Đò ngang

Quyên bước xuống taxi, anh tài xế giúp cô chuyển tất cả đồ đạc để bên vệ đường, bao nhiêu người có mặt trên bến đò đều hướng mắt vào cô. Một người đàn ông gầy gò, đôi mắt trũng sâu, nhưng sạch sẽ, chạy đến mừng rỡ:
- Hường, Hường về rồi!
Chủ quán cà phê là một thanh niên to khỏe, kéo tay anh ta và bảo:

- Không phải cô Hường đâu, chú  làm chị ấy sợ!

- Xin lỗi chị nha! - kéo tay người đàn ông vào nhà, người thanh niên quay lại nói với Quyên như vậy.

 Quyên nói: “Không sao” và mở kính râm chào tất cả, rồi nhìn theo người đàn ông tội nghiệp, chợt có tiếng phụ nữ reo lên:

-Trời ơi hình như con Quyên, Quyên con anh Hai Bằng phải không?

Hướng về phía người phụ nữ đang bồng đứa bé, cô chào và lên tiếng:

- Dạ đúng, con là Quyên, cô là...

Người phụ nữ bật dậy, kéo chiếc nón lá che nắng đứa bé, bước nhanh đến bên Quyên, cùng lúc cũng nhiều người tiến lại, xuýt xoa:

- Lâu gặp nay lạ quá!

- Việt kiều mà chị Hai!

- Sao về một mình không kêu ai đón...

Ai đó nói lớn:

- Để tôi điện thoại cho chú Hai nha!

Quyên mỉm cười nhã nhặn, tay bắt mặt mừng trả lời từng người một. Cô về, nhưng không cho gia đình hay, bởi cô thích tạo sự bất ngờ. Đang nói chuyện với mọi người thì tiếng đàn ông kêu lên:

- Bây giờ mê Việt kiều không thèm xuống đò phải không?

Rồi không ai bảo ai, họ tự động mang xách các thứ của Quyên xuống đò. Cái tình người ở quê vẫn vậy, nó làm Quyên xao xuyến, dưng dứt khó tả. Anh chủ đò trẻ măng định nắm tay Quyên dắt xuống đò, Quyên từ chối:

- Cảm ơn, tôi là dân sông nước ở đây mà!
 

Minh họa: Lê Hồng Thái

 

Không ít những người ra đi chừng hai, ba năm, chân phèn chưa sạch mà trở về quê tỏ ra mình là Việt kiều: ăn mặc dị hợm, nói giọng lơ lớ, làm vẻ kênh kiệu, kiểu cách sang cả...Quyên thì không, cô tháo đôi giày cao gót, xách tay, nhảy xuống đò nhẹ hều như chú mèo. Người đi cùng đò nhìn cô trìu mến.

 Quyên được nhường một chỗ ngồi tốt, người ta chuyền cho cô chiếc áo phao màu cam... Cô nhìn như nuốt vào lòng khúc sông quê ngày cũ. Đâu rồi mấy cây bần với những chùm bông trắng, lủng lẳng trái xanh, có nắm muối hột đã làm cho đám con nít chép miệng bong bóc, đâu rồi những dề lục bình xanh nõn tim tím những chùm hoa! Hàng dừa nước, và những ngôi nhà vá chằm, vá đụp ven sông hồi ấy, bây giờ cũng thưa thớt hẳn.

Quyên nhớ con đò chèo ngày xưa, mỏng manh, chỉ chở được hơn chục người là nước lé đé be xuồng. Mấy đứa lười biếng, chỉ kịp thay đồ, xuống đò thọc tay khoát nước rửa mặt cho tỉnh ngủ. Chị Hường, người lái đò tuổi đôi mươi, có mái tóc ngang lưng, dáng thon thả, uyển chuyển ôm mái chèo sáng, chiều đưa rước khách. Khách nam qua đò không khỏi xao lòng và đẩy đưa chọc ghẹo cô lái đò duyên dáng, ngọt ngào. Mỗi ngày, hai lượt, Quyên nhảy phốc lên đò, ngồi ngắm trời mây, sông nước, nếu nước ròng thì nhảy lên cầu dừa, thoăn thoắt lên bờ, ôm cặp cùng các bạn dung dăng, dung dẻ đến trường. Những buổi không đến lớp, Quyên lén ba, má ra mé rạch gần nhà, ôm bập dừa tập bơi, rồi thì cũng có ngày Quyên bơi giỏi hơn thằng Hà, thằng Nam và thách đố bơi đua với tụi nó... Hồi đó, gần một ngàn hộ dân nơi đây sống tách biệt đất liền, người ta gọi chỗ Quyên ở là xã cù lao, tất cả mọi thứ đều thua thiệt đất liền, nhưng tình người ấm áp, gắn bó, yêu thương.

