Người cựu chiến binh

Trời trong không một gợn mây, mặt trời mọc sớm và chỉ trong phút chốc đã lan tỏa ánh nắng rạng rỡ, ấm áp. Ngồi ở băng ghế trước nhà, nhâm nhi ngụm trà thơm đậm, chú Hai Kiên ngó hướng xa xa, lẩm bẩm: “Mình vùng gần biển, mấy ngày nay ảnh hưởng cơn bão nên mưa cứ sì sụp hoài, giờ êm êm ổng nắng lên ngon lành. Vậy đỡ cho ba cái lúa…”.

Một nhóm bốn, năm người trong xóm vừa vác, vừa kéo những nhánh, những gốc sơ ri chớm héo lá ra gom chất đống mé bờ ruộng. Chắc có người thấy chú, nhưng quay đi rất nhanh để tập trung vào công việc, không như lệ thường nhín lại đôi phút để cười cợt, nói vài lời han hỏi xã giao. Có lẽ bởi vấn đề lấn cấn trước đây mà ra. Từ chuyện một công ty trên thành phố xuống tổ chức họp phổ biến, thuyết phục bà con chuyển qua trồng loại cây sơ ri giống nước ngoài, cam kết việc hướng dẫn chăm sóc, bón phân… Cây cho trái, thu hoạch bao nhiêu họ thu mua toàn bộ. Ban đầu đa số người còn đắn đo, dè dặt, tháng sau lác đác có vài ông chấp nhận ký hợp đồng và hề hà bảo: “Công ty người ta vốn liếng tiền tỉ, họ lại bao tiêu sản phẩm, lo gì?”.

Chú Hai có tìm hiểu và xốn xang trong lòng. Trong một cuộc họp, chú nêu ý kiến rằng bà con nên xem kỹ từng câu chữ chưa cụ thể trong hợp đồng, mình quá chơn chất coi chừng bị thiệt thòi sau này. Chú nhắc chuyện một vài công ty phân bón, thức ăn gia súc năm rồi bán lô sản phẩm kém chất lượng, gây thiệt hại cho huyện bên không ít. Không quơ đũa cả nắm, nhưng cẩn thận tốt hơn. Nhà vườn dễ tin, làm theo, xui rủi chỉ vài mùa sau lại chặt cây, đào gốc, xoay sở trồng loại cây mới. Giống cây sơ ri quê mình xưa nay được thị trường tiêu dùng chấp nhận, tuy năng suất bình thường, nhưng rồi đây dân mình sẽ chủ động học hỏi kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lên. Nếu được quảng bá rộng về loại trái cây đặc sản, bảo đảm sự cung ứng, thì lo gì mai đây không có cơ sở thu mua, sơ chế, làm mứt, làm nước giải khát, làm rượu… tìm tới đầu tư? Rất nhiều người ngó chú ngờ vực, có ông phát biểu thẳng: “Nông dân thời nay cần năng động trong sản xuất, dám nghĩ dám làm. Chú Hai không hiểu cách làm ăn mới, còn bảo thủ, nhút nhát quá!”. Sau họp, chú tìm gặp anh phụ trách nông nghiệp để hỏi thêm. Anh ta nói suôn sẻ một hơi về mục đích, ý nghĩa việc chuyển đổi này, rồi nhìn đồng hồ như sốt ruột. Thấy anh ta xách cặp lên, chú nói nhanh:

“Việc này hệ trọng lắm, chú cố gắng giúp bà con tránh bớt những rủi ro khi đồng loạt loại bỏ giống sơ ri cũ. Ban ngành xã mình có đủ, điều gì chưa thông thì hỏi lên trên. Công ty này lập bản hợp đồng sao tôi thấy có vẻ bất lợi cho dân nhà nông… Tôi thấy…”. Giắt lại ngay ngắn hai cây viết xanh đỏ trên mép túi áo, anh lắc đầu: “Có nhiều cái khó chú chưa thấy! Công ty hứa hỗ trợ địa phương trong việc làm đường nông thôn, giúp đỡ học sinh nghèo, mình soát xét họ quá coi không được. Mà nhà chú đâu có trồng cây sơ ri nào, nói khác đa số quá, có khi gây… hoang mang! Thôi cứ để bà con tự nghĩ, tự quyết cho đúng tinh thần nhân dân làm chủ. Chú nghỉ cho khỏe đi!”. Tối đó chú không làm sao ngủ được, thái dương giật rần rật, thao thức hút thuốc, uống trà, ngẫm nghĩ rồi giận mình không bày tỏ được hết cái ý trong lòng…

