Cái mất đi tìm lại

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải

Tôi 12 tuổi, mồ côi mẹ. Đêm đêm nằm nghe ông sư tụng kinh, giật mình thức giấc, mắt nhòe lệ, gối thấm ướt, mới hay mình đã khóc mẹ cả trong giấc chiêm bao.
Mùa me chín không ai hái, tôi lại hồi tưởng đến cảnh các con quây quần bên mẹ chích hạt me để dành ăn dần cả năm. Nghe tiếng chày nhà ai quết bánh, lại nhớ mẹ bồng bột bẻ phơi ra nong lúc nào cũng sẵn làm bánh cho con trẻ. Giờ đây mái ấm đâu còn như xưa. Trưa trưa thèm bánh không có gì ăn đành lục lọi nồi cơm, nhai dề cơm cháy mà nước mắt ngắn dài.

Chị tôi phải lên Sài Gòn để học trường Nữ học đường, tôi học trường tỉnh, cha tôi phải đi dạy học, sáng đi chiều chạng vạng tối mới về. Chỉ thương em Tư tôi mới chín tuổi phải đơn côi ở nhà với bác hàng xóm đến giúp.

Thật bất hạnh cho những ai gia đình thiếu vắng người đàn bà, người mẹ. Nhà cửa lạnh lẽo, lũ trẻ bơ vơ, gà trống nuôi con ôi sao mà buồn vậy!

Tôi thương em tôi. Hai chị em mới bàn với nhau phải “cưới vợ cho ba”. Ý muốn chúng tôi lúc ấy là tự nguyện. Cho nên khi cha tôi chọn được người vừa ý, chính tôi là người đưa thư. Đối tượng của cha tôi ở bên kia bờ sông Bảo Định chênh chếch nhà tôi dăm trăm thước. Mỗi lần có thư, tôi mặc quần đùi cầm thư đưa lên quá đầu cho khỏi ướt, bơi bằng một tay, lội đứng. Khi được ủy thác thủ vai người đưa tin, dù còn nhỏ tuổi tôi cũng cảm nhận được cha tôi muốn truyền đạt cho chị em tôi nghĩ: các con cũng đồng ý với cha, và hơn nữa muốn cho người mình mơ ước cảm nhận rằng các con cũng đã đồng tình, nàng không nên mặc cảm.

Đến ngày làm lễ cưới, chị em tôi mặc quần áo mới theo cha đi rước dâu. Tôi còn nhớ cha tôi áo rộng khăn xếp bưng khay trầu rượu. Khi con đò ngang đưa hai họ sang sông, chàng rể khấp khởi trong lòng, vô ý vấp mũi giầy vào mô đất trên bến suýt té, thằng con trai đã bật cười…

Tiếc rằng tiếng cười ấy chẳng được bao lâu!

Má hai tôi là con nhà gia giáo, cha là thông phán từng được bổ đi nhậm chức bên Lào, nay đã về hưu trở về làng cũ. Má hai tôi rất trẻ, người người công nhận là ngôi sao trong làng, có học và hiểu biết. Bà về, tái hiện được cảnh vật có bàn tay nội trợ, em út tôi có người tắm rửa, chải đầu và đưa đón đến trường. Tuổi thơ ngây và những tháng ngày thiếu mẹ mau chóng hình thành tình mẫu tử một cách tự nhiên trong sự thơ ngây dễ thương của em.

Còn tôi và chị tôi, rằng khôn chưa hẳn đã khôn, dại cũng chẳng chịu mình là dại, lứa tuổi mười ba mười sáu. Ý thức đã hình thành nhưng chưa hẳn đã hoàn chỉnh, làm sao thoát ra khỏi ý thức hệ của xã hội đương thời:

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.


Lặt vặt những chuyện đời thường thôi. Chỗ này trước kia mẹ mình ngồi, giường kia mẹ mình nằm, gối kia mẹ mình gối… nhà cửa mới dựng xây mẹ ở có bao năm, giờ đây người ta làm chủ…! Có một hôm tôi đi học về không hay rằng cha đã về sớm. Tôi lần đến ngách cửa bếp. Tình cờ trông thấy cha tôi đứng sau lưng trong khi “bà ấy” vừa cầm đũa nấu cơm vừa ngửa đầu ra cho chồng hôn. Tôi bỏ chạy rúc vô kẹt cửa mà khóc, tại sao cảnh ấy không phải là mẹ của mình.

Xã hội xưa nay sản sinh ra muôn nghìn sản phẩm, trong đó có một sản phẩm vô hình, nhưng có sức tàn phá và rất khó xóa bỏ. Ấy là tính ích kỷ hẹp hòi.

