Bỏ đồn

Minh họa: Thanh Sơn

Minh họa: Thanh Sơn

Sông Cái Du vừa sâu, vừa rộng, dòng sông chảy liền qua tám xã. Vì là sông tự nhiên nên dòng chảy của nó ngoằn ngoèo uốn khúc tạo thành nhiều doi, vịnh.

Để kiểm soát sự đi lại trên dòng sông và chia cắt các địa bàn, chi khu quân sự quận(1) Cái Du cho đặt mười đồn lính tại các doi, vịnh, các ngã ba sông có vị trí xung yếu. Mỗi đồn có một trung đội lính nghĩa quân(2) đóng giữ. Đồn lính có diện tích khoảng vài ngàn mét vuông, có nhiều vòng rào kẽm gai, có bờ thành, ụ súng, công sự, chòi canh, hầm ngầm để phòng thủ. Thỉnh thoảng bọn lính trong đồn tổ chức các cuộc hành quân nhỏ tảo thanh một khu vực vài ba cây số chung quanh đồn. Một đôi khi lính đồn còn tổ chức những đợt phục kích, đột kích ban đêm ra bên ngoài đồn rất nguy hiểm cho cán bộ, du kích về thăm nhà hay đi công tác lẻ.

Đồn rạch Bà Dung là một đồn lính nguy hiểm như vậy. Khu đất đóng đồn nằm trên đỉnh của một tam giác mà hai cạnh bên là sông và rạch - Sông Cái Du và rạch Bà Dung. Với vị trí hiểm yếu, đồn này mặc dù nằm trong vùng “mất an ninh nặng” nhưng khá vững vàng trong phòng thủ. Qua hơn mười năm đóng đồn ở đây, đồn chỉ bị đánh phá, bắn tỉa chứ chưa bị đánh chiếm lần nào.

Sáng nay, chi khu gọi Hai Tỉa về trình diện và nhận nhiệm vụ mới- được thăng chức từ phó trưởng đồn lên trưởng đồn và được điều động về làm trưởng đồn rạch Bà Dung thay cho trưởng đồn cũ bị du kích mai phục bắn chết. Chi khu lệnh cho trung sĩ Võ Văn Tỉa trong vòng 24 giờ phải bàn giao công việc ở đồn Chợ Cũ về nhận nhiệm vụ tại đồn rạch Bà Dung.

Một cuộc hành quân cấp đại đội địa phương quân(3) được tổ chức để đưa trưởng đồn mới về nhận nhiệm vụ kết hợp với phát lương cho lính và tảo thanh khu vực chung quanh trấn an bọn lính trong đồn.

Sau khi ổn định nơi chỗ ăn, ở, làm việc, Hai Tỉa tập hợp binh sĩ trong đồn lại để tìm hiểu tình hình và cắt đặt công việc cho bọn lính. Hai Tỉa vừa điểm danh để biết mặt, vừa hỏi thăm tình hình của từng tên lính. Cuối buổi, Hai Tỉa nêu thắc mắc:

- Theo danh sách, binh sĩ trong đồn là ba mươi mốt kể cả trưởng đồn, mới chết ba, còn hai mươi tám sao điểm danh chỉ có hai mươi ba còn thiếu năm. Vậy năm người vắng này ở đâu, có đào ngũ, nghỉ phép, nghỉ bệnh gì không sao không thấy giấy tờ gì hết?

- Thưa trung sĩ, chỉ có một đào ngũ, còn lại là bốn lính kiễng(4) của đồn này, chi khu cho nó nghỉ phép, đi công vụ liên tục, lâu lắm mới thấy mặt nó một lần. Có đứa từ khi có danh sách đến nay chưa thấy mặt lần nào.

Hai Tỉa chặc lưỡi:

- Biết rồi, nhưng sao đồn này đông lính kiễng quá vậy, một trung đội có một hai lính kiễng là khó rồi, đồn này có tới bốn lận.

- Đồn Chợ Cũ của trung sĩ ở sát chợ, an ninh quân đội dễ đi kiểm tra nên có ít lính kiễng cho dễ đối phó. Đồn này ít có an ninh quân đội nào dám vào đây kiểm tra nên lính kiễng nhiều hơn.

Một tên lính nói vui:

- Ban quân số chi khu coi vậy chớ ngán an ninh quân đội lắm đó.

Tên lính khác cãi lại:

- Ngán cái gì mà ngán! An ninh quân đội và chi khu cùng một phe chia chác với nhau cái khoản lính kiễng này mà. Có kiểm tra phát giác được vụ nào đâu.

