Má tôi
- Thứ ba - 07/11/2023 11:00
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)
Chiều quăng xẹt qua cánh đồng lúa vừa gặt xong còn trơ gốc rạ và vương chút mùi thơm của lúa mùa đâu đó, nó như đang cố níu lại một chút ngày trên ngọn tượng đài cao. Nghĩa trang liệt sĩ vẫn một màu trầm mặc.
Từ hướng tây mặt trời ngã dài, thải những ngọn sáng vừa nóng, vừa oi bức cuối cùng lên từng ngôi mộ. Cây tử đằng trồng bên góc trái ngôi nhà truyền thống trong khu nghĩa trang, đang buông thả những chùm hoa lòng thòng, tím nhạt, loài hoa ngoại nhập đang cố nhuộm lên chiều một chút kiêu sa, sang trọng… vẫn không làm cho nghĩa trang bớt buồn, nhất là cái nỗi buồn đã trầm tích lâu ngày của những bà mẹ mất con, cứ triền miên trông chờ, hy vọng nhưng vẫn chưa hé ra được một tia sáng nào... Ngồi bên hàng mộ, nhìn những tấm bia ghi hàng chữ giống nhau “Chiến sĩ vô danh” má lại buồn, lại nhớ… nhớ những đứa con của mình. Má nói “Nếu tụi nó đã chết thì dù má không được thấy mặt lần cuối, má cũng phải tìm được chỗ chôn... Chứ chỉ một cái giấy ghi báo tử là con má phải chết thiệt hay sao… Má không tin… Đời này có biết bao nhiêu điều nhầm lẫn và người cũng hay lẫn lộn...” Cứ như vậy, tuổi già của má kéo dài qua ngày tháng, bần thần, quên nhớ, ngóng trông, trầm ngâm, nghĩ ngợi... Nỗi buồn nhớ như con dao bén cứ gọt vào tâm trí, làm cho thân má ngày mỗi tọp đi; sự hy vọng có điều lầm lẫn trong thư báo tử cứ thay phiên khi loé lên, khi tắt ngụm. Từng ngày, từng ngày cứ xâm thực lên tim, lên óc, bào mòn má từ khi tóc còn mượt đen đến nay đã sần sùi, trắng phệt. Vậy mà má vẫn không buông. Dì Năm kéo má vô chùa nghe kinh, cầu phật cho tâm an. Má vẫn không phôi phai nỗi nhớ, nỗi buồn. Rồi dì khoe biết một ông thầy ngoại cảm giỏi có thể ngồi tại nhà điện thoại chỉ đường đi tìm hài cốt liệt sĩ, dì gợi ý “Hay là chị nhờ ông thầy này chỉ đường cho chị đi tìm mộ, tìm hài cốt tụi nó...”. “Đồ khùng!”. Má phản đối dì Năm “Con tao có chết đâu mà tìm mồ, tìm cốt... Nó bị thương chạm óc, rồi quên không biết đường về thôi. Chừng nhớ lại, nó sẽ về... Biết đâu, nó sẽ dẫn về cả đàn nào dâu, nào cháu nội cho tao...”
Cứ như vậy má tôi sống qua từng chuỗi ngày lòng đau hy vọng...
