Về lại trường xưa

Chưa đến 6 giờ, Thanh đã có mặt tại cổng trường, chú bảo vệ vội vàng dẫn anh lên phòng Ban giám hiệu, mở cửa cho anh vào. Thanh quan sát căn phòng quen thuộc. Cái bàn chính giữa là của hiệu trưởng Phan, vách bên kia của cô hiệu phó, vách bên đây là cái bàn của anh, hiệu phó kiêm bí thư chi bộ.

Chính giữa là bộ ghế sa- lon bằng gỗ cẩm lai để Ban giám hiệu ngồi họp bàn, hoặc tiếp khách. Cũng tại cái bàn này, cách nay tròn một năm, anh đã nghe:

- Chúc anh đi mạnh khỏe, thành công trong vai trò mới, thử thách mới xứng đáng với sự giới thiệu của tập thể, sự tin tưởng của lãnh đạo địa phương và lãnh đạo Sở…

Thanh gượng cười cầm lấy bàn tay tròn trịa mát lạnh của Phan, nhìn thẳng vào gương mặt tròn trịa cố tỏ vẻ chân thành nhưng không giấu được vẻ giả tạo của ông hiệu trưởng đã gần gũi gắn bó với mình  suốt mười sáu năm  qua.

- Trường Sình Hù mà có anh về thì vài năm sau sẽ vươn lên đứng vào top ten trong tất cả các trường trung học phổ thông của tỉnh cho coi. Lãnh đạo sở và huyện đúng là có cái nhìn sáng suốt khi chọn anh, đề bạt anh làm hiệu trưởng trường đó.

Thanh nhếch môi cười và đưa tay bắt lấy bàn tay nhỏ nhắn, đen đúa của Chân, tổ trưởng bộ môn văn và anh có lạ gì với cái giọng khéo luyện nên trở thành ngọt ngào mỗi khi  dùng những lời lẽ sáo rỗng để tung hứng nịnh nọt người khác.

Thanh xuống nhà xe, lặng lẽ dắt xe ra khỏi cổng. Thanh nhìn lại ngôi trường khang trang với ba dãy phòng xếp hình chữ U, một mặt trống ngó ra đường quốc lộ, dãy giữa nguy nga với ba tầng phòng học, tầng trên cùng vẫn còn cao hơn ngọn những cây bàng anh đã tổ chức trồng trên sân chưa kịp khép tán. Thanh không vội nổ máy chạy đi, anh chầm chậm dắt xe đi giữa hai hàng cây bạch đàn trồng ven hai bên lối đi mà nghe lòng dâng lên cảm giác chua xót muốn ứa nước mắt.

Không chua xót sao được khi phải rời ngôi trường mà mình đã gắn bó suốt  mười sáu năm qua, phải ra đi một cách lặng lẽ, không một buổi tiệc liên hoan chia tay với tất cả đồng nghiệp với hơn năm mươi thành viên, mà chỉ nghe những lời chúc tiễn biệt  mang đầy  âm hưởng mỉa mai đắc thắng của những người chỉ mong muốn anh ra đi càng sớm càng tốt. Có lẽ, hai tuần nữa, trên sân trường này, gần hai ngàn học sinh với năm mươi nhăm cán bộ giáo viên, à không năm mươi ba người thôi vì ngoài anh, còn có thầy Mai,  đảng viên trẻ, giáo viên môn giáo dục công dân, bí thư đoàn trường cũng đã “được tăng cường” cho một trường bán công gần đó.

“Tăng cường”! Ờ, cũng toàn vận dụng quan điểm, lập trường của Đảng, vì vai trò trách nhiệm, vì sự nghiệp giáo dục mà anh và thầy Mai chớ không phải ai khác phải ra đi khỏi mái trường này - Trường đầu đàn của huyện, trường điểm của tỉnh… Người ngoài không biết, cho rằng anh thuộc diện ưu tiên tăng cường cho trường còn yếu kém. Xem ra, như vậy, anh cũng còn may mắn hơn thầy Mai, một đảng viên trẻ sôi nổi, nhiệt tình, trung thực, thẳng thắn. Ừ, cũng chỉ vì quá nhiệt tình, sôi nổi, trung thực, thẳng thắn đó mà Mai luôn mạnh dạn đấu tranh, phê phán những yếu kém của Ban giám hiệu và đã được điều động về một trường bán công của huyện… cũng với lý do tăng cường sự lãnh đạo của Đảng (!)

