Heo rừng

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tin có con heo rừng xuất hiện ở ấp An Lạc làm cho mọi người ai cũng bất ngờ. Dĩ nhiên mỗi người bất ngờ theo một cách.

Chỉ tội nghiệp cho thằng Tèo - người loan báo cái tin này, đến đâu nó cũng bị nghi ngờ, xúc xiểm: dóc tổ, láo, xạo… Chỉ đến khi mọi người chịu nghe nó kể lể đầu đuôi thì họ mới chịu tin.

- Đây nè! Chạng vạng tối hồi hôm này khi đi thăm vườn gặp nó, tui rượt nó chạy qua ba bốn liếp ổi đến mương ranh nó nhảy qua vườn của Ba Rô tui mới thôi rượt. Rõ ràng là con heo rừng lông vàng mỏ nhọn dài sọc, khoảng 30 ký, nó chạy lẹ lắm không như heo mình. Tui rọi đèn pin thấy mà.

- Phải không? Hồi hôm này mày có nhậu xỉn không?

- Nhớ lại coi, có đi vườn thiệt không hay nằm chiêm bao?

Biết mọi người chưa thấy, chưa tin thằng Tèo đánh cú chót.

- Mệt quá! Thôi bây giờ mấy ông qua vườn tui coi, biết liền.

Dấu vết của con heo rừng để lại còn đầy rẫy trong mấy liếp vườn của thằng Tèo. Những trái ổi, cóc, đu đủ ăn nửa bỏ nửa, những cây khoai mì bị ủi trốc gốc, đọt lang, rau muống bị cắn ngang… Dấu chân của nó thì nhiều chi chít. Đặc biệt là chỗ nó nhảy qua mương. Cái mương rộng chừng ba mét, nó nhảy một cái qua tuốt không ướt đến cái móng chân. Mọi người cùng xem kỹ các dấu vết. Có người còn săm soi tìm được cả lông heo nữa. Đến lúc đó họ mới tin là có con heo rừng về đây thật.

Mấy ngày sau, con heo rừng liên tiếp xuất hiện ở nhiều chỗ như vườn Bảy Nhàn, Năm Thiệp, Mười Sự… nhưng chỉ có dấu vết để lại thôi vì nó chỉ đi ăn ban đêm, ban ngày nó trốn biệt.

Và rồi ai cũng đặt câu hỏi con heo rừng ở đâu mà ra? Khu rừng gần đây nhất cũng cách ba bốn trăm cây số. Mà con heo rừng thì không biết bay. Vùng này đã không còn heo rừng. Đích thị là do ai đó làm rơi rớt con heo khi đi ngang qua đây, một chiếc xe tải, một tàu buôn chẳng hạn. Cuối cùng thì tông tích của con heo rừng cũng được tìm ra: Ở làng kế bên có người đi làm rừng ở xa mua con heo này về chuẩn bị đám giỗ cho có món lạ nhưng bị xổng chuồng đi mất cả tháng nay. Nguồn gốc con heo rừng như vậy đã rõ.

Bây giờ mọi người ai cùng nghĩ cách làm sao chiếm hữu con heo rừng. Họ có chung ý nghĩ rằng: Heo là con vật nuôi được, ăn thịt được, bán lấy tiền cũng được, rừng là của chung, của chùa ai được thì hưởng. Ghép hai từ đó lại là heo rừng, là đặc sản. Vậy là kế hoạch truy bắt con heo được vạch ra chóng vánh. Người ta tập họp nhau lại năm bảy người dẫn chó đi lùng sục tìm kiếm. Con heo rừng bị săn đuổi ráo riết. Nhưng nó quá nhanh nhẹn và khôn ranh nên không tài nào đuổi bắt được.

Qua mấy ngày chơi trò “cút bắt” ú tim với con heo rừng, quá mệt mỏi, ai nấy đều nản chí  “thôi không săn đuổi nữa”. Con heo rừng cũng mất dấu luôn.