Trong vòng chưa đầy ba tuần lễ, quá nửa vườn cây sơ ri trong xã bị chặt ngọn, bứng gốc không thương tiếc để đặt giống sơ ri ngoại. Không riêng địa phương này, xã lân cận cũng vào cuộc nhanh chóng. Xe tải ì ì chở cây giống, phân bón, nhân viên công ty tới lui, không khí ồn ào, tấp nập như một cuộc chuẩn bị đổi đời. Sáng sáng, mọi người đi ngang nhà chú, ai cũng nhìn vào với ánh mắt như nhạo báng, thách thức kẻ đi ngược quyền lợi tập thể. Chú giữ thái độ im lặng, nhẫn nhịn, tự coi như mình sai và thâm tâm thật sự mong như vậy!

… Mùa thu hoạch trái vụ đầu, năng suất giống sơ ri mới khá cao, xe đẩy, gánh gồng, cân kéo sôi nổi, ai cũng vui vẻ phấn khởi. Qua hai tháng, công ty viện dẫn lý do để giảm mức thu mua, phân loại chặt chẽ hơn. Đang mùa trái rộ, số thừa mang ra chợ thị xã bán, người mua ăn thử ít trái và nhăn mặt bỏ đi, để lại một tiếng: “Chua!”. Gần tết, công ty thu mua cầm chừng, có đợt không xuống làm bà con chờ mỏi mắt. Sơ ri đổ đống, từ hườm hườm tới chín mọng, ai cũng ủ ê. Sốt ruột, xúm nhau làm cái đơn gởi xã, xã đóng con dấu rồi biểu cứ lên thẳng công ty khiếu nại. Gần cả tháng sau, đại diện công ty về trả lời với mọi người, khuyên đừng nôn nóng vì khó khăn chung và nhắc nhở lại những điều khoản hợp đồng có lợi cho họ. Còn kéo dài thời gian chi nữa? phải tự lo thân thôi. Người trồng hậm hực đốn sạch cái giống sơ ri ngoại nhập làm tổn hao công sức, tiền bạc. Tâm trạng chú Hai giờ lẫn lộn, một phần vui, chỉ một phần thôi vì trước đây mình nói đúng, nhưng đến chín phần buồn, buồn chuyện bà con làm ăn thất bại, buồn… Ước muốn của bà con nào cao xa, họ sẵn sàng đổ mồ hôi lao động để có tiền nuôi con ăn học, sắm sửa tiện nghi thiết yếu, thăm viếng, giỗ chạp tươm tất… cho họ hàng gần gũi, thắt chặt tình nghĩa nhau hơn. Vậy vì đâu mà cứ chạy theo cái lợi chưa biết chắc, chẳng ra làm sao!

Mãi nghĩ, chú Hai không hay có người bước vào. Chú Tư Cẩn, ông bạn già thân thiết ở ấp Hạ, đi cùng thầy giáo Minh, cũng là chỗ quen biết từ lâu. Chú Hai rót trà mời, cười hỏi:

- Tư Cẩn nay quởn hay sao mà ghé đây sớm?

Móc bọc thuốc rê quấn một điếu, đốt phì phà vài hơi rồi chú Tư mới trả lời:

- Nói luôn nghen, bữa thứ sáu có hội thảo về cuốn lịch sử đấu tranh cách mạng của xã mình, ban biên soạn đề nghị viết về một gương điển hình… Ai nấy nhất trí phải viết về anh. Nay tôi đưa thầy Minh trực tiếp đến gặp anh, về viết bài cho ngon lành!

Minh lật quyển sổ tay ra, vân vê cây bút bi, cười hiền lành:

- Dạ… chú Hai với chú Tư cứ kêu cháu bằng tên, đừng kêu thầy giáo nghe hổng thân mật… Mình chuyện trò bình thường, nhân đó chú Hai ôn lại quá khứ, quãng đời cách mạng để lớp trẻ sau này hiểu nhiều hơn về

lý tưởng đấu tranh của những người đi trước…

Chú Hai không tiện thoái thác, trầm ngâm:

- Tôi hiểu, nhưng còn chị Út Vân, anh Sáu Trọng… sau năm 1973 địch khủng bố gần trắng xã, họ vẫn nằm hầm, bám dân, bám đất hoạt động phong trào cho tới ngày toàn thắng. Sự hy sinh, gian khổ của các đồng chí cơ sở đáng quý hơn tôi nhiều lắm. Thời gian đó tôi còn ở tù ngoài đảo, có cống hiến được gì cho cách mạng?

