chị Lo của Định, anh Long, chị Tiếp, các cháu… Xe lướt qua mấy con đường ngày xưa, “Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát…”, tôi nhìn phố xá thênh thang, người người xuôi ngược, sao tôi muốn ôm tất cả vào lòng. Mẹ anh Định không còn khỏe mạnh như xưa, bà ngồi loay hoay trên chiếc giường nhỏ, môi mấp máy nói chẳng ra lời. Thằng con trai tôi nắm tay bà nội, lí nhí: “Bà khỏe không?”. Bàn tay nhăn nheo, gầy đét trong bàn tay cháu căng tròn, mạnh mẽ. Tre tàn, măng mọc. Biết đó là quy luật thời gian, nhưng lòng ai không thấy ngậm ngùi? Mấy mươi năm, cây tre già nua mòn mỏi chốn quê nhà, đợi chờ những búp măng non trở về để được ấp yêu, trìu mến. Thế mà…

Lần trước, Định và tôi chỉ lo tiếp khách khứa, chăm sóc thuốc men cho mẹ, chưa kịp đến một vài nơi, thăm một vài người thì phải trở qua Mỹ đúng ngày quy định. Lần này, thời gian rộng rãi hơn. Anh Long đưa mẹ con tôi về Cần Thơ. Thành phố miền Tây đã thay da đổi thịt. Xe vượt êm qua căn nhà số 30 đường Trần Hưng Đạo, giờ là trụ sở Ủy ban nhân dân phường An Lạc. Căn nhà đã từng có tiếng cười đáng ghét của chú ba, có gương mặt câng câng của Phụng với cuộc hôn nhân gượng ép chẳng chút tình yêu. Không có gì để tôi lưu luyến. Nhưng lòng tôi chùn cuống khi bắt đầu vào đường Võ Tánh (nối dài). 124, ngôi nhà nhỏ do ba xây dựng. Nền rất thấp nên mùa mưa, chị em tôi xắn quần lội lõm bõm. Thằng Sơn thích thú tìm bắt những chú cá lia thia lạc bầy. Nhớ quá  chiếc Vespa cũ kỹ của ba, quà bánh cho con tôi thường được cất trong hai “bụng xe” to tròn. Ở đó, dù tất bật việc nhà, việc học, tôi cũng kịp nhận ra đôi mắt dịu dàng qua tròng kính cận của người hàng xóm trong những buổi tan trường. Những cánh thư, những món quà xinh xắn, người hàng xóm có tên Hoàng Đạo đã là một chút gì rất dễ thương khiến tôi bâng khuâng, trăn trở khi giấc ngủ đến muộn màng. Sang nhà mới, xa con đường lầy lội, tôi chưa có dịp nói lời từ giã cùng anh. Cuộc sống khó khăn, bề bộn làm chúng tôi lạc mất nhau lúc nào không hay biết. Để trước đám cưới một ngày, tôi định sẽ chạy tìm Đạo, rủ anh đến nơi nào xa xôi như Đà Lạt, Nha Trang… Nhưng tôi yếu hèn, cộng chút tự trọng của một đứa con gái, tôi đành để cơ hội mong manh vuột mất. Tôi khóc lặng thầm trên chăn gối đêm tân hôn, và Phụng thì vui mừng vì hiểu lệch lạc nguyên nhân những giọt nước mắt đó.

Chỉ một đoạn đường ngắn nữa thôi là tôi đứng trước nhà Đạo. Tôi gọi cửa. Người bước ra là anh chàng hàng xóm một thời làm tim tôi xao xuyến. Nhất định tôi sẽ cười thật tươi. Sau giây phút ngỡ ngàng, Đạo nhận ra tôi nhờ hai lúm đồng tiền rất sâu trên má. Anh có thể bất ngờ, có thể ngạc nhiên… Và… Có thể là sẽ rất xúc động. Nhưng để làm gì?

Hãy để chút kỷ niệm xưa mãi vẫn còn là những hoài niệm, luyến lưu.

Tôi đề nghị đến thẳng nghĩa trang Từ Thiện. Anh Long gật đầu, cười cười khi thấy chương trình thay đổi, chắc là anh hiểu được tâm trạng em gái của mình hơn ai hết.