Nhưng khi có dịp trà dư tửu hậu, mọi người lại bàn tán về con heo rừng:

- Thôi đi! Tụi bây lo làm vườn đừng tụ tập rượt bắt con heo nữa. Ông Bảy - một lão nông từng trải cho ý kiến.

Nghe vậy, mọi người lao nhao nói chen vào:

- Sao vậy ông Bảy?

- Trời ơi! Con heo bạc triệu đó.

- Thịt heo rừng ngon lắm ông Bảy ơi!

- Ông hai Kiểng treo giá, ai bắt được con heo rừng còn sống giao ổng nuôi làm cảnh, ổng trả cho một triệu đó.

Đợi cho mọi người bớt lao nhao, ông Bảy nói tiếp chậm rãi.

- Tao biết rồi! Nhưng mà mấy ngày vừa qua, tụi bây rượt con heo rừng chạy khắp xã có đứa nào đụng được cái đuôi heo chưa? Chưa, phải không? Tại sao vậy? Vì ở đây khác với ở trong rừng. Trong rừng đất đai trải dài, còn ở đây tụi bây rượt một đoạn năm, bảy công đất thì gặp một vườn khác có hàng rào, con heo rừng chui qua cái một, còn tụi bây lúi húi vạch rào làm sao mà rượt. Còn nữa, chó của tụi bây là chó cơm chỉ biết giành xương rồi cắn nhau sủa toáng lên chứ làm gì biết săn bắt. Chó săn phải là giống Rạch Giá, Phú Quốc mỏ thắt, ngực nở, chân cao có móng đeo, lông sát da được tập luyện hồi còn nhỏ mới được. Chó của tụi bây là chó xù lai bậy bạ hết, gặp nước thì lạnh, gặp bùn thì lún. Còn mấy đứa bây thì nhậu nhè, bia bọt riết rồi bụng, chân mềm chạy một trăm mét đã thở ra rồi. Tao nói đúng không? Không đúng, tụi bây cứ cãi.

- Ông Bảy nói đúng, quá đúng! Mà sao ông Bảy rành quá vậy?

- Vùng này không còn heo rừng cả trăm năm rồi. Nhưng cách đây ba bốn chục năm hồi còn tuổi như tụi bây tao có đi săn chồn, nên tao biết. Ở đây, hồi đó còn nhiều chồn lắm, nó vô tới nhà bắt gà. Chồn gì cũng có: chồn mướp, chồn bông lao, chồn đèn, chồn cáo mèo, cáo cộc, dữ nhất là chồn cáo cộc…

- Có con chồn lủi không ông Bảy? Thằng Tèo nói chêm vào.

Bị cắt ngang khi đang nói, ông Bảy bực mình.

- Cái thằng hở ra là nói bậy. Riết rồi quen miệng nghen mậy. Thằng Hai kéo câu chuyện trở lại:

- Thôi kệ nó ông Bảy! Bỏ đi. Mình nói tiếp chuyện con heo rừng. Ông cho ý kiến đi, bây giờ không có chó săn giỏi, không có thợ săn thì tụi tui đặt bẫy, được không?

- Tụi bây làm bẫy gì?

- Thì bẫy kẹp, bẫy cò ke, bẫy hầm sụp có cắm chông tre… Con heo rừng sụp hầm thì kể như ăn chắc.

- Vườn tược mênh mông biết nó đi lối nào mà gài bẫy. Không khéo tụi bây gài bẫy mấy con chó trong xóm thì có. Rủi có người đi vườn sụp hầm thì sao?

Ngồi nghe ông Bảy và thằng Hai hỏi đáp song đôi một lời. Thằng Tèo ngán ngẩm:

- Sao khó quá vậy ông Bảy. Hay cứ để tự nhiên cho con heo rừng muốn đi đâu làm gì thì làm được không?

- Thì cứ để yên cho nó đi. Hồi đó có lần tao đi săn, con chồn mẹ lo bảo vệ bầy con không chạy bị chó săn cắn chết, còn lại một ổ chồn bốn con nhỏ tao đem về nhà nuôi dưỡng nhưng không có sữa bú nó chết ráo, tao thấy cũng tội nghiệp. Hay là tụi bây có bắt được con heo rừng đừng có ăn thịt mà đem bán cho ông Hai Kiểng hoặc Sở thú họ nuôi cũng được - Ông Bảy nói như khuyên tụi nhỏ.