Rồi cứ như vậy, lâu lâu má đòi chở má đi thăm nghĩa trang. Má lại đi đến hàng mộ “chiến sĩ vô danh”- không tên, tuổi, không ngày sinh, ngày tử và không quê quán... Má thắp nhang khấn vái điều gì trong lòng má, không ai nghe được. Rồi má mân mê, vuốt ve từng nét chữ trên từng bia mộ có tên gần đó, như nhắn nhủ hay gởi gắm điều gì... Lại trầm ngâm bên những ngôi mộ, trên bia ghi hàng chữ “chiến sĩ vô danh” màu sơn còn mới tinh, đỏ ối... Má cũng lần tay theo từng nét chữ ấy, rồi má khóc. Nước mắt má rơi xèo, làm ướt cái tàn nhang đang cháy cong quắp, khiến khói nhang nghi ngút bỗng sụt sùi. Má nói “Thắp nhang van vái điều gì mà tàn nhang cháy cong queo, cuộn vòng như vầy nè là lời cầu mong của mình được chứng thực...”. Hỏi má vẫn không chịu nói, má van vái điều gì với những vong hồn vô danh ấy. Rồi má lại ngẩng mặt lên, kéo chéo khăn rằn đang quấn trên cổ, lau nước mắt, nói giọng buồn buồn như tự nói với mình “Con vô danh làm sao có mẹ anh hùng được...!?”. Đời nhiều điều vô lý cứ nhởn nhơ tồn tại. Má mong sao trong những điều vô lý ấy, chỉ cần cho má một lần vô lý, một lần nhầm lẫn thôi, nhầm lẫn cái tên trong thơ báo tử, để có một đứa con, trong ba đứa con của má, dù đã được ghi tên trong giấy báo tử nhưng nó không chết và bỗng trở về. Chuyện đó có rồi, má đã nghe kể nhiều, má mong điều nhầm lẫn, vô lý ấy hãy đến với má dù chỉ một lần. Một lần thôi, để ít ra cũng có một đứa con của má không chết, nó sẽ trở về, dù đui, cùi hay bị thương sứt mẻ gì... má cũng vui. Chết thì phải thấy xác, không thấy xác thì thấy mồ mả... Cả ba đứa con của má chỉ có giấy báo tử thôi, má không thấy xác, thấy mồ… má không tin là tụi nó chết, chết hết trơn và mất tiêu như vậy. Má van vái những vong hồn “liệt sĩ vô danh”, má đọc tới, đọc lui tên tuổi từng đứa con chưa về của má... Má mong các vong linh phù hộ, chỉ đường cho chúng quay về... Còn nếu có chết thì về báo mộng cho má biết, chết ở đâu, xương cốt ở đâu... má sẽ đến đem về. Lời cầu nguyện trong tim mình mới là lời cầu nguyện thật lòng, còn những lời cầu nguyện bô lô, ba la ra ngoài hay phóng thanh qua máy tăng âm hiện đại, theo má là chỉ làm màu mè chứ lòng thành thường không có. Nhưng má không tin là con má đã chết, chỉ là nhầm lẫn; chúng có thể bị thương chạm óc rồi tạm thời mất trí nhớ thôi... Rồi khi nhớ lại đường về, chúng sẽ quay về... Má cần, má mong con của má về với má, má không cần làm “Mẹ anh hùng”, má chỉ cần con của má thôi... Chắc những lời van vái của má đã thấu lòng những vong hồn “chiến sĩ vô danh ấy”. Cây nhang má thắp vẫn nhấp nháy cháy liền một mạch, tàn nhang cong queo quéo, không gãy và giọt nước mắt yêu thương, mong đợi bao mùa của má đã rơi đúng ngay cái tàn nhang cong queo ấy. Má biết những người “chiến sĩ vô danh” sẽ giúp má được, má tin tưởng anh em... Lẽ nào có ai nỡ lòng từ chối giúp cho những người mẹ được đi tìm con của mình dù chỉ là đi tìm mồ hay tìm xương cốt... Người mẹ nào không muốn gom về bên mình những đứa con núm ruột do mình sinh ra chứ...!?
*
Cây nhang cháy một hơi liền đến gốc, cái tàn nhang cong queo như cái lò xo xoắn nghếch mặt lên trời, khom lưng một chút, nghiêng về phía tâm ngôi mộ, đem lại cho má một niềm hy vọng sống - hy vọng sống chờ ngày quay về của những đứa con. “Con má sẽ dẫn theo con dâu và cháu nội của má về nữa chứ!”. Má tin và chờ một sự nhầm lẫn khi người ta liên tục báo tử cả ba đứa con của má… Má nhớ như in từng đứa con của má, khi quãy bồng bột lên đường, má đều tròng vô ngón tay mỗi đứa một khoen vàng y – vàng y khi cần bán dễ hơn bất cứ một thứ gì... Con của má sẽ có lộ phí quay về với má. Vậy mà tới nay...