Thanh ngao ngán khi nghĩ đến những lý luận mà anh đã học với thực tiễn cuộc sống mà anh đã trải. Sự lãnh đạo của Đảng trong ngành giáo dục, anh là bí thư chi bộ, là hiệu phó đó, nhưng mọi chuyện bàn bạc thống nhất trong chi bộ, hiệu trưởng Phan không thực hiện cũng chẳng sao. Chuyện gì hiệu trưởng cũng phát biểu: “Tôi chịu trách nhiệm với lãnh đạo Sở…”. Cho dù ý kiến đó khác với nghị quyết của chi bộ. Mọi chuyện trong nhà trường, hiệu trưởng là người quyết định thì anh lãnh đạo thế nào để không mang tiếng là tranh giành quyền lực... Và, những bất đồng trong công việc lãnh đạo trường đã khiến anh và Phan, hai người bạn thân từ ngày mới ra trường về đây công tác trở thành hai người đối lập nhau. Thanh không chịu nổi khi có người hiểu lầm anh phê phán Phan chỉ vì muốn lật đổ Phan để được làm hiệu trưởng.  Chính vì vậy mà những phản ánh của anh với lãnh đạo huyện và Sở về Phan đều không được tin tưởng, người ta cho rằng anh nói xấu để hạ uy tín của Phan. Thanh, bí thư chi bộ mà nói chẳng ai tin và chẳng làm gì được Phan nên những giáo viên khác lúc đầu còn bộc lộ thái độ ủng hộ Thanh, phê bình Phan sau cũng sợ và làm ngơ. Chỉ có anh chàng Mai, ruột để ngoài da và không chút e dè nói thẳng với cái tâm trong sáng, muốn góp ý xây dựng đồng chí của mình, tránh vấp phải khuyết điểm. Vì, để bảo đảm sự đoàn kết trong Đảng, không muốn xung đột căng thẳng mang tiếng và mất đi danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh nên có những điều bất đồng, Thanh chỉ nhắc khẽ Phan, anh ta có nể nang nghe theo thì nghe, không nghe  thì thôi.  Nhớ, có lần, Phan đã ký hợp đồng mua cây về trồng ven lối đi vào sân trường, nhưng Thanh không biết. Anh đã lỡ nhờ Mai xin người bạn ở vườn ươm Chi cục kiểm lâm số cây bạch đàn và bàng đủ để trồng cho cả khuôn viên của trường. Khi, Thanh triển khai cho Đoàn trường tổ chức đoàn viên học sinh lao động trồng cây tạo bóng mát cho trường thì… Phan bực mình, nóng nảy quát Thanh trước mặt học trò:

- Anh có biết, ở đây, tôi là Hiệu trưởng, là chủ tài khoản, có quyền  quyết định chỉ đạo cho mua cây giống ở đâu, số lượng bao nhiêu không? Anh tưởng, lợi dụng quen biết, giành lấy phần mua cây để hưởng huê hồng à. Anh mua cứ mua, trồng cứ trồng, tôi không ký chi tiền đâu…

Chuyện vỡ lở ra, Phan bối rối và đâm ra khó xử khi biết rõ số cây mà học sinh đang trồng trong trường là do Thanh vận động và nhờ Mai xin về trồng, không tốn đồng nào, chỉ tốn chi phí chuyên chở một ít. Còn chuyện hợp đồng mua bán, trích huê hồng kiểu gì, Thanh có làm lần nào đâu mà biết, vậy mà Phan nỡ nghĩ anh như vậy. Vô họp chi bộ, cả hai hòa giải, hợp đồng mua cây của hiệu trưởng Phan với một trại ươm tư nhân phải hủy bỏ… Thanh cũng vui vẻ bỏ qua, để Phan hiểu lầm mình, anh không muốn. Chỉ có anh chàng Mai, nhẹ nhàng phê bình Phan nóng tính, chưa nắm rõ đầu đuôi sự việc đã phát ngôn bừa bãi không đúng chỗ khiến Thanh sượng sùng trước các em học sinh chứng kiến hôm đó. Đề nghị Phan nên rút kinh nghiệm. Tổ trưởng Văn - Thầy Chân, với vóc dáng nhỏ thó, loắt choắt đứng lên nói:

- Chuyện nhỏ thôi, không có gì phải bàn tới bàn lui làm rùm beng lên, ai mà chẳng nóng tính, có lúc học trò ngỗ nghịch quá mình cũng không dằn được, đứng trước lớp quát tháo đòi đuổi hoài…

- Nhưng thưa thầy, ở đây thầy Thanh không phải là một đứa học trò ngỗ nghịch, mà là một hiệu phó, một bí thư chi bộ lại bị hiệu trưởng quát trước mặt học trò, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến uy tín, đến danh dự của thầy Thanh - Anh chàng Mai không hài lòng nói lại với giọng gắt gỏng.