Thường xuyên bùng lên những chuyện cãi vã. Ai ít nhiều cũng gọi là có chút trí thức, không có những to tiếng tục tằn như hàng tôm hàng cá. Nhưng châm biếm sâu cay, đau còn hơn vết đâm nhát chém.

Một hôm cả nhà ăn cơm, cũng cái kiểu đấu khẩu chua cay ấy. Cha tôi lâu nay buồn, nhưng một đằng là con một bên là vợ, đành nín nhịn cho êm ấm cửa nhà. Nay đột nhiên ông ném đũa, sẵn con dao ăn trên bàn, ông cắm phập xuống mặt bàn, cán dao lắc lư run rẩy, ông thét:

- Vợ với con! Có muốn cãi nhau, dao đây đâm chết tôi trước đi, rồi sẽ cãi…

Tôi nuốt cơm như mắc nghẹn. Tôi cảm thông nỗi đau đớn của cha tôi vì tôi rất thương ông. Mặt khác tôi nghĩ rằng, trừ phi một bên mất một bên còn. Chuyện nhà mình nan giải.

Tôi bỏ nhà ra đi, không về nữa. Không phải ra đi theo kiểu bụi đời, mà đi lên tỉnh học rồi ở luôn nhà trọ trên ấy. Hàng tháng cha tôi đến đóng tiền cơm cho chủ. Tôi nhớ một kỷ niệm: bác Sáu là anh của ba tôi làm nghề lái xe đưa hành khách, một hôm ông nói với tôi: “Con, con! Bác Sáu bận lắm không ghé được! Bác Sáu dặn con khi nào thấy xe bác chạy qua, nếu thấy bác quơ tay ra dấu hiệu là con tìm dưới lề đường nghe! Bác Sáu quăng tiền xuống cho con ăn bánh”. Thường mỗi lần như thế tôi nhặt dưới đường được đồng hai cắc bạc.

Các chủ nhật buồn không biết đi chơi đâu tôi về Rạch Miễu. Ông bà ngoại ngồi trên ván gỗ, tôi đứng bên ghế trầu. Ông bà vò đầu tôi mà khóc thương cho cháu, tủi cho con gái mình mai một.

Chiến tranh đến đã không tha cho cảnh ngộ nào. Làng Lương Hòa Lạc chôn nhau cắt rốn của tôi bị chiếm đóng. Cha tôi theo lực lượng kháng chiến của tỉnh Thủ Khoa Huân rút về Rạch Miễu Phú An Hòa.

Kiểm tra dân hồi cư, cha tôi không có mặt. Tề xã theo lệnh Tây dẫn Partisan đến đốt trụi nhà tôi. (Tôi mở ngoặc kể ngoài lề vài dòng: sau ngày giải phóng năm 1975 về tôi có gặp lại người đã đốt nhà tôi, rủi anh ta được lưu dụng, làm chung cơ quan, anh ta tỏ vẻ băn khoăn. Tôi biết, không hiểu sao tôi chẳng mảy may có ý nghĩ đối phó với anh ta, càng không có ý nghĩ mày đốt nhà tao, tao đốt lại nhà mày. Cái khổ là anh ta lẩn tôi như chạch, cho đến một hôm tình cờ đối mặt nhau tại cổng thường trực cơ quan, tôi tự nhiên đưa tay để bắt tay anh ta. Chuyện cũ coi như đã chôn sâu vào dĩ vãng. Chữ “nhân” rộng lắm, kiểm lại bản thân chữ nhân có được trong tôi nhờ có một chút phương đông, một chút phương tây (humanisme) và một phần được cách mạng dạy dỗ nữa).

Gia đình thế là như chim lẻ bầy. Chị tôi lấy chồng vội vã để thoát. Tôi và em tôi làm nhà máy xay, em tôi đứng máy dù mới 13 tuổi, tôi coi gằn để sinh sống. Má hai tôi và ba đứa em (dòng sau) về bên quê ngoại.

Tây ruồng qua Rạch Miễu, cha tôi bị bắt dẫn về tỉnh lỵ, không bị tù nhưng bị quản thúc và phải trở lại làm việc. Hồi ấy ở các cửa ô vào tỉnh lỵ có dựng ba tấm biển đề chữ “Limite de Confinement” (Ranh giới quản thúc).

