Bí mật đêm giao thừa

Hồi ấy, bếp nhà ngoại lúc nào cũng rực ánh lửa hồng trong đêm giao thừa, và lũ trẻ thì tụ tập quanh bà vừa nghe kể chuyện vừa chong mắt vào nồi nấu bánh to tướng cứ sôi lên ùng ục. Bà biết rất nhiều chuyện đời xưa, chuyện lạ, những chuyện có khi nghe nhiều lần mà vẫn không thấy chán.
Đêm giao thừa, chuyện “Con chó Ngao” khiến chúng tôi luôn cảm thấy “bất an”.

- Ở trên trời có con chó Ngao hung dữ, nó “bự” như vầy, mắt nó to bằng quả dưa hấu chứ không ít, mỗi năm cứ đến đêm giao thừa nó thường lẻn xuống trần gian để trừng trị những đứa con nít trong suốt một năm qua đã dám hỗn hào với ông bà cha mẹ, nói dối, trốn học, ăn cắp…

- Đứa nào mắc lỗi cũng bị trừng trị hết sao bà?

- Không đâu, nếu đã lỡ phạm lỗi mà đứa trẻ đó biết ăn năn hứa sửa chữa thì nó sẽ chờ cho đến năm sau.

Nghe thế, trong lòng chúng tôi ai nấy rộn lên lời “sám hối” quyết tự sửa mình chẳng dám lơ là và cảm thấy… đỡ lo. Bà thường kể chuyện Thạch Sanh chém Chằn, chuyện Tấm Cám, sự tích trầu cau..

Thỉnh thoảng những cây củi dài thượt lại được cho vào lò để ngọn lửa hồng tỏa sáng dưới đáy nồi trong đêm đen sâu thẳm. Ngày ấy miệt quê không hề có điện, không có phương tiện nghe nhìn mà thay vào đó chỉ là ánh lửa hồng và trí tưởng tượng.

Có một bí mật lớn trong đêm giao thừa mà bà luôn rất quan tâm, đó là lắng nghe “con vật nào ra đời”. Nó chính là “điềm báo” cho trọn cả năm mới. Nhưng vì đâu lại có chuyện lạ kỳ như thế?

- Bà ơi, năm Tý là con chuột, năm Sửu là con trâu… sao lại còn có con gì nữa?

Bà diễn giải:

- Đó là con vật sẽ xuất hiện ngay trong giờ khắc giao thừa. Đúng lúc nửa đêm, nếu có tiếng con vật nào kêu lên thì chính là con vật ấy ra đời. Qua nó, ta còn có thể suy đoán “hung, kiết” cho cả năm đấy cháu à.

Chúng tôi vô cùng háo hức, nhưng cũng chẳng thể thức đến giao thừa, vì thế sáng mùng một Tết năm nào cũng nghe bà kể lại. Có lần bà hết sức vui khi đoán:

- Năm nay được mùa nhưng phải rất cẩn thận, còn bầy trẻ thì học hành giỏi. Tốt lắm… Hồi hôm con chuột ra đời.

- Bà ơi, chuột thì sao lại được mùa và học giỏi nữa?

Bà giải thích:

- Con chuột vốn cắn lúa, phá hại hoa màu… Nếu không có lúa thì nó lấy gì mà cắn? Còn việc học hành thì trong Lục Vân Tiên có câu “Gặp chuột ra đàng con mới nên danh”, ý nói về chuyện học hành thành đạt có phải không?

Hóa ra là thế.

Có năm, bà phấn khởi thông báo: “Năm nay nhà ta tha hồ có khách, nghe...” bởi ngay lúc giao thừa thì có tiếng chó sủa. Có khách thì chó mới sủa, “chó đâu chó sủa lỗ không…” mà.

Nhưng rồi vào một năm, suốt cả buổi sáng không ai được nghe lời bà tiên đoán.

- Bà ơi, năm nay con gì ra đời vậy?

Bà ậm ừ rồi nói khẽ “Đừng hỏi, con”, sắc mặt đượm buồn, thỉnh thoảng còn lâm râm khấn vái. Rõ ràng đang có chuyện hệ trọng xảy đến, bà thường có thái độ ấy mỗi khi phải né tránh chuyện đau lòng nào đó mà không thể thốt ra.

Tất cả có liên quan đến con vật trong đêm giao thừa rồi, bởi vì điều ấy hiển nhiên ảnh hưởng đến chuyện “hung, kiết” cả năm, còn là “điềm báo” cho hạnh phúc những người thân yêu ruột thịt. Bà đã biết tất cả và một mình can đảm ôm lấy nỗi khổ riêng trong lòng. Chúng tôi không ai còn dám đá động đến con vật ra đời nữa, nhưng lòng cứ tò mò thắc mắc mãi.

Rõ ràng bà đang cất giữ một điều bí mật, nhưng hết Xuân rồi đến Hạ, hết Hạ sắp chuyển sang Thu mà bà vẫn chưa hề một chút hé lộ, mọi người cũng dần quên bén, chỉ riêng tôi bí ẩn vẫn còn nguyên vẹn trong lòng.

Một hôm vào khoảng cuối năm thấy bà vui vẻ, tôi lập tức hỏi ngay về con vật đêm giao thừa năm trước, bà đã không còn la rầy mà lại vui miệng mắng yêu:

- Đồ con khỉ. Nhớ làm chi chuyện ấy? Cũng may, hết năm rồi nhà ta chẳng có việc gì xảy ra, nếu không thì….

- Bà ơi, vậy là sao hả bà?

- Cháu biết không, năm rồi chính con cú ra đời đó.

Con cú là loài chim ăn đêm, đối với bà nó chuyên mang lại điềm gở, mọi điều xui xẻo. Cú có hành tung lén lút, không minh bạch, khó phát hiện và nguy hiểm hơn khi nó có thể làm cho con người phải lụy theo. Tôi chưa từng thấy con cú bao giờ nhưng nhiều lần vào ban đêm khi có tiếng cú kêu trên trời thì bà lại lâm râm khấn vái để trong nhà trong cửa được bình yên.

Tội nghiệp cho bà tôi quá. Chỉ vì tiếng kêu ngẫu nhiên của loài chim hoang dã trong đêm giao thừa, đã khiến bà ôm lấy sự lo lắng phiền não suốt cả năm. Bà là vậy, lúc nào cũng tự nguyện hy sinh gánh vác mọi phiền lụy vì niềm vui, sự yên bình của đàn con đàn cháu thân yêu.

Tác giả bài viết: Lê Tư