Một lính khác nói chen vào:

- Làm sao phát giác được, giờ nào, ngày nào an ninh quân đội đến thì các đồn có lính kiễng đều biết trước và gọi tụi lính kiễng đến có mặt đầy đủ theo quân số hết. Khi an ninh quân đội về thì lính kiễng cũng biến mất theo khỏi đồn.

Hai Tỉa chuyển qua hỏi về tên lính đào ngũ:

- Tên Tẹo đào ngũ bao lâu rồi mà còn quân số ở đây? Thư ký trung đội cho làm đề nghị xóa tên lính đào ngũ, sẵn làm thủ tục cho trưởng đồn và hai tử sĩ vừa rồi luôn đi.

Thư ký nhìn mấy tờ danh sách lèo tèo rồi trả lời:

- Binh sĩ đào ngũ đã trốn đi hai tháng nay rồi trung sĩ ơi! Đồn đã có báo cáo rồi nhưng quân số và bảng lương còn, chi khu chưa cho xóa. Sổ lương của nó tháng nào cũng có người ký lãnh giùm. Còn bảng lương của tử sĩ cũng vậy chắc là một vài tháng tới mới xóa được.

- Đồn này rắc rối thật đó trung sĩ, lính kiễng thì nhiều, lính đào ngũ, lính tử sĩ danh sách còn nguyên không chịu xóa.

Thấy có vẻ ồn ào và phức tạp, Hai Tỉa vội kéo bọn lính trở lại vấn đề và nghiêm nét mặt lấy uy:

- Thôi! Các ông đừng bàn tán lung tung nữa. Bây giờ cả đồn có hai mươi lăm người, tôi chỉ huy, còn lại hai mươi bốn người tôi chia thành bốn tổ, cắt đặt công việc như sau: Mỗi đêm trực vọng canh, trực tuần tra, trực điện đài là bảy người chia thành ba ca trực luân phiên nhau là ba tổ hai mươi mốt người. Tổ ẩm thực nấu ăn là ba người. Vậy là đêm nào cũng trực không có nghỉ. Quân số thiếu, canh gác cực nhọc, anh em binh sĩ phải cố gắng hoàn thành. Khi nào đi tảo thanh, phục kích sẽ có cắt đặt khác. Khi nào có lính mới bổ sung về đồn sẽ sắp xếp các tổ lại sau. Hết - Ai có ý kiến gì nữa không - Không có - Giải tán.

Từ khi Hai Tỉa về đồn rạch Bà Dung đến nay, tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Nhiều đồn trong các xã vùng sâu, hẻo lánh phải rút bỏ, một số đồn bót nhỏ bị tấn công đánh chiếm. Sự chi viện của máy bay, phi pháo đang rất khó khăn vì Mỹ đã rút quân theo tinh thần Hiệp định Paris. Các đại đội địa phương quân cơ động hành quân giải vây, ứng cứu liên tục vừa bị tổn thất, vừa quá sức nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu.

Tình hình này làm Hai Tỉa rất lo lắng nhưng không nói ra. Điều lo lắng của Hai Tỉa quả thật không phải là viển vông. Chỉ hai ngày sau khi về đây nhậm chức trưởng đồn, Hai Tỉa đã đối mặt với một đợt bao vây bắn tỉa của du kích. Mọi sự xuất hiện hay đi lại nào của lính trong đồn đều bị bắn tỉa. Ban đầu, Hai Tỉa nghĩ rằng du kích bắn dằn mặt, cảnh cáo trưởng đồn mới một vài đợt rồi thôi. Không ngờ họ tiếp tục bao vây cả ngày lẫn đêm và kéo dài ngày này qua ngày khác. Ban đêm khi đốt đèn dầu để nơi trống trải thì bị du kích bắn bể đèn như chơi. Sinh hoạt trong đồn nhiều khó khăn, bực bội. Di chuyển của binh sĩ trong đồn vì vậy phải đi dưới chiến hào ẩm ướt đầy bùn nhão hoặc dựa vào các góc khuất có thể che chắn. Hai Tỉa nhiều lần điện về chi khu báo cáo tình hình và xin giải tỏa. Lần nào chi khu cũng trả lời ỡm ờ, trấn an đại loại như: Đồn phải đánh trả có hiệu quả, đưa lính ra ngoài đồn phản kích lại, chi khu có kế hoạch sẽ giải tỏa sau. Hai Tỉa cảm thấy ngán ngẩm, đánh trả bằng các loại vũ khí có trong đồn thì không ăn thua gì, phi pháo thì hạn chế, máy bay thì không, phản kích thì… không thể lội qua rạch để phản kích trừ khi muốn nướng quân. Vậy chỉ có cầu cứu quân tiếp viện là có thể… nếu không có thì bó tay. Bí quá, Hai Tỉa tự trấn an mình rằng đây là một vụ bao vây bắn tỉa để thực hiện chiến thuật “công đồn đã viện”. Nhưng nếu không có quân tiếp viện đến thì không thể “đã viện” được, như vậy “công đồn” vài ngày rồi sẽ thôi. Nhưng không phải vậy, cuộc bao vây đã kéo dài hơn một tuần và mức độ ngày càng ác liệt. Thỉnh thoảng du kích còn nện vào đồn một quả đạn M.79 hoặc B.40 làm cho nhiều binh sĩ thêm hoang mang, dao động. Đây rõ ràng là “bao vây bức rút”, “bao vây gọi hàng” và cuối cùng là dùng hỏa lực mạnh đánh tiêu diệt, chiếm đồn. Hai Tỉa bi quan lo lắng.