Thấy sắp có tranh cãi, mà lại tranh cãi vì mình nên Thanh đã khéo léo lái cuộc họp bàn sang vấn đề khác, không muốn người ta hiểu lầm mình cạnh tranh với Phan, lợi dụng chuyện nhỏ làm ra to. Có lần, Thủy kế toán làm phiếu chi tiền photocoppy có đến hơn một triệu, anh bảo anh không nắm rõ số lượng văn bản của trường đã photo nên không ký duyệt chi. Kế toán Thủy gay gắt phê phán anh nhút nhát, khó khăn, nguyên tắc v.v… Anh không ký thì ông Phan ký. Sau đó, họp Ban giám hiệu, ông Phan quyết định anh chỉ phụ trách chuyên môn, phân công và theo dõi giáo viên lên lớp, chất lượng giảng dạy, kiêm hoạt động của công đoàn và đoàn trường… Phan hiệu trưởng, chủ tài khoản, phụ trách chung và tài chánh đơn vị… Từ đó, Thanh không biết gì về kinh phí hoạt động của trường nữa. Phan muốn chi gì thì chi, tính Thanh cũng không muốn dây dưa vô chuyện tiền bạc dễ mang tiếng.

Có sự ủng hộ của Phan, Chân chẳng xem ai ra gì, ngày càng hách dịch, hở có chuyện gì cũng nói như hăm dọa: “Được rồi, để tôi báo với anh Phan…”; để lời nói của mình thêm trọng lượng, Chân thường đệm vào câu: “Anh Phan nói...”, “Anh Phan bảo…” . Chẳng hạn như năm nào cũng vậy, khi phân công giáo viên trong tổ đứng lớp, Chân đều chọn lớp có thành tích tốt nhất của năm học trước cho mình; lớp nào có học sinh cá biệt nhiều, học dở thì giao cho giáo viên khác, với lý do: “Anh Phan nói để tạo điều kiện cho thầy cô giáo trẻ dạy hay, có kinh nghiệm…”. Lúc có cán bộ Sở về kiểm tra đòi dự giờ, Chân cũng bảo: “Anh Phan nói… cô cần làm quen với cán bộ sở…”. Thật ra, ngay từ khi chưa làm tổ trưởng, Chân buộc phải dạy một tiết mẫu cho các giáo viên trong tổ dự giờ, ai ngờ, anh ta bị các giáo viên khác đóng góp hạn chế nhiều quá. Mười mấy năm qua, Thanh chưa hề thấy Chân, một giáo viên Ngữ văn đọc tờ báo, xem cuốn sách nào cả, hỏi sao dạy hoài không có tiến bộ. Anh ta không dám đăng ký dạy thao giảng cho giáo viên trong tổ dự giờ vì sợ tổ viên nêu ra những hạn chế của mình, mất uy tín, nên kiếm đủ lý do để né tránh. Mà đã dạy dở, Chân lại còn giành làm tổ trưởng… Tài nịnh hót của Chân trở thành giai thoại, thành mẩu tiếu lâm ai cũng biết. Hôm đó, Chân vào phòng giáo viên, rót nước ra và móc túi lấy bọc thuốc để uống, miệng than:

- Cả tuần này, người uể oải, mệt mỏi nhưng lên lớp liên tục nên ho quá trời… - Nói đến đó, thấy hiệu trưởng Phan bước vô, anh nói luôn

 - A, anh Phan, khỏe không anh, uống thuốc nghen…

- Uống cái gì? Trời đất! Uống thuốc mà ông cũng mời nữa hả, ông muốn tôi bệnh theo à… Mọi người ngồi đó nhìn thấy rõ Chân rót ly nước vừa đẩy qua chỗ hiệu trưởng, đẩy luôn cả bọc thuốc vừa cất lời mời khiến không ai nhịn cười được… Từ đó, mẩu chuyện này lan truyền cả trường, kể cả học trò cũng biết; thấy Chân đi ngoài hành lang, mấy đứa đùa nhau: “Khỏe không anh, uống thuốc nghen!”.

Chất lượng giảng dạy của trường ngày càng tuột dốc, mà lãnh đạo địa phương không can thiệp vào chuyên môn, còn lãnh đạo Sở ở ngành dọc thì nghe theo báo cáo của Ban giám hiệu… cho là tại học sinh nhằm đợt dở… Mà ai cũng biết, khi tuyển vào ở khối lớp 10, điểm chuẩn của trường lúc nào cũng cao hơn tất cả các trường khác trong huyện. Trong một phiên họp chi bộ, Mai đã từng nêu lên ý kiến cần tổ chức dự giờ, đánh giá chất lượng giảng dạy từng thầy cô để đồng nghiệp kịp thời góp ý, rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng Chân phản đối quyết liệt. Phan lại tỏ ra tôn trọng dân chủ, đề nghị biểu quyết. Chỉ có 2/5 đảng viên đồng ý với ý kiến của Mai, nghĩa là không thể thực hiện được. Đâu ai báo cáo tình trạng vô lương tâm, thiếu trách nhiệm của những ông thầy như Chân… Học trò rất thích học thầy Chân, bởi vì lỡ trả bài không thuộc, làm bài kiểm tra không được thầy vẫn cho trên sáu điểm(?). Học sinh bỏ học, vi phạm kỷ luật cỡ nào cũng xếp đạo đức khá, tốt nên được học sinh và  phụ huynh thích. Nghỉ lỡ quá số buổi qui định thì tìm đến nhà thầy sẽ có cách giúp để đủ chuẩn đi thi… Có rớt là tại học trò dở, đâu ai nói tại thầy dở…

