Ghe hát

Buông bức màn rồi danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương
Người vào cởi áo lau son phấn
Trả cả vinh quang lẫn đoạn trường
(Hoàng Như Mai)
 
1. Mỗi khi rời bến để chuyển đến một điểm diễn mới, tấm bảng bằng thiếc được nắn nót hàng chữ “Đoàn cải lương Sóng Vang” luôn luôn được mang xuống ghe sau cùng rồi trịnh trọng “thượng” lên mui ghe một cách có thể gọi là “oai phong lẫm liệt”.

Đó chính là cái thế giới tuyệt vời nhất của một thằng nhỏ mê cải lương “từ trong bụng mẹ” như tôi.

Tôi dám cá một ăn mười là thế nào cũng có vị độc giả khó tính lầm bầm:

- Ông nội này cường điệu thấy sợ nghệ danh Năm Cai Lậy của chả lạ hoắc có tiếng tăm chi đâu mà “nổ” hơn bom tấn?

Quý độc giả khó tính của bổn báo xin chớ nóng vội, sở dĩ tôi mạo muội dùng cụm từ “từ trong bụng mẹ” là vì má tôi cũng rất mê ca vọng cổ, lúc có bầu là thằng tôi, bà rất khoái ca trích đoạn “Đời cô Lựu”, một vở tuồng đã từng thu gom nước mắt của quý bà hâm mộ cứ coi diễn mà cái mũi đỏ hoe như vừa đi dự tang lễ nội ngoại chi đó.

Riêng cái “nghệ danh” của tôi cho mãi đến bây giờ vẫn chưa có dịp “chình ình” chỗ quầy bán vé, thưa quý vị độc giả thân mến, có lẽ vị bị “ganh tị” đó thôi, cho nên suốt bao năm nghe tiếng gọi tha thiết của tổ nghiệp tôi chỉ được giao vai quân sĩ. Ngoài nghề ai mà nghe đến vai diễn này đều “nhếch mép cười khinh bạc” đó là cách viết của nhà văn bậc thầy Lê Văn Trướng (tôi xin mượn tạm). Xin thưa rằng để làm tròn vai diễn của mình, trên người tôi lu bù là... thẹo, đó là tai nạn nghề nghiệp thôi, đâu có chi mà than trách, quý vị cứ tưởng là “dễ ăn” lắm sao? Để tui kể cho nghe, tui thì sàng qua sàng lại lấy thế. Trong khi ông Tư “Trôm Pét” đang phùng mang trợn má thổi cái bài “quýnh” kiếm nghe nôn nao cả ruột gan phèo phổi, tôi chăm bẳm dòm chừng thanh kiếm bằng i-nốc của đối thủ chờ thằng bạn diễn của mình “phàng” cho nhát kiếm quyết định. Tập dợt, hợp đồng đàng hoàng là sẽ chém bên trái, mình chờ để đỡ, ngặt một nỗi, hôm đó thằng bạn diễn tặng thiệp mời cho cô bồ bán nước đá đậu, nó đâu còn nhớ bài bản gì, vậy là... than ôi! Nạn nhân của tổ nghiệp rất đáng thương là tôi lãnh nguyên nhát chém chí mạng vào “ba sườn” phải, vừa đau vừa tức đến ói máu như Chu Du. Tôi quên phức mình đang trên sàn diễn, cầm kiếm tính xông tới ăn thua đủ, phát hiện ông thầy tuồng đứng trong cánh gà thấy tôi có vẻ khác thường liền nhắc nhở:

- Xỉu xỉu... xỉu mậy!

Nuốt cái giận vào bụng mà lăn đùng ra xỉu trong khi kẻ chiến thắng chống kiếm hiên ngang nhìn xuống “khán giả thân mến” là con Sáu nước đá đậu… rồi “chếch môi cười khinh bạc”. Than ôi! Sinh nghề tử nghiệp là vậy.