Một hôm tôi đang ngủ trên bộ ván trong nhà ông nội tôi thì có người chui vào nằm bên - Cha tôi xin được phép về thăm quê (cách tỉnh lỵ 9km). Lần đầu tiên từ khi tôi lớn, ông vào mùng ngủ với tôi. Ông ôm tôi, chân gác lên bụng. Tôi nghe ông thở dài và nói như lời trăn trối (chiến tranh mà):

- Sau này con nhớ, lớn lên đừng có làm quan…

Lớn lên tôi càng hiểu mấy chục năm làm việc cho Tây ông đã ê chề với cái nghề viên chức.

Cha mẹ nào không mừng hay có thể nói khác là hú vía khi con mình vượt qua cái tuổi mười sáu, mười bảy.

Tôi đi kháng chiến vào năm 17 tuổi, hành trang là một thằng choai choai mới lớn có chút văn hóa trường lớp nhưng thiếu sự dạy dỗ của mẹ.

Nếu ta xoay cái gương về phía người khác ta không còn nhìn thấy được mặt ta, thậm chí nếu ta soi bằng khía cạnh thì phản xạ của cái gương làm nhức đầu người khác.

Tôi chưa ơn cách mạng bằng vật chất và xét về vật chất đơn thuần tôi chưa sướng hơn thời trước khi dứt áo ra đi. Nhưng tôi ơn cách mạng vì cách mạng đã dạy tôi xoay cái gương về phía mình và tự gẫm. Vì mắt ta vĩnh viễn không thể tự thấy mặt mình. Cho đến ngày nay trước mặt bà, má hai của tôi, tôi là đứa con với vẹn nghĩa chữ con, bà vừa là mẹ vừa là trưởng tộc.

Nhà cháy rồi, cha lại bị quản thúc, hai ông bà và ba em nhỏ (dòng sau) về ở nhờ một ngôi nhà nghỉ mát, sau ngôi biệt thự của người bà con bên bờ sông Cửu Long.

Năm 1946, tôi hoạt động bí mật bị bắt giam trong nhà tù tỉnh lỵ. Cha tôi chạy lo tiền và ra tòa bảo lãnh tôi về với cái án ba tháng tù treo.

Chưa được một tuần tôi lại trốn đi kháng chiến. Tôi rời thành phố, cứ nhắm hướng mà đi, vào một cơ quan khu 8 rồi sau được điều động ra bộ đội 307.

Cuộc đời mới với chiếc ba lô trên vai, nhẹ tênh theo bước quân hành. Còn người ở lại, má hai tôi về sau kể: Một đêm trăng, thủy triều dâng bên bờ sông Cửu Long, các con đã yên giấc:

- Em biết mình đang bị giày vò, nhưng mình để riêng trong lòng.

Cha tôi thở dài:

- Bạn bè đã đi hết. Thằng Trắc không biết bây giờ đang ở đâu?

- Anh lo cho mẹ con em phải không?

- Vợ yếu con thơ! Nhà cửa cháy hết, tiền của không còn…!

Dưới ánh trăng, mênh mông trời nước, gió lồng lộng đưa sóng vào bờ, cảnh tượng như con thuyền tổ quốc chao nghiêng! Sau đêm ấy, trưa ngày hôm sau tôi bất ngờ xuất hiện trở về. Chiến khu thành lập cơ quan tuyên truyền lưu động nhưng thiếu nhạc cụ. Tôi nghĩ đến cây đàn violon của cha tôi. Từ Gò Lũy tôi băng đồng về Trung Lương nhờ xe thổ mộ ngựa kéo về trước ngôi biệt thự. Tôi lách cổng vào đi bọc ra sau. Mỗi mình má hai tôi ở nhà.

- Con bí mật về, mợ nói con xin ba cây đàn để hiến vào khu.

Bà lặng người trong khi tôi bắc ghế với lên lấy cây đàn trên đầu tủ. Tôi biến đi trước khi thoáng thấy nước mắt rơi trên má bà. Khi tôi lên xe thổ mộ vùi hộp đàn giấu dưới chiếu, qua thành xe có ai đặt lên vai tôi chiếc áo. Xe vội lăn bánh vì sợ bị theo dõi. Tôi nhìn lại, má hai tôi đứng đó, lặng im không dám vẫy theo.

Chiếc áo ấy là chiếc áo của cha tôi, áo hướng đạo màu cỏ úa bằng kaki Ang-lê, tôi mặc suốt thời bộ đội chống Pháp.

Đến chiều tối cha tôi đi làm về, ngôi nhà trống không, đồ đạc đã dọn đi hết chỉ một mình vợ chờ chồng:

- Các con đã về bên vườn, ở với ngoại, đồ đạc cũng đưa đi rồi!

Hai vợ chồng ôm nhau khóc. Cha tôi kể lại: Lúc ấy ba biết mợ con dứt khoát, nói với ba không phải bằng lời, là phải hành động theo mệnh lệnh của trái tim.

