Giao thừa trắng

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

1.
Ngày hai mươi tháng Chạp âm, Lãm xách xe chạy đến trường, đứng bơ vơ giữa cái cột xi-măng đã được quét vôi trắng toát, chờ Kim đến. Sân trường mùa này vắng ngắt. Tưởng như sinh viên đã chán chê cái hộp diêm này quá rồi, nên chỉ chờ dịp cuối năm là rút đi hết. Lãm nghĩ, có thể giờ này Kim đang quay cuồng ở xó bếp lo lặt kiệu, muối dưa hay đi chợ mua bánh mứt gì đó. Cô bao giờ cũng rất đảm đang, rất dịu dàng và nữ tính. Nhưng Lãm thấy hơi buồn vì đôi lúc Kim rụt rè thái quá. Ngồi với Lãm trong quán không quá mười lăm phút, Kim đã đòi về. Thậm chí chở Kim đi ngang quãng đường vắng vẻ, Lãm muốn nắm lấy tay Kim một chút cô cũng ngại. Lúc buồn, Lãm ngồi hồi tưởng lại thời còn đi học phổ thông, rồi so sánh Kim với Quân, thấy chuyện tình hồi đó sao mà lãng mạn và hồn nhiên đến thế. Không như lúc này, cứ nhàn nhạt không ra đầu ra đũa chi cả.
Có tiếng xe nổ tành tạch, một đám năm nhất ùa qua cổng, thả xuống một nắm vỏ hạt dưa. Hoàn nhảy xuống xe, đứng dạng chân trước mặt Lãm, miệng nhai chewingum tóp tép, hỏi: “Anh Lãm chờ ai vậy?”. Lãm nhìn đôi mắt hấp háy của Hoàn, định đùa một câu, nhưng nhác thấy cái nhíu mày cáu kỉnh của thằng nhóc chở Hoàn, bèn thôi. “Anh lên lớp, xem bài thực tập đến đâu”. “Chớ không phải chờ chị Kim à?”. Hoàn cười ranh mãnh làm Lãm hơi bối rối. Một lúc đã nghe tiếng nói cười mất hút sau cầu thang. Lãm khẽ nhìn đồng hồ, nghĩ: “Chắc là Kim không đến”.

2.
Từng ngày một trôi qua nặng nề. Cuối năm, công ty chỗ Lãm làm việc ngoài giờ cho nhân viên nghỉ sớm, nên thời gian đâm ra dư thừa. Chiều chiều, Lãm bắc ghế ra ban công nhìn chim én bay từng đàn trên mái phố, khẽ ngáp vặt rồi đi vào. Vinh đã về quê từ ngày đưa ông Táo, để lại phòng trọ một đống sách báo xuân và ba băng nhạc rock. Ban đêm không ngủ được, lòng bồi hồi nhớ Kim, muốn đến nhà rủ Kim đi lòng vòng thành phố nhưng biết chắc bố mẹ Kim không cho phép, Lãm lại chong đèn viết nhật ký. Ngồi mãi không viết được gì, vì thấy rằng trong ngày đâu có sự kiện gì để viết?

Lãm bật cassette, thấy nhạc xuân chẳng đem đến niềm vui nào, bèn đổi sang Khánh Ly, trở đi trở lại bài “Lời buồn thánh”. Bà chủ nhà đi lên tầng thượng thắp hương, ngang qua phòng Lãm, thò đầu vào mắng: “Này, cậu có tắt ngay cái giọng rền rĩ ấy không? Tết nhất gì mà ảo não thế?”. Lãm đang lơ mơ ngủ, chẳng nghe được gì, chỉ biết nay mới là hai mươi lăm tháng Chạp, hình như Tết vẫn còn ở xa lắm.

3.
Lãm xin được một chân bán hàng trong hội chợ Xuân, bèn dọn dẹp phòng trọ ngăn nắp, giặt ủi hết đống đồ bẩn, xong đóng cửa bỏ đi cả ngày. Lãm xin người ta cho phép làm luôn buổi tối. Ông chủ hỏi tại sao, Lãm quay mặt đi, bảo rằng tôi không thật túng tiền nhưng buồn quá, tôi muốn có một công việc để quên đi mấy ngày xuân dài lê thê. “Lê thê à? Tôi lại thấy nó ngắn, chỉ bằng ngón út” - ông chủ cười hềnh hệch, vỗ vai Lãm, tiếp: “Thôi được, nhưng tôi sẽ bớt lương cậu lại chút ít, để san sẻ cho người khác, mỗi người chỉ được làm một ca thôi”. Lãm cười ngoài mặt nhưng trong bụng chửi thầm: “Quái! Sao ở đâu cũng gặp người bủn xỉn”.