Má cứ bần thần, bần thần mãi… Khi quên, khi nhớ, khi tỉnh, khi mê, khi lảm nhảm điều gì trong cổ họng... Sau cái ngày đoàn cán bộ của chi bộ ấp đem tràng hoa và thư báo tử của anh Tư tôi tới – lần thứ ba người ta đem tin chết của con má đến nhà... Ông Bí thư chưa nói hết câu. Má đã cầm cây chỗi tàu cau quét nhà vừa quét, vừa quơ túi bụi vào họ, mạnh ai nấy chạy, cái tàng hoa vỡ bung những bông hoa đỏ vàng, xanh, tím… cứ ngổn ngang sắc màu văng tung tóe - thứ màu tóc tang, đau thương, mất mát… má không ưa, má quét, quét hết… má không cần dù bất cứ ai, quyền lực nào mang nó tới căn nhà của má. Nhiều người nhìn má chặc lưỡi cảm thông “Tội nghiệp thím Sáu, con chết liên tục, bả khùng lên rồi…!”. Thím Ba than thở “Mất con người mẹ nào không đau khổ… huống hồ nỗi đau chồng chất nỗi đau…” Thím Ba muốn tìm lời an ủi má, nhưng hình như thím cũng nghẹn ngào… Từ bữa đó trong xóm nhiều người biết má tôi đã phát khùng vì ba đứa con trai của má đã chết – chết liên tục trong những ngày gần sát bên nhau…
*
Má buồn. Má đi lang thang khắp xóm như kiếm tìm, kiếm tìm cái gì má cũng không biết nữa. Má không nói, không rằng cũng không còn khóc... Rồi má lạc vô nghĩa trang của xã, đi đi, đứng đứng, ngồi ngồi với những ngôi mộ đất… Má đếm, má đọc tên, rồi má nhớ những cái tên, nhớ ngày chết, chết ở đâu… Ai đi xin xác về chôn cất. Có nhiều người chết nằm đây nhưng quê hương, gốc gác ở đẩu đâu chứ không phải ở xứ này. Trong những ngôi mồ đất đó, má nhớ như in cái tên anh Hồng Hải, ở đơn vị đặc công tỉnh - người mà mới ngày hôm qua, má còn thấy mặt, còn nghe anh hát bài “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…” trong lễ ra quân công đồn, mở màn cho chiến dịch Mậu Thân - 1968… Nhưng hôm sau, lại nghe tin bọn giặc đã treo xác anh lủng lẳng trên ngọn cây còng gần bót chợ. Trước khi treo xác anh, tên chỉ huy toán biệt kích Mỹ đã mổ bụng, moi gan, lấy mật của anh xách đi vòng quanh chợ “rao bán đồ lòng”… Hội mẹ của xã được chi bộ chỉ đạo tổ chức xin xác anh về chôn. Má đã móc nối với dì Bảy có chồng là sĩ quan sư đoàn 7, nhà theo đạo dòng Thiên chúa… Với mối quan hệ của mình, dì Bảy nhờ ông cha nhà thờ nói cho một tiếng để họ được xin xác về chôn, đừng làm vậy ảnh hưởng nhiều đến đức tin của người theo đạo. Rồi cái xác cũng được xả dây thả xuống để nằm ngay ngắn. Ông cha nhà thờ đến, đi vòng xung quanh làm lễ cầu hồn gì đó với cây thánh giá trong tay… Bọn chỉ huy đã cho xin xác, nhưng ông cha chưa vội cho ai vào khiêng, mà nói nhỏ với dì Bảy “Con hãy đến nói với ông Hội đồng xã là cha nhờ họ giúp khiêng cái xác xuống ghe, vì các con là đàn bà không tiện cho lắm…”. Nhờ sáng ý của ông cha nhà thờ, cái xác đã được chuyển xuống ghe mà không cần ai phải chạm