Biển gọi

VNTG- Trước khi cơn bão đi qua, chiều nào Lan cũng ra biển ngồi trên mõm đá này. Đã trở thành thói quen, những buổi hoàng hôn, những đêm trăng sáng, Lan say sưa ngắm vẻ đẹp của biển.
Má nói:
- Con nhỏ bị biển hớp hồn rồi.

 
Lan yêu biển không chỉ vì biển đẹp, mà biển còn có ân nghĩa cưu mang cô và những người thân của cô.
Nhưng giờ đây chiều nào Lan cũng ra biển không phải để ngắm biển mà để chờ những người thân. Hồi đó Lan yêu biển bao nhiêu thì bây giờ căm thù biển bấy nhiêu. Biển đã nuốt chửng hàng trăm con người. Bà con của Lan, cũng là con của biển, đã từng được biển cưu mang. Họ tuy nghèo nhưng luôn thuỷ chung gắn bó với biển. Họ là con của biển, thật thà chất phác. Vì miếng ăn họ phải lăn lộn với biển, trong đó có ba Lan, anh Lan và Nguyện nữa. Đau tím ruột gan!
Đã gần một năm trôi qua kể từ ngày biển nổi cơn thịnh nộ, Lan vẫn ngóng chờ. Những người may mắn thoát chết đã trở về, những người không trở về mãi mãi nằm lại trong lòng biển. Cô vẫn cứ chờ và hy vọng. Thấy cô cứ dõi mắt đăm đăm ra biển, má lắc đầu nói:
- Còn gì mà chờ đợi nữa hả con?
Lan vẫn dõi mắt ra biển, nói:
- Con không tin ba, anh Hai và Nguyện đã chết!
- Hồi đó má cũng nghĩ như vậy, nhưng đã gần năm rồi còn gì.
- Hồi hôm con nằm chiêm bao thấy họ trở về.
Lan kể cho má nghe về giấc mơ của mình. Con thuyền quen thuộc lướt sóng vào bờ. Ba, anh Hai, Nguyện đứng trên mũi thuyền huơ tay, thuyền cập vào bờ, Lan chạy ào đến ôm chầm lấy ba khóc tức tưởi. Anh Hai mắng yêu: “Con gái lớn rồi khóc như con nít, thằng Nguyện nó cười kìa”. Lan cũng ôm lấy Nguyện làm anh luống cuống, mặt đỏ rần, hai tay lóng nga lóng ngóng. Hai bên cha mẹ đã đồng ý rồi nhưng có khi nào cô dám ôm lấy anh như thế này đâu.
Nghe Lan kể, má oa khóc:
- Ông ơi! Luân ơi! Ông và con chết mẹ con tôi không tìm được xác về chôn cất!
Từ đó Lan không dám kể về những giấc mơ hay nhắc đến ba, anh Hai với má nữa. Nỗi đau căng thẳng, chạm vào một chút cũng làm đau xót nổi lên. Đã gần năm rồi không có giờ phút nào Lan nguôi nhớ.
Lại một đêm trăng, trăng tròn mười sáu dát vàng lấp lánh trên mặt biển. Gió nhè nhẹ. Bãi cát nằm phơi mình óng mượt dưới ánh trăng. Từng đợt sóng nối nhau trườn lên bờ cát. Lan sợ những đêm trăng sáng như thế này lắm. Đêm họ gặp nhau cuối cũng là đêm trăng mười sáu. Hôm ấy, Nguyện về nghỉ trăng. Lan xòe tay ra: “Đố anh tay em có gì?”. Nguyện nhìn ngơ ngác. Con trai gì đã hai hai, hai ba rồi mà cái gì cũng ngơ ngác. Con trai vùng biển giỏi lăn lộn trên sóng nước còn mọi chuyện khác thật thà chất phác lắm. Nguyện ngơ ngác trông càng hiền lành dễ thương. Nguyện lắc đầu: “Anh có thấy gì đâu”. Lan cười: “Ráng tìm đi, có cái gì mới đố chớ”. Anh nắm tay Lan đưa lên gần, vẫn không thấy gì. Lan nhìn vào mắt anh, đôi mắt to đen sáng lấp lánh nằm dưới đôi mày ngang rậm. Da Nguyện ngăm đen. To con, vạm vỡ vậy chớ hiền khô. Má và anh Hai cứ rầy Lan: “Mầy ăn hiếp thằng Nguyện quá đó!”. Mỗi lần bị rầy như vậy Lan tiu nghỉu, còn Nguyện vui lắm, tủm tỉm cười hoài. Lan bảo: “Thua đi!”. Nguyện đáp: “Ừ, thua”. “Nhưng phải thua cái gì mới được”. “Khó vậy! Để nghĩ coi, một ly chè chịu hôn?”. Lan giả vờ ngúng nguẩy: “Không chịu, chè ngán lắm, cái khác đi”. Anh suy nghĩ một lúc: “A, hay ốc biển?”. Lan xòe tay chỉ những hạt vàng của trăng, cười ngất, anh dí tay lên trán cô: “Em ăn gian quá hà!”. Lan và Nguyện cùng cười, tiếng cười hòa vào tiếng sóng biển.
Ít hôm sau, Nguyện ra khơi cùng ba và anh Hai, một chuyến đi vĩnh viễn không về. Từ đó biển vỡ vụn trong lòng cô, những mảnh vỡ cứa vào tim gan đau không chịu nổi. Biển là nước, là sóng, là mênh mông, là hung thần… Cô căm thù biển, lấp biển được cô cũng làm.
- Lan, về nhà đi con, khuya rồi!
Từ khi cơn bão đi qua, mỗi lần Lan ra biển là má hoặc em Ly theo sau.
- Con không sao đâu, má về trước đi.
- Con cứ ngồi như vầy hoài má lo lắm! Lan ơi, má chỉ còn có các con! Con có bề nào…
Má ôm Lan vào lòng và khóc. Cô không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra không sao kềm được. Ngày xưa Nguyện không bao giờ để cô khóc và cũng không bao giờ làm cô buồn. Mỗi lần thấy cô buồn anh nói: “Em buồn, anh đau lòng lắm!”. Vậy mà Nguyện đã…
*        *     *
 