Xin được việc rồi, Lãm cũng không dám đến nhà Kim mà chỉ gọi điện báo tin. Bốn lần gọi nhưng gặp Kim được một, và nói chuyện với nhau chỉ được phút rưỡi. Kim đang sên mứt, cố hứa sẽ đến thăm Lãm nhưng không nói rõ ngày nào giờ nào, mà Lãm đến khuya mới bò về phòng trọ. Vào giờ đó, chắc chắn Kim không thể ra ngoài một mình được. Lãm nhếch mép cười vì nghịch lý ấy, lại thấy nhớ Quân, lần này có vẻ da diết hơn. Giá như chuyện ngày xưa không đổ vỡ, hẳn tình hình bây giờ chắc đã khác đi nhiều.

Lãm đứng bán hàng được hai bữa, nhận ra công việc bận rộn luôn là phương thuốc hiệu nghiệm kéo người ta ra khỏi buồn chán. Mùa xuân, rất nhiều cặp trẻ tuổi diện mode, khoác tay nhau đi mua sắm nườm nượp, cười cợt và thoảng lo âu.

Trong cái dòng người rừng rực màu sắc ấy, Lãm nghĩ đến Kim, thấy tiếc sao cô ấy không sống khác đi được nhỉ. Sao không làm một cuộc bứt phá ra khỏi vỏ bọc gia giáo của gia đình. Làm một đứa con gái ngoan thì tốt rồi, nhưng khi yêu cũng nên có “lửa” một chút chứ! Lãm nhủ thầm khi nào gặp Kim, Lãm sẽ nói, chỉ mong cô ấy hiểu ra mà không giận. Thật tình, cô ấy cũng rất yêu, chỉ tội nền nếp quá. Lãm an ủi mình vậy và khẽ nhìn đồng hồ: Đã đến ngày hai mươi chín.

4.
Tối hai mươi chín, Lãm đi đến mười hai giờ thì về. Xe chạy vào con hẻm không đèn tối om như hũ nút, chạy được một quãng lại nghe “ọc” một cái, nước bẩn đọng dưới ổ gà ổ voi bắn lên tung tóe. Con hẻm này mùa mưa đã lầy lội, mùa nắng cũng chẳng khá hơn. Mấy gian hàng mì, hủ tiếu, cơm bình dân cứ ồ ạt đổ ra đường bao thứ nước rửa chén, rửa rau và cả nước cặn bã. Lãm nhớ có lần đưa Kim về, do bất cẩn, xe sụp ổ gà làm nước bẩn vương đầy cả chiếc váy hoa xinh đẹp của Kim. Vậy mà cô ấy cứ ngồi im, đến khi vào quán nước, Lãm mới tinh ý phát hiện. Mặt Kim lúc đó trông tồi tội mà thật đáng yêu.

Bây giờ, chạy xe một mình giữa đêm cuối năm, trong khí trời giá lạnh, Lãm mới thấy nỗi cô đơn quẩn quanh người, bao nhiêu trò vặt vãnh đã qua ùa về làm kỷ niệm sưởi ấm Lãm. Xe quẹo vào hẻm nhỏ lần nữa, ánh đèn quét một vệt dài trên mảng tường rêu xám ngắt.

Dưới góc mận già tỏa hương ngai ngái, Lãm phát hiện ra Diễm đang trò chuyện với tình nhân. Đó là một cô gái trọ cùng nhà với Lãm, nhưng cô ở tầng một. Diễm gốc Quảng Ngãi, vào Sài Gòn làm thợ uốn tóc chi đó ở khu vực chợ An Đông. Thỉnh thoảng Diễm nhờ Lãm mắc hộ bóng đèn hay đóng đinh treo màn cửa sổ, còn thì gặp nhau nơi cầu thang hay lúc đi lấy nước, trao đổi dăm ba câu vớ vẩn. Vinh thường bảo cô ta không thuộc dạng gái đàng hoàng, ngụ ý Diễm đi làm uốn tóc trá hình. Chậc! Đời này khó tin người lắm, Lãm ạ!

Lãm cho xe lướt qua, trong bóng đêm, cô gái cố rủ mái tóc để che gương mặt đắm đuối yêu đương. Đưa tay nhấn chuông, trong lúc chờ mở cửa, Lãm lén nhìn thấy hai cái bóng nhập lại thành một. “Một gã to con” - Lãm thở dài nghĩ cái gã đó hạnh phúc hơn mình, dù Diễm có đúng thật là không đàng hoàng đi nữa. Ít ra họ cũng không đến nỗi cô đơn trong những ngày này.

Một lúc lâu cửa mới mở. Đợi Lãm đưa xe vào xong, bà chủ nhà cao giọng: “Này, nếu ngày mai quá mười một giờ mà cậu không về kịp thì nên qua đêm luôn ở đâu đó, tôi không thể thức mãi mà chờ đợi. Vả lại, đêm mai là giao thừa, tôi đã mời một quý nhân xông đất nhà tôi, hy vọng cậu hiểu cho”. Tiếng sập cửa khô khốc, bà chủ đang cáu. Ngay từ đầu bà đã muốn tống cổ cả lũ trọ trước hai mươi lăm tháng chạp, nhưng cuối cùng Lãm đã ở lại, một phần vì bướng, phần vì trong hợp đồng thuê nhà không đề cập đến khoản này.