Thanh và Mai cảm thấy bất lực và chấp nhận ra đi, đương đầu với thử thách ở môi trường mới với nhiều khó khăn hơn.

Thế rồi, đùng một cái, thằng con trai ông Phan một bữa trốn học về nhà bất ngờ thấy kế toán Thủy, vợ thầy Chân đang “vui vẻ” với ba của mình, nó thiếu kinh nghiệm nên la um sùm lên làm cả xóm đều biết.

Chân đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng bà vợ ông  Phan đâu chịu để yên, buộc chồng cho vợ Chân nghỉ việc, làm cô này tức… vì đã tốn hao… vốn tự có cho thủ trưởng, tưởng được lâu dài, ai ngờ phải trắng tay nên khai luôn chuyện hiệu trưởng tự ý đi mua thiết bị văn phòng, thiết bị thí nghiệm, đồ dùng dạy học… kê khống giá lên cao, làm chứng từ giả v,v… Chuyện hiệu trưởng bác bỏ ý kiến công đoàn xin mua máy photocoppy để vợ ông độc quyền thầu toàn bộ photo mọi thứ văn bản của trường, hàng tháng phải chi cả triệu đồng. Mà, trong lúc tức giận, cô nàng đã gởi đơn thưa  khắp nơi, với đủ chứng cớ  để thanh tra phải vào việc… Để  rồi ông Phan cũng phải chịu kỷ luật… bị chuyển ngành…

Và, bây giờ, Thanh đã phải nhận nhiệm vụ trở lại ngôi trường này với cương vị mới. Xem như anh đã trải qua thử thách với vai trò hiệu trưởng ở một ngôi trường nhỏ, đã đạt được một số thành công, đó là kết nạp được thêm 3 đảng viên mới, để thành lập được chi bộ, và nay trường cũ cần, anh phải quay trở lại, còn trường Sình Hù giờ cũng đã  có người thay thế  chức hiệu trưởng của anh theo đủ chuẩn tổ chức yêu cầu.

- Anh Thanh khỏe hả? Đang nhớ chuyện xưa, Thanh giật mình khi thấy  Chân bước vô tới cửa phòng và giọng nói rổn rảng vang lên:

- Ờ, cũng khỏe.

- Tôi nói có sai đâu. Anh vô Sình Hù để thử thách, để xây dựng phong trào rồi quay về đây làm hiệu trưởng mà… Giọng ngọt như mía lùi của Chân, Thanh nghe cũng y bản chất cũ, nịnh nọt… Nhưng Thanh không phải như ông Phan, anh nhẹ nhàng bảo:

- Ờ... Năm nay, tôi cũng cần có anh ủng hộ việc tôi quyết định cho từng tổ bầu chọn. Ai muốn làm tổ trưởng phải lập một bản phương hướng kế hoạch xây dựng hoạt động của tổ, báo cáo để anh chị em đánh giá và quyết định lựa chọn cho chính xác người đủ năng lực, phẩm chất làm tổ trưởng của mình…

- Ờ, tôi cũng mệt mỏi quá rồi…

Chân nói thều thào, cái giọng ngọt ngào đột nhiên biến mất và gương mặt choắt, tái đi trông như đen hơn… Từ ngày, Thủy vợ anh ta bị buộc thôi việc xin làm kế toán chẳng cơ quan nào dám nhận đành phải về nhà mở quán bán cà phê, Chân cũng phải phụ vợ chạy bàn. Thanh mỉm cười và nhớ năm trước, sau ngày anh rời mái trường này, vợ chồng Phan, vợ chồng Chân đã làm thịt hai con vịt ăn mừng đã đẩy được anh và Mai rời khỏi trường. Bây giờ, Thanh đã có thừa kinh nghiệm không để họ hại mình bằng những lời nịnh nọt như đã từng hại Phan. Ở đây, ngôi trường này, Thanh biết cũng còn nhiều thầy cô khác đủ tài đức, lương tâm trách nhiệm xứng đáng để anh tin tưởng hợp tác, cùng nỗ lực vực dậy ngôi trường này…

Tác giả bài viết: Mai Bửu Minh

Nguồn tin: Văn nghệ Tiền Giang số 76