tay vào… Sau này nghe nói bọn lính biệt kích Mỹ khi hạ cái xác anh Hồng Hải xuống đã gài lựu đạn dưới lưng anh, chỉ cần người khiêng cái xác nhốm hổng lên một chút là lựu đạn nổ. Ông cha nhìn biết điều đó, nên ra kế giải nguy. Có lẽ anh Hồng Hải đã giúp má tôi dần tỉnh lại. Má biết má chưa thể chết đi hay tự hủy hoại mình khi còn nhiều công việc đang cần tới má. Và cứ vậy, chiều chiều má thường xuyên hơn lui tới nghĩa trang, chăm sóc cho từng ngôi mộ… tới ngày hòa bình…
*
Không khí hòa bình tưởng làm cho má nguôi ngoai… Má góp sức với địa phương gom hài cốt những anh em cán bộ, chiến sĩ… hy sinh đem về an táng nơi nghĩa trang liệt sĩ… Gặp ai quen má cũng hỏi thông tin về những đứa con mình… Người nói vầy… người nói khác… Má nghe có lý là đi tìm… Ở đâu, nghĩa trang nào má tới, cũng nhan nhản nhiều ngôi mộ… biết là liệt sĩ nhưng vẫn “vô danh”… nhiều lắm… Má vẫn chưa tìm ra dấu vết gì của các anh… khiến má càng thêm hy vọng… các con má còn thất lạc đâu đó. Chiến tranh mà, điều gì cũng có thể cả. Có thể con má do bị thương chạm óc, mất trí nhớ không biết đường về nhà. Có ngày nào đó ông trời sẽ phù hộ cho con má được phục hồi trí nhớ, nhớ lại má, rồi nhớ đường về nhà...
*
Tuổi lớn, sức khỏe má yếu dần… má không còn một mình đi xa được nữa… má chỉ đạp xe đi viếng những nghĩa trang gần… lâu lâu má cũng có ghé thăm nghĩa trang lớn của tỉnh... Thói quen thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, ỉ ôi tâm sự với những người nằm trong khu mộ “chiến sĩ vô danh” đã thành nhu cầu không thể thiếu trong chuỗi ngày cuối đời của má, khi má nói, khi má cười bên những hàng bia mộ và những người “chiến sĩ vô danh” đó… với má đã trở thành thân quen không biết tự hồi nào.
Đến khi má không còn tự đạp xe đi một mình được nữa, cứ lâu lâu má nhớ, má buồn lại đòi “chở má đi thăm tụi nó”... Đòi dắt má đến với những người “chiến sĩ vô danh” mà má tin là thiệt tình giúp má. Hôm nay má bâng khuâng, thờ thẫn nhìn thật lâu vào từng ngôi mộ. Những ngôi mộ thẳng hàng tăm tắp, rêu phong, cỏ hoa… sao má thấy có gì khang khác.... Nhiều những ngôi mộ xây to hơn, ốp đá hoa cương hoành tráng và nổi bật, khác lạ… kề bên còn có chưng chậu hoa, cây kiểng... xinh tươi, hực hỡ... Má nhìn lại khóc, khóc thương cho những ngôi mộ “Chiến sĩ vô danh” vẫn một màu buồn, buồn thiu như cũ…
*
