Nó là con của biển

Bóng tối đổ xuống. Biển đen sậm. Gió chướng thốc vào mái lá từng hồi đến buốt lòng. Thằng An thấy mẹ ngừng rên, khép mắt, nó lẻn ra cửa sau, nhẹ nhàng lấy cây cào nghêu của mẹ. Nó băng qua con đường tắt đi về phía bãi nghêu.

Trăng mùng mười lấp ló trên mặt biển. Nó cùng bóng mình lặng lẽ qua bãi cát. Biển cạn và vắng, chỉ có tiếng sóng ì ầm. An nhìn quanh không một bóng người, nó an tâm, khom người ấn cây cào nghêu xuống cát. Mấy con nghêu trắng trồi lên. Nó nhanh tay lượm lấy bỏ vào cái giỏ nan để bên cạnh. Ngọn gió xoắn vào không khí rít lên làm nó giật thót. Nó cố trấn tĩnh, lặp lại động tác ấy nhanh hơn.

Gió lồng lộng mà mồ hôi nó vã ra, lành lạnh ở cổ, sống lưng. Cái giỏ đã nằng nặng. Nó cố nhanh tay hơn để quay về với mẹ. An chợt nghĩ, phải chi cào được viên ngọc ước! Nó có nhiều mơ ước lắm, nhưng ước mơ hiện tại là làm sao cho mẹ hết bệnh. Cái túi đã nặng và gần đầy, ước chừng ba, bốn ký nghêu. Nó thấy vui khi nghĩ đến số tiền bán nghêu cho bà Hai Tiệm, chủ quán nhậu ngoài đầu xóm. Nó sẽ mua thuốc cho mẹ, mua ít gói mì và ký gạo… Nghĩ đến điều đó, thằng An thấy sướng cả người. Nó giũ cây cào nghêu cho sạch cát rồi đứng thẳng người khoan khoái nhìn ra biển. Trăng đã lên cao, bầu trời như cái chảo khổng lồ, úp xuống, đính đầy sao. An thấy bóng mình in dài trên cát. Nó dợm bước về nhà thì cái bóng to cao chặn ngay trước mặt. Cậu bé giật thót, ù té bỏ chạy. Túi nghêu nặng quá nên nó chạy lịch bịch mấy bước thì bị túm lại. Nó khiếp vía vì nghĩ mình sẽ làm mồi cho ma biển! Nhưng, An nghe giọng nói át cả tiếng sóng:

- Trả nghêu lại chỗ cũ!

Người chứ không phải ma! Nó nhủ thầm: Thế nào cũng bị ăn mấy đá nhủi đầu như hôm qua ngoài vựa cá. Nó đứng ì ra, trân mình chờ nhận mấy cái đấm, cái đá hoặc cái tát… người ấy không thấy rõ gương mặt lì lợm chờ đòn của nó. Người ấy không động tay động chân, chỉ nhắc lại:

- Đem trả lại cho người ta! Ăn cắp là xấu biết chưa?

Nó cắn môi, không nói nửa lời, từng bước nặng nề quay lại chỗ cũ. Nó trút ngược, túi nghêu nhẹ hẫng. Nó cắn môi để khỏi chảy nước mắt. Phút chốc, gương mặt tái nhợt, đau đớn của mẹ hiện lên. Nghĩ đến những sợi mì, cái bụng nó sôi lên òn ọt. Người đàn ông lấy chân khỏa bằng đống nghêu nhỏ. Nó không nói lời nào kể cả lời xin lỗi, thái độ đó của nó thường bị mấy ông, bà chủ vựa chửi : “Đồ mất dạy!”. Nó đã nghe quen tai như nước đổ lá môn.

Vẫn không nói lời nào, nó bỏ cây cào nghêu vào túi và lầm lũi sải bước về hướng xóm nhà lá có ánh đèn dầu leo lét.

An máng cái túi lên vách. Giữa tiếng gió đập vào mái lá vẳng lên tiếng rên của mẹ. Nó nghiến răng chửi thầm cái thằng cha quái quỉ ấy. Đẩy mành cửa lá ọp ẹp bước vô nhà và một lần nữa giật thót người vì có bóng người cũng đẩy cửa trước bước vô. Thằng bé nghe cứng quai hàm và đứng như trời trồng. Từ chiếc mùng vá víu vẳng lên tiếng ho và rên.