Trong làng cải lương, ai cũng tin cái tên là cái tiền định của vận mệnh, ngặt một nỗi, ai cũng gởi gắm vào đó cái hoài bão lớn nhứt cuộc đời mình, ông Út Trà Ôn đưa cái xứ cù lao nhỏ xíu của Vĩnh Long đi vào huyền thoại, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Thu Bồn, nhà báo Hồng Hà mang những dòng sông êm ả vào bầu trời văn học… Đó là những thiên tài, còn thằng tôi cái gọi là tài thì lại nhỏ xíu, vốn sinh ra ở cái xã của huyện Cai Lậy cũng bày đặt với cái nghệ danh Năm Cai Lậy, chỉ có thể giới thiệu ở một vài cái đám… ma, đám cưới! Ôi, cũng là tại cái số mạng mà thôi. NHân đây cũng xin “quê hương là chùm khế ngọt” thông cảm cho sự “lực bất tòng tâm” của người công dân bất tài này.

Đó là cái tên riêng, còn xui thì ảnh hưởng chỉ có một người, còn tên Đoàn, có đến 21 con người nghệ sĩ lang thang mà bà bầu Thanh Mai (nữa, lại là cái tên mang hoài bão, nữ nghệ sĩ Thanh Mai kiêm bà bầu có cái vóc dáng của một “má mì” cân đúng 68 ký), thiếu chi tên để đặt, nở lòng nào “má” lại đặt tên đoàn là Sóng Vang?

Ai nói cái tên Sóng Vang là xấu? Đúng như vậy, nhưng dân Nam Bộ có cái thói quen đặc biệt dễ thương là hay “nói lái” thì lại khác, Sóng Vang là “sáng dông”, ôi quả là “ý trời”, đoàn tôi đã bao lần hát ế ẩm, lèo tèo chục vé, đành nhờ ông thầy tuồng “kính báo” với nụ cười không hẹn ngày… tái ngộ, xin trả vé, hủy đêm hát rồi… sáng dông thôi! Ai không tin chớ tôi là tin chết tin sống, sau này có mấy thằng bạn rủ theo đoàn Sao Ngàn Phương là tôi từ chối liền, trời đất, tệ lắm thì cũng nhà lồng chợ, đình làng nào đó, chớ dựng rạp giữa ruộng “trăng sao ngàn phương” vò mùa nước nổi thì… xin lỗi tổ nghiệp ơi, con “oải” quá!

2. Tôi y6u nghề hát như một tôn giáo của riêng mình, lạ lắm, cứ cái màu vàng chói chang của cái phông vườn thượng uyển tác phẩm của danh họa cải lương tên Lô Ka lên đèn là tôi như vừa uống mấy thang thuốc bổ. Bởi vậy, tôi thực sự “dị ứng” khi miệng đời quái ác, hễ thấy cái gì rực rỡ quá, màu mè quá là họ nói “cải lương”, mà cũng có nhiều cái kỳ lạ, ghe ghé bến lúc 12 giờ khuya êm ru bà rù, vậy chớ phiên chợ sớm là bà con đã hay tin ghe cải lương tới… tìm tòi dữ lắm mới biết, số là các nghệ sĩ của mình có cái cách ăn mặc hơi khác người, quần xanh, áo đỏ, trời đổ mồ hôi mà lại “thượng” cái áo cổ lông chồn mua ở hàng “si đa”, kiểu Thành Cát Tư Hãn thì làm sao không bị phát hiện khi đi chợ ăn sáng?

Có lẽ, quý vị khán giả đó có hơi khó tính một chút. Thử hỏi, nếu như mà anh Võ Đông Sơ thân mến ôm mũi tên quay ngực, bước ra sân khấu rồi lăn đùng ra chết thì oan uổng cho ảnh quá, thôi thì để ảnh ca 6 câu vọng cổ, xuống cái “xề” ngọt lịm như đường phèn rồi Năm thợ đèn của đoàn bèn phựt đèn màu trong tiếng vỗ tay và tiếng hỉ mũi sột soạt của quý bà khán giản thân mến thì mới mùi đúng điệu chớ, cải lương gì mà cải lương?