Gỡ cái kính mát đặt xuống bàn, con mắt độc nhất của chú Hai như sáng lên. Một mắt chú bị hư trong chiến tranh. Sau giải phóng, từ nhà tù Phú Quốc trở về chú thường mang kính, chỉ trừ lúc ra ruộng làm cỏ, đắp bờ. Nhịp tay lên bàn, chú Tư có vẻ thoải mái:

- Tôi dự họp, có chị Út Vân, anh Sáu… cùng nhiều anh em cựu chiến binh. Tất cả đều nhất trí về anh, khí tiết suốt bốn năm trong nhà tù mà anh giữ được thật xứng đáng. Về chuyện bà con hổm rày chặt bỏ giống sơ ri ngoại, xã đã họp kiểm điểm, công khai ra dân. Biết sai để mà sửa thì được. Bà con mình anh biết, dễ dàng bỏ qua chuyện cũ để làm lại, đất đai còn thì nông dân mình sống được. Mình tính chuyện trước mắt đi anh Hai!

Con dâu chú Hai bưng ra dĩa đường thốt nốt bẻ miếng nhỏ, chào mời ba người rồi quay vào. Thầy giáo Minh ngập ngừng:

- Xin lỗi chú Hai! Cháu biết chuyện chú hư một mắt từ hồi xưa, mà chưa rõ mấy…

Hố mắt trái chú Hai trũng sâu, lớp mí che kín thỉnh thoảng giật nhẹ. Chú nhíu mày:

- Nói chuyện này thầy nghe… Khoảng năm 1972 tôi hoạt động liên xã. Thời kỳ đó, địch càn quét hăng lắm. Chúng lập chốt, đưa bọn bình định về rình mò ngày đêm. Vùng rừng từ Tân Phước tới Vàm Láng thì nó bắt dân đốn cây trơ trụi. Tôi lúc ở Rạch Bùn, lúc qua các ấp cù lao như Phú Hữu, Pháo Đài... Anh em mình tuy gian nan, ăn uống chật vật, vũ khí, thuốc men ít ỏi, nhưng cùng quyết tâm xây dựng cơ sở. Tôi biết dân thấy mình còn bám địa bàn thì còn tin tưởng, ủng hộ cách mạng, sẵn sàng chấp nhận mất mát, hy sinh…

Im lặng một lúc, chú tiếp:

- Giữa năm đó ta tổ chức cài mìn, đánh chốt tụi địch. Trong một trận, ta diệt một số tên, rồi rút nhanh, chúng phản kích mạnh. Tôi bị trái nổ, ngất lịm không biết gì. Tỉnh lại mới biết mình bị chúng bắt. Lúc ấy tôi nghĩ tình thế này như bước vào cuộc đấu tranh không vũ khí, sẵn sàng hy sinh. Đánh đập chán tay, tên chỉ huy trở cán lưỡi lê quất tới tấp vào đầu tôi. Con mắt trái dính đòn đau buốt, máu me tràn lan. Nó lên đạn khẩu súng ngắn kê vô màng tang tôi, dọa bắn nếu không khai báo. Anh Ba chắc hiểu tâm trạng người đã quyết một lòng theo cách mạng thì giây phút đối mặt cái chết nó nhẹ hửng như không. Tôi ráng mở con mắt còn lại, trợn trừng căm hờn nhìn nó, cảm giác nòng súng lạnh tanh khó mà quên được. Vừa lúc tụi an ninh chi khu ào ào kéo tới, ném tôi lên xe đưa về quận khai thác tiếp… Mắt trái tôi bị vỡ nhãn cầu, sau chúng giải ra trại giam tù binh Phú Quốc…

Ngừng lại để thay trà, châm nước và rót ra ba cái tách, chú Hai thấp giọng:

- Mấy anh bạn tù lâu năm hay kêu trại giam Phú Quốc là nhà lao Cây Dừa, tên từ thời Pháp. Chúng chia ra phân khu, lính canh cả tiểu đoàn, hàng rào hơn chục lớp. Vậy mà anh em mình vẫn tổ chức vượt ngục. Số thoát về đất liền tiếp tục hoạt động, số hy sinh, số bị bắt lại, nhưng hễ có cơ hội là trốn. Tù chính trị có tổ chức, sinh hoạt tư tưởng, động viên nhau giữ vững tinh thần, sẻ chia từng nhúm muối, con khô…; nói chung là sự đoàn kết của tình đồng chí. Giờ nói lại, kể lại nghe sao bình thường quá, nhưng hồi đó…

Thầy giáo Minh chăm chú lắng nghe, chen vào hỏi:

- Cháu chưa được dịp ra di tích trại giam Phú Quốc, chỉ nghe kể rằng rất tàn bạo…

- Như thời trung cổ! Ai đấu tranh thì bắt nhốt vào cát-xô, chuồng cọp kẽm gai… Tra tấn thì đủ kiểu: đóng đinh, gõ thùng, dùi lửa, soi đèn vô mắt… Dịp họp mặt cựu tù Phú Quốc, tôi có thu thập ghi chép của anh em vào cuốn sổ khá dày. Tôi sẽ đưa thầy giáo xem để hiểu thêm về nhà tù, về khí tiết cách mạng. Mình nói chuyện khác nghen anh Tư!