- Ai bệnh vậy nhỏ?

 Người đó hỏi và đẩy cửa qua một bên, ánh trăng soi vào nhà rõ hơn.

- Má tui! Hỏi chi?

Nó buột miệng trả lời. Trong ánh trăng lờ mờ, nó vẫn không thấy rõ mặt người đàn ông ấy.

- Bệnh hồi nào? Giọng người đó vẫn ôn tồn.

- Mấy bữa nay! Nó đáp cụt ngủn.

Người đàn ông vắt mùng lên, trên chiếc nống (trụ giường bằng cây tạp đóng thẳng xuống đất rồi gác cây xung quanh đóng lại, bện sống lá dừa nước làm vạt giường) lộ ra một hình hài gầy gò, tóc tai rũ rượi, đang thở nặng nhọc vì sốt cao. Ông sờ trán rồi bảo nó lấy khăn nhúng nước, vắt ráo lau lên trán, mặt, cổ. Ông móc trong túi ra chiếc bộ đàm kêu ai đó đem võng khiêng người ra trạm xá cấp cứu. Nó tròn mắt cãi lại:

- Tui không có tiền!

Người đàn ông hơi chau mày, ông bảo nó xếp cho mẹ ít bộ đồ, nó tần ngần một chút rồi làm theo. Trong mớ đồ cũ nhăn nhúm, nó chọn được hai bộ khá nhất nhưng vẫn cũ sờn, vá víu.

Hai người mặc trang phục lính biên phòng xuất hiện, dáng vẻ khẩn trương. Họ đặt cây đòn lên vai và chiếc võng dù thòng xuống. Nó tròn mắt khi thấy người đàn ông ấy bồng mẹ nó đặt lên võng. Ông không quên lấy chiếc mền chỉ đã rượn rách phủ lên người bệnh. Nó không dám nói gì thêm, khép cửa và ôm đồ của mẹ sấp ngửa chạy theo.

Trạm y tế vùng biển, đơn sơ nhưng ấm cúng. Hai người trong trạm mặc áo trắng tinh, nó không biết là y tá hay bác sĩ. Họ gọi người đàn ông bằng anh Thắng với vẻ kính trọng. Họ đặt ống nghe, đo huyết áp để kiểm tra sức khỏe. Khi hỏi han bệnh tình, mẹ nó ú ớ. Họ nhìn nhau vì mẹ nó câm. Nó làm “phiên dịch”. Họ bảo: Bệnh nhân bị đau dạ dày và kiệt sức. Mẹ nó được tiêm thuốc và truyền dịch. Một lúc sau, người bán hàng gần đó bưng qua tô cháo nóng, ông Thắng bảo nó thổi cháo đút cho mẹ. Mùi tiêu hành bốc lên, bụng nó vật vã, cồn cào. Mẹ nó uể oải há miệng, nuốt cháo với cảm giác miễn cưỡng. Được vài muỗng mẹ nó lắc đầu từ chối, mắt khép lại và bà chìm vào giấc ngủ nhưng vẫn rên hừ hừ. Nó muốn bưng tô cháo trút ngay vào miệng nhưng còn do dự. Đọc được những gì trong mắt nó chú Thắng bảo:

- Con ăn đi!

Từ thuở giờ nó chỉ nghe tiếng gọi nó bằng “con” của bà ngoại, nhưng tết năm ngoái bà đã mất vì cảm lạnh. Từ đó tiếng gọi “con” đối với An như là món hàng xa xỉ. Nó ngước mắt nhìn ông như hỏi “Chú nói với tui à?” Chú Thắng gật đầu. Nó dừng lại một phút để nhìn gương mặt hiền hậu của ông ấy. Và nó chợt mỉm cười. Chú Thắng đã cho nó nụ cười trẻ thơ. Nụ cười của nó cho chú thấy rằng nó là một thằng bé kháu khỉnh và láu cá. Nó bưng tô cháo ra ngoài, húp xoàn xoạt, mồ hôi chảy dọc xuống cổ. Nó ăn tô cơm cô Cam cho từ trưa tới giờ nên đói lắm. Mẹ bệnh, tiền cạn túi, gạo sạch hũ... Nó đói nên nghĩ cách trộm nghêu.