Lãm uể oải bước lên cầu thang, tưởng tượng giờ này chắc Vinh đang loay hoay mổ heo cùng mấy ông chú ông bác. Chưa bao giờ Lãm thấy một xóm làng nào tình nghĩa như quê Vinh. Hôm Lãm theo Vinh về thăm nhà, cả họ ùa ra vây lấy, người nắm tay, người nắm áo, hỏi han ríu rít. Ngay cả bà chủ nhà đây, sao lại hẹp hòi với bọn Lãm thế, trong khi gia đình bà ta hạnh phúc đủ đầy. Sao bà không thể hiểu rằng chẳng ai muốn cảnh đất khách quê người trong ba ngày tết? Bao nhiêu lần, nhìn thấy mâm cơm ấm cúng của chủ nhà Lãm đã ước ao. Giá như…, mà thôi, những người như Lãm, một cuộc sum họp mãi mãi chỉ là giấc mơ…

5.
Giữ đúng hẹn, đêm ba mươi Lãm chỉ đi đến chín giờ. Lần này xe được đẩy sâu vào nhà trong. Căn phòng tầng trệt được trang hoàng rực rỡ. Cành mai vàng to sụ chễm chệ đứng giữa căn phòng, những nụ hoa căng bóng chực chờ phút giây bừng nở. Mấy người con chủ nhà đang xoay quanh xa lông, cắn hạt dưa tí tách và kháo chuyện ầm ĩ.

Lãm nằm vật ra giường, muốn trào nước mắt. Vậy là Kim không đến, Kim không thể rời gia đình để đi với Lãm trong đêm giao thừa. Ôi, mãi mãi Kim chỉ là Kim ngoan ngoãn, nề nếp và gia giáo. Thôi không thể chờ đợi cái gì đến nữa rồi. Thời gian xin cứ quay mau hơn đi, mau nữa đi! Lãm muốn thét to, muốn đập vỡ tung cái đồng hồ treo tường đang nhích dần từng giây phút một. Lãm thấy tuyệt vọng, con người ta ai cũng có những giây phút tuyệt vọng không tránh khỏi. Mà nhất là với Lãm, trong khoảnh khắc tống tiễn năm cũ, không thể không tuyệt vọng khi mình chẳng mong chờ một cái gì đến. Thật chẳng mong chờ một cái gì đến nữa rồi!

Lãm sực nhớ đến Diễm, cô ấy đêm qua hẳn phải lang bạt đâu đó vì bà chủ rất cáu kỉnh. Lãm loạng choạng đi xuống cầu thang. Thật chẳng mong chờ một cái gì nữa, nhưng Lãm vẫn cứ đi, trong vô thức.

Căn phòng lặng ngắt. Diễm đang soi gương. Cô biết Lãm đang vào nhưng vẫn soi gương! Hình như cô soi gương không phải để trang điểm, cũng không phải để nhìn ngắm gương mặt đang già đi, mà đơn giản một điều là cô đang tìm kiếm điều gì đó, bên trong tấm gương soi. Và hình như Diễm sắp khóc.

Lãm ngồi xuống, đối diện với Diễm, nghe nỗi đau nhói lên tận óc. Lúc này Lãm đã quên hẳn Kim. Tuyệt nhiên quên hẳn Kim! Diễm nói: “Anh cũng như em, đúng không? Chúng ta chẳng có nơi chốn nào để về cả”. Lãm không nói, cũng không gật đầu, chỉ thấy trước mặt một miền quê nghèo mênh mông sông nước; nơi đó, nơi cái mái lá tồi tàn nổi bập bềnh trong dòng nước lũ đục ngầu, người mẹ nuôi duy nhất của Lãm đã vĩnh viễn nằm lại trong một ngày mưa bão âm u.

Diễm lại hỏi: “Anh Lãm, anh nhìn thấy gì trong gương không?”. Lãm nói: “Tôi thấy mình trong gương đó, hình như sắp rời rã hết rồi, Diễm ạ!”. “Không - Diễm cao giọng - còn em, em thấy được cái gì ở trong gương rồi. Hạnh phúc, anh Lãm ạ! Hạnh phúc là chiếc bóng ở trong gương, nó đến sát bên mình, nhưng không chạm được, không nắm bắt được…”.

Diễm đã vứt gương vào một xó, cô đang tựa cửa sổ nhìn mông lung ra bóng đêm đặc quánh bên ngoài, lẩm nhẩm: “Có thật là chẳng còn gì để chờ đợi nữa không?”. Lãm nghe, ruột gan quặn lên từng chập. Đúng lúc, tiếng mèo hoang lại kêu rền rĩ trên mái tôn, gió đưa mùi hương trầm từ nhà dưới xông lên sực mũi. Ba cây kim đồng hồ nhất loạt chĩa thẳng lên trời. Lãm buông phịch người xuống sàn, nhắm nghiền mắt lại, trong tiếng cười ré lên từng chập dưới nhà và tiếng thở dài của Diễm, lòng hoang mang tự hỏi: “Giao thừa là thế này sao?”.

Tác giả bài viết: Vũ Đình Giang