Nơi ngơi nghỉ của ba thật yên ắng, thanh bình. Hình ảnh ba trên bia mộ có chút nhạt mờ do rêu bụi thời gian, nhưng vẫn lấp lánh nụ cười bao dung, nhân hậu. “Ba ơi, con trai, con gái, cháu nội của ba đang ở cạnh đây, ba có vui không? Nếu ba còn sống, chúng con đâu phải tha phương cầu thực xứ người, để suýt nữa con đã mất một đứa em. Ba không thể hình dung được chuyến vượt biên của con bi đát, khủng khiếp đến mức độ nào. Nóng nực, hôi hám và thằng Lâm ngất xỉu vì say sóng. Bà chủ tàu đòi quăng em xuống biển. Con giành lấy, ôm chặt nó vào lòng rồi gào thét: “Cứu em tôi! Xin cho em tôi miếng cháo!”. Người nào đó vội vàng lấy chút cơm khô nấu sôi với nước biển. Và Lâm tỉnh lại. Ba ngày đêm chị em con chui nhủi, co quắp trong khoang thuyền, chẳng thấy mặt mũi Phụng đâu. Hình như anh ta không có chút gắn bó với chúng con, không một chút tình nghĩa vợ chồng.

Hai mươi sáu năm lưu lạc, lòng con trĩu nặng nỗi buồn. Sao con không thể quên gương mặt hả hê của dì Tám khi thấy con giãy giụa, quằn quại bởi trận đòn dữ dội của má? Sao con không thể quên bàn tay múp míp của cậu Út lấy muối ớt cay xè chà xát vào lằn roi rướm máu của đứa cháu gái mình mà chẳng chút đắn đo? Sao con không thể quên chiếc đầu cạo trọc lóc do chính má “ra tay”? Có phải con đang sống kiếp “Sống mòn” của Nam Cao? Nhưng rồi, tình cờ con gặp lại Định. Giọng nói trầm ấm, ánh mắt cảm thông vẫn như những ngày tạm cư trên đảo Galand. Anh tất bật học, tất bật làm. Con cũng vậy. Lúc này, má (sau khi bị chú ba lừa gạt hết tài sản) và các em lần lượt qua Mỹ

định cư, cùng sống với nhau ở Houston… Thỉnh thoảng, Định ghé thăm má, gọi điện cho con. Rồi một ngày thu có lá thu vàng, có nắng thu nhè nhẹ, Định ngỏ lời yêu con. Chẳng biết từ bao giờ, tim con vỡ nhịp. Con cảm ơn Thượng đế đã cho con tìm được một nửa của mình. Mãi tới khi về sống bên nhau, Định mới nói rằng anh “để ý” con từ ngày vừa đặt chân lên đảo. Anh tội nghiệp “bà mẹ trẻ” cực nhọc chăn giữ đàn con 3 đứa nên luôn tích cực giúp đỡ những gì có thể như bửa củi, xách nước, dựng lều… Dần dần, hiểu ra, ba biết không, Định đến với con thật khó khăn. Anh ruột và chị dâu của Định tìm đủ cách ngăn cản bởi lẽ con đã từng có chồng, có con. Má cũng phê phán, lên án việc con kết hôn cùng Định.

Từ những rào cản khách quan, con định sẽ rời xa Định. Nhưng rồi trái tim mách bảo con không thể yếu hèn, nhu nhược như trước nữa, phải dũng cảm đấu tranh giành hạnh phúc cho mình. Cuối cùng, con có được một tình yêu đúng nghĩa, tuyệt vời!”.

Tôi thì thầm với ba như vậy trong ngày hội ngộ. Hình như ba nheo mắt cười với con cháu của ba. Và văng vẳng từ lòng đất xa xôi, lời ba dặn dò: Sống tốt, sống tích cực, nhưng phải biết thứ tha, bởi tất cả rồi sẽ qua đi, chỉ tình thương yêu là còn mãi mãi.

Thế là chương trình một lần nữa lại thay đổi. Tôi đến thăm cậu mợ, dì, anh… xem tâm trạng như thế nào khi đối diện với những người đã từng làm tổn thương tinh thần lẫn thể xác của mình. Họ không tiếc lời khen ngợi tôi thông minh, tháo vát, bản lĩnh… Buổi cơm dành cho Việt kiều thật tươm tất, đầy đủ đặc sản Long Xuyên. Họ nhiệt tình gắp thức ăn cho tôi, cho con trai tôi kèm ánh nhìn trìu mến, thân thương? Ngày xưa, chị em tôi đói thê thảm, đói cực kỳ để tôi phải trở thành kẻ cắp, bị bỏ tù… Dẫu sao, tôi cũng cảm ơn họ. Nhờ họ, tôi rèn tính chịu đựng, kiên trì để thời gian nơi xứ sở văn minh xa lạ, tôi luôn nhẫn nhịn, không từ chối bất cứ việc gì từ khuân vác, rửa chén, lau nhà, quét dọn bệnh viện… miễn sao có tiền lo cho các em và bản thân mình được vươn lên.

