Mùa bông điên điển

Mùa bông điên điển

Thân tặng thầy cô và học sinh vùng lũ lụt

Loài bông họ đậu mọc thành từng chùm ngắn vàng rực, be bé, xinh xinh đối với Tâm không lạ gì, nhưng sự hiểu biết chỉ là hời hợt, thoáng qua. Mãi đến khi tốt nghiệp sư phạm về nhận công tác tại một trường Trung học cơ sở vùng sâu, Tâm mới được biết bông điên điển qua món nấu chua trong bữa cơm chiều do nhà trường và Hội cha mẹ học sinh tiếp đãi.

Những ngày sau Tâm còn được biết qua món bông điên điển làm dưa, bóp muối, trụng nước sôi ăn với cá nướng… Vị đăng đắng, ngòn ngọt của bông điên điển khiến Tâm thích thú:

- À, thì ra bông điên điển cũng ăn được, lại rất lành tính. Ở quê mình, miệt Gò Công ít ai ăn bông điên điển.

Bông điên điển chỉ nở rộ vào mùa nước nổi, các “lão nông tri điền” còn cho biết năm nào bông điên điển tốt tươi khác thường, là dấu hiệu có nước lớn, lũ lụt. Sau khai giảng mỗi năm học, bông điên điển trở thành dự báo thời tiết, nhắc nhở Tâm phòng chống lũ lụt bảo vệ tính mạng học sinh tài sản nhà trường.

Bảy năm công tác trong vùng sâu, Tâm là giáo viên, rồi tổ trưởng chuyên môn, Hiệu phó, và hiện nay là Hiệu trưởng. Tâm đã trải qua bốn năm mùa nước nổi, hai ba mùa lũ lụt, có nhiều kinh nghiệm phòng chống loại thiên tai này. Thế nhưng cơn lũ năm nay quá lớn, ngoài sức tưởng tượng. Nó đến nhanh, dâng cao và lan tỏa với tốc độ khủng khiếp. Ngôi trường thân yêu của Tâm ngập dần từng tấc một, cuộc chiến đấu chống lũ ngay từ khi bắt đầu đã quá sức chịu đựng. Mặc dù đã chuẩn bị trước nhưng Tâm có cảm giác bị lũ bao vây tứ phía, phải chống chọi quyết liệt, cái thắng cái thua chỉ trong gang tấc.

Đầu tiên Tâm cho di dời đồ đạc và giáo viên ra khỏi nhà ở tập thể vì nền nhà quá thấp, tá túc nhà Huỳnh Hương, cô giáo chủ nhiệm lớp chín bên kia sông, khu thị tứ có đê bao vững chắc, mọi việc đi lại ăn ở nhờ cả vào gia đình Huỳnh Hương.

Chưa được một tuần nước dâng cao, trường phải cho học sinh nghỉ học, Tâm huy động lực lượng gom gói hồ sơ, tài liệu, sách, thiết bị cất giữ, kê đỡ bàn ghế lên cao, rồi cho giáo viên ở xa về nghỉ, Tâm và một số giáo viên ở lại trực trường, duy trì việc học khối chín. Bốn lớp chín, hơn một trăm năm mươi học sinh dựa vào khu nhà kho cũ Công ty lương thực tiếp tục học. Nước lại dâng cao đe dọa bàn ghế, trang thiết bị của trường, Tâm điện về trên xin thêm kinh phí huy động người kê lại bàn ghế. Hơn nửa giáo viên ở xa đã nghỉ lũ, Tâm phải nhờ cha mẹ học sinh giúp đỡ. Gần một trăm cây bạch đàn được bè về trường, cưa cắt làm giàn giáo kê đỡ bàn ghế, đồ đạc đưa lên cao thật an toàn. Xong việc ai nấy mệt nhoài, cô giáo Mỹ Phương lại bị bệnh, sốt cao ba ngày không hạ nhiệt, trạm y tế bị ngập sâu, việc điều trị quá khó khăn, phải đưa Mỹ Phương về tận nhà ở Thành phố Mỹ Tho.