Minh họa: Thanh Tiên


Thấy mẹ nó đã ổn, người đàn ông nọ gọi nó ra ngoài hiên, đặt vào tay nó ít tiền bảo chăm sóc mẹ và nói:

- Cho dù có nghèo, có đói cũng không được trộm đạo một thứ gì nghe không!

Nó gật đầu, trong lòng rất xúc động nhưng miệng không biết nói lời cảm ơn. Năm đó nó mới hơn mười tuổi.

Mẹ nó xuất viện không tốn một đồng xu (mà thật ra nó cũng không có xu nào để trả). Mẹ vẫn còn yếu, nhưng tươi tắn hẳn, vịn vai nó đi dưới hàng dương. Đôi chân trần của hai mẹ con hằn lên bãi cát như một con rắn dài ngoằng.

Mấy ngày nó không về nhà, căn nhà tồi tàn, nay khá hơn, vách được cặp lá kín đáo. Mái cũng được lợp bằng tôn cũ. Có một cái mùng mới để trên giường. Cô Cam khệ nệ bao gạo nhỏ và thùng mì tôm đặt lên cái bàn xiêu vẹo đã được đóng cứng lại:

  - Nè! Của trên xã cho hộ nghèo, ông Tám trưởng ấp kêu tao nhận giùm.

Mẹ cảm ơn, cô Cam bước ra cửa còn dặn:

- Nấu cho mẹ mày tô mì đi An, tao về coi nồi cơm đang nấu!

Nó ừ. Cô Cam quay lại:

- Mai mốt người lớn nói phải dạ chứ không ừ như vậy. Mai mẹ mày khỏe, hai mẹ con vô đồn cảm ơn ông Thắng, ổng cho lính sửa nhà cho mày đó. Mẹ con mày có tu nên gặp ổng.

Thằng An chỉ gật đầu, nó hướng mắt về phía đồn biên phòng, nơi có rặng dương um tùm và những người lính mặc áo xanh oai lắm. An ước ao lớn lên được như họ.

Hết bệnh, mẹ thằng An được chú Thắng xin cho vô vựa làm khô, không phải đi hôi cá ngoài bến bữa đói, bữa no. Còn nó vô lớp xóa mù chữ. Có mấy đứa lớn tồng ngồng, tóc gần giống râu bắp, hôi nắng nặc nồng mà ngu thấy sợ, có chữ a viết hoài không được. Thằng An khá hơn, chẳng bao lâu nó đã viết được tên mình và tên mẹ nó. Bữa nọ, mẹ lại lấy mảnh giấy bạc gói thuốc lá đã cũ, nhìn vô đó rồi lặng lẽ trầm ngâm. An nhón người qua vai mẹ, nó đã đọc được dòng chữ ấy, có tên Bình, Bình cũng là tên của nó: Lê Bình An. Nó nhớ  mẹ thường dẫn nó ra bãi cát ngập rau muống biển, mở tấm giấy ấy ra coi tới coi lui dù chỉ có một dòng chữ ngắn ngủn. Rồi ngồi bó gối ngó ra khơi còn nó lê la một mình hết nghịch cát rồi chạy ra ngoài té nước.

Mẹ không nói được nhưng kỳ lạ là bà biết đọc, biết viết. Nó mở trang bìa cuốn vở của mình và ghi dòng chữ “Bình là ai?”, mẹ nhìn nó rất lâu, hình như mắt mẹ có nước, giọt nước lớn dần ngập mắt mẹ và tràn ra bờ mi. Nó thấy hối hận và bất giác đưa tay gạt ngang dòng lệ của mẹ. Mẹ chớp chớp mắt cười, người cầm cây viết của nó ngập ngừng một hồi rồi đáp “Là cha An!” nó tròn mắt nhìn mẹ, mẹ gật đầu một lần nữa xác nhận là sự thật. An nhanh chóng biến mất, nó chạy như bay đi tìm chị Cá. Nó gặp chị Cá ngoài đường. An thở hổn hển:

- Chị Cá ơi! Cha tui tên là Bình!

