Đồng nghiệp

Hai mươi mốt giờ, tôi chuẩn bị đi ngủ thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia, một giọng đàn ông quen quen: “Chị là tác giả bài viết... phải không?”. Tôi nói phải. Giọng Bắc lơ lớ (dường như tôi đã nghe giọng nói nầy đâu đó một lần rồi) lại vang trong máy: “Chị gửi mail bài viết... của chị cho tòa soạn báo T nhé!”. Tôi ngớ người một lúc mới chợt nhớ ra cách đây một tháng tôi có gửi bài viết của mình đến báo T,  gởi cho vui vậy thôi chứ rất ít hy vọng vì tờ báo nầy có lượng cộng tác viên quá đông đảo và rất kén chọn bài vở. Vậy rồi bây giờ, thông tin đã được phản hồi. Tôi mừng đến quên cả... ngủ.
Minh họa: Lê Hồng Thái

Bài của tôi được in trên báo T. Quá phấn khởi, tôi gửi tiếp bài nữa cho tòa soạn. Một tháng rồi hai tháng, mỗi khi chuông điện thoại reo, là tôi hồi hộp mong lại được nghe giọng Bắc của người đàn ông thông báo... tin vui. Nhưng đợi dài cả cổ, đến lúc tôi tin rằng bài của mình đã nằm trong sọt rác, thì một trưa điện thoại lại reo, lần nầy là chuông tin nhắn: “Đề nghị chị gửi mail bài viết… cho tòa soạn báo T.” Bên dưới tin nhắn còn ghi tên người gửi, chức danh, và dòng chữ: “Chúc đồng nghiệp vui, khỏe”. Cái tên người gửi tin như đập vào mắt tôi. Một cái tên rất đỗi quen thuộc khiến tôi ngớ người ra. Là anh, là... thầy “phóng sự” đó mà.

Nhớ lại, những ngày còn ở giảng đường đại học, sinh viên khoa báo chí chúng tôi hầu như ai cũng mê mẩn đọc những phóng sự, bút ký của tác giả Trọng Chức. Hồi ấy, anh đã là cây bút được độc giả cả nước yêu mến. Làm nên tên tuổi của anh, không chỉ là những giải thưởng báo chí cho những phóng sự lay động lòng người, mà còn ở cách thức anh thâm nhập thực tế để có những tác phẩm ấy. Những chuyến đi xuyên Việt của anh, những chuyến mạo hiểm lăn lộn vào thế giới của tội phạm của những tệ nạn xã hội để viết nên những thiên phóng sự nóng bỏng được giới báo chí truyền miệng như một giai thoại. Sinh viên chúng tôi ngưỡng mộ, xem anh như thần tượng, mong được tiếp xúc làm quen với anh.

Dịp may đến, khoa mời anh thỉnh giảng bộ môn phóng sự của lớp. Hội trường mọi khi không quá một phần ba, hôm ấy đông nghẹt. Không chỉ sinh viên báo chí, mà còn sinh viên các khoa khác biết nhà báo Trọng Chức đến nói chuyện kéo đến... nghe ké. Sáu mươi tiết chính khóa ngắn ngủi, thầy Trọng Chức không chỉ cung cấp những cách thức, kinh nghiệm, dẫn dắt sinh viên đến với thể loại phóng sự, tin tức, mà còn truyền cho chúng tôi niềm say mê, yêu mến, dạy cho chúng tôi có trách nhiệm với thể loại báo chí này. “Ngay cả viết một dòng tin cũng không chấp nhận sự qua loa, cẩu thả”. Không chỉ được yêu mến qua tác phẩm, nhà báo Trọng Chức còn chinh phục sinh viên ở cách nói chuyện cởi mở chân tình. Vui nhộn nhưng không xuề xòa, không có khoảng cách thầy trò, mà như một đồng nghiệp đi trước dẫn dắt, trao đổi. Sinh viên gọi thân mật là “thầy phóng sự”, chép đầy sổ tay những “trích dẫn kinh nghiệm nghề nghiệp “không nằm trong... tài liệu của thầy.

Ảnh hưởng của thầy còn theo chúng tôi khi lớp báo chí đi thực tập. Đến tòa soạn nào bảo là học trò thầy Trọng Chức cũng được dành cho nhiều ưu ái nhưng cũng không ít đòi hỏi: “Học trò thầy Trọng Chức mà viết lách thế nầy à?”. Dầu ngắn ngủi, nhưng thầy đã để lại trong chúng tôi nhiều dấu ấn, nghề nghiệp.

Ra trường, trong khi bạn bè tìm mọi cách bám lại thành phố, tôi về tỉnh công tác ở một tờ báo địa phương. Việc tập sự viết lách làm tôi bận bù đầu. Bây giờ tôi mới thấy, những kiến thức thu nạp từ 4 năm đại học chỉ là kiến thức… nằm trong sách vở. Thực tế phong phú phức tạp đòi hỏi tôi phải luôn tìm tòi, nắm bắt và xử lý trên trang viết của mình. Tôi đi như con thoi từ huyện phía Đông sang xã phía Tây, từ vùng trọng điểm lúa đến khu qui hoạch chăn nuôi. Thế nhưng vốn liếng gây dựng chỉ là những dòng tin, những bài phản ánh đăng ở báo địa phương. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa.

Vậy rồi bây giờ tôi đã được đăng bài trên báo T, còn được gặp lại “thầy phóng sự” yêu mến của mình. Cứ mỗi lần gửi bài đi là tôi lại hồi hộp chờ đợi những cú điện thoại hoặc những dòng tin nhắn từ anh. Dần dà ngoài thông điệp: “Hãy mail bài… cho tòa soạn”, còn thêm những lời nhận xét: “Bài viết rất có lửa…” Những lời nhận xét của anh mang đến cho tôi sự động viên, xóa dần đi trong tôi mặc cảm của cây bút tỉnh lẻ. Khi tôi viết một phóng sự về số phận của những phụ nữ đơn thân ở một vùng quê mấy đời chiến tranh tàn phá, anh đã mail cho tôi một tin dài: “Bài viết rất có tình. Hãy bám lấy miền đất mình đang sống, máu thịt với nó. Rồi sẽ có những tác phẩm “máu thịt”.

Nhưng tôi tự thấy mình còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Tôi phải phấn đấu nhiều hơn để có một lần được nói với anh rằng: “Thầy ơi, em là học trò của thầy...”. Chắc chắn, anh sẽ mỉm cười: “Em là đồng nghiệp của tôi...”.

Tác giả bài viết: Cỏ May

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 74