Trở về trường, Tâm phải lao vào giải quyết việc học của khối chín vì khu nhà kho lại bị ngập. Tâm uể oải nói:

- Đành phải cho khối chín nghỉ học thôi! Hết chỗ rồi!

Huỳnh Hương nêu ý kiến:

- Ta mượn phòng họp của Ủy ban xã cho khối chín học tiếp, không nên nghỉ hết.

Tâm đến gặp đề đạt ý muốn với anh Tám Công, Chủ tịch xã, anh Tám chẳng những cho mượn phòng họp mà còn cho mượn luôn dãy lầu của trụ sở, dọn các ban, ngành xã xuống tầng trệt. Anh hẹn:

- Sáng thứ hai anh Tâm cho học sinh tới học được rồi!

Nhưng phòng họp chỉ đủ cho một lớp học, chọn lớp nào bỏ lớp nào?

Huỳnh Hương lại có ý kiến:

- Nên chọn học sinh yếu của bốn lớp xếp lại thành một lớp để dạy, em nào nhà xa đi lại khó khăn ở nội trú trụ sở Ủy ban luôn cho tiện.

Ý kiến của Huỳnh Hương được chấp nhận. Tâm thầm nghĩ:

- Cô bé Hương thật hay, trong khó khăn thường có sáng kiến rất đúng lúc!

Tâm, Huỳnh Hương, Mỹ Phương cùng học chung trường Sư phạm, Tâm với Mỹ Phương là bạn học chung lớp ở Trung học. Tại trường Sư phạm Tâm với Mỹ Phương học cùng khóa nhưng khác lớp. Huỳnh Hương là khóa đàn em, Tâm học năm cuối Huỳnh Hương vào học năm thứ nhất, tình cờ cả ba cùng về chung một trường, nhanh chóng trở thành bạn thân. Những lúc vui vẻ bạn bè giáo viên trong trường thường nói bóng gió kết đôi cho Tâm:

- Anh Tâm cứ lượn lờ con cá vàng hoài sao? Chọn một trong hai cô đi thôi, không xôi hỏng bỏng không hối tiếc đó!

Hoặc:

- Ông tướng định bắt cá hai tay phải không? Hai cô đều đẹp tính đẹp người, vấn đề là ông phù hợp với ai, vậy thôi.

Những lần như vậy Tâm chỉ cười trừ, nói đẩy đưa đánh trống lảng cho xong chuyện. Thật ra có lúc Tâm cũng nghĩ tới chuyện này nhưng thấy chưa được, chưa lúc nào suy nghĩ ra đầu ra đuôi gì cả. Thường đang nghĩ ngợi Tâm bị công việc chen vào, mệt mỏi giấc ngủ đến nhanh cuốn phăng đi. Đối với Tâm tình bạn như vậy đã tốt, thành tình yêu cũng tốt, nhưng trong lòng Tâm chưa định được gì, chọn Hương hay Phương? Chọn sao để không ảnh hưởng đến ba người, điều đó thật khó!

Cả trường hơn hai mươi lớp giờ chỉ còn một. Tâm giao việc coi sóc lớp chín cho cô Hiệu phó và Huỳnh Hương, anh phối hợp với phụ huynh tổ chức cho học sinh tiếp nhận xuồng, tập sách, tiền bạc… của cơ quan cấp trên, trường bạn, của huyện bạn hoặc của các tổ chức cá nhân gửi tặng trường, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vùng lũ lụt.

*

Sau một tháng hoành hành dữ dội con lũ chựng lại, bắt đầu rút đi, khác với khi đến, nước rút đi một cách chậm rãi, từ từ thật nóng ruột. Ngày có mưa lớn mực nước giữ nguyên, thậm chí còn nhích lên. Mặc dù vậy nhưng mọi việc chuẩn bị cho sau lũ vẫn bắt đầu. Tâm lập báo cáo thống kê tình hình thiệt hại, chuẩn bị các công việc để tập trung giáo viên, học sinh học lại.