Trôi trong ký ức của Quyên là một ngày của tháng chín, Quyên cùng các bạn hớn hở áo mới, cặp sách mới, háo hức lên đò, trong tiếng trống trường khai giảng năm học thúc giục. Dáng chị Hường nghiêng nghiêng ôm mái chèo, tà áo bà ba màu hồng bay bay trong gió. Những chiếc áo học trò trắng xóa, in trên dòng sông. Mặt nước cũng xôn xao, ngập nắng đầu thu. Những dề lục bình đính những chùm hoa tím, trôi mải miết theo con nước xiết. Chị Hường gồng tay, lấy hết lực, chèo chống con đò để cặp đúng bến bên kia. Lúc này mặt nước trở nên dúm dó, khó chịu. Chị Hường cằn nhằn:

- Hồi nãy kêu mấy đứa ở lại chuyến sau mà không đứa nào chịu, mai mốt sợ trễ học thì đi sớm một chút!

Con đò tròng trành, mấy đứa trẻ cũng nhỏm người theo, chị Hường lại cau mày, lo sợ:

- Mấy đứa ngồi im coi, làm gì mà nhấp nha, nhấp nhỏm làm sao chị kìm lái được!

 Con đò đi vào chỗ xoáy nước, một chiếc tàu lớn chạy ngang tạo thêm những lượn sóng lớn, gương mặt chị Hường đỏ lựng, lấm tấm mồ hôi. Mấy đứa nhỏ sợ quá khóc lên, con đò nhỏ nhấp nhô, xoay tròn, chị Hường gắng sức giữ mái chèo. Tiếng kêu cứu của đám học trò trong đó có Quyên, hoảng loạn, lau chau mặt nước. Hai đứa ngồi bên cạnh sợ hãi, đeo cứng lấy Quyên. Con đò nhỏ như chiếc lá tre giữa dòng sông và lật úp. Quyên cố vùng vẫy, cô bơi theo dề lục bình níu lấy chúng, lúc ấy cô nhận ra người mình nhẹ tênh, hai đứa bạn tuột khỏi Quyên từ lúc nào. Cả bến sông nhốn nháo, những chiếc thùng nhựa được các chiếc tàu chạy ngang dừng lại, thảy xuống. Nhờ chiếc áo trắng mới nổi bật trong lá lục bình mà người ta nhanh chóng phát hiện ra Quyên. Được cứu lên bờ, Quyên bình tĩnh lại và kêu mất cặp sách, mọi người bảo rằng: “Thoát chết là may mắn lắm rồi, về nhà ba má sắm tập vở khác con ơi!”.

Mấy ngày sau, mới tìm đủ xác của ba người bạn xấu số trên chuyến đò với Quyên. Xóm nhỏ đau đớn, khóc thương những đứa trẻ. Chị Hường thoát chết, nhưng không thoát tù tội cho dù tất cả người thân của nạn nhân làm đơn bãi nại, bởi lúc ấy việc phòng chống đuối nước cho trẻ không mấy được quan tâm. Người anh họ của Hường tiếp tục làm chủ đò ngang. Hàng tháng, má của Hường sang sông với túi đệm đựng các thứ cần thiết và ít tiền đi lên trại giam thăm con gái. Ra giêng anh Tùng sẽ làm lễ thành hôn với chị Hường, nhưng chuyến đò nghiệt ngã ấy đã làm duyên tình họ trắc trở. Mẹ anh Tùng đòi cưới cho anh cô Trang bán vải ngoài chợ, bà cho rằng cưới Hường sợ sau này con cháu của Tùng sẽ mang lý lịch xấu dù là chị ấy ở tù không phải là tội danh xấu. Anh Tùng không chịu, vậy là mẹ con họ bất hòa. Hàng tháng, anh Tùng vẫn lén mẹ đi trại giam thăm Hường. Mỗi khi thấy má chị Hường xách giỏ sang đò, người trong xóm lại chép miệng thương cảm, có người dúi cho ít tiền gởi thăm Hường.