Đoàn nào cũng phải “nuôi”, một ông thầy tuồng để đảm bảo tuồng tích, đoàn tui cũng vậy đặc biệt ưu ái soạn giả Trầm Ngâm, tức chú ba Ngâm (lại là vấn đề nghệ danh, tên thật là Trần Văn Ngâm, bèn lấy nghệ danh là Trầm Ngâm). Còn cái vụ tại sao lại đặt tên là Ngâm thì chỉ có thân phụ của chú mới biết thôi. Soạn giả Trầm Ngâm rất hay trầm ngâm bên chai đế và cóc ối mía ghim trên đường “lang bạc kỳ hồ” mênh mông sông nước theo tiếng bìm bịp báo con nước lớn ròng cùng với tiếng song loan trong hào quang rực lỡn của ánh đèn sân khấu. Có lẽ trong số vệ sĩ, tôi có chút nào đó “hạp nhãn” với chú nên đôi lúc “bí” chú gọi tôi:

- Ê nhỏ, lại đây tao đọc đoạn này cho nghe… nè, cái vai Hai Tôm này mầy thấy sao, tao tính cho nó chết bất đắc kỳ tử, được hôn? Ờ, mua dùm tao thêm một xị coi. “Ông già” nhờ có cái “năng khiếu” uống rượu không say mà được đoàn giao thêm cái nhiệm vụ đi tiền tiêu… nghĩa là diễn ở đây đêm cuối thì ổng lại ôm cái cặp cũ mèm với xấp thiệp mời đến ngoại giao với mấy ông làng ở điểm sắp đến… Phải biết cúi chào kiểu kiếm sĩ Nhật Bản như trong tuồng “Kho hoa anh đào nở” biết nâng cái chun sứt miệng ngoài quán ốc bên hông đình lên rồi trịnh trọng nói với thẳng Ủy viên cảnh sát “mặt thỏ mỏ dơi”.

- Xin “kính” đại ca một ly.

Y chang như “Tổng tửu Đơn Hùng Tín” vậy… khéo léo là vậy mà kỳ hát ở Ô Môn đoàn còn gặp “sự cố”.

Số là ở mỗi “bến” mỗi thằng chức sắc là ta phải gởi một “cặp” thiệp mời, hôm đó, thiếu điều nghiên, ông Phó đoàn ngoại vụ Trầm Ngâm gửi cho thằng Ủy viên cảnh sát có hai vé, trong khi nó có đến hai con vợ nhỏ mà bà nào cũng mê cải lương. Bởi vậy, gần đến giờ diễn, tên cảnh sát mới sai đệ tử tới quầy vé trả lại tấm thiệp mời, bà bầu xanh mặt và nhà ngoại vụ Trầm Ngâm thêm trầm ngâm ngoài quán cóc theo tinh thần “Hãy đợi đấy”. Trong hồi họp, đêm diễn cũng trôi quan bình yên vô sự, bà bầu thắp nắm hương bằng cổ tay lên bàn thờ tổ.

Ai mà ngờ… mới hai giờ sáng thằng cảnh sát ghé Đình “mỉm cười khinh bạc” ra lệnh cho đám dân vệ:

- Xét căn cưới, thằng nào tuổi quân dịch “lượm” hết cho tao.

Kết quả ngoài mong đợi, đoàn đành nói lời chia tay với kép chánh Hoàng mInh và 4 em… quân sĩ. Bà bầu rưng rưng nước mắt dúi vô tay những “nạn nhân thời cuộc” mỗi người tờ giấy 50 đồng xếp tư. Cái dáng cao gầy của kép Hoàng Minh lủi thủi đi theo đám dân vệ sao mà buồn quá đỗi. Chào tạm biệt chàng “Trần Minh khố chuối”!

Sau “sự cố” ấy, “sư phụ” quá “oải chè đậu” bèn xin nghỉ. Bà bầu nói:

- Sao chú lại gánh trách nhiệm về mình? Rời đoàn rồi chú đi đâu, ở đâu? Tôi… chẳng qua là cái vận hạn của đoàn mình.

Nói xong, theo thói quen, bà bầu lại thắp nhang trên bàn thở tổ.

Bao nhiêu chục năm qua mà tôi vẫn nhớ cái tính tình thuần hậu của bà. Có lẽ, trót mang cái nghiệp cải lương tiền định mà bà chấp nhận kiếp sống “tha phương cầu thực” với những mảnh đời dở dang nghèo khổ.