Mỹ Phương là giáo viên trở lại trường sớm nhất. Vừa khỏi bệnh trông Mỹ Phương gầy hơn, xanh mướt, vẻ mặt hơi buồn thoáng nét nghiêm nghị. Mỹ Phương tìm gặp Tâm trao đổi một việc quan trọng: xin cho được chuyển ngành về Công ty Du lịch của tỉnh. Hơi bất ngờ nhưng Tâm, cô Hiệu phó và anh Chủ tịch Công đoàn cố gắng động viên, thuyết phục Mỹ Phương ở lại. Nhưng cô vẫn giữ nguyên ý định. Ra đến bờ sông, chỉ còn lại hai người cô nói:

- Anh có thể trách phiền hoặc đánh giá em thế nào cũng được nhưng đừng coi thường em. Em biết cũng có ngày nào đó phải chuyển trường chứ không phải chuyển ngành, nhưng ngày đó không phải bây giờ. Thật ra đây là ý định của ba má em. Ba má đã hưu, già cả đau yếu luôn, chỉ trông cậy vào em. Em cũng đã gần ba mươi rồi, không quen chịu đựng những cơn lũ lớn thế này.

Phương nói từng tiếng một, chậm rãi từng tiếng một. Không chịu nổi bầu không khí nghiêm trang, Tâm lái câu chuyện sang hướng khác:

- Mỹ Phương để đơn lại đây cho anh có thời gian suy nghĩ kỹ, sáng mai sẽ trả lời. Bây giờ mình đi thăm lớp hoặc phụ huynh gần đây cái đã.

*

Cơn gió bấc sớm thổi nhẹ, lay động hàng cây mang theo cái lạnh se se báo hiệu mùa lũ đã đi qua, sắp kết thúc. Chiều nay Tâm là người đầu tiên trở về dãy nhà tập thể trong trường. Soi gương, Tâm thấy mình gầy tóp, da sạm nắng, nhưng trông cương nghị, chững chạc hơn. Chung quanh trường các nền phòng học đã nhô lên, riêng sân trường vẫn còn ngập nước. Một con đường tạm bằng bao cát nối liền các dãy phòng học với con đường chính. Bàn ghế đã được kê dọn. Đó là kết quả của ba ngày lao động cật lực của giáo viên và phụ huynh học sinh. Tất cả đã sẵn sàng cho việc học lại. Tâm nói thầm:

- Ừ thì học lại, nhưng phải huy động học sinh trở lại lớp đông đủ. Sẽ không phải dạy bù, học đuổi, học trò vùng lũ đã vất vả khá nhiều rồi. Nghỉ học vì lũ bao nhiêu ngày nghỉ hè muộn đi bấy nhiêu!

Tâm rảo bước một vòng theo dãy hành lang dài. Dưới ánh sáng mờ mờ của vầng trăng lưỡi liềm đầu tháng, ngôi trường trống vắng, lạnh lẽo tiều tụy như một lão già qua một cơn bệnh nặng. Dưới chân đó đây một vài viên gạch bong ra, lún sụt khua vào nhau lẹp xẹp, lục bục no nước. Một sự hư hao xuống cấp nghiêm trọng.

Bên trong căn nhà tập thể giáo viên còn ẩm ướt và lạnh lẽo hơn. Tâm thấy khó ngủ. Không khí tĩnh lặng yên ả, mùi gỗ ngâm lâu ngày trong nước, mùi rơm rạ mục xông lên ngai ngái khiến cho bao nhiêu sự việc, ký ức về con lũ lớn vừa qua lần lượt hiển hiện lên trong Tâm như một cuốn phim quay chậm. Tâm nghĩ: “Cảnh lũ lụt vừa qua không thể nào gọi là sống chung với lũ được. Sống chung với lũ là khi lũ về mọi sinh hoạt đi lại, học hành, trị bệnh… phải diễn ra bình thường, tận dụng những lợi ích do lũ mang lại như phù sa, thủy sản, vệ sinh đồng ruộng… Đàng này mọi người phải chạy vạy vất vả, học sinh thì phải nghỉ học, đi lại gián đoạn, bệnh không nơi chữa trị, thậm chí chết chôn cũng rất khó khăn… Sau lũ, vườn cây, ao cá bị tàn phá, cầu đường hư hại, dân tình nghèo khó. Như vậy là chạy lũ, chống đỡ với lũ chứ không phải chung sống với lũ. Cần phải có đê bao vững chắc chống lũ triệt để hơn, có nơi lại cũng không cần phải chống lũ, như khu đồng lớn phía sau chẳng hạn”.