Thằng Luận, em kế của Lan, học lớp mười hai đòi nghỉ học đi biển. Má nhìn nó thảng thốt, ánh mắt thất thần:
- Không! Không được nghen con. Tao còn làm nổi nuôi tụi bây, bỏ ngay cái ý định đó đi. Ba mầy và thằng Luân… Má không muốn mất con nữa.
- Má à, đâu phải hễ đi biển là…
Má cắt ngang:
- Mầy cãi, tao tự vận chết!
Nỗi ám ảnh ấy không chỉ của riêng má, đó là của tất cả những người đàn bà ở Xóm Lưới này. Họ đã mất chồng, mất con. Thằng Luận không nói gì nhưng buồn lắm, suốt ngày lầm lì không nói với ai tiếng nào. Lan lựa lời khuyên:
- Má có lý của má, em nghe lời cho má vui!
- Nhưng nhìn má và chị cực khổ em chịu hổng nổi!
Lan cố nén tiếng thở dài, nỗi buồn dâng lên, hai mắt nhòe đi. Từ khi cơn bão đi qua, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai của má. Thấy má bươn chải một mình cô đau thắt ruột nhưng nghề may của cô vô chừng, lúc làm không xuể, lúc cả tháng không có cái áo để may.
- Em ráng học giỏi má và chị vui rồi. Học để sau này đỡ cực, chớ đi biển…
Thằng Luận cắt ngang:
- Ai cũng sợ như má và chị thì lấy ai đi biển?
Lan nhìn vào mắt nó giật mình. Không giữ nó lại được nữa rồi, mặc cho số phận thôi. Cầu mong nó được bình yên! Chết chóc như vậy mà nó còn không sợ thì mọi lời ngăn cản cũng bằng thừa. Cô lặng lẽ mua cho nó đồ đạc cần thiết khi đi biển, như hồi xưa cô lo cho Nguyện. Luận nói:
- Chị đừng nói với má nghen, tui sợ má lo!
Lan gật đầu quay đi giấu đôi mắt ngấn nước.
*    *   *
 
 “Má tha lỗi cho con! Má hãy an tâm, con sẽ không sao đâu. Chị Lan, em cám ơn chị!…”
Thằng Luận đã đi thật rồi, đi vào lúc nửa đêm không ai hay biết, để lại mảnh giấy ghi vội vài dòng. Má oa khóc, Lan, Ly và bé Linh cũng khóc theo. Cô biết là sẽ có ngày này, vậy mà vẫn không kềm được nước mắt. Má đến bàn thờ ba và anh Hai thắp nhang khấn vái:
- Ông ơi! Luân ơi! Có linh thiêng…
Lan cũng thu xếp xong, chỉ còn thưa với má nữa là đi. Má sửng sốt, bàng hoàng, ánh mắt như dại đi.
- Con cũng bỏ má nữa sao Lan?
Lan không dám nhìn má. Biết làm sao được. Biển mênh mông, nhìn biển lại nhớ, lại chờ, lại tuyệt vọng. Phải đi thôi, ở đây cô sẽ chết dần chết mòn trong chờ đợi và tuyệt vọng. Biển không còn gì để cô vấn vương luyến tiếc nữa. Ngày xưa xa biển một ngày cô đã nhớ thắt ruột. Không bao giờ cô dám nghĩ có một ngày sẽ xa biển. Vậy mà bây giờ…
- Con vào Sài Gòn đi may. Má thấy đó, may vá ở đây ế ẩm quá. Con ráng làm phụ má nuôi các em và cho thằng Luận đi học lại, không cho nó đi biển nữa.
Má ôm Lan vào lòng. Và khóc. Lan cũng khóc. Từ khi cơn bão đi qua, gia đình cô luôn có tiếng khóc. Nhà chỉ còn thằng Luận là đàn ông, có đêm thức giấc Lan gặp nó ngồi lặng lẽ khóc.
- Má đừng khóc nữa, mai mốt con sẽ về thăm má, có đi luôn đâu.
Má biết Lan đã chuẩn bị cả rồi, cũng như thằng Luận, không gì có thể cản được. Lan bỏ quê hương, nơi đã cưu mang nuôi nấng cô lớn khôn, chỉ vì biển đã gây quá nhiều mất mát. Ai cũng bỏ đi như Lan lấy ai ở lại với biển? Má lại đến bàn thờ ba và anh Hai thắp nhang:
- Ông và thằng Luân phù hộ cho con Lan!
*    *    *
Vào Sài Gòn được tuần Lan viết thư về: “… Má ơi! Con nghĩ rằng sẽ mãi mãi căm giận biển, thù ghét biển. Nhưng không, hàng đêm con vẫn thao thức không sao ngủ được. Thành phố về đêm nhộn nhịp, tiếng xe cộ ầm ầm nhưng con vẫn nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào từ quê nhà vọng đến. Dường như biển gọi con về”.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Tấn

Nguồn tin: Tuyển tập truyện ngắn TG (1975 - 2005)