Soạn giả Trầm Ngâm vốn là một thanh niên nông thôn, phải chi đừng mê vọng cổ thì may ra thầy giáo lớp Năm(1) Trần Văn NGâm sau vài chục năm “bán phổi” cũng lọt được vào Ban Giám hiệu, không ngờ cái tài ca vọng cổ hay hơn giảng bài, làn hơi Thành Được đã dẫn dắt ông theo cái nghề cải lương bạc bẽo. Được cái là đoàn đã dành cho ông cái vị trí cha chú vì họ vốn ít học, thậm chí thất học, nhưng kiếp người có cái tên mờ ảo là “nghệ sĩ” kia chỉ là những nông dân hiền lành nghèo khổ, là nạn nhân truyền kiếp của cái xã hội phong kiến và bè lũ chính quyền đốn mạt tập trung toàn những thằng ăn cướp, ăn cắp và ăn hiếp dân lành.

Sống đời lênh đênh sông nước như áng lục bình lãng đãng vô tư giữa dòng nước lũ, lấy câu ca tiếng hát mua vui cho đời “cho thì nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu” bên nụ cười kia, son phấn kia, bên ánh hào quang rực rỡ của cái cung đình ảo ảnh kia còn phảng phất đâu đó niềm đau xót của câu “xướng ca vô loài”… mà đời không ít người vẫn còn khắt khe nhận định.

Có chứng kiến cảnh chú Ba tranh luận để bảo về cho đoàn mới thấy ông đúng là một đầu tàu của con tàu “Sóng Vàng” ọp ẹp và rách nát, mà ngay bản thân chú cũng gầy gò, ốm yếu.

Hằng đêm, khi ánh đèn sân khấu chợt tắt, ngoài hành lang hay trong xó xỉnh nào đó của cái Võ Ca Đình lạnh lẽo hình như có tiếng trở mình trên ghế bố, tuốt trên cột đình, con tắc kè buông tiếng thở than… Lúc đó, cái cuộc đời cải lương mới đành chịu nhường bước cho cái bụng đói mà sau đêm diễn có người chỉ dành cho mình được tô cháo trắng với chút nước cá kho xin thêm. Vậy mà vẫn son phấn, vẫn múa may quay cuồng dưới ánh đèn màu mỗi đêm… Đúng là cái nghiệp, cái nghiệp tội nghiệp. Thương quá đi thôi.

3. Lâu lắm mới có buổi hợp đặc biệt, bà bầu và chú ba Trầm Ngâm ngồi chỗ dàn nhạc quay xuống hàng ghế khán giả, 21 con người đủ nghề của đoàn ngồi lắng nghe, cứ có họp là không ai vắng mặt, vì đây là những vấn đề có liên hệ đến từng người.

Vẫn nhìn mông lung, bà bầu chợt cất giọng có phần hơi… quan trọng:

- Thưa bà con. Chắc ai cũng rõ đoàn mình đang gặp không ít khó khăn…

Hình như ai cũng nín thở, cái đoạn “nói lối” này nghe sao giống tuyên bố “rã gánh” quá. Có lẽ biết vậy, bà bầu cười tiếp:

- Bà con đừng lo, hàng mấy năm nay đoàn mình lo cho bà con được ngày hai bữa thì vẫn phải tiếp tục thôi… Mới đêm qua, đoàn mình lại có thêm sự cố, tui vốn ít lời, xin nhờ chú Ba soạn giả báo cáo.

Ông già Trầm Ngâm e hèm rồi sửa lại cái kiếng lão:

- Xin báo cáo ngắn gọn, hồi 3 giờ 15 phút sáng hôm qua đang ngủ thì bà bầu phát hiện có tiếng con nít khóc. Ai đó đem một hài nhi gái đâu chừng 2 tuần tuổi, gói trong cái khăn bàng bỏ nằm trước bàn thờ tổ, bây giờ nhờ bà con mình góp ý giải quyết.

21 cái miệng tròn chữ O mà không tròn sao được, bỏ con thì đem lại cô nhi viện hay nhà việc chớ sao lại gởi cho gánh cải lương? Tôi thì hay suy diễn:

- Rồi. Mẹ của đứa bé này chắc là ghiền cải lương nặng lắm nên có cái hoài bão con gái mình theo kiếp cầm ca đây.

