Con tắc kè hoa

Con tắc kè hoa
Đó là một người luôn ra vẻ đạo mạo, như một viên chức nhà nước mẫn cán, lúc nào cũng ăn vận cực kỳ đứng đắn và lịch sự. Nhưng có lẽ cái đặc biệt nhất của Ba Sơn là vẻ mặt thay đổi biến dạng buồn vui rất đột ngột hơn cả một diễn viên. Đang tươi cười trò chuyện với đồng chí chủ tịch, bỗng nghiêm mặt lạnh như tiền khi anh bảo vệ khẽ nghiêng mình chào.

Năm 1974, đang đi học, chán nỗi cái tình trạng “đội sổ”, Ba Sơn đã định nghỉ học, khổ nỗi bà mẹ tần tảo với quang gánh hàng rong trên vai cứ năn nỉ thằng con duy nhất ráng học để mà thoát ly cái cảnh nghèo đeo đẳng…

Cuộc đời Ba Sơn chợt rẽ ngoặt vào cái ngày mà tên ủy viên cảnh sát mang lại nhà tờ giấy có tên gọi là “Giấy trưng binh”, đó là một mỹ từ, một cái áo khoác cho cái sự thật rất đáng chán là lệnh gọi đi quân dịch, có nghĩa là ở phía trước là cái xe nhà binh chở đầy thanh niên mười tám đôi mươi, ngơ ngác thẳng tiến đến cái quân trường chết tiệt nào đó để rồi vài ba tháng sau được tung ra chiến trường với đủ may rủi, chết chóc vốn rất đỗi bí mật và vô tình của chiến tranh.

Cái viễn cảnh của núi rừng Quân đoàn Một tuốt ngoài miền Trung, mà nơi đó nổi tiếng là “lò nướng quân dịch” cứ ám ảnh Ba Sơn, bỗng nhiên anh ta nhớ lại là mình còn một ông bác đang sống trong vùng giải phóng bên cồn Quy… Thế là Ba Sơn “dông” tuốt vào nơi an toàn.

Đang học lớp Đệ Tứ thì nghỉ cũng có chút vốn chữ nghĩa, ông bác bố trí cho thằng cháu vào dạy lớp Bình dân học vụ trong vùng giải phóng. Cuộc sống mới với kỷ cương rõ ràng là không dễ với anh thanh niên quen nếp tự do. Ba Sơn lại chán nản, anh nhận ra
rằng mình không thích hợp lắm nơi này.

May sao, vừa qua mấy tháng thì cách mạng thành công, trở về nhà trong bộ đồ “ni lông dầu” và cái nón tai bèo, đối với anh ta, đúng là một ngày “Bái tổ vinh quy” rực rỡ còn hơn Dương Lễ trong một tuồng cải lương. Anh được biên chế làm công tác Văn hóa - Thông tin. Ba Sơn lúc nào cũng nghiêm trọng như sắp vào trận. Tuy sống trong vùng giải phóng chỉ mấy tháng, anh cũng được học tập chính trị như ai, mỗi lần hội họp là thao thao bất tận cái bài diễn văn rung chuyển hội trường với các từ cách mạng học lóm. Mấy thằng bạn học cũ lỡ đi lính Sài Gòn sợ ra mặt, thấy Ba Sơn ở đầu đường là rẽ ngang tránh.

Công tác ở ngành văn hóa thông tin, Ba Sơn lại có dịp trổ tài ca hát và cũng chính cái tài ca hát đã giúp anh ta có cô vợ cùng nghiệp dĩ… Nhưng rồi cái lối sống giả dối, đội trên đạp dưới, cùng với đa đoan mối tình bất chính cuối cùng đã khiến Ba Sơn bị sa thải. Rời cơ quan nhà nước, với chút vốn liếng về kỹ thuật khi công tác Đài Truyền thanh, Ba Sơn mở ngay cái cửa hàng bán “ra dô -
cát sết”.