Đò cặp bến, dòng hồi tưởng của Quyên dừng lại, trên bến người nhà của Quyên đang đứng chờ. Trông thấy con gái, má Quyên nói vọng xuống:

- Sao không điện thoại ba má bao xe đi đón?

Đám trẻ nhí nhố:

- Cô Tư (dì Tư) về!

Quyên trả cái áo phao màu cam, cô không kìm được nước mắt khi đối diện với biết bao kỷ niệm. Hơn mười lăm năm, Quyên lên thành phố học hành rồi sang Úc du học và có chồng. Hôm nay, được trở về quê một mình, cảnh vật nhiều thay đổi, bến sông xây nhiều bậc bê tông kiên cố, con đò máy lớn gấp mấy lần chiếc đò lá tre của chị Hường; những người lớn già đi, trẻ con trưởng thành và lạ lẫm. Vậy mà hình ảnh chiếc đò ngang mỏng manh và cô lái đò duyên dáng, lưng luôn thấm mồ hôi, cùng những chuyến đò tròng trành đến lớp như vết khắc không phai mờ trong lòng cô.

Điều trước tiên Quyên hỏi má về chị Hường lái đò, má bảo sau khi ra tù, cô Hường tự ái về thái độ của nhà chồng nên bỏ quê, đưa bà già lên thành phố, lâu lắm không thấy về. Còn anh Tùng nhớ thương người cũ, suốt bao năm đi lục tìm các ngõ ngách Sài Gòn, nhưng chị Hường vẫn là bóng hình hoài niệm. Bây giờ, anh như gã khờ ngồi lặng lẽ trước hiên nhà, khi thì ra bến đò nhìn ngược nhìn xuôi, nước mắt khô đi với đôi mắt thất thần. Thấy cô gái nào đẹp cũng tưởng là Hường.

Qua lời kể vắng tắc của má, Quyên hiểu người đàn ông lúc nãy là anh Tùng. Đi giữa tình cảm chất ngất của người thân, nhưng Quyên vẫn thấy chạnh lòng. Cô quay lại bến sông, đứng rất lâu, tìm cái dáng nghiêng nghiêng của chị Hường trên con đò ngày ấy. Và bên kia sông anh Tùng vẫn ngày ngày chờ đợi những chuyến đò ngang.

 Trước mắt cô bây giờ là con đò chói mắt với nhưng chiếc áo phao màu cam trong nắng trưa. Quyên chép miệng:

- Giá như con đò ngày ấy, được chỉn chu như bây giờ  thì chị Hường đâu bỏ xứ ra đi và anh Tùng đâu trở thành một cái xác không hồn như vậy. Quyên cảm thấy thắt lòng!

Như đọc được suy nghĩ trong mắt con gái, má Quyên nói tiếp:

- Năm ngoái, con Hường có đưa bà già về, vì bà nhớ quê, hai đứa nó có gặp nhau, Hường thấy Tùng tiều tụy, dơ bẩn vì minh, nó năn nỉ thằng Tùng đi tắm và hứa, khi lo cho bà già xong, Hường sẽ về đây cất nhà chăm sóc cho Tùng. Cho nên bây giờ “chải chuốt” đòi mặc đồ mới để chờ Hường. Hồi trước có khi nằm dưới sông ló cổ khỏi mặt nước, rồi lên bờ chẳng chịu tắm rửa thay đồ.

Quyên cười và bảo:

- Trên đời này vẫn còn sót lại một người đàn ông thủy chung tới như vậy! Mong chị Hường quay về biết đâu anh ấy tỉnh lại cũng nên.

Nắng vẫn lấp lánh mặt sông như sự quay quắt nhớ nhung đến điên dại của Tùng! Và gió thương mặt sông đã vuốt ve, mơn man cho mặt sông đong đưa sóng nhẹ, cho dòng sông đỡ dúm dó, bớt đau.

Tác giả bài viết: Ngọc Lệ

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 97