Chưa bao giờ buổi họp mất trật tự đến vậy nhứt là khi bà Tư nấu “cơm hội” cho đoàn bồng đứa bé bên nhà chị Năm Lan bước vô. Ai cũng tới gần xem mặt đứa nhỏ, cái sinh vật bé nhỏ có đôi mắt đen như hai hột nhãn ngơ ngác nhìn mọi người trong cái hoàng bào của vua Càn Long. Tôi để ý thấy có một vài người len lén nhìn kép chánh Minh Châu rồi nhìn lại con bé… Nhưng rồi cũng sáng tỏ vấn đề, năm ngoái khi đoàn ghé “bến” này Minh Châu chưa về đoàn mà còn hát bên gánh Hoa Hướng Dương. Bởi vậy, “cha” ngồi trên rương “đồ hội”(2) tay phe phẩy “drôn” (3) tuồng tỉnh bơ.

Đúng như lời chú ba soạn giả nói, phiên họp không biên bản kết thúc ngắn gọn, kể từ hôm nay, mọi người đồng lòng dành một đồng trong tiền “cát-sê” của mình để mua sữa cho con bé.

Có tiếng ai đó:

- Bà bầu ơi đặt “nghệ danh” cho bé đi. Bà bầu nhường cho ông già Trầm Ngâm, không trầm ngâm chút nào, chút ba nói:

- Đoàn mình đa số họ Trần, tui chọn làm họ còn tên thì… Sóng Vang, Trần Thị Sóng Vang, được không bà con?

Không có tiếng “đồng ý” nào vang lên mà những nụ cười nhân ái rãng rỡ trên gương mặt những người lao động nghệ thuật đã thay cho câu trả lời. Nghèo, dốt, mê lời ca tiếng hát, những con người cùng khổ đã quây quần lại trên chiếc ghe hát, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là mang lại cho nhân gian một nụ cười dưới ánh hào quang sân khấu. Xuất thân từ nông dân kém may mắn, hơn ai hết họ vô cùng tôn trọng cái tấm lòng nhân ái cái tình người, tình đời vô tận, cái nghĩa khí làm người học lóm được trong tuồng tích “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín” trên sân khấu, không tiền bạc tài sản mà chỉ với niềm đam mê cải lương họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để theo nghề, làm vui cho đời. Ôi, cao thượng biết bao. Dễ thương biết chừng nào!

Từ khi có thêm nghệ sĩ tí hon “Sóng Vang” sinh hoạt của đoàn như vui hẳn lên. Mấy cô, mấy dì cưng bé như vàng, diễn ở đâu, góc đình nào kín đáo nhất đều dành cho bé. Dì Tám nhà bếp kiêm thêm chức má, ngày nào cũng lui cui chắc nước cơm. Như cô công chúa nhỏ, đêm nào cũng có má, có dì “đăng ký” ngủ với bé. Vai diễn đầu đời của Sóng Vang chính thức mở đầu vào lúc tròn 6 tháng tuổi, trong tuồng “Triệu Tử Long phò ấu chúa”, kép Hoàng Sơn mang bé “Sóng Vang” trước ngực, “tả xông hữu đột” trên sân khấu, được nhảy nhót dưới ánh đèn màu, bé không hề sợ hãi mà lại cười thích thú khiến cả đoàn ai cũng vui mừng.

Trên đường lưu diễn, bé là niềm vui chung của mọi người. Nhiều đêm trời mưa nghỉ mát, tiếng ếch nhái uềnh oang, tiếng gió rít trên đầu hồi vỏ ca đình, tiếng tắc kè gõ nhịp song loan không còn lạnh lẽo nửa khi có tiếng ai đó hát ru cho bé đi vào giấc ngủ ấm áp tình người của những người con bất hạnh.

Dòng sông trước Vỏ Ca Đình hình như thêm rực rỡ ánh bạc, áng lục bình xanh bông tím như dừng lại và ở tận cùng đáy sông, phù sa vẫn thinh lặng cần mẫn góp vui cho đời, lặng thầm như người nghệ sĩ cải lương nhiều bất hạnh mà vẫn dành cho người khác cả cuộc đời mình bằng tấm lòng rộng mở, tấm chân tình của biển rộng sông dài.

Gia Định những ngày ở bệnh viện.
 
(1) Lớp Năm: Lớp Một bây giờ.
(2) “Drôn”: Drolle, vai diễn kịch bản
(3) Thùng đựng đạo cụ.

Tác giả bài viết: Thảo Bích

Nguồn tin: VNTG số 30