Bây giờ thì Ba Sơn không còn bệ vệ theo kiểu  cán bộ nữa mà là cái bệ vệ của một anh “đại gia”. Ở cái xã hẻo lánh này, thôi thì mặc sức cho anh ta khoa trương, hết “tài trợ” lại đến “đồng hành”.

Dù không được thích lắm vì thuộc loại người cơ hội, nhưng anh ta cũng có không ít mối quen biết với những người dễ tính, sự nghiệp kinh doanh lên vùn vụt từ khi tấm bảng hiệu có vẽ hình cái tivi được thượng lên với hàng chữ “Cửa hàng Điện máy Ba Sơn -
Uy tín và Chất lượng”.

Ba Sơn lúc nào cũng “uy tín và chất lượng”, anh ta vẫn lấy câu ấy làm câu nói hàng đầu, ngoài xã hội là thế, mà sao trong gia đình, thằng con duy nhất mười bảy tuổi lại có vẻ “chống hơi”, nghỉ học vì thi rớt, thằng Hùng chẳng biết làm gì hơn là vui chơi với bạn bè “Hip hop”, cứ có dịp là nó “lắc”, trong bộ quần áo dây chạc tùm lum, thằng Hùng quay tít cái đầu nhuộm vàng làm một con người vốn có thời làm cán bộ như Ba Sơn thấy điên tiết lên, anh ta nói đúng là “Cha làm thầy, con đốt sách”, cái lối lạng lách chiếc xe “tay ga” mới cáu đối với Ba Sơn chính là “phá hoại” uy tín của cha nó, một con người đang được cả cái xã này nể trọng.

Sáng sáng ngồi quán cà phê, hễ có dịp là Ba Sơn lại nghiêm mặt lại khi nói đến hai từ đạo đức.

Lắc đầu, Ba Sơn nói bằng cái “tông” vô cùng trịnh trọng:

- Đạo đức đang bị suy thoái một cách đáng báo động, đúng vậy, rất đáng báo động.

*

Bước vào nhà, Ba Sơn nhìn thấy thằng Hùng đang loay hoay chọn nhạc trước cái laptop, mọi hôm nó còn có chút vẻ ngại ngùng, hôm nay thằng bé có điều gì đó là lạ, nó tủm tỉm cười:

- Má bả đi chùa rồi!

Ba Sơn lắc đầu khi nhớ lại cái tính sùng đạo thái quá của bà vợ vốn dữ như “chằn”, cùng với mấy bà bạn rỗi rãi, cả năm nay nào là hành hương, nào là cúng Bà… Ông sư trẻ tuổi vẫn thường đến nhà, mấy tháng trước còn chạy chiếc Honda “đam”, nay đã chễm chệ trên chiếc “tay ga” đời mới nhất, mấy bà “đệ tử” xem ra rất sùng bái nhà sư có bộ dạng của một lực sĩ đô vật như Nguyễn Du mô tả “Hàm én mày ngài” này.

Đang bước lên lầu, Ba Sơn chợt bủn rủn cả người khi nghe tiếng thằng Hùng:

- Căn nhà ở phường 9, ba mua hay mướn vậy ba?

Trời đất! Cái tổ “uyên ương” của mình đã bị phát hiện rồi sao? Ba Sơn tái mặt.

Cố trấn tĩnh, Ba Sơn lấy ngay bộ mặt nghiêm trọng lạnh như đồng:

- Sao mày biết?

Tuôn ra câu nói, ba Sơn lại chợt thấy mình “hố” nặng, đúng là một câu nói vô cùng tệ hại, “Lạy ông tôi ở bụi này”.

Thằng Hùng cười, hình như có chút chế giễu:

- Tình cờ thôi ba, con nhỏ bồ con ở cùng hẻm đó. Hôm ba chở con Lan “Ka ra ô kê” vô hẻm, con gặp và biết được, thế thôi, à, cái đêm mà ba nói với mẹ là đi “hợp đồng nhập hàng ở Sài Gòn đó”.