Chị Cá chành miệng cười rồi đanh mặt lại, ngọt nhạt bảo:

- Vậy hả? Tên gì cũng là kẻ khốn nạn, bạc tình hà mày ơi!

Nó như  rơi từ trên cao xuống, không nói lời nào mà cúi gằm mặt, lủi thủi quay về. An đi chậm lắm, nó muốn khóc nhưng nước mắt không chảy ra được. Nó không về nhà mà nhận ra cái cổng của đồn biên phòng: Nó đã đi tìm chú Thắng.

Chiều nó về nhà, tâm trạng nhẹ đi đôi chút. Nhà vắng. Nồi cơm nóng còn nguyên, mẹ vẫn đậy dĩa rau luộc và hai con cá chiên chờ nó. Nó quay ra cửa đi về gò rau muống biển. Chiều đang xuống. Biển nhuộm màu tím xanh. Nó nhận ra bóng mẹ nhỏ bé trên bạt ngàn hoa muống biển. Lẫn trong khúc hòa tấu của biển là tiếng chim hải âu chim chíp. Nó ngồi xuống cạnh mẹ. Mẹ quay lại nhìn nó cười. Nó kịp nhìn thấy giọt buồn trong mắt mà mẹ đang nuốt vội. Mắt mẹ buồn như biển chiều.

***

Không biết bao lần mặt trời lặn xuống đám mây đằng tây và đội biển nhô lên đằng đông, thằng An đã cao gần bằng chú Thắng. Một lần nó nói với chú rằng mẹ nó rất đẹp, chỉ tại mẹ nó nghèo và nó thương mẹ nhất là mẹ không biết nói, không biết chia sẻ nỗi buồn cùng ai. Chú Thắng xoa đầu nó bảo:

- Con đã lớn rồi đó!

Nhưng khi nó nói với chị Cá mẹ nó đẹp, thì chị tròn xoe mắt, môi cong lên:

- Ừ! Mẹ mày đẹp nên ông Thắng mới lo cho mẹ con mày!

An nổi nóng, đá mạnh xuống cát, cát văng lên đầu chị Cá. Chị Cá nghiến răng, cầm cục bọt biển chọi nó, nhưng nó đã chạy mất. Nó biết mẹ chưa nghĩ đến ai ngoài người đàn ông tên Bình mà nó chưa biết mặt.

Mỗi lần ra cảng, nhìn tàu về đầy cá rồi những chuyến tàu nhổ neo ra khơi, nó thấy thích… An nói với cô Cam, cô Cam lắc đầu: “Đi biển nguy hiểm lắm, thiếu gì người ra biển không về! Ông ngoại mày cũng chết ngoài biển đó”. Nó lại nói với chị Cá là muốn đi biển. Chị không nhìn nó, luôn tay trở những con cá khô nói như mỉa mai: “Sao mày không nói với ông Thắng ổng gởi cho chủ tàu, mà nói với tao?”. Chuyện gì cũng chú Thắng, mẹ con nó mang ơn chú ấy quá nhiều. Nó không nói gì, lẳng lặng bỏ đi. Chị Cá nhếch môi cười nhạt, nghĩ nó tìm chú Thắng.

Buổi trưa không thấy thằng An về ăn cơm, mẹ nó nghĩ rằng nó đi đâu đó với mấy chú trong đồn. Chiều đi làm về, mọi thứ vẫn y nguyên, mẹ nó loay hoay làm cơm, mắt ngó chừng ra cửa. Nhưng rồi nắng chiều ngả vàng trên ngọn cây dừa lão còm cõi mà con trai vẫn bặt tăm. Chị Yến thấy ruột rối bời. Chợt thấy tờ giấy để trên bàn thờ của ngoại An, chị mở ra, chữ của thằng An: “Tui đi biển”.