- Còn Mỹ Phương thì sao? - Dòng suy nghĩ đưa Tâm liên tưởng đến Mỹ Phương và đơn xin chuyển ngành của cô.

Tâm tìm cách giữ Mỹ Phương lại. Năm sáu biện pháp được nghĩ ra, kể cả bày tỏ tình yêu với Mỹ Phương… Thế nhưng cuối cùng thì không lý lẽ nào đứng vững được. Mỹ Phương khó thích nghi được với vùng lũ, vấn đề sức khỏe của Mỹ Phương, cha mẹ già, tuổi xuân con gái... Đành phải thông cảm hoàn cảnh của Mỹ Phương, chiều theo nguyện vọng của cô vậy.

Tâm biết rõ khi cho Mỹ Phương chuyển ngành, cha mẹ cô đã chạy vạy các cơ quan từ trên xuống, khi biến việc vận động ấy thành hiện thực thì phải đi từ dưới lên, chữ ký đầu tiên trong đơn xin là của Tâm sẽ ký vào rạng sáng ngày mai. Nghĩ đến đây, Tâm cảm thấy mình như bị hụt hẫng, bị mất mát một cái gì đó thân thiết khó tìm lại được: Mỹ Phương.

*

Tâm mở radio nghe dự báo thời tiết lần cuối trong ngày. Sau bản tin dự báo thời tiết tốt đẹp, radio vang lên bài hát giọng nữ “chồng gần không lấy em đi lấy chồng xa… giờ đây nhớ mẹ thương cha… ăn bông điên điển chạnh lòng nhớ quê… đường xa em khó mà về”.

Bài hát tuy không đúng hoàn cảnh của Mỹ Phương, cũng không trùng với tâm trạng của Tâm, nhưng gieo vào Tâm sự buồn bã, nhớ thương sâu lắng.

Không ngủ được, Tâm bước ra ngoài, cánh cửa gỗ cũ kỹ, nặng nề kêu cọt kẹt. Tâm nghĩ:

- Không lẽ trường mình, nhà ở giáo viên mình mãi như thế này sao? Mình còn phải nhận bao nhiêu người đến rồi tiễn đi như Mỹ Phương nữa sao? Phải có điều gì đó mới mẻ hơn, phải cải thiện lại trường sở của mình.

Tâm nhớ lại sáng hôm qua, anh Trưởng Phòng giáo dục huyện đã nói với Tâm:

- Dự án trường THCS vùng lũ của anh có tính khả thi cao nhất, được trên xếp ưu tiên số một!

Nghĩ đến đây Tâm thấy phấn chấn, một động lực mới thôi thúc anh bước vào cuộc chiến đấu mới, cuộc chiến đấu quyết tâm xây dựng một trường THCS vùng lũ lụt.

Tâm hình dung đang đứng trước một trường trung học cơ sở khang trang vững vàng trước mọi con lũ, bên kia hàng rào của trường là khu nhà ở giáo viên cao sang lịch sự. Xa xa một chút, cạnh con đê bao cao, vững chắc là con đường rộng thẳng tắp, hai bên vàng rực bông điên điển. Trên đó có bóng dáng thân thương của Huỳnh Hương, cô giáo tận tụy của học sinh vùng lũ lụt.

Mỹ Tho, tháng 11/2000

Tác giả bài viết: Phương Nam