Ngay đêm ấy cha tôi bí mật vọt lên chợ Bưng theo kênh Tân Lập, chùa Phật Đá tham gia kháng chiến. Và ông không thể ngờ, không hơn mười ngày sau đó, có một chiếc thuyền ba lá trên chở vài gói quần áo, một chiếc máy khâu, một người đàn bà và lóc nhóc ba đứa trẻ cặp bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp trước Ban Kinh tài Tỉnh ủy Mỹ Tho nơi ông công tác - Má hai tôi tự động đem con vào chiến khu.

Có những lúc người đàn bà phải biết đặt chồng vào chuyện đã rồi.

Tất nhiên cha tôi đâu có giận. Ông có trong ba lô một ống tiêu (thay cho cây violon tôi đã đem đi). Chiều trên kênh Nguyễn Văn Tiếp, má hai tôi ngồi may trong căn chòi sơ tán, nghe tiếng tiêu từ con kênh xanh vọng về, bà mỉm cười biết rằng: chàng muốn báo trước là anh đã về (nhà sơ tán ở xa cơ quan).

Tôi ở chiến khu, nghe tin cha ra kháng chiến, rồi người bạn cùng cơ quan đi công tác về bảo: “Tao gặp thím Bảy (tức má hai tôi) bả vừa vá cho tao cái áo đây…”.

Những gì bà đã làm thay đổi dần nhận thức của tôi, tôi không thể thiếu hiểu biết đến mức không biết rằng chính nhờ bà mà cha tôi đi kháng chiến. Bà không chịu để cho cha tôi, một người xưa nay được xóm làng thương yêu, gần xa nể trọng phải nhỏ bé đi vì gánh nặng gia đình.

Và mâu thuẫn gia đình mà tôi cho là nan giải khi bỏ nhà ra đi hình như bắt đầu teo tóp lại.

Giặc Pháp càn quét quy mô lớn vào Đồng Tháp Mười. Tôi nghe tin ngôi nhà sơ tán của bà ở Mỹ Phước Tây bị đốt cháy. Tôi nghe và biết vậy, kháng chiến mà! Nhà lại dời sâu hơn nữa vào Đồng Tháp Mười ở xã Thạnh Phú nơi mà ngày đêm máy bay bất kỳ đi oanh tạc ở đâu trở về để sà xuống lượn lên xả cho kỳ hết bom đạn.

Lần thứ hai, không hơn sáu tháng sau, giặc lại càn lại đốt. Nghe lần thứ hai bị đốt nhà tôi cảm thấy hơi lo lo và cũng nghe tin nhà dời vào kênh Bùi.

Lần thứ ba giặc nhảy dù xuống Năm Ngàn, cái nhà thứ ba lại bị đốt.

Lần này tôi xin phép về thăm nhà, lòng đầy lo âu. Từ Cao Lãnh xa gần 100 cây số, tôi băng đồng lội về giúp cha tôi làm lại nhà. Khi vạch cỏ đi dọc theo kênh Bùi, về mùa khô, nước dưới chân còn quá gối. Tôi nghe tiếng trẻ thơ gọi từ giữa dòng kênh:

“Anh Ba”. Tôi không nhận ra vì rong rêu bám quanh mặt em. Nhìn kỹ tôi mới hỏi:

- Em Nguyện phải không? Em làm gì ở đó?

- Em bắt chá (cá).

Em mới bốn tuổi đã biết dẫm dấu mò cá sặt.

- Có cá không.

Em nghiêng cho tôi xem, hai phần ba trong tĩn đầy cá.

Tôi bế em về, cảm nhận thật sự tình huyết thống ruột thịt.

“Ruột thịt”, hai chữ thiêng liêng có lẽ không có đâu nếu vẫn là quan niệm của thời xưa cũ “mẹ ghẻ con chồng - gia tài - thừa kế…”, lý tưởng đoàn kết không có được nếu ai cũng rúc vào cái vỏ cá nhân của mình cho dù xã hội ngày nay vẫn còn trọng cái tự do cá nhân.

Má hai tôi và chị em tôi, số phận đã vất ra hai phía đối lập hầu như không thể hàn gắn được. May sao lý tưởng cứu nước đã thống nhất gia đình tôi lại đúng với nghĩa hạnh phúc gia đình.

Giờ đây tôi gọi bà là má, đúng với nghĩa ma mère là mẹ tôi. Sau khi cha tôi qua đời, bà là trưởng tộc của cả gia đình.

Tác giả bài viết: Trần Kim Trắc