Bước thấp, bước cao chị chạy ra bến tàu, ú ớ hỏi thăm nhưng ai cũng lắc đầu. Chị Yến câm khóc ròng, quay về ghé nhà cô Cam rồi chạy thẳng lên đồn. Người lính trực bảo ông Thắng đi công tác chưa về. Chị về nhà thì thấy hàng xóm lố nhố trước cửa. Mỗi người động viên an ủi một câu, cô Cam bảo: “Chắc nó theo tàu nào đó đi biển nhưng sợ mẹ không cho nên không nói trước”. Mọi người im lặng khi cái bóng to cao của ông Thắng xuất hiện. Ông đọc dòng chữ của An để lại, bảo mọi người giải tán và dặn cô Cam an ủi chị Yến. Ông Thắng đi ra cảng, ông đến chỗ Ban quản lý, lật sổ xem hôm nay tàu nào ra khơi rồi xin tất cả số máy để liên lạc.

Mẹ thằng An không ngủ được, hình ảnh nó lúc ẵm ngửa, khi lẫm chẫm bước đi, rồi những ngày nó lon ton theo mẹ đi hôi nghêu, hôi cá…nghĩ tới đâu nước mắt tràn ra tới đó. Con gà nhà cô Cam eo óc gáy, chị Yến mặc thêm áo, liêu xiêu một mình ra bến cảng, chòm sao vua chếch ngang đầu. Có tàu về, cảng sáng choang ánh đèn. Hình ảnh thằng An chập chờn theo bước chân của chị. Thằng An lớn, hình ảnh của người ấy như in vào nó. Người ấy bị chìm tàu và lạc vô nhà chị. Yến an tâm người ấy sẽ ở mãi bên mình với cái xóm biển heo hút này. Nhưng rồi một hôm người ấy biến mất chỉ để lại dòng chữ trong mảnh giấy bạc của bao thuốc lá “Tôi sẽ trở lại - Bình”. Yến đã khóc, khóc gần giống như đêm nay. Rồi cái bụng Yến lớn dần, kẻ vô tâm cứ “ném đá” vào nỗi đau của mẹ con người đàn bà nghèo. Bà Năm là người đỡ đẻ cho con gái, trong buổi chiều chị vượt cạn và đem nhau thằng An chôn ngoài gò rau muống. Nó được bà đặt tên là Bình An lấy họ mẹ.

Trong lúc mẹ nó ăn ngủ không được thì thằng An cũng ói ra mật xanh. Xin hoài không ai cho theo, cuối cùng nó trốn trong kẹt mấy cái thuyền thúng. Sóng nhồi chịu không nổi, nó bò ra ngoài, người bạn tàu đầu tiên trông thấy nó anh ta xém xỉu.

Họ đem nó vào trong tàu xoa bóp dầu, sau khi nốc hết chén trà gừng pha đường nó dần tỉnh và van xin chủ tàu cho nó đi bạn với tàu. Ông chủ tàu cười hà hà:

- Thằng nhỏ này cũng chịu chơi quá ta, không lẽ bây giờ tao quăng mày xuống biển!

Nó lại nằm vật trên sàn tàu, người như trôi trên không trung. Bữa nó tỉnh dậy, mọi người đi vắng cả, nhìn lên nó thấy cuộn tiền lú ra trong túi quần ai máng trên vách tàu. Nó nghĩ tới chiếc giường ộp ep của mẹ. An ngồi dậy nhìn xung quanh, câu nói của chú Thắng chợt vang lên níu tay nó lại: “Cho dù có nghèo, có đói cũng không được trộm đạo một thứ gì nghe không!”. Nó chồm người nhìn ra cửa tàu, mấy cái thuyền thúng nhấp nhô, mọi người đã đi câu mực. Nó bò lên nóc tàu. Tàu đã thả neo, ông chủ tàu và chú tài công đã ngủ. Giữa bốn bề mây, nước, An nhìn về hướng mặt trời lặn, nó nghĩ nơi đó là đất liền, có xóm nhà ven biển với nhiều kỷ niệm. Nơi mẹ đã oằn người sinh ra đứa con côi cút. Nơi có bãi đất trống đầy rau muống biển, hoa tím bạt ngàn mà mẹ hay ngồi. Nơi nó nghe cô Cam thường hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”. An chợt nghĩ: “Nó là con của biển!”.

An nhìn theo những con thuyền thúng và nhất định nay mai nó sẽ chèo thuyền thúng ra khơi, biển sẽ cho nó nhiều tiền, tất cả nó dành cho mẹ.

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 63