Đi thăm nghĩa trang về lần này, má căn dặn phải sửa lại cây cầu vào nhà cho chắc, làm tay vịn cho cứng cáp... Má nói “Cho tụi nó về... Có con nít cũng dễ qua...”. Rồi má nhắc những món ăn từng người anh của tôi ưa thích: “Thằng Paul thích gỏi ốc đắng trộn ngò gai, bắp chuối, rắc thêm ít cứt dầu dừa; thằng Bô thích chè hột vịt dượng Năm mày nấu, thằng Bo thích vịt xiêm kho gừng chấm rau kèo nèo, tai tượng...”. Má cười, nụ cười méo xệch, chắc do lâu quá má không cười nên vậy. Rồi mắt má bỗng nhìn qua phía cây tử đằng, vẫn những chùm hoa màu tím mang nỗi nhớ xa xăm: “Còn Thằng Bo, tại nó lén chạy theo Tiểu đoàn 516 của ông Ba Đào khi mới mười sáu tuổi, mười bảy tuổi đã thành dũng sĩ diệt Mỹ... Lén đi, nên má không kịp cho nó đem theo chỉ vàng nào. Cái thằng cũng mê đánh giặc hơn mê má...”. Rồi má kể, anh Hai cưới vợ mới vừa hai tháng thì vô chiến dịch Mậu Thân, đi luôn quên má, quên vợ, đi luôn không một câu từ biệt, đến cái chuyện vô cùng quan trọng là “làm ra cho má một đứa cháu nội để má ẵm bồng mà nó cũng quên...”. Rồi má nhắc, anh Ba hứa lên Cái Bè học xong khóa đặc công là về thăm má liền... Nói đi là đi… Nhưng nói về thì chần chừ chờ hoài không thấy… Lũ con của má đứa nào cũng mê đánh giặc hơn mê má... “Mê… mê cái gì không biết mà quên mất cả đường về...”.
*
Lần này má lại đòi đi viếng nghĩa trang buổi chiều cho ít nắng, chân má yếu lắm không đi được, chỉ ngồi trên xe lăn cho tôi đẩy... Cũng những ngôi mộ thân quen như ngày nào nhưng hình như mắt má buồn hơn, tâm thái ủ ê hơn... Bỗng má nói “Mấy thằng vô danh hứa với má, nay đi đâu hết rồi...!?”. Tôi nghĩ má lại tới đợt mê lẫn nữa, nên vô cùng lo lắng... Định quay xe đẩy má nhanh về nhưng má giãy nãy không chịu về... Tôi nhìn theo tay má chỉ... “ Mấy thằng hứa với má đâu rồi... Hứa... Hứa... rồi trốn má luôn...!?” Tôi hỏi “Ai? Ai vậy má...?” Thì cái thằng “vô danh” chỗ cây nhang cháy cong queo đó!!”.
Tôi nhìn theo tay má, những ngôi mộ trong hàng mộ “chiến sĩ vô danh” vẫn còn y nguyên đó nhưng dòng chữ ghi trên mộ bia đã thay chữ khác, dù không còn ghi là “chiến sĩ vô danh” nữa, nhưng cái tên mới cũng chỉ có nghĩa là không biết mộ của ai... Tôi chợt hiểu ra, nhìn má mà nước mắt tôi cứ chực ứa trào...!!
Lần đó là lần cuối má tôi - một “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” còn được đến viếng nghĩa trang... Má tôi ra đi, vẫn còn nguyên trong lòng niềm hy vọng các con của má chưa chết, sẽ có ngày về bên má - về và dẫn theo về cho má một bầy con dâu, cháu nội… Trong tấm di ảnh trên bàn vong, bên linh cữu má khói hương nghi ngút, tôi thấy má tôi như cười – vẫn cái cười hơi mếu. Người đến viếng, thắp hương cho má đông lắm, bát hương toả mùi trầm mặc không dứt khói... Không có một cây hương nào cháy xong còn nguyên cái tàn nhang cong vút. Không có ai cầu được má giúp gì khi thắp cây hương cho má hay sao? Hay là có, nhưng vì má quá bận bịu khi đã gặp được các con của mình. Quá mừng vui đoàn tụ lại quên báo về cái tín hiệu thay cho lời hứa – dấu hiệu cái tàn nhang cháy nhưng không rã ra mà cứ cuốn lại co quắp, xoay vòng, khom lưng, ngẩng mặt lên trời.../.