Cái máy lạnh chạy rè rè mà Ba Sơn bỗng đổ mồ hôi hột khi liên tưởng đến bộ mặt “chằn” của vợ, rồi rùng mình khi nhớ lại mấy trận đánh ghen nổi đình nổi đám của vợ với sự trợ lực của gần 20 trợ thủ “đổ quân” từ chiếc Mercedes 13 chỗ…

Ba Sơn hơi run, bước lên không được mà bước xuống không xong:

-  Rồi mày tính sao?

Trời đất, lại thêm một câu nói vô cùng dại dột, Ba Sơn thở dài.

Thằng Hùng lại tủm tỉm cười:

- Chuyện nhỏ mà ba… À, sẵn đây con xin ba “tài trợ” 10 triệu đổi cái xe mới, xe con rớt đời rồi. “Ô kê” không ba?

Ba Sơn giận run lên, rõ ràng thằng “quý tử” đang làm áp lực ông bố “trót” hào hoa phong lưu.

Hình như trong cái đầu vốn tính toán của anh ta đang lên phương án bảo vệ cho cái túi tiền của mình và cho cả cái uy tín của một con người bề thế như mình. Căn phố mua cho con vợ bé giấu vào đâu được, rồi lại lùm xùm rùm beng vô cùng bất lợi cho cái tiếng đạo mạo của mình mà… hễ nhượng bộ thằng con thì… biết đâu nó chẳng “được đằng chân, lên đằng đầu”?

Ba Sơn áp dụng chiến thuật “hoãn binh”:

- Ờ, để từ từ rồi tính.

Thằng Hùng lắc cái đầu nhuộm vàng:

- Bữa nay má đi chùa vắng nhà, cha con mình tính cái cho rồi ba. Hay là ba muốn con xin má?

Hình như cái tam cấp thang lầu chuyển động dữ dội dưới chân Ba Sơn, anh trả lời nhẹ hều:

- Thôi được, để tao lên lấy, mà mày nhớ…

Đôi mắt thằng Hùng sáng lên như hai vì sao :

- Cám ơn ba, mình là “đồng minh” mà!

Câu nói “thân tình ấy” được kết thúc bằng một giọng cười bình thường như mọi ngày mà sao hôm nay Ba Sơn nghe như có vẻ chế giễu đểu cáng trong đó.

Mở tủ lấy tiền ra đếm mà anh thấy lòng mình cay đắng lạ thường, lúc còn nhỏ, phụ má đi bán chuối chiên, làm sao dám mơ tới con số tiền triệu? Anh lại thở dài.

Bây giờ thì con số mười triệu này đâu có gì lớn so với cái nhà mới mua mấy trăm triệu cho con “bồ nhí” mình đâu có tiếc gì với thằng con trai duy nhất, nhưng mà… sao vẫn thấy buồn lòng quá đỗi.

Ba Sơn ôm đầu, từ trong tận cùng tâm trí vừa hé mở cho anh thấy cái thất bại lớn nhất trong cuộc đời mình, anh đã sống bằng cái sống giả tạo, con người thật của một thanh niên con nhà nghèo, học hành kém cỏi, lại hèn nhát như mình, bao nhiêu năm qua đã núp dưới cái vỏ bọc của một nhà đạo đức lúc nào cũng làm ra vẻ trịnh trọng, thích ứng với từng môi trường, đổi màu như một con tắc kè hoa, với người trên thì a dua lấy lòng, mà với kẻ dưới thì quát tháo dọa nạt… Ôi, sao giống con tắc kè đến vậy.

Cuộc chiến giữa Ba Sơn với thằng con chỉ mới là bắt đầu… và cuộc chiến lớn hơn giữa cái thực và cái ảo của cuộc đời anh ta còn là một trận chiến trường kỳ, dai dẳng đầy kịch tích.

Trên trần nhà, con tắc kè bỗng lên tiếng, Ba Sơn nhìn lên với đôi mắt vô hồn, con tắc kè đang đổi màu theo cái đèn chớp chớp trên bàn thờ bà má quá cố suốt một đời nghèo khổ!

Trại sáng tác Vũng Tàu 2011

Tác giả bài viết: Thảo Bích