* * *

Bằng xe gắn máy, anh Long đưa tôi đi tìm Đài Cát, theo lời chỉ dẫn của một người quen. Qua mấy chục cây số mịt mù bụi đỏ, nông trường Tân Lập với khóm và khóm hiện ra. Con đường đất nhỏ có hàng bạch đàn rì rào trong gió dẫn đến địa chỉ tôi muốn tìm. Người phụ nữ gầy đét, da sạm đen, mái tóc ngắn muối tiêu hỏi chúng tôi cần gì. Tôi ngập ngừng:

- Có phải là… là Các?

- Trời ơi! Là Các đây! Tao đây!

Thôi, đúng rồi. Chỉ có đôi mắt thăm thẳm là chưa thay đổi để tôi kịp nhận ra nhỏ bạn thân thương. Chúng tôi ôm chầm nhau mà không kềm được nước mắt. Tôi ôm Các vào lòng như ôm được quê hương, một hiện hữu cụ thể ngày xưa yêu dấu tưởng mãi mãi vuột khỏi tay mình. Các thay đổi quá nhiều, tôi ngỡ ngàng nhận ra sức tàn phá ghê gớm của thời gian. Thân hình tròn lẵn, tóc thề đen nhánh mượt mà, giọng nói trong trẻo lạc mất đâu rồi? Giờ, còn lại một Các gầy héo như nhánh cỏ khô.

Bỏ dép giày, tôi cho đôi chân đùa nghịch đất cát nông trường. Lâu lắm, tôi chưa có được cảm giác tự do, thoải mái này. Con trai tôi lấy máy chụp hình ra bấm lia lịa. Các kể tôi nghe những ngày đầu, loay hoay mãi không biết phải làm thế nào trên mảnh đất vùng kinh tế mới chỉ toàn cỏ năn cùng cái nắng cháy da này? Không vốn liếng, không thể cải tạo đất. Bỏ đi ư? Rồi lang thang như trước ư? Sau khi gia đình suy sụp, Các đã từng ngồi ngoài vỉa hè chiên chuối bán, tối về ngủ nhờ một ngôi chùa ở Hà Tiên. Từng theo ghe cát lênh đênh sông nước, nhưng ghe bị lật chìm, trắng tay… Khóc chán, Các hạ quyết tâm: phải bám trụ nơi này. Và giờ đây, hy vọng về một tương lai tươi sáng bắt đầu le lói. Mấy mươi năm tôi bôn ba xứ người, thì chốn quê nhà Các cũng vật lộn với cuộc sống trăm bề khó nhọc. Các vẫn một mình. Cô ao ước có một tâm hồn đồng điệu, sẻ chia buồn vui trong quãng đời còn lại. Nhưng kiếm tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy, ngày ngày Các đành chuyện trò với khóm, với khoai, với nắng gió nông trường.

Tôi dành riêng mấy ngày rủ Các, gia đình anh Long du lịch một chuyến cao nguyên. Andrew thích thú trước cảnh đẹp Mũi Né, Đà Lạt. Chỗ nào nó cũng được thưởng thức món ăn thuần túy Việt Nam và luôn miệng khen “hết ý”. Chúng tôi dung dăng, thỏa thuê ở thành phố sương mù. Đi thuyền, cưỡi voi, ngồi xe ngựa, uống cà phê chồn, ăn hủ tiếu Nam Vang… Những trận cười vỡ bụng khi Các pha trò. Những giọt nước mắt long lanh khi cùng nhắc lại kỷ niệm ngày xưa. Tôi tạm quên Định, quên Houston xa xôi nửa vòng trái đất.

Mười lăm ngày qua vèo. Tôi trở qua Mỹ, hành trang đầy ắp những chuối khô, bánh phồng sữa, mứt gừng dẻo, hột é, lười ươi… của một thời tuổi thơ yêu dấu, cùng tình cảm chứa chan của biết bao người. Tôi đã quẳng nỗi buồn, niềm đau day dứt từ lâu xuống dòng sông Mỹ Thuận và hứa với riêng mình: quên những gì đáng quên và chỉ nhớ những gì đáng nhớ.

Qua khung cửa kính cách ly, tôi vẫy tay chào tạm biệt. Một nụ hôn gửi lại quê hương. Tôi ra đi rồi tôi sẽ trở về…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Tiếp

Nguồn tin: VNTG số 53