- Nhưng trước sau gì nó cũng bị bắt ông Bảy ơi! Ông can tụi con làm gì, không phải tụi con thì cũng có người khác bắt nó mà.

Rồi bỗng nhiên con heo rừng biệt tích. Trong năm, bảy tháng trời không ai biết được con heo rừng đang ở khu vực nào. Những chỗ nó thường ăn, ở đã không còn dấu vết. Có người cho rằng nó đã biết khôn và “cao bay xa chạy”, nó đã đi xa lắm rồi. Người khác lại nghi ngờ cho rằng có ai đó bắt được con heo bí mật bán đi nơi khác rồi giấu giếm không nói ra. Nhưng tất cả chỉ là tin đồn không có bằng chứng gì. Mọi việc dần chìm vào quên lãng.

Nhưng rồi thật bất ngờ khi thằng Tèo báo tin rằng con heo rừng đã bị bắt ở xã kế bên. Con heo rừng nay đã trên 50 ký, mọc răng nanh, di chuyển thường xuyên, không cố định một chỗ nào. Trước khi bị bắt, nó chọn miếng vườn hoang cạnh nhà ông Năm Định để ở và đi lại rất bí mật không để lại dấu vết gì rõ ràng, ngay cả phân, nước tiểu của nó cũng được ngụy trang, chôn giấu kỹ lưỡng. Nhưng thật không may cho nó khi thằng Hòa con của Năm Định đi cắt dây mây phát hiện ra nó nằm ngủ trong bụi rậm. Thằng Hòa nghĩ ra cách giăng dây điện ở lối ra vào bụi rậm rồi xua đuổi con heo chạy ra. Bị vướng dây điện, con heo chết liền tại chỗ. Thằng Hòa chỉ việc gọi vài người trong xóm ra phụ giúp đem con heo về làm thịt là xong.

Thằng Hòa bắt được con heo rừng thật là đơn giản như là lấy đồ trong túi ra vậy. Con heo rừng bị bắt cũng thật bất ngờ, bất ngờ như lần đầu tiên nó xuất hiện ở cái ấp An Lạc này.

Con heo rừng lạc loài đến trú ngụ ở ấp An Lạc không còn. Mọi người bỗng cảm thấy… trống trải, hụt hẫng. Thà nó cứ lẩn quẩn đâu đó dù không thuộc về ai, để ai nấy cùng sống trong niềm hy vọng có một động vật quí hiếm đang tồn tại trong xóm nhỏ và biết đâu một ngày nào đó nó sẽ thuộc về mình. Không nói ra nhưng ai nấy đều cảm thấy buồn buồn, tiếc nuối…

Chỉ có ông Bảy là tỉnh bơ, nghe chuyện con heo bị bắt, ông nói với thằng Tèo:

- Thì mầy thấy đó, heo rừng hoang dã thì phải sống ở trong rừng, nghĩa là phải có rừng hoang cho nó sống. Heo rừng mà sống lẫn lộn với người và vườn ruộng cây trái như ở đây làm sao được. Muốn sống được ở đây thì nó phải nhờ vào sự bao dung của con người nhưng sự bao dung đó quả là rất hiếm hoi.

- Nhưng bây giờ có nhiều nơi người ta lập ra trại nuôi heo rừng đó ông Bảy.

- Thì đó cũng là một cách để duy trì giống loài của nó, nhưng không khéo rồi nó cũng sẽ trở thành heo nhà mà thôi. Như con heo bông ma-ní mầy đang nuôi ở nhà vậy mà.

Trầm ngâm một lúc lâu ông Bảy nói tiếp:

- Tao nói với mày là phải còn rừng, có rừng cho những con vật hoang dã, quí hiếm. Đó mới là thượng sách, biết không.

Tác giả bài viết: Phương Nam