Quá bức bách, Hai Tỉa lại điện đàm về chi khu với lời lẽ quyết liệt hơn và cố nài nỉ xin bắn phi pháo 105 ly để giải tỏa áp lực. Chi khu cho biết đạn pháo chỉ bắn trong trường hợp khẩn cấp hoặc đặc biệt và phải được lệnh từ thiếu tá quận trưởng. Cuối cùng Hai Tỉa òn ỷ, bí mật xin bắn mười quả đạn pháo 105 ly với giá một tháng lương một quả. Ngay lập tức chi khu cho bắn tám quả đạn pháo. Ngày hôm sau tám quả được bắn tiếp với giá như cũ. Như vậy đồn lính bị mất mười sáu tháng lương tất cả binh sĩ trong đồn hùn lại để trả. Tình hình vẫn không chuyển biến gì đáng kể. Nhiều binh sĩ đề nghị bỏ đồn. Hai Tỉa lầm lì không nói gì. Chiều nay binh sĩ trong đồn lại được nghe loa của binh vận quân giải phóng kêu gọi binh sĩ trong đồn buông súng:

- Alo... Alo! Anh em binh sĩ trong đồn! Chúng tôi Ban binh vận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi: Đế quốc Mỹ đã thua trận và rút quân, anh em trong đồn đang bị bao vây, không có máy bay, không có tiếp viện, không đủ lương thực vậy anh em hãy buông súng quay về với nhân dân, cách mạng sẽ khoan hồng, anh em sẽ được đoàn tụ với vợ con, sum họp với gia đình. Vậy còn chờ gì nữa, anh em hãy mạnh dạn đứng lên quay về với nhân dân, với gia đình, vợ con của mình. Alo... Alo. Lời kêu gọi được lặp đi, lặp lại nhiều lần với các giọng nam, nữ và với nhiều cách khác nhau chỉa vào đồn. Sau lời kêu gọi cả đồn lại được nghe mấy bài vọng cổ buồn da diết qua loa phóng thanh của Ban binh vận.

Đến ngày thứ mười bị vây khốn, chịu không nổi, Hai Tỉa tập hợp binh sĩ lại dưới chiến hào tuyên bố:

- Anh em binh sĩ! Tình hình bức bách, tham nhũng hối lộ trong quân đội như thế này thì không còn bao lâu nữa đâu. Bây giờ thì gạo, muối cũng sắp hết, đói đến nơi, không còn đánh đấm được gì. Đêm nay ta bỏ đồn. Kế hoạch như vầy… như vầy… Rõ chưa?

Đêm hôm đó chờ cho trăng lặn, trung đội của Hai Tỉa bỏ lại tất cả quân trang, quân dụng giả dạng dân thường lội qua sông Cái Du, bỏ đồn. Trước lúc xuống sông có người đề nghị mang theo súng để phòng thân. Hai Tỉa yêu cầu không phải đem theo súng ống gì hết, để lại đó sẽ có người sử dụng nó.

Về đến hậu cứ, trung đội còn không tới phân nửa quân số, tất cả bị quản thúc và điều tra. Hai Tỉa bị cách chức, tống giam vào quân lao. Các binh sĩ bị quản thúc, hành hạ một thời gian rồi phân bổ về các trung đội khác nhau và đày đi xa.

Gần một năm sau, miền Nam được hoàn toàn giải phóng Hai Tỉa được giải thoát khỏi quân lao, tham gia học tập cải tạo tốt với chính quyền cách mạng và trở về đoàn tụ với gia đình.

(1) Chi khu: Một đơn vị hành chính - quân sự cấp quận (huyện)

(2) Nghĩa quân: Một sắc lính ở địa phương do Chi khu tổ chức, quản lý, điều động

(3) Địa phương quân: Một sắc lính địa phương lưu động do chi khu tổ chức, sử dụng

(4) Lính kiễng là lính có tên trong danh sách nhưng làm nhiệm vụ và không lĩnh lương

Tác giả bài viết: Phương Nam

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 78