Ngó ra con đường tráng xi măng khá rộng, rẽ vài bờ đất vào các xóm nhà, bao quanh là ruộng lúa xanh xanh, chú Tư bình thản nói:

- Hai người so sánh thử chừng mươi năm trước, đường đất nắng lông chông, mưa sình lầy. Vận

động bà con xây dựng đường nông thôn, người người hưởng ứng mới được vậy!

Gật gật đầu đồng tình, giọng chú Hai chợt trăn trở:

- Anh cũng thương tật, nhưng hoạt động gần gũi bà con làng xóm suốt tới giải phóng. Tôi tù đày, rồi an dưỡng, mãi sau mới về quê… Chuyện đánh giặc không sờn lòng, tôi mất một con mắt nhưng đã nhìn thấy con đường chính nghĩa để theo, để cống hiến. Nhưng sao giờ thấy hơi lạc lõng với… lớp sau. Chắc tại mình không theo kịp cái suy nghĩ tiến bộ, nhanh nhạy của em cháu…

Kéo ghế ngồi gần lại ông bạn già, chú Tư nhìn thầy giáo Minh đang tập trung vào tay viết thoăn thoắt. Chú chậm rãi nói ra lời ấp ủ, chân tình:

- Con mắt anh đã mất cũng từng thấy bom đạn khốc liệt, lửa cháy xóm làng, trẻ già khốn khổ, đồng đội hy sinh… Chắc anh còn nhớ hòa bình ít năm thì mất mùa toàn huyện, ăn độn bo bo, lúa miến? Xã phải huy động dân làm thủy lợi, trồng khoai củ... Lúc ấy, có chú kỹ sư nông nghiệp vừa về, đề xuất phương pháp sạ khô giống lúa ngắn ngày. Tôi, anh cùng mấy bạn già nhất định không đồng ý, nhớ chưa? Rồi xã họp phổ biến ý kiến đó, đa số ủng hộ. Thành công không ngờ, dân mình no đủ và phương pháp đó được nhân rộng toàn huyện. Tuổi trẻ học hỏi nhiều kinh nghiệm, mạnh dạn sáng tạo để mà giỏi giang hơn. Đại hội cựu chiến binh sắp tới, có lẽ cần phương hướng thật cụ thể, đồng thuận cao, đề nghị anh Hai góp ý mạnh vào. Xin lỗi… tôi nói còn e anh Hai giận, thầy giáo đừng ghi làm chi!

Gấp quyển sổ, thầy giáo Minh tay chống cằm nhìn xuống bàn nước. Không gian như lắng đọng tâm trạng ba người. Mang kính vào, nét mặt chú Hai từ đăm chiêu trở lại bình thường, nếp nhăn trên vầng trán giãn ra cùng tiếng cười nhỏ:

- Tôi phải cảm ơn anh Tư mới đúng! Anh đã hiểu và nói giùm tôi những bức xúc mà có lúc nhìn chung hơi nhỏ nhoi, thiển cận, không đáng với tầm phát triển, đi lên hiện nay. Có nhiệt tình vẫn chưa đủ, còn phải nhìn thấy tương lai con đường mình đi bằng… bằng…

Lưỡng lự một chút, thầy giáo Minh bạo dạn tiếp lời:

- Bằng… con mắt còn lại!

Chú Tư ôm vai người bạn cựu chiến binh mà cười sảng khoái. Chú Hai cũng vui theo:

- Trưa rồi, tôi mời ăn cơm luôn… Nói ăn cơm là cách nói lịch sự, chớ tôi có con rắn hổ hành hầm sả… Giờ cùng lai rai cho vui nghen anh Tư, thầy giáo?

Ba người chầm chậm vào nhà, vừa đi vừa tiếp tục trao đổi râm ran đầy hứng khởi. Đôi chim sáo gần đó vụt bay lên cành tre đậu cạnh nhau, hai cái mỏ vàng xinh khe khẻ kêu lên âu yếm, thanh âm gợi chút tình quê…

Tác giả bài viết: Nguyễn Kim

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 73